Chi tiết tin tức Tăng, ni, phật tử Nam Bộ với tinh thần hộ quốc an dân 15:23:00 - 24/06/2017
(PGNĐ) - Hơn hai ngàn năm kể từ khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã luôn thể hiện được sức sống mãnh liệt, thể hiện sự hòa nhập vào lòng quốc gia mà đạo Phật đã đến. Có được điều đó chính là từ tính tùy thuận của Phật giáo và đặc biệt là từ những cốt lõi trong giáo lý, kinh sách: “Phật pháp bất ly thế gian giác” (giáo pháp Phật không thể xa rời cuộc sống của thế gian mà phát triển được).
Trong từng giai đoạn của tổ chức xã hội, mỗi thời kỳ mà tinh thần nhập thế này được thể hiện với nhiều dạng thức khác nhau.
1. Từ tinh thần tích cực “đem đạo vào đời” của Phật giáo thời đại Lý – Trần đã đưa đến những thiền sư nổi tiếng, trở thành tam tổ của phái thiền hoàn toàn mang đặc trưng Việt Nam: Thiền Trúc Lâm Yên Tử! Tinh thần ấy vẫn bàng bạc trong các thiền sư ở Nam Bộ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đặc biệt là tại một địa bàn đặc thù, với một vị thế địa - lịch sử và địa - văn hóa như vùng đất Nam Bộ, tinh thần đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn.
Sách sử của triều Nguyễn đã chẳng từng ghi lại sự kiện những nhà sư ở vùng đất Gia Định trong buổi đầu khai hoang, không phải đi ẩn vào núi tu hành, mà là đã cùng người dân khai phá, chống và dẹp thú dữ... như hình ảnh tăng sĩ tên Ân và đồ đệ đã dũng cảm giết cọp cứu dân gần chợ Tân Kiểng, hoặc hình ảnh nhà sư Viên Ngộ ở Cần Giuộc, khai phá con đường làng cho dân chúng qua lại đỡ vất vả vì bùn lầy, hùm beo... Rồi những ruộng đất bạt ngàn, có bàn tay sản xuất của tăng sĩ như hàng trăm mẫu ruộng tại chùa Giác Lâm, như nông trường Thiên Mụ, vốn là trường Biệt nạp ở chùa Thiên Mụ (Cần Giuộc)... đã góp phần thiết thực vào việc tự túc lương thực và gia tăng sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế ở những giai đoạn đầu tại vùng đất mới.
2. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ vào năm 1939, đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm đóng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng bào các tỉnh nổi dậy chống Nhật. Núp bóng quân Đồng Minh, được quân Anh hỗ trợ, thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam, chúng ra sức đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng trong cả nước. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại Sài Gòn. Phong trào kháng chiến chống Pháp của đồng bào tăng ni, phật tử dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương phát triển mạnh mẽ. Từ Nam ra Bắc, phật tử tham gia kháng chiến. Các đoàn thể Tăng già cứu quốc và Phật giáo cứu quốc được thành lập khắp nơi.
Những năm Pháp xâm lược Nam kỳ, Gia Định lại là trung tâm dấy lên phong trào chư tăng kháng chiến chống Pháp. Ngôi chùa giai đoạn này tuy chưa trở thành một nơi có hoạt động mạng, nơi hội họp, nuôi chứa cán bộ… như những giai đoạn sau này, nhưng cũng là nơi liên lạc giữa các tăng sĩ yêu nước từ Gia Định có quan hệ với các nơi khác vùng đồng bằng sông Cửu Long, như chùa Long Thạnh (huyện Bình Chánh), Trường Thạnh (quận 1).(1)
Quần chúng phật tử hết lòng tham gia việc nước, hăng hái gia nhập các tổ chức cứu quốc: Thanh niên Tiền phong, Thiếu niên Tiền phong, Phụ lão cứu quốc, Tăng già cứu quốc, Phật giáo cứu quốc… Nhiều chư tăng trong thành phố đã tham gia Mặt trận Việt Minh, nhiều chùa như chùa Long An, Giác Lâm, Giác Viên, Sùng Đức, Long Vân, Giác Hoàng hưởng ứng… Chùa Linh Thứu (Tiền Giang) là trạm liên lạc giữa xứ ủy và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Sư cụ Thái Không, trụ trì chùa Phật học Lưỡng Xuyên (Trà Vinh) đã âm thầm hoạt động và hô hào tăng sinh trường hãy:
“Cởi áo cà sa khoác chiến bào Giã từ thiền viện lướt binh đao Câu kinh tiếng kệ chờ khi khác Cứu nước thương dân dễ đợi nào”
Tại Sài Gòn, tháng 8/1945, được sự hướng dẫn của Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Phật giáo Tổng hội do các Hòa thượng Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh), Hồng Từ (chùa Giác Viên), Hồng Hưng (chùa Giác Lâm)… đứng ra huy động tăng ni, phật tử gần 400 người về khai mạc mít-tinh tại chùa Trường Thạnh, diễu hành với khẩu hiệu: “Bảo Đại phải thoái vị, Nguyễn Văn Sâm phải từ chức. Việt Nam độc lập muôn năm, hoan nghinh Mặt trận Việt Minh, chính quyền phải về tay Việt Minh”.
Sau khi thực dân Pháp tái chiếm nước ta, do bị tác động từ nhiều phía, hoạt động của các tổ chức Phật giáo phân hóa thành các xu hướng: xu hướng thỏa hiệp với thực dân Pháp, xu hướng cầu an bảo thủ, xu hướng yêu nước hình thành Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, hoạt động mạnh mẽ trong và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Lúc đầu tham gia lãnh đạo Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ có các vị: HT.Thích Minh Nguyệt, HT.Thích Huệ Quang, HT.Thích Bửu Đăng, HT.Thích Pháp Dõng, HT.Thích Thành Lệ, HT.Thích Thành Nghiêm, HT.Thích Trí Thiền, HT.Thích Thiện Chiếu, HT.Thích Thiện Hào... Năm 1946, sư Minh Nguyệt cùng các tu sĩ, cư sĩ ra chiến khu Đồng Tháp Mười lập Ban Chấp hành Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, đặt Văn phòng Trung ương tại chùa Ô Môi, xã Mỹ Quý, Đồng Tháp Mười. Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ được tổ chức tại Gia Định, Chợ Lớn, Sài Gòn, Bà Rịa, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Long Xuyên, Bạc Liêu, Rạch Giá… Hội đã xuất bản báo Tinh Tấn, do nhà sư Minh Nguyệt làm chủ nhiệm, Lê Văn Đông làm chủ bút.
Năm 1949, với tư cách Ban Chấp hành Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Thiền sư Minh Nguyệt từ Mỹ Tho về Gia Định lập Tỉnh hội Phật giáo Cứu quốc Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, cử Thiền sư Bửu Đăng làm hội trưởng, Pháp Dõng làm hội phó, Thiện Hào làm ủy viên, chọn chùa Tường Quang ở xã An Phú Đông làm trụ sở. Thực dân Pháp đánh phá ác liệt căn cứ cách mạng An Phú Đông, trụ sở của Tỉnh hội phải dời về chùa Thiên Phước (Cầu Kho, Sài Gòn). Cuối năm 1950, Thiền sư Thiện Hào về Mỹ Tho hoạt động phật sự. Năm 1951, sư Thiện Hào được tăng ni, phật tử Mỹ Tho bầu làm Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Mỹ Tho. Năm 1952, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ lúc này đã giải thể, với tư cách Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Liên Việt tỉnh Mỹ Tho, Thiền sư Minh Nguyệt giới thiệu Thiền sư Thiện Hào vào chiến khu Đồng Tháp Mười dự hội nghị dân tộc và tôn giáo, sau đó nhà sư ở lại căn cứ để tìm hiểu đường lối cách mạng miền Nam.
Năm 1949, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ tuyên bố tự giải tán, chỉ để lại đại diện Phật giáo trong các cấp Mặt trận Liên Việt. Năm 1952, Phật giáo Cứu quốc chuyển hướng hoạt động công khai bằng Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam, Tăng trưởng là Thiền sư Thiện Tòng (chùa Trường Thạnh). Văn phòng đặt tại chùa Trường Thạnh. Năm 1953, bộ phận Trí vận hoạt động hợp pháp bị địch phát hiện, các đồng chí Thanh Đạm, Lê Văn Đồng, Lê Hoàng Minh bị bắt, nhưng tổ chức Lục Hòa Tăng vẫn được giữ vững thế hợp pháp.
Ngôi chùa Hội Linh (Cần Thơ) đã hiến một đại hồng chung cho Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ để đúc súng đạn, chuẩn bị kháng chiến. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, chùa đã bị Pháp đốt. Năm 1949, Hòa thượng Pháp Thân trở về xây dựng lại chùa, biến nơi đây thành đầu mối giao lưu của Hội Phật giáo Cứu quốc các tỉnh Sóc Trăng, Mỹ Tho, Vĩnh Long…
Chùa Long Thạnh, điểm địa đầu của Mặt trận Tây Nam Phú Lâm - Bình Chánh, là cơ sở chỉ huy, nơi nuôi chứa cán bộ, ngày luyện tập, đêm chiến đấu. Hòa thượng Bửu Ý, trụ trì chùa, đã cùng chư tăng ủng hộ tài chính, lương thực cho số cán bộ tại đây. Để tránh trở ngại cho kháng chiến, khi Pháp đến chiếm chùa làm đồn bót, chư tăng chùa Long Thạnh hưởng ứng chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đã cùng nhau đốt phá phần chánh điện của ngôi chùa, chỉ thu xếp giữ lại một gian để thờ phụng.
Trong kháng chiến chống Pháp, khi các tổ chức Phật giáo đã trở thành những lực lượng xã hội đáng kể và đã gây ảnh hưởng trực tiếp với thời cuộc, giới phật tử yêu nước tìm thấy con đường có thể phục vụ cho nền độc lập của Tổ quốc là tham gia kháng chiến. “Những phật tử tham gia kháng chiến, ở chiến khu hay tại nội thành, bạo động hay bất bạo động đều chứng minh một cách hùng hồn lòng yêu nước của họ. Các tăng sĩ tham gia chiến đấu trong hàng ngũ kháng chiến đã có trên bốn trăm tăng sĩ anh dũng hy sinh trong khoảng thời gian từ 1947 đến 1954” (2) .
3. Sau năm 1954, cuộc kháng chiến chống xâm lược của lực lượng Phật giáo yêu nước bước vào một trang sử mới. Giới tu sĩ và tín đồ Phật giáo miền Nam sau năm 1954 có số lượng tương đối đông, đại đa số xuất thân từ thành phần nông dân và nói chung có tinh thần dân tộc, yêu nước, trong đó có nhiều nhà sư đã tham gia Mặt trận Việt Minh, là lực lượng nòng cốt cho đồng bào phật tử tham gia đấu tranh trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc
Hiệp định Genève được ký kết, những nhà sư tham gia kháng chiến chuyển sang hoạt động hợp pháp. Tại Sài Gòn năm 1955, nhà sư Huệ Quang được bầu làm Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình. Phong trào vừa ra đời đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp, các nhà lãnh đạo phong trào bị chúng bắt giam.
Trong chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo miền Nam, nhất là Phật giáo yêu nước, trở thành đối tượng đàn áp. Từ năm 1954 đến 1960, hàng ngàn tăng ni bị Diệm khủng bố. Tại Sài Gòn, chúng thủ tiêu nhà sư Thành Đạo chùa Phật Ấn; yết ma Thiện Nghị chùa Đức Lâm; bắt đày ra Côn Đảo, Phú Quốc nhà sư Minh Giác chùa Long Vân, giảng sư Huệ Chí Phật học đường Chợ Lớn; giết sư Thái Không ở Trà Vinh; bắt đi mất tích 21 nhà sư xã Lê Trì (Tri Tôn, Châu Đốc); cắt cổ sư cả chùa Cát Ông; bắn chết các sư chùa Minh Lương (Rạch Giá); nã pháo vào chùa Cao Dân (Cà Mau) làm hơn 20 nhà sư thiệt mạng khi họ đang an cư kiết hạ; ủi phá chùa Linh Phước (Đồng Nai). Hàng trăm nhà sư bị Diệm đẩy vào lính. Hàng trăm ngôi chùa bị phá hủy vì chính sách dồn dân lập ấp chiến lược. Trong thời gian này, sư Minh Nguyệt đang ở chùa Long Hoa (Bà Rịa) bí mật hướng dẫn phong trào yêu nước của đồng bào phật tử cũng bị Diệm phát hiện, bị Diệm bắt đày ra Côn Đảo năm 1960; sư Thiện Hào cũng bị Diệm truy lùng, phải vào chiến khu Đồng Tháp Mười.
Từ những năm 1957-1959, địch tăng cường khủng bố những gia đình có người tham gia cách mạng, truy lùng những người kháng chiến cũ, các cơ sở nuôi chứa cách mạng, bức bách đồng bào Khmer “tố cộng, diệt cộng”. Song song đó ngụy quyền cũng lập ra nhiều khu trù mật để gom dân, nhằm tách đồng bào Khmer với cách mạng. Mặc dù Mỹ - ngụy cố tìm cách chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt - Khmer, nhằm tách đồng bào Khmer khỏi cách mạng, chúng dùng chính sách mỵ dân lôi kéo đồng bào Khmer chống Cộng, nhưng với chính sách dân tộc, tôn giáo bình đẳng, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng qua Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer. Đa số đồng bào và sư sãi Khmer một lòng hướng về cách mạng, hăng hái tham gia chống Mỹ, cứu nước cùng với người Kinh và các dân tộc anh em.
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Dưới ngọn cờ của Mặt trận, Phật giáo miền Nam tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Đông đảo tăng ni phật tử hăng hái tham gia các đoàn thể Mặt trận.
Thời chống Mỹ cứu nước, mức độ và số lượng tu sĩ hoạt động cách mạng càng gia tăng. Nếu như ở giai đoạn trước chưa thấy xuất hiện những người nữ (tu sĩ và cư sĩ) thì trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và đế quốc xâm lược Mỹ đã có bóng dáng của Ni sư Huỳnh Liên cùng các chư ni trong thành phố. Các cuộc biểu tình, tuyệt thực đã làm ngòi nổ lớn kéo theo các cuộc xuống đường của nhiều tầng lớp cư dân ở Sài Gòn. Tịnh xá Ngọc Phương trở thành cơ sở đóng góp tài lực lớn của nhiều đơn vị cách mạng.
Việc tự thiêu của bồ tát Thích Quảng Đức tại trung tâm đầu não của chế độ Mỹ - Ngụy vì độc lập dân tộc và cho đạo pháp đã trở thành ngòi pháo mạnh mẽ bùng nổ các cuộc đấu tranh dữ dội hơn của tuổi trẻ Sài Gòn và cái chết của người nữ Phật tử Quách Thị Trang, Nhất Chi Mai mãi mãi vẫn còn là hình ảnh hào hùng của tuổi trẻ Sài Gòn... đã gây tiếng vang lớn đến các nước Á Phi, đã khiến Liên hiệp quốc phải cử phái đoàn sang Việt Nam điều tra về tội ác của Diệm - Nhu.
Phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo chống chế độ Mỹ - Diệm từng bước đi vào quỹ đạo của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt đưa đồng bào tu sĩ và phật tử Nam Bộ tiếp tục phát huy truyền thống gắn bó với dân tộc, hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam. Tại Sài Gòn, trung tâm đầu não của chính quyền Nguỵ, Phật giáo đã phát triển phong trào chống chế độ Mỹ - Ngụy bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú hơn. Nhiều chùa đã trở thành nơi hội họp, có hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, tranh thủ việc học tập kinh điển để lồng các bài chính trị thường thức, trao đổi kinh nghiệm công tác lãnh đạo đấu tranh chống Mỹ - Ngụy.
Tại các căn cứ địa phương, hội nghị cũng được khai mở phổ biến nội dung, yêu cầu, mục đích các chiến dịch và các Chỉ thị của Trung ương Cục cho cán bộ đầu mối gồm các thượng tọa, đại đức và một số phật tử cốt cán.
Sau cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963, tổ chức đấu tranh của Phật giáo chống chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ và Ngụy quyền Sài Gòn ngày càng phát triển. Một số tăng sĩ được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam. Riêng tại Sài Gòn, đã có 4 chi bộ lãnh đạo trong các tổ chức Giáo hội trung ương và cơ sở. Hai đoàn thể lớn của trung ương Giáo hội là Tổng đoàn Thanh niên Tăng ni và Liên đoàn Thanh niên học sinh phật tử, là những tổ chức quần chúng Phật giáo có quy mô và có phong trào đấu tranh khá hiệu quả.
Khi Hiệp định Paris được ký kết, đồng bào tu sĩ, phật tử cùng với các tầng lớp nhân dân ở miền Nam tiến hành cuộc đấu tranh rộng rãi, mạnh mẽ đòi Mỹ - Ngụy nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, chống càn quét lấn chiếm vùng giải phóng. Ở Sài Gòn, tăng ni phật tử lập ra Mặt trận nhân dân cứu đói. Mặt trận do Nhà sư Hiển Pháp là chủ tịch, Ni sư Huỳnh Liên và một số tu sĩ khác làm phó chủ tịch.
Cũng trong thời gian này, ni giới Khất sĩ do Ni sư Huỳnh Liên lãnh đạo đã cùng với phụ nữ, nhất là với chị em tiểu thương ở các chợ phát động phong trào phụ nữ đòi quyền sống, bảo vệ nhân phẩm phụ nữ, đòi cải thiện đời sống lao tù và thả tù chính trị. Các sư ni đã vận động quyên góp ủng hộ thuốc men, quần áo, thực phẩm…; tổ chức đưa đến nhà tù Tân Hiệp, Chí Hòa và các nhà tù khác của Mỹ - Ngụy để thăm nuôi và trao quà của đồng bào cho anh chị em tù chính trị.
Bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng đầy dũng cảm, các nữ tu sĩ đã cùng các tầng lớp nhân dân Sài Gòn xuống đường đưa yêu sách, kết hợp với báo chí, tổ chức hội thảo, mít tinh, đấu tranh đòi Mỹ cút về nước, đòi Thiệu từ chức, đòi hòa bình thống nhất đất nước, đòi tự do báo chí, tự do tín ngưỡng… Cao trào đấu tranh này kéo dài liên tục từ 1973 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tóm lại, có thể thấy rằng truyền thống yêu nước, thương dân, của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện mạnh mẽ, rõ ràng và cụ thể hơn ở vùng đất Nam Bộ, vùng đất cuối cùng của tổ quốc, nơi đối đầu trực tiếp với các thế lực hùng mạnh nhất, để cư dân Nam Bộ, trong đó có các tu sĩ Phật giáo, có dịp tỏ rõ bản lĩnh của mình, lý tưởng sống của mình. Truyền thống “Hộ quốc, an dân” cùng với phương châm hành động cho “đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội” chính là sự thể hiện cuộc nhập thế trọn vẹn vào lòng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Có ý nghĩa biết bao khi đồng chí Nguyễn Văn Linh đã phát biểu: “Đảng là của chúng ta và đạo Phật cũng là của chúng ta”.(3)
(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp Toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)
PGS.TS Trần Hồng Liên
Tài liệu tham khảo: 1. Đại Nam Nhất Thống Chí – tập Thượng, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, 1973. 2. Giác Ngộ 1983. Lược ghi bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Linh. Số 162 - 163 ngày 01/03/1983. 3. Nguyễn Lang. 2000. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb Văn học, Hà Nội, tập I-II-III. 4. Trần Hồng Liên. 2004. Ba trăm năm Phật giáo Tp.HCM, trong sách: Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ. Nxb KHXH. Chú thích: (1) Xem Đại Nam Nhất Thống Chí – tập Thượng, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, 1973. tr.106 – 107. (1) Trần Hồng Liên, Ba trăm năm Phật giáo Tp.HCM, trong sách: Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ. Nxb KHXH, 2004, Tr.10. (2) Nguyễn Lang. 2000. Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb Văn học, Hà Nội, tập I-II-III, tr.917. (3) Giác Ngộ – Lược ghi bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Linh. Số 162 – 163 ngày 01/03/1983, tr.1.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |