Chi tiết tin tức Khung cảnh lịch sử quanh bộ kinh “Milinda vấn đạo” của Phật giáo 15:44:00 - 29/11/2016
(PGNĐ) - Thông thường ai cũng nghĩ rằng đạo Phật chỉ mới được truyền sang Tây phương trong các thế kỷ gần đây mà thôi, mà quên rằng trong nhiều thế kỷ trước Tây lịch (TTL) Phật giáo đã thấm nhuần vùng Tiểu Á và Tây Bắc Ấn, rồi ảnh hưởng trên cả nền triết học Hy-lạp và giáo lý của vài tôn giáo lớn có nguồn gốc Tây phương. Phật tử Việt nam vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm giáo pháp truyền từ Trung Quốc nên ít biết đến sự giao hòa của hai nền văn hóa Hy-lạp và Phật giáo khởi đầu rất sớm ở vùng đất này.
Ngay cả khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, vùng đất xa xôi này đã tiếp xúc với Phật giáo rồi. Trong một bộ kinh của Thượng tọa bộ (Theravada) có ghi câu chuyện hai thương nhân, tên Tapassu và Bhallika từ xứ Bactria tìm đến viếng đức Phật và đã trở thành đệ tử. Lúc về xứ họ đã xây dựng nhiều đền đài thờ Phật. Khi Alexander xâm chiếm Bactria vào 329-327 TTL (cùng khoảng với thời chiến quốc bên Tàu: 403-221 TTL), thì vùng này đã thuần Phật giáo. Đến thời của hoàng đế Asoka Maurya (từ 269 đến 232 TTL), thì biên cương của Ấn Độ được mở rộng bao gồm luôn vùng Gandhara nhờ đuổi được quân Hy lui về bên kia dãy núi Hindu-Kush. Ông cũng đã gởi nhiều đoàn truyền giáo được ra hải ngoại để truyền bá Phật pháp, do đó Phật giáo đã được lan tràn mạnh mẽ hơn. Chính từ những hạt giống Phật giáo do hoàng đế Asoka gieo ở vùng này dần lớn mạnh và đã để lại ảnh hưởng khá sâu đậm trong vùng Tây Bắc Ấn, và còn lưu mãi đến nay như ảnh tượng đức Phật theo mỹ thuật Hy-lạp, những ý niệm manh nha của Phật giáo đại thừa phát sinh từ những trung tâm văn hóa Phật giáo có một thời rất rực rỡ, và một bộ kinh không kém phần quan trọng, đó là bộ Milinda-Panhà, đã được Việt dịch là “Di Lan Ðà vấn kinh” hay dưới nhiều tên tương tự. Bài khảo luận này không bàn sâu vào giáo nghĩa của bộ kinh, vốn đã có nhiều tác giả đã luận giải, mà chỉ chú trọng vào lược sử thời đại của hai nhân vật chính của bộ kinh đã sống, đó là vua Mi-Lan-Đà và tỳ kheo Na-Tiên. Vương quốc Bactria và xứ Gandhara ở đâu? Đối với dân Aryans đã tràn vào đất Ấn (Arya-Varta) hơn 15 thế kỷ TTL, thì vùng tây bắc Ấn là đất của Gandharvas hay chư thiên với ngoại hình tuyệt hảo, rành về âm nhạc, giỏi về thần thông, vốn thường được nói đến trong Kinh Rig-Vedas (Vệ đà), một bộ lịch sử cổ nhất của nhân loại, cho nên dân Ấn gọi vùng này là xứ Gandhara với kinh đô Taxila, nay thuộc Afghanistan và Pakistan, nơi phì nhiêu với 5 con sông chảy qua nên Hán văn còn gọi là vùng Ngũ Hà, chính là phụ lưu của con sông Indus bắt nguồn từ Hy-mã-lạp-sơn. Sau khi nền văn minh của thung lũng sông Indus bị tàn lụi thì vua Darius (522 to 486 TTL) dẫn quân Persia chiếm vùng này. Vào thời bấy giờ lối giao thương chủ yếu dựa vào đường bộ, và vùng ấy lại nằm trên tuyến chiến lược từ châu Âu ở phía Tây qua châu Á ở phía Đông, từ Trung Á ở phía Bắc xuống lục địa Ấn ở phía Nam, cho nên dân tình vùng này không bao giờ được yên ổn lâu dài vì các thế lực đế quốc luôn luôn xâm lăng nó để làm bàn đạp tiến xa hơn. Ngày nay, các tư liệu về gai đoạn lịch sử này đã được công bố rất dồi dào, và bài này đã chọn lọc, so sánh và tổng hợp từ rất nhiều nguồn khác nhau như sử liệu cổ của các nước trong vùng Pakistan, Afghanistan và Trung đông do các tác giả hiện đại biên soạn, từ những cổ vật do các nhà khảo cổ người Pháp đào xới được, từ rãi rác trong thánh điển Pali và đại thừa, các ảnh tượng đức Phật tồn tại đến nay v.v… Ở đây cũng xin được lưu ý đọc giả đến nguồn sử liệu quý giá về các vị vua gốc Hy-lạp ở vùng Tiểu Á đã được hai nhà sử học danh tiếng Hy-lạp cổ là Strabo và Plutarchghi lại. Strabo (sinh 63 hay 64 TTL, mất khoảng 24 TL), một sử, triết và địa lý gia Hy-lạp. Tác phẩm nổi danh của ông là Geographia, gồm 17 cuốn viết vào khoảng năm 7 hay 18 TL về nhân vật, địa danh, trên thế giới Hy-La vào thời ông. Plutarch, tên đầy đủ là Mestrius Plutarch, một nhà sử học và tiểu sử danh nhân học, cũng là người Hy-lạp sau Strabo (khoảng 45-125 TL). Ông sinh vào thời của hoàng đế La mã Claudius. Ông tham quan rộng rãi vùng Địa trung hải, và về sau giảng dạy tại Rome, kết giao với nhiều nhân vật chính trị uy quyền trong Thượng viện. Cuối đời, ông quay về sinh quán là Chaeronea ở Hy-lạp, trở thành một trong hai tu sĩ chính trong đền thờ Apollo ở Delphi, chuyên giải những lời sấm của thần Pythia. Ông còn được hoàng đế Trajan cử làm thái thú tại vùng Achaea. Trong thời gian này ông viết nhiều bộ sử quan trọng. Tác phẩm nổi danh của ông là “Cuộc đời của những danh nhân Hy-lạp và La mã (Lives of the Noble Greeks and Roman)” ; nhưng bộ sách còn được chú trọng khác là “Những cuộc đời tương đồng” (Parallel Lives)so sánh 23 cặp danh nhân Hy và La; và “Cuộc đời của Alexander” (Life of. Alexander). Nói chung những tác phẩm của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn học và kịch nghệ tây phương, ngay cả Shakespeare cũng thường tham chiếu. Trước đấy, vua Darius I (521-486 TTL) của Persia cũng đã sai người xứ Carian tên Scylax thám hiểm vùng tây bắc Ấn, và đã ghi lại trong cuốn “Peripulus''. Không lâu sau Hectaeus (500 TTL) và Herodotus (483-431 TTL) cũng có viết về các thái thú (Satrapy) người Persia ở vùng này. Đến thời vua Alexander, những cuộc khảo sát cũng đã được ghi lại bởi Strobe, Ptolemy, Pliny, Arrian và nhiều người khác. Họ cho biết 5 phụ lưu của sông Indus là Hydaspes (Jehlum), Akesines (Chenab), Hydroatis (Ravi), Hyphasis (Satluj) và Hesidros (Beas); làm biên giới cho 4 vương quốc trước khi Alexander xâm lăng. Núi Tu-di: (Còn gọi là Meru hay Meros): Trong văn chương và các tôn giáo gốc Ấn đều xem nó như là một ngọn núi thần thoại và là trụ chống của quả đất, và theo Ấn giáo thì đó cũng là trú xứ của vị thần Shiva hay Vishnu. Nhưng đạo quân xâm lăng của của vua Alexander sau khi tiến vào vùng Gandhara, đã tin là họ đã khám phá ra ngọn núi Meros và thành Nysa trên ấy, nằm khoảng giữa hai thành Kapisa và Peucelaotis. Cũng theo thần thoại Hy-lạp thì đó là nơi sinh của thần Dionysus (đồng hóa với thần Shiva). Philostratus (khoảng 175-245) đã thuật lại trong cuốn “Life of Apollonius of Tyana” chuyện chàng Apollonius viếng thăm Gandara và sau nhiều nổi thăng trầm trèo đèo vượt suối đã lên đến đỉnh ngọn Meros, nơi có đền thờ thần Dionysus với tượng đá trắng mang dáng vẻ người thanh niên Ấn. [Philostratus, Live of Apollonius of Tyana2. 8; dịch bởi F. C. Conybeare] Sự hưng thịnh của triều đại Maurya ở Ấn: Khoảng thế kỷ 4 TTL kinh đô Pataliputta (Thành hoa thị - nay là thành phố Patna) của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) trở thành trung tâm quyền lực của Ấn. Ngay trong kinh Đại Bát Niết Bàn, hệ Pali (Maha-parinibbana sutta) nói về những năm sau cùng của đức Phật tại thế, Ngài đã ước đoán sự phồn thịnh của thành Pataliputta về mọi mặt. Phật dạy: “… Này Ananda, chỗ nào các vị Ariyans an trú, chỗ nào các nhà thương mãi qua lại, chỗ ấy sẽ thiết lập một thành thị bậc nhất tên gọi là Pàtaliputta, một trung tâm thương mãi. Nhưng này Ananda, Pàtaliputta sẽ bị ba hiểm nạn về lửa, về nước hay chia rẽ bất hòa." [Trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya): Tập 1; Kinh số 16; Tụng phẩm 1; Đoạn 28 – bản dịch của HT. Thích Minh Châu]. Bấy giờ có vua Mahàpadma Nanda thay thế triều đại Haryanka cai trị một vùng rộng lớn từ sông Brahmaputra ở phía Đông đến Beas ở phía Tây. Năm 327 TTL, Đại đế trẻ tuổi của Hy-lạp Alexander đã bành trướng đất đai, đem quân đánh bại quân Persia và thâu tóm luôn vùng Tiểu Á. Hai năm kế, ông ổn định vùng Hindu Kush và Bactria (Baluchistan - bắc A-phú-hản), thiết lập lên nhiều thành phố như Samarkand, Leninabad (thuộc Nga ngày nay) và Chankar (phía Bắc Kabul), tái dựng cố đô Kapisa và đổi tên là Alasandra gần Caucasus (để khỏi bị nhầm với Alexandria ở Ai-Cập) v.v... Thừa thắng ông định vượt sông Indus năm 325 TTL để tiến chiếm Ấn thì bị chận lại ở sông Jhelum (hay Hydaspes), vùng Taxila (Takkasala) bởi một tiểu vương Paurava biết dùng voi trận, và rồi sự chống trả mãnh liệt của tướng Chandragupta Maurya; Alexander đành rút về Babylon và chết ở đấy vì bệnh sốt rét. Ngay sau khi Alexander mất vào ngày 10 tháng 6, năm 323 TTL, các tướng tùy tùng (diadochi hay diadochoi) liền chia cắt đế quốc thành những vương quốc để tự mình cai trị. Seleukos I Nicator kế vị Alexander năm 323 TTL đóng đô ở Babylon, lập nên triều đại Seleukos cai trị một đất nước rộng lớn bao gồm các nước ngày nay là Syria, Lebanon, Jordan, Mesopotamia, Persia, và Bactria. Phần đất ở Ai-cập thì hậu duệ của tướng Ptolemy Soter thay nhau trị vì; và ở Hy-lạp thì do Antigonus Monopthalmos nắm giữ. Những năm chiến tranh dành quyền lực kế tiếp của các dòng họ này đã làm dân tình vùng Tiểu Á và Tây bắc Ấn bị khổ nạn triền miên. Trong khi đó ở Ấn vào năm 321 TTL. Chandragupta lật đổ Nanda và lập ra triều đại Maurya. Hoàng đế Seleukos I Nicator Năm 304 TTL Seleukos I lại cố xâm lăng Ấn lần nữa, nhưng cũng bị đẩy lui bởi ChandraguptaMaurya. Sử cho rằng Chandragupta đã sử dụng đến 100, 000 lính và 9, 000 voi trận. Sau cùng Seleukos I đành lập hòa ước nhượng vùng Baluchistan và gã con gái cho Chandragupta để đổi lấy 500 thớt voi. Seleukos I còn gởi sứ thần là Magasthenes đến ngụ ở kinh đô Panaliputta (Thành hoa thị) dưới triều Chandragupta, mà đến nay những tấu chương của ông vẫn còn tồn tại để hậu thế biết được sinh hoạt chính trị của xứ Magadha thời bấy giờ.
Chandragupta tri vì được 23 năm, người con trai kế vị là Bindusara ở ngôi được 25 năm và mất năm 273 TTL. Vua Bindusara cũng có một sứ thần Hy-Bactria tại triều tên là Deimachus (Strabo1–70), và luôn giao hảo tốt đẹp với vua Antiochus I Soter thuộc dòng Seleukos. Sau khi vua Bindusara băng hà, trong vòng 4 năm có sự tranh dành ngôi giữa thái tử Tissa đang làm phó vương ở Ujjeni phía Nam và một hoàng tử khác tên là Asoka làm phó vương ở Taxila. Sau rốt thái tử bị giết trong trận và Asoka lên ngôi hoàng đế năm 269 TTL, cai trị một lãnh thổ rộng lớn từ Bengal đến Afghanistan, oai hùng nhất trong lịch sử Ấn. Chỉ sau khi cuộc xâm lăng đẫm máu nước Kalinga (bang Orissa ngày nay) 8 năm sau khi lên ngôi, vua Asoka mới hối hận và thành tâm quy y Phật giáo, đã dốc lòng khuyếch trương đạo Phật ra khắp nơi. Ông cũng đã gởi nhiều đoàn truyền giáo ra hải ngoại, trong số đó có đại sư Dharmaraksita (về sau là sư phụ của tỳ kheo Nagasena) hoạt động rất tích cực ở vùng tiểu Á. (Mahavamsa, XII). Asoka có một mối quan hệ đặc biệt với vùng tây bắc Ấn, bởi ông đã từng làm phó vương ở đấy và đóng dinh tại Taxila (tiếng Sankrit là Takshasila, gần Rawalpindi thuộc Pakistan bây giờ). Taxila bấy giờ đã là một trung tâm danh tiếng về thương mãi, triết và thần học, đặc biệt là Ấn giáo và Phật giáo. Nhiều tư tưởng gia nổi danh đương thời đã lui tới tầm đạo, và ông đã từng gọi thần dân gốc Hy-lạp ở vùng ông cai trị là Yavanas. Đến khi ông trở thành hoàng đế và ủng hộ Phật giáo thì vùng này trở thành một trung tâm Phật giáo nổi danh. Ngày nay người ta biết đến rất nhiều pháp dụ khắc bằng đá do ông sai dựng lên khắp đế quốc; trong số đó những bia ký ở thung lũng Kabul được ghi bằng tiếng Hy-lạp và Aramaic, và nội dung còn cho biết là ông đã cho truyền bá chánh pháp đến các nước Ai-cập, Syria, Macedonia, Greece, Cyprus, Bactria, Kashmir, Gandhara, Himalayas, Sindh (Gujarat), v.v... Sau khi Asoka mất vào năm 227 TTL thì đế quốc Maurya bắt đầu tan rã. cùng với cái lý tưởng tâm nguyện của ông là dharmarajya (thuận trị theo Chánh Pháp), mặc dù các con của ông ráng giữ ngôi vị thêm khoảng nữa thế kỷ nữa. Năm 185 TTL, vị vua cuối của dòng Maurya là Brihadratha, bị tướng Pusyamitra Sunga truất phế và lập ra triều đại Sunga (185-78 TTL). Vua Pusyamitra Sunga liền thi hành chính sách ủng hộ Ấn giáo và tàn hại Phật giáo. Vì thế kể từ năm 180 TTL các vua xứ Bactria từ Demetrios I, Demetrios II đến Menander vốn tôn sùng Phật giáo đã liên tục xâm lăng Ấn nhân danh giải cứu Phật giáo. Sự hưng thịnh của Vương quốc Bactria (hay Bactriana) và cuộc chinh phục đất Ấn: Vào năm 281 TTL vua Seleukos I bị ám hại, và sau khi ông chết thì đế quốc Seleucid cũng bị chia thành 2 xứ: Syria (với vua Antiochos I, dòng dõi của Seleukos) và Parthia (với vua Arsaces). Vua Antiochos I cử Diodotos làm thái thú ở xứ Bactria (Kinh sách Hán văn gọi là nước Đại Hạ, vùng bao gồm Pakistan và Afghanistan bây giờ). Bactria (hay Bactriana - tiếng Iran cổ là Paktra) là một xứ màu mỡ nằm giữa dãy núi xanh Hindu-Kush (Paropamisus) và con sông Amu Darya (Oxus). Khi thấy Syria và Parthia mãi lo tiêu diệt lẫn nhau, Diodotos tự xưng làm vua vào năm 255 TTL, đóng đô ở Bactra - nay là Balkh, tên cũ là Taxila – rồi chiếm luôn xứ Sogdiana ở phía Bắc. Tuy vậy vua Antiochus III của Syria lại xua quân tái lập nền thống trị lên Bactria. Mãi đến khi Antiochus III bị quân La-mã đánh bại thì ở Bactria, Euthydemos vốn là một đại thần của Diodotos, lên ngôi năm 227 TTL và đẩy lui được những đợt tấn công của vua Antiochos III. Năm 205 TTL. Euthydemos I đã chống cự được cuộc vây hãm thành Bactra sau hơn hai năm, rốt cuộc Antiochos III đành giảng hòa rút quân và gả con gái cho con trai của Euthydemos I là Demetrios. Từ đó vương quốc Bactria mới hoàn toàn độc lập, và các vị vua cai trị được sử gọi là vua Hy-Bactria. Vua Diodotos Về sau, Euthydemos I còn bành trướng đất đai mãi đến vùng Tiểu Á. Strabo đã viết “họ bành trướng vương quốc xa đến vùng Seres và Phryni” (Strabo XI. II. I). [Chú thích thêm: Có lẽ Phryni ở đây phải được viết là Phrygia]. The founder of the Indo-Greek Kingdom Demetrius I (205-171 BCE), wearing the scalp of an elephant, symbol of his conquest of India. Vua Demetrios I (khoảng 200-180 TTL) Người chinh phục Ấn. (chân dung trên đồng tiền cổ).
Sau khi Euthydemos I mất năm 200 TTL, con là Demetrios I kế vị và năm 180 TTL kéo quân xâm lăng đất Ấn sáp nhập thung lũng Indus (vùng Ngũ Hà) vì chính sách bách hại Phật giáo của vua Ấn là Sunga. Từ đó các vua Bactria được gọi là Hy-Ấn. Đến năm 170 TTL đời vua Demetrios II quân Bactria tiến được đến miền đông vây hãm lâu dài kinh đô Ấn là thành Pataliputra, sau khi chiếm bán đảo Surastra (Kathiavar), Gandhara, và Vahika (Punjab bây giờ). Vương quốc Ấn của triều Sunga bị thu hẹp ở phía Đông. Năm 169 TTL, trong khi vua Demetrios II đang hành quân ở miền đông Ấn thì tướng Eucratides I cướp ngôi ở kinh đô Bactra tự lập làm vua. Trên đường trở về kinh dẹp loạn thì vua Demetrios II bị tử thương. Em là Apollodots I lên thay, nhưng không bao lâu sau cũng bị Eucratides I tấn công hạ sát vào năm 165 TTL. Vương quốc của Eucratides I cũng bị tan rã nhanh chóng sau khi ông bị giết năm 150 TTL. Vua Menander lên kế vị, dời đô về Sagala (Xá Kiệt) và ngưng cuộc vây hãm Pataliputra. Khi rút quân về lại Sakala, ông mang theo về cái lý tưởng thuận trị theo Chánh Pháp của Asoka. Nhờ vậy Phật pháp lại được tiếp tục truyền bá mạnh đến cố đô Taxila rồi vùng Trung Á và còn xa hơn nữa. Ông trị vì được 35 năm, nhưng sau khi ông mất thì vương quốc rộng lớn của ông bắt đầu bị chia xẻ thành nhiều tiểu quốc. Sagala (bây giờ là Sialkot ở Punjab), kinh đô mới của nước Bactria, nơi có cuộc đàm đạo giữa vua Menander và tỳ kheo Nagasena tại chùa Sankheyya, là một vùng rất phì nhiêu, nằm giữa hai con sông Chenab và Ravi gần biên giới của Kashmir, mà trong bộ kinh (Miln. trang 83 – câu 5, Chương 7) đề cập đến là cách Kashmir 12 do-tuần (yojanas) tức khoảng 84 miles. Tổng cộng có cả thảy hơn 30 vị vua Hy-Ấn trong vùng đã cai trị trong vòng 2 thế kỷ từ 323 đến 10 TTL. Các triều đại huy hoàng của Hy-Ấn bị suy tàn kể từ 130 TTL và sau rốt bị người Kushan chiếm đoạt. Vua cuối cùng là Strato II, tại vị từ 40-10 TTL. Những vị vua của vương quốc Bactria với các năm trị vì: Vương quốc Hy-Bactria: Sophyteshay Seleukos (305-294 TTL) Diodotos I (khoảng 250 – 230 TTL) Diodotos II Euthydemos I; lật đổ Diodotos (khoảng 230-200 TTL) Vương quốc Hy-Ấn: Demetrios I (khoảng 200-180 TTL) Con của Euthydemos I. Người đã chinh phục được Ấn. Euthydemos II (190-171 TTL) Con của Demetrios I Pantaleon (190-180 TTL) Con của Demetrios I Demetrios II (175-170 TTL) Apollodotos I (khoảng 174–165 TTL) Em của Demetrios II, sau bị phản loạn Eucratides I giết. Antimachos I (171-160 TTL): Agathokles (171-160 TTL) Con của Demetrios I đồng trị với Antimachos I Menandros (khoảng 173–130 TTL) Kế vị Apollodotos I. Eucratides I (171-145 TTL) Eucratides II (145-140 TTL) Epander (135 - 130 TTL) Strato I (125 - 110 TTL) Zoilos I (130 - 120 TTL) Lysias (120 - 110 TTL) Antialcidas (115 - 95 TTL) Heliokles II (110 - 100 TTL): Vị vua sau cùng của vương quốc Bactria. Philoxenus (khoảng 100–95TTL) Demetrios III & Aniketos (khoảng 100 TTL) Diomedes (95 - 90 TTL) Amyntas (95 - 90 TTL) Theophilos (khoảng 90 TTL) Peukoloas (khoảng 90 TTL) Nicias (khoảng 90–85 TTL) Menander II & Dikaios (90 - 85 TTL) Archebios (90 - 80 TTL) Hermaeus (khoảng 90–70 TTL) Apollodotus II (80 - 65 TTL) Hippostratos (65 - 55 TTL) Dionysios (65 - 55 TTL) Artemidoros (60-40 TTL) Zoilos II (55 - 35 TTL) Apollophanes (35 - 25 TTL) Strato II (40 - 10 TTL) Hermaeus (10-1 TTL) (Có vẽ không thực trị mà chỉ được truy phong sau khi mất). Vua Menander hay Menandros: Coin of Menander. Chân dung Vua Menander, vương quốc Bactria, được khắc trên đồng tiền cổ. (National Museum, New Delhi) Vua Menander (có chỗ khác viết là Menandros, Minedra hay Menadra; tiếng Pali là Milinda) trị vì khoảng từ 160 – 135 TTL, là vị vua vĩ đại trong những vua Hy-Ấn, đã cai trị một vùng rộng lớn ở tây bắc Ấn, được gọi là vương quốc Bactria thuộc bán lục địa Ấn, chạy dài hướng tây đông từ thung lũng Kabul đến sông Ravi, hướng bắc nam từ thung lũng Swat (Pakistan ngày nay) đến Arachosia (thuộc Afghanistan ngày nay), và vịnh Arab. Menander sinh năm 183 TTL ở “Alasandra” (mà ngày nay được biết là Alexandria của vùng Caucasus hay Alexandria trên sông Oxus), vốn là kinh đô Kapisa của vùng Gandhara cổ đã bị Alexander đổi tên vào năm 329 TTL, cách 150 km phía Bắc Kabul ngày nay; và theo bộ kinh Milinda-Panha thì cách Sagala 200 yojanas, và lớn lên ở thung lũng Kabul. Có học giả cho ông là cháu của vua Demetrios II; khi lớn lên trở thành một bộ tướng anh dũng của Bactria, đã từng theo phò vua Demetrios II đánh đuổi quân Parthians ở phía Tây và uy hiếp Pataliputra, kinh đô của Ấn ở phía Đông. Menander đã được thần dân ngưỡng mộ vì tư cách đạo đức, có tài điều binh khiển tướng, cách trị quốc công minh, lối đối xử bình đẳng với các truyền thống Hy, Phật giáo, Ấn giáo và Bái Hỏa giáo (Zoroastrianism), làm cho nước mạnh dân giàu. Ông còn được mọi người kính trọng xem như là Vua Công Chính, Dharmaraja. Khi về già ông lại thường hay chú trọng đến việc thảo luận về triết và thần học. Ông hay tranh biện với những tư tưởng gia của nhiều đạo phái khác nhau và thường làm cho họ sửng sốt về những sự hiểu biết rất thâm sâu của ông. Trong một cuộc gặp mặt như thế với tỳ kheo Nagasena, vua Menander đã bái phục và xin quy y theo Phật giáo. Ông đã cho xây một tăng viện lớn cho Nagasena tại kinh đô Sagala gọi là Milindavihara. Sau đó ông đã nhiệt tâm hổ trợ Phật giáo. Phật giáo dưới triều Menander có một địa vị rất quan trọng. Một đoạn trong bộ Mahavamsa của Sri-Lanka đã ghi: “Nhân có lễ đặt đá cho việc xây Đại Tháp tại Anuradhapura ở Sri-Lanka, một phái đoàn tăng già Hy-lạp (tiếng Pali: Yona) gồm 30 ngàn người dẫn đầu bởi đại sư Mahadhammarakkhita (Sanskrit: Mahadharmaraksita) đã đến từ Alasandra” (Mahavamsa - XXIX). Sử gia La-mã Trogus Pompeius đã đề cập đến các vua Apollodotus và Menander trong bộ sử dày cộm của ông. Hai nhà sử học danh tiếng Hy-lạp là Strabo và Plutarch cũng viết khá nhiều về công trạng của vua Menander, đã cho thấy ông không những nổi danh ở vùng Tiểu Á và tây bắc Ấn mà còn được đề cao ở thế giới Hy-La về sau. Strabo (XI. 516) cho rằng Menander đã chinh phục nhiều bộ lạc hơn cả Alexander, khi ông vượt dãy Hypanis về phía đông để đến Isamus. Ông ta còn chiếm xứ Patalene ở đầu lưu vực sông Indus, đến bờ biển Saraostes, và bành trướng đến Seres (Trung Quốc) và Phryni. Bộ sưu tập cổ vật của Mir Zakah gồm 521 đồng tiền dưới triều Menander đã được công bố gần đây chứng tỏ triều đại lâu dài của ông và sự buôn bán thịnh vượng trong nước. Nhiều đồng tiền đào xới được trong vùng từ Afghanistan đến trung Ấn dưới triều Menander đều có khắc hình ông qua nhiều thời kỳ, lúc trẻ và lúc già cùng với bánh xe pháp. Những đồng tiền khác với chân dung của vua Menander mang dòng chữ “Vua cứu độ Menander” bằng chữ Hy-lạp Basileos Sothros Menandroy ở một mặt, và mặt kia mang dòng “Maharajasa Dharmika Menandrasa” (Vua vĩ đại Menander truyền bá Phật giáo) bằng chữ Prakrit và Kharoshthi. Silver drachm of the Greek “Saviour King” Menander (r. 160–135 BCE) Vua cứu độ Menander (khoảng 173–130 TTL). Theo văn học truyền thống của Phật giáo thì ông đã nhường ngôi cho con để lui về ở ẩn ở tăng viện, nhưng Plutarch đã ghi là ông chết trên chiến trường trong cuộc viễn chinh tái chiếm Bactria bất thành khoảng 130 TTL. Plutarch (Praec. reip. ger. 28, 6) đã viết về vua Menander như sau: “Ông là một vị vua nổi danh rất chính trực và được lòng dân đến độ khi ông mất ở trận tiền, nhiều thành phố đã tranh nhau tro cốt của ông; sau cùng đã đồng ý chia đều để mang về tôn thờ trong các ngôi tháp lớn” . Tỳ Kheo Na-Tiên (Nagasena): Nagasena, theo tiếng Sanskrit có nghĩa là “đoàn quân rồng” . Tư liệu hiện lưu truyền về tiểu sử của ngài đã ít lại rất mơ hồ, lắm khi còn mâu thuẫn nhau nữa. Có khá nhiều lý do để giải thích việc này: 1) Có thể vì truyền thống Phật giáo không coi trọng bản ngã và danh vọng nên đã không lưu lại nhiều chi tiết. 2) Đối với các nhân vật tôn giáo nổi danh ở vào thời đại của Nagasena, chuyện thật nhiều khi được thần bí hóa bởi tín đồ để thành huyền thoại. 3) Cũng vào thời đại ấy, sử liệu chỉ được chú trọng vào các nhà vua, và đã được lưu truyền nhờ vào những dấu tích xây dựng lâu dài của họ. 4) Các dữ kiện nếu có về Nagasena có thể đã bị tiêu hủy bởi những biến động chính trị và tôn giáo đối kháng trong vùng; v.v… Theo bộ kinh Milinda-panha thì Ngài sinh tại làng Casangala (Kajangala), dưới chân Hy Mã Lạp sơn, ở vùng Tây bắc Ấn Ðộ, trong một gia đình Bà La Môn mà thân phụ tên là Soñuttara, các sư phụ gồm đại sư Rohana và Assagutta của tăng viện Vattaniya, Dharmarakshita của tăng viện Asoka Ārāma ở kinh đô Pātaliputta. Chính đại sư Dharmarakshita đã từng được đại đế Asoka phái đi truyền đạo ở Aparanta phía Tây nước Ấn. Một vị thầy khác là đại sư Āyupāla của tăng viện Sankheyya gần Sāgala. Khi vua Menander đến vấn kinh thì ngài đang trụ trì tăng viện Sankheyya có đến 80 ngàn tỳ kheo lưu trú. George Woodcock sau khi tìm hiểu hệ thống truyền thừa của Phật giáo trong vùng đã cho rằng Nagasena có thể là vị sư gốc Hy ở Bactria. (Woodcock 95). Cuộc xâm lấn của dân Scythian Và Kushan: Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 3 TTL, Tần Thỉ Hoàng thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TTL, và đã đuổi được rợ Hung Nô ra xa bờ cõi. Rợ Hung Nô (Xiongnu: Huns), vì thế di dân sang phía Tây đánh đuổi những bộ tộc Yuezhi (Nguyệt Chi hay Nhục Chi) sinh sống ở lưu vực Tarim (Xinjiang và Kansun ngày nay) đến vùng sông lli vào khoảng 175 TTL. Đến lược họ lại đẩy các bộ lạc Sakas (mà tiếng Hy-lạp gọi là Scythians), có nguồn gốc Mông Cổ, di dân về phía Nam và Tây vào các xứ Parthia khoảng 138-124 TTL, rồi năm 130 TTL vào Bactria. Các bộ lạc Yuezhi tiếp tục xâm lấn vào Bactria, và đuổi dân Scythians vào Afghanistan và Bắc Pakistan trong thung lũng sông Indus. Các giống dân mới chịu đồng hóa với văn hóa Hy. Ban đầu dân Scythians sống hòa bình với các triều đại Ấn-Hy, nhưng đến khoảng cuối của thế kỷ 1 TTL thì họ xâm chiếm toàn vùng dưới triều vua Azes II và chấm dứt các tiểu vương quốc Ấn-Hy, lập nên vương quốc Indo-Scythian từ 90 TTL đến 12 TTL. Sau khi vua Indo-Scythian cuối là Aze II mất thì vương quốc Indo-Scythian bị giống Kushans, vốn là một bộ phận của rợ Yuezhi, chiếm lập nên Đế quốc Kushan (nên sử Tàu hay gọi lẫn lộn là xứ Khuất Chi hay Nhục Chi) kéo dài vài thế kỷ, chỉ bị tạm dứt khoảng một thế kỷ khi bị dân Parthians xâm lăng từ 20 TL đến 75 TL, rồi phục hồi trở lại. Đế quốc Kushan tồn tại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ 3 TL, trải dài từ Tajikistan đến biển Caspian và Afghanistan, cho mãi đến thung lũng sông Ganges. Trong nhiều thế kỷ, đế quốc này là trung tâm giao dịch giữa đông và tây. Các triều đại huy hoàng nhất là từ 100 đến 250 TL có Kanishka I (100-126 AD), Huvishka (126-164 AD), Vasudeva I (164-200 AD), Kanishka II (200-222 AD) và Vashishka (232- 246 AD). Nhưng đến thế kỷ thứ 3 TL thì đế quốc Kushan bắt đầu tan rã. Sau khi vua Vasudeva I chết thì đế quốc Kushan bị phân làm 2 xứ đông và tây. Đến năm 224-240 TL Các triều đại Kushan bị Shapur I cầm đầu dân Sassanides lật đổ, rồi lên làm vua. Shapur I cũng đã đánh bại quân La-mã và bành trướng rất mạnh trong vùng. Các triều đại Sassanides cai trị vùng này từ 224 đến 651 TL. Dưới thời Sassanides Bái Hỏa giáo lại trở thành quốc giáo, nhưng cũng rất nương tay với những tôn giáo khác, nên Phật giáo vẫn có cơ hội phát triển mạnh. Chính vào thời kỳ này hai bức tượng Phật đồ sộ lớn nhất toàn cầu đứng cao 177 bộ đã dược tạc vào núi đá ở Bamiyan, Afghanistan, mà gần đây đã bị bọn cuồng tín Hồi giáo Taliban phá hủy. Bái Hỏa giáo (mà tây phương hay gọi theo Hy ngữ là Zoroastrianism) là tôn giáo độc thần thờ Ahura Mazda, và trong nghi lễ xem lửa như là nguồn sáng tạo tinh khiết, là ánh sáng thánh thiện đối chọi với dục vọng đen tối độc ác, do nhà tiên tri Zoroaster tạo dựng (thực ra tên gốc Iran là Zarathushtra Spitama), và một thời nó đã là quốc giáo của đế quốc Persia. Nhiều học giả cho là Zoroaster sống trong khoảng 628 – 551 TTL, và được thiên khải rồi nổi danh ở Bactria ở tuổi 30. Ở đó ông đã sáng tạo nên những thánh kệ trong quyển Gathas thuộc bộ kinh Zand Avesta. Một điều thú vị khác là vài chục năm trước đây Kim Dung, một nhà viết tiểu thuyết võ hiệp trứ danh của Đài Loan trong cuốn “Ỷ thiên Đồ long ký” đã đề cập đến sáu thanh Thánh hỏa lệnh của Bái hỏa giáo Ba Tư, và Trương Vô Kỵ trở thành giáo chủ Minh Giáo tức Bái hỏa giáo Trung Quốc. Thực ra Minh giáo (Manichaeism), có giáo thuyết gần giống Bái Hỏa giáo xuất hiện nhiều thế kỷ sau, do Mani (khoảng 216-76 TTL) ở Babylonia sáng lập, nhưng lại bị giết bởi giới tăng lữ đạo Zoroastrianism vì ra mặt đối kháng. Lúc còn thanh niên, ông đã từng đến Taxila học đạo và chịu ảnh hưởng Phật giáo. Trong vài trăm năm Minh giáo đã đối đầu với Ki-tô giáo trong vùng Trung đông. Đến thế kỷ thứ 5 thì đế quốc Sassanides bị tan rã bởi sự xâm lăng khác của rợ Hung nô mới và sau đó là sự lớn mạnh của đế quốc Gupta ở Ấn theo Ấn giáo, rồi đến lượt các thế lực Hồi giáo. Theo đó Phật giáo cũng bị tàn lụi dần. Hoàng Đế Kanishka I: Là một ông vua quy y theo Phật giáo, và nhiệt tâm chẳng kém các vị hoàng đế khác như Asoka, Menander I, và Harshavardhana (606-47 TL). Hoàng đế Kanishka I (100-164 TL) kế vị vua Vima Kadphises, đóng đô ở Purushapura (Peshawar) là vị vua vĩ đại của vương quốc Kushan. Lãnh thổ của đế quốc Kushan rất rộng dưới thời Kanishka I, bao gồm và kiểm soát con đường tơ lụa, là vùng giao lưu của các nền văn minh lớn của thế giới bấy giờ, tây có La-mã (trong thời của các hoàng đế Trajan và Hadrian: 98-138 TL), đến đông có Trung-hoa. Dưới triều đại của ông, nghệ thuật Phật giáo-Hy đạt đến tột đỉnh tạo nên nền văn minh Gandhara. Nhiều đồng tiền dưới triều Kanishka I, khoảng năm 120 TL, có khắc hình đức Phật theo mỹ thuật Hy-lạp, và mang dòng chữ Hy “Boddo” (đức Phật). Gold coin of Kushan emperor Kanishka I (c. 100–126 CE) with a Hellenistic representation of the Buddha, and the word “Boddo” in Greek script. Cũng giống như Asoka, hoàng đế Kanishka I xây dựng rất nhiều đền đài, ví dụ như đại tháp Peshawar thờ xá lợi Phật được cất bằng gổ cao 400 bộ, khu Sirsukh ở Taxila, thành ở Kashmir v.v... nay vẫn còn dấu tích. Vua Kanishka đã tổ chức kết tập kinh điển ở Jālandhar Kashmīrthat, Kashmir, mà trong văn học Phật giáo hay gọi là Ô Trường (Udỳana). Lần kết tập này đã đánh dấu sự hình thành của Phái Đại thừa Mahayana, tách rời ra khỏi phái Thượng tọa bộ Nikaya. Ông cho lưu giữ nhiều bản kinh đại thừa viết bằng thổ ngữ ở Gandhara là tiếng Prakrit, sau này được dịch sang ngôn ngữ văn chương Sanskrit và từ đó được truyền sang đông phương theo con đường tơ lụa. (Foltz – “Religions on the Silk Road” ), Cũng trong thời kỳ huy hoàng này có sự xuất hiện của những đại luận gia Phật giáo như Nagarjuna, Asvaghosha and Vasumitra. Charaka, được xem như cha đẻ của nền y học của Ấn khởi sự là ngự y trong triều Kanishka. Phật giáo Hy-lạp (Graeco-Buddhism) hay sự giao hòa giữa Phật giáo và văn hóa Hy-lạp: Có thể nói các vương quốc Bactria rồi Kushan là mối nối kết giữa vùng Địa trung hải, lục địa Ấn và Trung Quốc – khởi đầu cho sự liên lạc giữa hai nền văn minh tây và đông phương. Sự giao hòa mọi mặt, nhất là văn hóa giữa Hy và Phật giáo đang hưng thịnh trong vùng kéo dài nhiều thế kỷ đã lưu lại một sắc thái đặc thù cho nền văn hóa mới ở vùng này, sử hay gọi là Phật giáo Hy-lạp, kéo dài gần 8 thế kỷ (từ thế kỷ 4 TTL đến thế kỷ 5 TL), mà ảnh hưởng vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Đơn cữ một vài thành tựu: 1. Kiến trúc Hy-lạp. Nhiều thành phố lớn trong vùng như Taxila, Ai-Khanoum, Uddiyana, Sindh v.v… mang thêm những đặc điểm của nền văn minh Hy-lạp qua các cấu trúc như rạp hát, đấu trường và hàng cột đá ở những dinh thự v.v... 2. Kiến thức về khoa học, thiên văn, y học và triết học của Hy-lạp hòa nhập với văn hóa bản xứ và đạo Phật, đã tạo nên một nền văn hóa mới và phát triển rực rỡ vài thế kỷ từ vùng Gandhara, mãi đến sau khi các vương quốc Hy-Ấn biến mất đã lâu. Taxila đã trở thành một trung tâm học vấn quốc tế nổi danh. 3. Kỷ thuật tiến bộ trong việc đúc tiền bằng kim loại. Các nhà vua của vương quốc Bactria khoảng đầu thế kỷ 2 TTL, như Euthydemos II, Agathokles và Pantaleon đã cho đúc những đồng tiền gồm đồng và bạc, rồi đặc biệt kẽm mạ kền (nickel) được xem như là lần đầu của nhân loại. Người ta cho là nickel đã được du nhập từ Trung Quốc hoặc từ những thiên thể (meteorites) rơi xuống đất. Kỷ thuật sản xuất đồng nickel này bỗng biến mất cho mãi đến thế kỷ 19 TL mới được tái dụng. Điều đáng nói là tỷ lệ hợp kim này, 25% nickel 75% đồng, ngày nay lại được dùng trong đồng xu của Mỹ. Hình tượng đức Phật đã được khắc lên trên những đồng tiền này lần đầu. 4. Nghệ thuật điêu khắc tả chân thật tân kỳ. Các đồng tiền vàng và bạc mang chân dung của các vị vua Hy-Ấn được điêu khắc rất sống động còn tỉ mỉ hơn xa những tác phẩm đồng thời của những vương quốc phương Tây. 5. Riêng đối với Phật giáo thì trước thời kỳ này, vâng theo lời dạy của đức Phật trong kinh Digha Nikaya (Trường Bộ Kinh), không muốn đồ đệ lưu luyến qua ảnh tượng thế gian vốn sinh diệt của ngài nên hậu thế thường tượng trưng đức Phật bằng hình ảnh của một ngai vàng bỏ trống, cây bồ đề hoặc bánh xe pháp chứ không tạo theo hình dáng con người, bởi cho như thế là phạm thượng. Đến khi Phật giáo được thấm nhuần ở Bactria thì tượng đức Phật lịch sử mới được tạc bằng đá hay trên đồng tiền lần đầu theo truyền thống Hy với thế đứng và áo choàng dài phủ hai vai để tôn thờ, chẳng hạn như tượng đức Phật đứng ở Gandhara vào thế kỷ 1, 2 TL. Greco-Buddhist head of Buddha, stucco, Hadda, Afghanistan, 1st–2nd century AD Và những hình tượng đức Phật chịu ảnh hưởng Hy vào giai đoạn ấy đã diễn tả được nét mặt thanh tịnh và tâm cảnh giác ngộ giải thoát của ngài, một đấng giác ngộ rất gần gũi với người thường, nên có sức thu hút tín đồ mãnh liệt hơn, và được phổ biến rộng rãi hơn. Vài hình tượng bồ tát Phật giáo có thể đã chịu ảnh hưởng Hy-lạp; ví dụ thần Heracles (hay Hercules) với áo da sư tử đã được làm mẫu cho thần Thủ kim cương (Vajrapani), một vị hộ pháp; mà về sau ở Trung Quốc và Nhật đã biến thành các hộ thần đứng trấn ở các cổng chùa. Phật giáo Hy-lạp và sự hưng thịnh của phái Đại thừa: Không ít thì nhiều, chính sự chung sống khắng khít lâu dài giữa hai nền văn hóa Phật giáo và Hy-lạp trong vùng đã ảnh hưởng lên hệ thống triết học của nhau. Phật giáo lên trên nền triết học của Hy; và Hy lên trên sự manh nha của học phái Đại thừa, trước cả giai đoạn ảnh hưởng của Trung Á hoặc Đông Bắc Á. Theo nhiều học giả thì những bản kinh đại thừa chủ yếu đã được sáng tập khoảng năm 100 TTL, khi có sự khác biệt trong sự luận giải lời dạy của đức Phật giữa phái thủ cựu (Thượng tọa bộ) và phái canh tân (Đại thừa), và nhất là sự tranh luận về ứng thân (humanity) hay pháp thân (superhumanity) của đức Phật và về A-tì đạt-ma tạng (metaphysicalessentialism). [McEvilly, “The shape of ancient thought” ]. Phái đại thừa bao dung và chấp nhận những ý niệm tiến bộ hơn ngoài những kinh bộ truyền thống Nikaya, vượt xa hơn ý niệm về giác ngộ giải thoát cá nhân của Thượng tọa bộ, để thờ phượng đức Phật gần như nhân-thần linh thiêng (man-god status) tương tự như quan niệm thần linh hóa nhà vua (god-king) của Hy-lạp, và sự xuất hiện một loạt các chư thánh bồ tát muốn cứu độ chúng sinh (pantheon of deities - bodhisattva). Theo Katsumi Tanabe, giáo sư tại Chuo University, Nhật, trong cuốn “Alexander the Great. East-West cultural contact from Greece to Japan” thì ảnh hưởng Hy-lạp trong Phật giáo còn được truyền sang Nhật bản và lưu nhiều dấu tích, ví dụ thần gió Fujin là gợi ý từ thần Boreas, hay thần mẹ Hariti hoặc Kishibojin từ thần Tyche. Đến triều Kanishka I thì phái đại thừa càng được khởi sắc thêm. Tiếng Pali được dùng trong văn học thay thế tiếng Sankrit và đặc điểm nổi bậc nhất là sự trưởng thành tột đỉnh của nghệ thuật Gandhara. Nghệ nhân vùng này đã khéo léo trộn lẫn hai truyền thống Ấn và Hy-lạp trong các tác phẩm một cách hài hòa. Rõ rệt nhất là các tượng Phật và chư bồ tát mà hiện nay vẫn còn tồn tại. Foltz trong cuốn “Religions on the Silk Road” cho rằng sự giao lưu đa văn hóa trong vùng trên “con đường tơ lụa” đã đóng góp vào sự phát triển và lớn mạnh của phái đại thừa và Tịnh độ tông. 75mili8 Tượng đức Phật Thích Ca lúc khổ hạnh; tìm thấy ở Taxila và hiện lưu ở Bảo tàng viện Lahore. Nhiều tượng Phật tạc theo nghệ thuật Gandhara còn mang vẻ thần mặt trời Apollo. Bentley trong cuốn “Old WorldEncounters” cho rằng có thể triết lý khắc kỷ (stoicism) của Hy-lạp đã có chút ảnh hưởng đến sự nhìn nhận khả năng bình đẳng giác ngộ của mỗi cá nhân (ai cũng có Phật tính). Đáng tiếc là sự tương sinh này đã chấm dứt vào khoảng thế kỷ 5 TL, khi vùng bắc Ấn bị rợ Hung xâm lấn, và kế tiếp là sự phục hồi của Ấn giáo và sau cùng là sự bành trướng của Hồi giáo làm cho ảnh hưởng Hy vào Phật giáo đã phai tàn nhường chỗ cho ảnh hưởng của Trung Hoa về sau. Ảnh hưởng đến các tôn giáo khác ở phương Tây: Xa hơn nữa, sự giao thoa Phật giáo - Hy-lạp cũng đã gây ảnh hưởng đến sự hình thành của nhiều tôn giáo khác trong vùng Địa trung hải, đặc biệt là Ki-tô giáo. Bentley, trong sách dẫn thượng đã khẳng định rằng khái niệm luân lý của Phật giáo vào thời đại của Menander, dựa vào lý tưởng thuận trị theo Chánh Pháp của Asoka được truyền qua phương Tây đã ảnh hưởng đến giáo lý của Ki-tô xuất hiện khoảng 2 thế kỷ sau, như ý niệm về hiếu sinh, bình đẳng, thương xót kẻ yếu đuối, tránh bạo lực, biết dung hòa và tha thứ v.v… Những thành phố Hy-lạp quan trọng ở vùng Trung đông như Antioch và đặc biệt là Alexandria, về sau đã trở thành những trung tâm phát triển Ki-tô giáo và đóng vai trò không nhỏ trong sự kết tập giáo lý của Ki-tô giáo. Ảnh hưởng của Phật giáo còn được thấy phảng phất trong vài phần khác của Thánh Kinh Ki-tô, ví dụ sự thiên ứng về sự ra đời của Phật và Jesus; sự báo trước của các nhà tiên tri Asita và Simeon về đứa bé sơ sinh sẽ là đấng cứu thế; Phật bước trên hoa sen, Jesus đi trên nước; việc chữa lành cho người bệnh; việc nhịn đói nhiều tuần trước khi thành đạo; sự cám dỗ của Mara và Satan; ý niệm về tam bảo và ba ngôi; đời sống độc thân trong tu viện, v.v… (Sedlar 281). Trong cuốn “Intertextuality, Buddhism, and the Infancy Gospels, “Zacharias P. Thundy khẳng định không phải là do sự trùng hợp mà cho rằng văn hóa và văn học Phật giáo và Ấn đã cung cấp nhiều yếu tố trong văn chương Thánh Kinh Ki-tô (Thundy 18). Thời kỳ ấy, tín đồ Phật giáo đã từng sinh sống ở Alexandria. Origen qua cuốn “Commentary on the Book of Ezekiel, “còn cho là Phật giáo cũng đã có mặt ở Anh quốc. Giáo sư Hajime Nakanura còn bảo là ông đã tìm thấy dấu tích của các tăng viện Phật giáo ở vùng bắc Âu. (Ikeda 74). Trong Cựu ước kinh, phần Thánh vịnh, bộ “Các sách giáo huấn” , đặc biệt là quyển thứ 4 “Ecclesiastes” (Truyền Đạo, có người dịch là Giảng Viên), vốn được biên soạn ở thế kỷ 3 TTL, nhưng lại ngụ ý là do vua Salomon của Do-Thái. Tác giả vô danh suy ngẫm về ý nghĩa cuộc sống và cho rằng tất cả đều là phù vân, sau khi đã quan sát về vòng sinh tử, luân hồi của đời sống. Ngay trong câu mở đầu của cuốn sách Qohelet (Thầy giảng) phán: “Hư không, tất cả đều là hư không” (emptiness, everything is emptiness). Ý này còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuốn kinh. Ông vốn có đủ quyền lực và khả năng để thử nghiệm đời sống một cách tận cùng về trí thức, rồi các thú vui vật chất, tình tiền, nhưng rồi cũng thất vọng và đau khổ vì cái giới hạn của cuộc sống. Rốt lại ông cho rằng chỉ có cuộc sống tâm linh thánh thiện mới là nguồn an lạc lâu dài. Năm 1894, nhà thần học E. J. Dillon vốn thấy nó rõ ràng là đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nên muốn loại cuốn này ra khỏi Thánh Kinh Ki-tô (Dillon 153-76). Cũng trong giai đoạn này triết gia Pyrrhon đã tháp tùng đại đế Alexander vào vùng tây bắc Ấn và khi trở về Hy-lạp đã lập nên trường phái Cynic, sau khi chịu ảnh hưởng của Kỳ na giáo và Phật giáo. Hiển nhiên sự bành trướng của trường phái này trong thế giới Hy-lạp đã có ít nhiều ảnh hưỡng đến cuốn Ecclesiastes. Bộ kinh Milinda Vấn Đạo: Người ta tin rằng bộ kinh Milindapanha đã được khẩu tập không lâu sau khi vua Menander băng hà. Thời gian ấy các người kế vị là Hoàng hậu Agathocleia rồi vua Strato I Soter ở ngôi khoảng 40 năm nữa trước khi xứ Bactria bị chia ra nhiều tiểu vương quốc. Nội dung kể lại những câu hỏi và đáp giữa vua Milinda và tỳ kheo Nàgasena. Sau đó bộ kinh này đã được kết tập ở vùng bắc Ấn khoảng giữa thế kỷ 1. V. Trenckner cho rằng nguyên bản được viết bằng chữ Sanskrit, vì khi ông dịch bản Pali vào những năm 1860 nhận xét thấy bộ kinh được bắt đầu bằng dòng “Tam yathà nusuyatà” (được truyền lại như sau), chứ không theo lối kinh gốc Pali thông thường được khởi đầu bằng “Evam me sutam” (tôi nghe như vầy). Điều ngạc nhiên nữa là câu mở đầu này cũng đã được dịch ra trong bản chữ Hán, như thế tỏ rằng hai bản dịch đều bắt nguồn từ nguyên bản chữ Sanskrit. Các dịch giả Sylvain Levy và Specht cũng khẳng định là các bản dịch ra Hán văn của bộ Milinda-panha có nguồn gốc không từ bản Pali, mà có thể từ bản kinh cổ hơn. Nhiều học giả như W. W. Tarn, George Woodcock, và Rabindra Nath Basu đã gợi ý rằng có một bản (có thể là gốc) viết bằng Hy ngữ của Milinda-panha với tựa đề là “the Letter of Pseudo–Aristeas” đã xuất hiện ở Alexandria trong vòng 50 năm sau khi vua Menander từ trần. Điều này đã hổ trợ cho thuyết bảo rằng bộ kinh đã được khẩu tập dưới thời Menander. (Basu 3; Woodcock 113). Đến nay người ta vẫn không rõ ai là tác giả bộ kinh này, nhưng xem ra phải là người đã từng sống ở vùng tây bắc Ấn xa xôi hay vùng Punjab, bởi vì ngài đã không hề nhắc nhở đến những thành phố nổi danh thời bấy giờ ở nội địa Ấn phía Nam sông Hằng. Có học giả, như tỳ kheo Pesala sau khi nghiên cứu bộ kinh Milinda-panha, rất ngạc nhiên với sự hiểu biết thâm thúy về Phật giáo của vua Menander đã cho rằng có thể tác giả ẩn danh vốn là một đại sư, khi thuật lại cuộc gặp mặt của hai nhân vật lịch sử trong kinh đã điểm xuyết thêm vào sự liễu ngộ Phật pháp của mình để kéo dài câu chuyện và làm đẹp ý nhà vua, đồng thời làm sáng tỏ giáo pháp của đạo Phật và bác bỏ những ngộ nhận từ các giáo phái khác chống Phật giáo. Bộ kinh thường được truyền tụng ở tây phương đến nay là bản Pali; và đây cũng là bộ kinh khởi thủy thuộc hệ nam tông đã không xuất phát từ Tích-Lan. Theo đó thì cuộc đàm đạo giữa vua Milinda và thánh tăng Nagasena xảy ra vào khoảng từ 400 đến 500 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Về sau đã được Đại đức Pitakaculàbhaya, ở trung Ấn độ biên tập lại bằng tiếng Pàli từ những khẩu truyền. Theo bản Hán dịch hiện lưu hành thì cho rằng soạn giả là Bồ tát Long Thọ (Nagarjuna), vị đại luận sư của phái Ðại thừa, xuất hiện khoảng đầu của thiên niên kỷ TL. Có 3 bản dịch ra Hán văn lần lượt xuất hiện vào các thế kỷ III, IV, và V. Bản hiện lưu hành là bản thứ nhì, dịch trong khoảng từ năm 317 đến năm 420, nhan đề là “Na Tiên Tỳ Kheo Kinh” , có lẽ từ bản Pràkrit. Vào thế kỷ thứ V, đại luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) cũng thường trích dẫn kinh nầy để dùng làm luận cứ chứng minh cho các tác phẩm của ngài. Ngài Thế Thân (Vasubandhu) cũng nhắc đến kinh Milindaphanhà trong khi soạn bộ luận trứ danh của ngài là bộ A tỳ đạt ma Câu xá luận (Abhidharmakosa). Trong bộ Mahavamsa của Tích Lan, vốn do Mahànàma viết vào đầu thế kỷ thứ 6 TL, nhắc đến tiểu sử của Moggaliputta Tissa, đã sống khoảng trăm năm trước Nagasena, nhưng lại giống với câu chuyện về Nagasena được đề cập đến hai lần trong bộ kinh [Miln. pp 3-71]. Như thế rõ ràng là Mahànàma đã mượn ý từ bộ kinh Milinda-panha, vì lúc bấy giờ bộ Milinda-panha đã là thánh điển được Buddhaghosa (Phật Âm) sao lục. Trong cuốn Milinda Tika, luận về bộ Milinda Panha, cho biết là đoạn mở đầu và đoạn kết của bộ kinh là do Buddhaghosa viết. Trong phần giới thiệu của bộ kinh, có đoạn nói rằng vua Menander đã từng đàm đạo với Purana Kassapa, Makkhali Gosala và những vị đạo sư khổ hạnh khác thì được xem như là hư cấu, bởi chư vị này sống đồng thời với đức Phật Thích Ca. Câu chuyện có lẽ mượn từ cuốn Sàmana Phala Sutta của bộ Digha Nikàya. Ngày nay thì bộ kinh, cũng như tam tạng kinh điển Phật giáo, đều đã được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác. Ở châu Âu, bộ kinh Milinda-panha đã được nhiều học giả dịch ra và nghiên cứu lần đầu vào thế kỷ 19; đơn cử: 1) V. Trenckner, Milinda-panho (London, 1880). 2) Rhys Davids, Questions of King Milinda (2 vols. , Oxford, 1890-1894). 3) R. Garbe, Beitrdge zur indischen Kulturgeschichte (Berlin, 1903, ch. 3, Der Milinda-panha). 4) Milinda Prashnaya, in Sinhalese, (Colombo, 1877). 5) R. Morns, in the Academy (Jan. II, 1881). 6) Sylvain Levy, Proceedings of the 9th International Congress of Orientalists (London, 1892), i. 518-529, and Journal of the Royal Asiatic Society (1891), p. 476. (T. W. R. D. ) Phần đối thoại phản ảnh giáo pháp Kinh bộ Nikaya như bàn về vô ngã, luân hồi, tái sinh của danh sắc, trạng thái của La Hán, bản thể của Niết Bàn, sự xuất thế của Phật, tính cách vô thượng của Phật v.v... Trong cuộc đối thoại nầy, có một điều làm cho vua Menander hài lòng nhất là câu giải đáp của ngài Nàgasena về sự lợi ích của đời sống tu hành mà từ trước nhà vua chưa được nghe, đó là “người xuất gia chắc chắn đạt được thánh thiện, và đạt được mau chóng hơn kẻ tại gia." Đặc điểm của Bộ Kinh: Đặc điểm của nó là được xem như một cuộc giao thoa Âu-Á đầu tiên, một cuộc học đạo giữa một người tây phương (vua Menander) với văn hóa Hy lạp muốn học hỏi giáo pháp uyên áo của đạo Phật ở đông phương qua sự giải đáp của một vị tăng (Tỳ kheo Nàgasena) ở thung lũng sông Indus. Qua đó Phật pháp đã được trình bày một cách đầy thuyết phục và dễ nhớ. Vốn dòng dõi Hy-lạp, vua Menander đã hỏi khá nhiều câu hỏi mà người tây phương thường thắc mắc về những đề tài rất cấp thiết đại loại như “Nếu không có linh hồn thì cái gì sẽ tái sinh?” hoặc “Nếu không có cái ta thì ai đang chuyện trò với ngài?” , cho nên bộ kinh Milindapanha rất gần gũi với người tây phương muốn tìm hiểu về Phật giáo. 75mili975mili10Thực ra lối đàm thoại này đã từng được đức Phật sử dụng trong Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikàya); Bài giảng cho người Kàlàmà. (Phẩm 5-7; Đoạn 65). Mọi câu hỏi được đặt ra từ một kẻ ngạo mạn đầy uy quyền với óc đa nghi, sắc bén đều đã được giải đáp hòa nhã, thỏa đáng kèm với nhiều tỉ dụ cụ thể và giản dị bởi một vị thánh tăng. Cũng vì thế mà vua Menander liễu ngộ Phật pháp mà quy y rồi ủng hộ Phật giáo mạnh mẽ dưới triều ông. Văn phong trong bộ Milinda-panha hao hao lối đối thoại của Socrates (470-399 TTL) / Plato (428 – 347 TTL; học trò của Socrates và thầy của Aristotle). T. W. Rhys Davids, một nhà ngữ học Pali đã cho đó là một kiệt tác văn chương cổ của Phật giáo và cũng của nền văn học Ấn. Bộ kinh cũng cho thấy ẩn chứa những điểm tế nhị ảo diệu manh nha của tư tưởng đại thừa. Có lẽ chính vì đặc điểm này mà ngài Long Thọ (xuất hiện hơn 2 thế kỷ sau) cũng trước soạn lại bộ kinh Na Tiên để mở màn cho giáo lý trung quán xuất hiện. Xét ở khía cạnh này, có thể xem tư tưởng Nàgasena là tư tưởng chuyển tiếp giữa Tiểu thừa và Ðại thừa. Vì thế địa vị của bộ kinh trong tam tạng kinh điển không kém phần quan trọng. Vài điểm khác biệt giữa hai bản dịch Pali và Hán văn: Đại khái chúng ta có thể nêu vài điểm khác biệt như sau: 1. Bản Hán văn lấy tên tỳ kheo làm tựa đề là Nàgasena-bhikshusutra (Na-tiên tỳ kheo kinh) chia làm 3 phần. Bản Pali lại tên vua làm đề là Milinda-Panha (Milinda Vấn Kinh), phân làm 7 quyển. 2. Nội dung của một phần quyển I, trọn quyển II, và quyển III của hai bản giống hệt nhau. Nhiều học giả cho rằng bốn quyển còn lại, từ quyển IV đến quyển VII, là do phái Thượng tọa bộ Nam tông thêm dần vào từ thế kỷ thứ V, cho hợp với lập trường giáo nghĩa của phái mình. 3. Bản Pali có dư trội 12 câu hỏi. Đây là do sự sắp xếp khác nhau của những lần biên tập về sau, nên có sự khác biệt. Bản Pali: có 6 quyển, 22 chương gồm 262 câu hỏi, mà nay chỉ còn 237 câu hỏi. Bản Hán văn có 250 câu hỏi. 4. Giữa hai bản, chuyện tiền thân của Nàgasena và Milinda không giống nhau. 5. Trong bản Hán văn không thấy đề cập đến Abhidhamma (A-tì-đạt-ma: Thắng Pháp), vốn thường được nhắc đến trong bản Pali. 6. Trong phần sắp xếp Bodhipakkhiya Dhammas (Bồ-đề Phần), người dịch ra Hán văn xem ra không quen với bản Pali. 7. Bản Pali nói rằng súc vật có suy tính nhưng thiếu khôn ngoan; bản Hán văn thì bảo súc sinh có khôn ngoan nhưng cái tâm thì khác nhau. Lời Kết: Nhân tìm hiểu lịch sử của giai đoạn quanh thời kỳ xuất hiện bộ kinh Milindapañha, chúng ta thấy đã có nhiều chứng cớ để kết luận rằng: Cuộc đàm đạo giữa vua Menander (hay Milinda, Di-Lan-Đà) và Tỳ kheo Nàgasena (hay Na-Tiên) là một sự kiện lịch sử, đã từng xảy ra ở tăng viện Sankheyya, thuộc kinh đô Sagala của nước Bactria vào khoảng giữa thế kỷ thứ 2 TTL. Sử liệu cũng cho thấy vùng Tây Bắc Ấn sau khi bị người Hy-lạp xâm chiếm đã có một thời thấm nhuần Phật giáo được truyền từ lưu vực sông Hằng. Có thể bảo đấy là thành quả sớm nhất của các cuộc truyền pháp của Phật giáo sang phương Tây, còn trước cả phương Đông. Sự giao hòa giữa hai nền văn hóa và triết học của Phật giáo và Hy-lạp trong vùng đã tạo nên một sắc thái đặc thù của đất thánh Gandhara, nơi phát xuất và đóng góp ý niệm đại thừa vào Phật giáo về sau. Nhưng nhìn vào sự thăng trầm sinh diệt nhanh chóng của các nền văn hóa trong vùng cũng làm cho người đọc chạnh lòng. Với tham vọng đế quốc thống trị toàn cầu, nhất là từ Tây phương kể từ thời Alexander, thì sức mạnh của bạo lực là chủ yếu. Mạnh được yếu thua. Họ chẳng cần đếm xỉa gì đến đạo lý. Đạo lý chỉ được tạo dựng sau khi đã hoàn tất sự khống chế để biện giải cho việc giết người cướp của của họ; vì thế mà vai trò của tôn giáo và giới tăng lữ vẫn luôn có giá trị lợi dụng cho kẻ xâm lược. Suốt dòng lịch sử nhân loại hơn hai ngàn năm, tham vọng ấy của Tây phương vẫn liên tục được tiến hành với chiêu thức có thay đổi tùy theo thời đại kỹ thuật mới. Đến nay thì họ không cần chiếm đất mà chỉ muốn áp đặt quyền lực lên các nước nhược tiểu. Dĩ nhiên song hành với tham vọng này, họ vẫn là sử dụng “vũ khí mềm” là bành trướng tôn giáo Ki-tô lợi hại, “mở mang nước Chúa” để đạo và đời cùng có lợi như đã từng làm trong quá khứ qua các chế độ xâm chiếm thực dân. Đã có biết bao nhiêu tiểu quốc, bao sắc dân, bao nền văn hóa và tôn giáo của thế giới đã bị hủy diệt bởi những tham vọng này. Từ đó ta thấy thêm rằng chỉ những tôn giáo nào được kẻ mạnh sử dụng là hy vọng tồn tại, và vì thế tôn giáo nào muốn độc tôn trên thế gian đều phải dựa vào lưỡi gươm của thế lực, chứ chẳng phải từ thần linh hay giáo lý mà giới tăng lữ thường kêu gọi tín đồ tuân phục. Thần quyền luôn liên kết với thế quyền để cùng hưởng lợi. Tín đồ càng nhiều, cộng đồng càng lớn thì vai trò của giới tăng lữ mới càng quan trọng để bảo vệ quyền lợi kinh tế và vật chất cho nhau. Giáo chủ xưa thì sống trong thanh bần áp bức để làm sáng thiện tâm, nhưng giáo hội nhân danh họ được dựng lên thì sống trên xa hoa, dư dật của vật chất và quyền lực. Hóa ra những lời thuyết giảng chỉ là những xảo ngôn lừa mị. Nhưng tín đồ thì chẳng mấy bận tâm với những điều trái khuấy ấy khi quyền lợi kinh tế của họ được bảo đảm bởi giáo hội. Riêng Phật giáo, với bản chất từ bi, nhẫn nhục, hiếu sinh và thanh tịnh, giới tăng già thì nghiên về thoát tục (nhưng chưa hẳn hoàn toàn đã thế), xem ra thiếu khả năng tổ chức và lãnh đạo khối tín đồ trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị quan trọng trong từng quốc gia (ngoại trừ một vài nước theo phái Tiểu thừa), chứ đừng nói đến một trung tâm hoằng pháp chỉ đạo quốc tế. Vì thế Phật giáo chỉ thích nghi với những xã hội nông nghiệp ít biến động, chứ không có đủ sức mạnh để kháng cự khi bị ngoại xâm. Khi bị tấn công đàn áp, thì tín đồ Phật giáo lại hay chọn thái độ dĩ hòa vi quý, co rút, tự diệt hơn là chống lại một cách đại hùng đại lực. Do đó mà ta thấy Phật giáo sau nhiều thế kỷ sáng lạng huy hoàng ở Ấn và vùng Tây Bắc Ấn đã bị hoàn toàn tiêu diệt một cách dễ dàng bởi những tôn giáo mới vốn chỉ dựa vào bạo lực và o ép kinh tế để truyền đạo. Hiện nay nhiều phật tử cảm thấy phấn khởi khi chùa chiền đua nhau mọc lên, nhất là ở hải ngoại, nhưng xét kỷ lại thì mới thấy rằng gốc rễ Phật giáo đã lung lay ngay tại những xứ thường tự hào là đất Phật như Tây Tạng, Trung Hoa và Việt Nam. Những bài học lịch sử này có gây được sự xét lại đường lối sinh hoạt và truyền giáo của giới tăng ni hiện nay hay không? Bởi vì cứ tiếp tục thái độ thụ động, xa rời quần chúng tín đồ, thiếu tổ chức, thiếu uyển chuyển thích nghi với thời đại và thiếu đoàn kết của giới lãnh đạo thì vai trò của Phật giáo trong xã hội, vốn là động lực của dân tộc, e một ngày kia sẽ bị mai một. Hối thì đã muộn. Trần Trúc Lâm
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |