Chi tiết tin tức Đóng góp của Ni giới trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Nam Việt Nam 20:45:00 - 27/06/2021
(PGNĐ) - Năm 1931, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thành lập tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, chính thức phát động cho một phong trào chấn hưng rộng khắp cả nước. Với tinh thần, trách nhiệm của mình, ni giới Việt Nam đã tham gia tích cực vào các hoạt động chấn hưng, cải cách đạo Pháp.
Về phương diện tổ chứcĐể lãnh đạo công cuộc chấn hưng, các tổ chức Phật giáo được thành lập ở nhiều địa phương trong cả nước. Song nếu nhìn vào đội ngũ nhân lực tham gia thì chúng ta sẽ thấy rằng các tăng sĩ và nam cư sĩ mới là lực lượng đóng vai trò chủ đạo. Ni giới hay nữ giới gần như rất ít xuất hiện trong cơ cấu nhân sự của các tổ chức. Điều này đã tạo nên những sự thiệt thòi nhất định cho chư ni. Bởi chưa đứng được vào hàng ngũ của các tổ chức cũng đồng nghĩa là chư ni chưa thể phát huy được tiếng nói độc lập của mình. Trên thực tế, các bản quy tắc, điều lệ của các tổ chức Phật giáo đều không đưa ra bất cứ một chủ trương hay các điều khoản cấm đoán nào đối với ni giới mà ngược lại là do nhiều ni sư đã thiếu sự mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm. Để ni giới có một đoàn thể thật sự vững chắc và để tạo nên một sự thay đổi có tính toàn diện cho Phật giáo thì các ni sư buộc phải tham gia vào quá trình chấn hưng Phật pháp. Phát biểu tại chùa Hội quán Linh Sơn, Ni trưởng Diệu Tịnh đã có những dẫn giải rằng: Vì muốn chuyển tải các giá trị cao đẹp của Phật giáo vào trong đời sống con người nên các nhà trí thức ở Trung Hoa, Nhật Bản và Âu Mĩ mới tích cực đứng ra vận động xây dựng tổ chức, tuyên truyền giáo lí nhà Phật. Như ở Trung Hoa có Phật học uyển Thế giới, Hội Liên hiệp Phật giáo thế giới tại Lô Sơn, Viện Phật học Vũ Xương, Phật học uyển Hà Nam; tại Nhật Bản có Hiệp hội Phật giáo Quốc tế, Hội Phật giáo Thanh niên… Tại Việt Nam, các vị cao tăng đại đức và cư sĩ nhiệt tâm cũng đã đem hết tinh thần, nghị lực để tổ chức nên các Hội Phật học. Đó là những thành quả mà chư tăng đã cống hiến cho Phật giáo nước nhà. Vậy còn chư ni nghĩ sao? Chư ni cũng nên suy nghĩ các phương pháp để hỗ trợ chư tăng chứ chẳng nhẽ cứ điềm nhiên, tọa thị rồi ngoảnh mặt làm ngơ hay sao. Trong số ni lưu, nếu ai là người có lòng thành tâm muốn gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của đạo Phật thì hãy tán thành và ủng hộ các tổ chức trong công cuộc chấn hưng Phật giáo(1). Chư ni không nên tự cho mình là tài trí thấp hèn mà nhàn ẩn nơi tịch mịch, chỉ lo phần tự độ. Ngược lại, chư ni phải lau gương trí huệ, soi mặt bản lai, đánh tiếng kim chung mà thức tỉnh người mê mộng, nắm tay, dìu dắt nhau ra khỏi nhà lửa tam giới, để về đến cõi nhất thừa. Phàm đã là người xuất gia thì phải đoạn trừ được lòng ích kỉ, phải bỏ những hủ tục lạc hậu, vứt bỏ túi tham vô đề, bẻ gãy luôn tư tưởng ngạo mạn, mở rộng lòng bác ái, học hạnh từ bi, trau dồi kiến thức, cùng nhau chỉnh đốn ni giới cho có trật tự, cho có đoàn thể, rồi phải gom hết tài lực và nhân lực mà chung lo cho công việc chấn hưng Phật pháp. Đã là đồng văn, đồng chủng, đồng đạo, đồng tông Thích, đồng thân phận phụ nữ thì phải thương yêu, đoàn kết để cùng nhau thực hiện các lời di huấn của đức Phật. Nếu làm được như thế thì bên chư tăng dù có dùng kính hiển vi để soi xét cũng không thể lấy cớ gì mà xem thường hay chê trách chư ni được(2). Nếu như ở tầm vĩ mô, chư ni tích ủng hộ chủ trương chấn hưng Phật giáo của các tổ chức thì ở tầm vi mô, cái mà họ hướng đến chính là nơi cư ngụ và thực hành đời sống đạo. Thoạt nhìn trong bối cảnh hiện nay thì đó là những yêu cầu khá giản dị và bình thường bởi số lượng ni tự, ni viện đã khá phong phú. Nhưng tại thời điểm lúc bấy giờ, các ngôi chùa dành cho ni giới rất ít. Phần lớn chư ni đều phải tham gia sinh hoạt chung với chư tăng trong các chùa. Thậm chí, trong một vài trường hợp, do những định chế khắt khe của truyền thống Nho giáo, chư ni không được sống trong chùa mà phải ở các am, miếu hoặc những nơi cạnh chùa. Chúng ta sẽ thấy rõ vấn đề này qua các miêu tả của nữ cư sĩ Trần Nguyên rằng: Tại Nam kì, số lượng chư ni không phải là ít. Tuy nhiên, trong hơn 2 nghìn ngôi chùa tại vùng đất này thì có được bao nhiêu ngôi chùa dành cho ni giới. Vì thiếu chùa nên chư ni buộc phải cư trú chung với chư tăng. Từ đó, dẫn đến nhiều tấm bi kịch diễn ra trong chốn thiền môn. Vậy mà lâu nay, không thấy có vị cao tăng, đại đức hay cư sĩ nào lên tiếng để ni giới có được các ni tự, ni viện, các Phật học đường làm chỗ dung thân, tu học(3). Cũng chính vì thiếu cơ sở thờ tự để hành đạo nên ni giới dù có muốn chuyên tu, khổ luyện đi nữa cũng chẳng biết an trụ vào đâu. Vừa ở chùa này được một thời gian thì đã xảy ra chuyện rồi lại phải qua chùa khác, nay đây mai đó, gián đoạn công phu sớm chiều. Nhiều người vì sự trớ trêu của hoàn cảnh đã không đủ tinh thần, nghị lực để đối phó với những tình thế xô đẩy, những lời dị nghị của thế gian mà đành phải dứt bỏ sự nghiệp tu hành. Phật giáo vốn dĩ không cấm đoán chư ni lập chùa riêng để phụng thờ và sinh hoạt. Ở miền Bắc, chùa ni xuất hiện từ rất sớm, nhưng ở miền Trung và miền Nam trước thế kỉ XX, gần như rất ít chùa ni được xây dựng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này? Theo Hòa thượng Khánh Hòa: “Hồi trước mấy bà vãi từ bốn năm mươi tuổi mới vào chùa. Gần 20 năm nay nhiều cô tuổi nhỏ phát tâm tu hành. Số ấy càng ngày càng đông, nên cần phải lập chùa riêng cho ni lưu. Mà cần nhất phải lập qui tắc nhất định theo luật. Trong luật có nói chùa Tỳ kheo ni cất không cách quá 1 cây số cùng chùa Tỳ kheo tăng đặng tiện bề tùng giới khai kì. Thường lệ thì bữa Rằm và 30, Tỳ kheo ni đến chùa Tỳ kheo tăng học hỏi còn bữa 16 và mồng Một thì Tỳ kheo tăng qua chùa Tỳ kheo ni chỉ dạy kinh luật”(4). Nam bộ là vùng đất sớm tiếp biến với văn hóa, văn minh phương Tây lại là vùng đất khá trù phú về điều kiện sinh kế, số lượng nữ phật tử cũng rất đông, vậy đúng ra là phải có nhiều ngôi chùa ni đã được xây dựng mới phải. Song qua sự phản ánh của các nhà vận động chấn hưng Phật giáo có thể thấy rằng, tình trạng thiếu chùa cho ni giới sinh hoạt vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương trên đất Nam bộ. Thật khó để đưa ra một câu trả lời hay những sự lí giải thực sự thuyết phục cho vấn đề này. Bởi các giả định như do khó khăn về điều kiện kinh tế, Phật giáo không được dân chúng ủng hộ, tư tưởng khắt khe của chế độ phong kiến,… đều tỏ ra thiếu thuyết phục trong trường hợp này. Dù chưa xác định được nguyên nhân, song phải thừa nhận rằng, trong giai đoạn chấn hưng, tình trạng ni giới thiếu chùa ở Nam bộ đã được cải thiện một cách đáng kể. Rất nhiều ngôi chùa đã được chư ni vận động thành lập như: Chùa Giác Hoa (chùa cô Hai Ngó) được Ni sư Hồng Nga thành lập tại Bạc Liêu vào năm 1920; chùa Từ Hóa được các Ni trưởng Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Tánh, Diệu Thuận vận động xây dựng từ năm 1934 tại làng Tân Sơn Nhì (Gia Định); chùa Phật Bửu do Ni trưởng Thích Nữ Liễu Tánh thành lập từ năm 1947 tại Tiền Giang… Trong đó, nổi bật là Hải Ấn ni tự của Ni trưởng Diệu Tịnh. Nguyên ngôi chùa này có nguồn gốc từ chùa Từ Hóa. Đến năm 1936, chùa được Ni trưởng Diệu Tịnh di chuyển về làng Tân Sơn Nhất và đổi tên thành Hải Ấn Ni tự (nay nằm ở đường Trần Tấn, phường 14, Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài mục đích tạo lập các cơ sở thờ tự, tu học, việc thành lập ngôi chùa này còn hướng đến việc quy tụ và phát triển ni giới Nam bộ dưới một tinh thần đoàn kết, thống nhất: “Nay ni tự này thành lập, đã có cơ sở cho phái ni lưu, người nào đã biết rõ thời cơ, phát tâm tu hành mà sợ những tiếng thị phi thì xin ở cùng chúng tôi mà tu học, để tránh cái ám muội mà bước lên con đường chính đại quang minh. Ấy là chưa nói đến sự rèn đúc nữ tài, tập thành nghề nghiệp để cho thích hợp với sự sinh hoạt hiện thời là khác nữa. Nếu chúng tôi được số đông chị em đồng chí và được nhiều nhà đạo tâm hỗ trợ, thì chúng tôi quyết ra tay dìu dắt, dốc chí tu trì để nâng cao cái trình độ cho ni lưu mà làm sao cho đạt đến cái mục đích tự tha kim lợi”(5).
Bên cạnh việc tự mình vận động để xây dựng chùa thì một số chư tăng và Phật tử hữu tâm cũng đã ủng hộ và chuyển giao các cơ sở thờ tự lại cho chư ni. Chẳng hạn như chùa Kim Sơn do bà Năm Chanh hiến tặng cho ni sư Diệu Tấn từ năm 1939; chùa Huê Lâm do ông bà Nguyễn Kì Sắc phát tâm cúng dường lại cho Sư trưởng Như Thanh từ năm 1945; chùa Vĩnh Bửu ở Mỏ Cày, Bến Tre được Hòa thượng Khánh Hòa giao lại cho Ni trưởng Diệu Ninh (1946); chùa Phước Huệ ở Sa Đéc được Hòa thượng Chánh Quả giao lại cho Ni sư Như Hoa; chùa Dược Sư do Hòa thượng Chánh Tạo khai sơn năm 1931, đến năm 1950, Ni sư Như Hòa đã cho trùng tu, tôn tạo để cho ni giới sinh hoạt; chùa Từ Nghiêm cũng được chuyện giao cho ni giới từ năm 1955… Bước ngoặt đánh dấu sự thành công về phương diện tổ chức của ni giới Nam bộ, chính là việc thành lập Ni chúng bộ tăng Nam Việt của Giáo hội Tăng già Nam Việt vào năm 1954. Dưới sự dẫn dắt của Sư trưởng Như Thanh (Trưởng ban lâm thời), Ni chúng bộ tăng sau gần hai năm hoạt động thử nghiệm đã cho thấy được những hiệu quả tích cực, nhất là về phương diện giáo dục, đào tạo và hoằng pháp. Điều này càng minh chứng thêm cho tính đúng đắn của Giáo hội Tăng già Nam Việt khi đưa ra chủ trương đoàn kết, thống nhất ni giới trong toàn miền Nam. Do vậy, từ ngày 6 đến 7/10/1956, một đại hội ni giới quy mô đã được tổ chức tại chùa Huê Lâm thu hút sự tham gia của đông đảo các tăng ni, Phật tử đến từ các tỉnh thành Nam Bộ lẫn Trung Bộ. Chủ trì đại hội là Hòa thượng Thích Thiện Hòa (Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt), Thư kí là Hòa thượng Thiện Định và Kiểm soát là Ni sư Thông Huệ. Sau phiên trù bị để thông qua đoàn chủ tịch và chương trình nghị sự, đại hội đã bước vào phiên làm việc chính thức. Với những cống hiến quan trọng của mình, Sư trưởng Như Thanh tiếp tục được đại hội tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Quản trị chính thức. Bản nội quy hoạt động của Ni chúng bộ tăng sau các lần hiệu chỉnh, bổ sung cũng đã được thông qua tại hội nghị này. Sự ra đời của Ni chúng bộ tăng được xem là một bước tiến vô cùng to lớn trong tiến trình lịch sử của ni giới Việt Nam; và nó đã tạm thời khép lại cuộc hành trình vận động xây dựng tổ chức cho ni giới trong giai đoạn một. Từ đây ni giới Nam Bộ đã có một đoàn thể thật sự vững chắc để cùng nhau tu học, sinh hoạt và phụng sự đạo Pháp. Quan trọng hơn, sự thống nhất của ni giới Nam bộ lần này đã tạo ra được những tiền đề và nền tảng hết sức cơ yếu để ni giới Việt Nam tiến đến một sự thống nhất thật sự trọn vẹn và thành lập nên được Phân ban Ni giới Trung ương sau này. Thành quả này chính là minh chứng cụ thể và sinh động nhất cho những nỗ lực của ni giới Nam bộ trong quá trình vận động chấn hưng Phật giáo.
Về giáo dục và đào tạoNgay sau khi phong trào chấn hưng Phật giáo được phát động, các cơ sở giáo dục đã được thành lập ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, để ni giới có thể theo học tại các Phật học đường hay có được một chương trình giáo dục chuyên biệt thì đây quả là một hành trình dài gắn liền với nỗ lực của rất nhiều ni sư đương thời. Rào cản lớn nhất trong giai đoạn này chính là những định chế về mặt quan điểm, nhận thức đối với việc học tập của ni giới (cả trong và ngoài Phật giáo). Về phương diện này, tư tưởng của Nho giáo gần như chi phối rất mạnh mẽ. Và ngay cả chính bản thân ni giới, dù đã trở thành các Phật tử chân chính nhưng các quan điểm và cả lối sống của họ đều mang nặng tính chất của người phụ nữ Á Đông truyền thống. Do đó, mục tiêu mà các ni sư có tư tưởng chấn hưng, cải cách cần phải hướng đến là làm thay đổi nhận thức cho ni giới lẫn các bậc tôn túc trong chốn tòng lâm. Về phía ni giới, chủ trương của các nhà canh tân Phật giáo là phải thức tỉnh tinh thần tu học cho các ni sư. Bởi theo như mô tả của Ni sư Diệu Hương thì trong một khoảng thời gian khá dài, phần lớn chư ni chỉ biết xuất gia là xa nhà, ẩn chốn thiền môn, chuông chiều, mỏ sớm. Họ không hề bận tâm đến sự thịnh suy của Đạo pháp cũng như không chú trọng đến tương lai của ni giới nước nhà. Bởi vậy nên ni giới không có các tiền đề vững chắc để tu học. Trong khi đó, vấn đề học tập của ni giới có vai trò rất quan trọng. Vì chỉ có học mới hiểu được giáo lí và từ đó mới tuân thủ được giới luật. Nếu như đã quyết chí xuất gia mà chư ni không nắm vững giáo lí, đụng đâu tin đó, nhận giả làm thật thì sẽ không bao giờ thoát được khỏi cảnh giới luân hồi, sinh tử(6). Để có được một tương lai tươi sáng, để hoàn thiện được các mục tiêu, yêu cầu của công cuộc chấn hưng thì chư ni cần phải xây dựng tổ chức, phải thắt chặt tinh thần đoàn kết để cùng nhau tinh tấn tu học(7). Theo Ni trưởng Diệu Tịnh, trong giới ni lưu ở Nam kì hiện tại cũng có người thông minh trí huệ, không đến nỗi khờ dại yếu kém; cũng có người hào phú phong lưu, không đến nỗi hàn vi thiếu thốn. Nhưng cớ sao bên nam giới lại xem thường ni giới đến vậy? Có phải vì chư ni đầu trọc áo vuông, ăn chay niệm Phật mà họ xem thường chăng? Không phải. Có phải vì chư ni không ham vật chất, mến đạo Bồ Đề mà họ xem thường chăng? Không phải. Có phải vì chư ni đã dập tắt được ngọn lửa phiền não, vượt ra khỏi ải tà mê, ngăn che gió bắc, thắp đèn trí huệ mà họ xem thường chăng? Cũng không phải. Nam giới họ xem thường là xem thường các quan điểm lạc hậu của chư ni, xem thường thái độ yếu đuối, tính ích kỉ, xem thường chư ni không chịu tu học, không có đoàn thể, không có tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Chư ni cần phải hiểu rằng, kiếp tu của mỗi cá nhân chẳng những phải làm một người Phật tử chân chính mà còn phải trở thành những người hữu ích trong xã hội. Cho nên đã là đệ tử của đức Phật thì hãy một lòng vị pháp quên thân, không phải vì phiền não mà tìm chốn an yên một mình. Phải noi gương “bạt khổ dữ lạt” (cứu khổ ban vui) của chư Phật để tiếp độ chúng sinh chứ không nên mưu cầu danh lợi, tự độ, tự tha. Chư ni cần phải cố gắng học tập, thấu hiểu giáo lí để sau này có thể gánh vác trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh. Như vậy mới không uổng phí chí nguyện xuất gia, lại đúng với tinh thần của ni giới học Phật(8).
Cùng với việc vận động ni giới tham gia học tập, nhiều ni sư còn tích cực kêu gọi sự ủng hộ từ các vị cao tăng, đại đức, nhất là các tổ chức Phật giáo xây dựng trường, lớp, các chương trình đào tạo dành riêng cho ni giới. Với quan điểm rất thẳng thắn, Ni sư Thích Nữ đã lên tiếng rằng: “Chúng tôi yêu cầu về sự học đạo là để làm kim chỉ nam cho tiện bề hành đạo. Sự học thức chính là gậy đuốc, có thông hiểu mới biết lối tu hành, nếu không học thì có khác nào đường tối mà lại không có đuốc đâu”(9). Các bậc cao tăng, đại đức nên mở rộng “Tứ vô lượng tâm” (bốn trạng thái tâm thức vô lượng: Từ, bi, hỉ, xả) để ni giới có được một chương trình giáo dục bài bản như nam giới. Đến một ngày kia, Phật pháp hưng khởi thì tăng và ni đều có được những lợi ích chung cả. Mạnh mẽ hơn, tác giả còn cho rằng, các ni sư nên bẩm bạch nhu cầu học tập của mình đối với sư trưởng, sư phụ của mình và nếu như bị ngăn cản hay cấm đoán thì phải “tìm đạo lành, nẻo chính” mà theo. Chính sự vào cuộc một cách quyết liệt như vậy nên công tác giáo dục và đào tạo ni giới ở Nam bộ trong giai đoạn này đã có nhiều thành tựu đáng kể. Rất nhiều ni sư đã tham gia vào các khóa đào tạo do các hội đoàn tổ chức. Các chương trình đào tạo dành riêng cho ni giới đã được Hội Lưỡng Xuyên Phật học, Hội Thiên Thai thiền giáo tông Liên hữu, Hội Phật học Nam Việt xây dựng và đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Các Phật học đường được xây dựng, các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn đã được tổ chức thường xuyên. Có thể kể đến các ni trường tiêu biểu trong giai đoạn này như: Trường hương ở chùa Giác Hoa, Bà Điểm (1927); trường hương ở chùa Giác Hoàng, làng Tân Thới Nhất, Gia Định (1932); Ni trường Vĩnh Bửu tại Bến Tre (1939); Ni trường Kim Sơn tại Phú Nhuận (1939); Ni trường Giác Linh (1940); Ni trường Linh Phước, Sa Đéc (1941); Ni trường Long Hòa, Trà Vinh (1945); Ni trường Phật Bửu, Tiền Giang (1947); Ni trường Huê Lâm, Sài Gòn (1947); Phật học Ni trường Nam Việt (chùa Từ Nghiêm, 1951); Phật học Ni trường Dược Sư (1958)… Rất nhiều ni sư Nam Bộ đã được đào tạo và trưởng thành từ các mái trường này như: Minh Ngọc, Minh Huệ, Minh Viên, Ni Trí, Như Huy, Như Hoa, Diệu Châu, Diệu Lí, Diệu Kỉnh, Diệu Nghĩa, Từ Nguyên, Hải Huệ, Như Trí, Giác Nhẫn… Thành công của công tác giáo dục ni giới trong giai đoạn này còn phải kể đến sự ra đời của các trường tư thục Kiều Đàm mà Sư trưởng Như Thanh chính là người đã dày công kiến tạo. Với hướng đi chủ đạo là thiện nguyện nên các trường Kiều Đàm đã tạo ra được môi trường giáo dục rất có ý nghĩa cho con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo học. CHÚ THÍCH: (1) Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội của Hội Nam Kì Nghiên cứu Phật học”, Từ Bi Âm, số 79, tr.37-43. (2) Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội”,… Tlđd, tr.37-43. (3) Trần Nguyên (1935), “Cái bi cảm đối với ni lưu kim thời”, Từ Bi Âm, số 82, tr.28-36. (4) N.V (1935), “Ni lưu cần có chùa riêng chăng”, Phụ trương Phật học, số 3, tr.45-47. (5) Diệu Tịnh (1936), “Bài Diễn văn đọc bữa rằm tháng bảy tại chùa Hải Ấn”, Từ Bi Âm, số 114, tr.41-45. (6) Thích Nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 29, tr.243-245. (7) Thích Nữ Diệu Hương (1938), “Ý kiến của ni lưu”, Duy Tâm Phật học, số 30, tr.274-276. (8) Diệu Tịnh (1935), “Bài diễn văn hôm đại hội”,… Tlđd, tr.37-43. (9) Thích Nữ (1933), “Lời than phiền của một cô vãi”, Từ Bi Âm, số 27, tr.18-23.
Dương Thanh Mừng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |