Chi tiết tin tức Tinh thần “Vô ngã vị tha” trong văn học Phật giáo Việt Nam 07:32:00 - 08/09/2015
(PGNĐ) - Một chân lý hiển nhiên đã được kiểm chứng thực nghiệm là ai đang đi trên lộ trình hướng đến “Vô ngã” thì người đó sẽ dần đạt đến cảnh giới hạnh phúc, an vui và giải thoát. Ngược lại, ai đang đi trên con đường hướng đến “Chấp ngã” ích kỷ thì chắc chắn rằng người ấy lún dần vào hố sâu nguy hiểm của sự khổ đau triền miên bất tận.
Vô ngã là một phần rất quan trọng trong giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo, là một trong Tam pháp ấn (Vô thường, Vô ngã, Niết-bàn); Vô ngã quán cũng gọi Giới phân biệt quán là pháp quán tưởng thân người do sáu thứ: đất, nước, gió, lửa, không, thức giả hợp thành, không phải thật có để xả bỏ ngã chấp thuộc Ngũ đình tâm quán (Bất tịnh, Từ bi, Duyên khởi, Giới phân biệt, Sổ tức). Hiểu sâu và thực hành đúng triết lý Vô ngã là con đường tất yếu đưa chúng ta vượt qua biển khổ sông mê đến bến bờ an lạc, hạnh phúc. “Vô ngã nghĩa là không có cái ta chắc thật. Ngã là vĩnh viễn bất biến (thường), tồn tại độc lập, sở hữu chủ trung tâm (chủ), có năng lực chi phối, là sự thật có của linh hồn hoặc bản thể. Chủ trương tất cả sự tồn tại không có cái Ngã như thế mà nói Vô Ngã, gọi là Chư pháp vô ngã”1. Thông thường Vô ngã được quán xét dưới hai góc độ: – Nhân vô ngã: Cũng gọi “ngã không” là tất cả chúng sinh do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng hành, thức: là năm yếu tố cấu thành thân và tâm trong sự sinh tồn của phàm phu) giả hòa hợp mà thành, không có chủ tể sinh mạng nào khác. – Pháp vô ngã: Cũng gọi “pháp không” là tất cả vạn pháp sinh ra đều do nhân duyên hợp thành, và diệt đi khi nhân duyên tan vỡ. Sự tồn tại này xưa nay không có bản tính (tự tính) độc lập. Bài kệ sau đây trong kinh Tạp A-hàm diễn rõ nghĩa này: “Quán sắc như tu mạt, Thọ như thủy thượng bào, Tưởng như dương thời diệm, Chư hành như ba tiêu,Chư thức pháp vô ngã”. Tạm dịch: Quán sắc như bọt nổi, Thọ như bong bóng nước, Tưởng khác nào sóng nắng, Các hành như cây chuối, Các thức vốn vô ngã. Nói đơn giản, Vô ngã là không chấp ngã, không chấp vào cái ta và cái của ta. Vô ngã là giải thoát, không mang ý nghĩa xóa bỏ, phủ nhận sự tồn tại của con người; không mang ý nghĩa phi nhân bản, phi giá trị như có người đã nói, mà chính là giải thoát con người ra khỏi ngục tù đau khổ của sự cố chấp, là giải phóng con người với nghĩa nhân văn cao nhất. Giải phóng con người ra khỏi mọi sự thúc phược do ảnh hưởng, tác động theo chiều hướng nghịch của ngoại cảnh, hướng tới con người thật tự do tự tại với cái nhìn đạt quan, lượng giải và từ bi đối với mọi chúng sinh. Chỉ có thật sự tu tập và quán chiếu pháp vô ngã, đạt đến cảnh giới Vô ngã thâm sâu, thì mới có thể thực hành hạnh Vị tha (vì mọi người, vì chúng sinh) một cách chân chính và trọn vẹn nhất. Bởi vì, nếu còn chấp ngã, thì chắc chắn sẽ còn ích kỷ, tư lợi cá nhân, là Vị ngã (vì bản thân mình), không thể là Vị tha được. Mức độ dính mắc vào “cái ta” và “cái của ta” càng lớn thì không bao giờ hành động, suy nghĩ của họ mà vì người khác được. Tinh thần và giá trị vô biên của tinh thần Vô ngã vị tha đã được ông cha ta minh chứng một cách sinh động trong lịch sử Phật giáo nói chung, lịch sử văn học Phật giáo nói riêng. Hình ảnh con người “Vô ngã vị tha” thể hiện rõ trong lời khuyên của vị vua Phật tử Lý Nhân Tông với Mãn Giác thiền sư: “Chí nhân thị hiện, tất vụ tế sinh, vô hạnh bất cụ, vô sự bất tu, phi duy định tuệ chi lực, diệc hữu tán dương chi công, thả kính nhậm chi”. (Bậc đại nhân sinh ra đời tất phải tận lực cứu giúp chúng sinh, không hạnh nào không đủ, không việc gì không làm, chẳng những đắc lực về thiền định, trí tuệ, lại có công giúp ích nước nhà)2. Lý Nhân Tông bộc bạch với Mãn Giác thiền sư, cũng là tự nhắc mình luôn nhớ bổn phận và trách nhiệm cứu giúp chúng sinh, siêng tu định tuệ, hộ quốc an dân. Giải phóng bản thân và mọi người ra khỏi khổ đau do mê lầm và chấp trước, đạt tới chân như trong sáng thuần khiết vô biên là tâm nguyện của vua Lý Thánh Tông (Lý Phật Mã): Bát-nhã chân vô tông, (Bát-nhã thật Vô tông, Khi thấu rõ tự tính Bát-nhã ở Phật và chúng sinh không khác; ở Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai như nhau thì mới đạt được “Người là không, mà ta cũng là không” tức là vượt ra khỏi sự trói buộc của Ngã chấp và Pháp chấp. Tinh thần Vô ngã vị tha thể hiện trong Phàm thánh bất dị của Tuệ Trung thượng sĩ: “Thân tùng vô tướng bản lai không, Huyễn hóa phân sai thành nhị kiến. Ngã nhân tự lộ diệc tự sương, Phàm thánh như lôi diệc như điện. Công danh phú quý đẳng phù vân, Thân thể quang âm nhược phi tiễn”. (Thân tự vô tướng vốn là không, Hư huyễn lầm chia thành ‘nhị kiến’. Ta, người như móc cũng như sương, Tuệ Trung sống trọn vẹn với con người thật, hiểu rõ lẽ vô thường, không còn kẹt vào nhị kiến (nhân ngã kiến, pháp ngã kiến) sai lầm, tuy ở địa vị vô cùng tôn quý nhưng xem công danh, phú quý như mây nổi, không chút đắm nhiễm. Phải chăng, các vị vua đầu nhà Trần đều ở vào cảnh giới Vô ngã nên mới có thể viết nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Đại Việt, mà hầu hết các sử gia đều đánh giá là “thời đại thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam”. Khi Trần Thái Tông muốn bỏ ngôi vua, để vào núi tu hành, thì Quốc sư Viên Chứng khuyên: “Phàm đã là bực nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng mình”5. Sự nghiệp và nhân cách cao quý của các vị vua thời thịnh Trần đều lưu dấu ấn lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng. Cả cuộc đời làm vua của Trần Thái Tông chính là sự minh chứng xác thực và sinh động nhất cho lời nguyện, ghi trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam: “Tựu nhược dĩ thân vi thiên hạ chi tiên dã” (Lấy thân mình làm người đưa đường cho thiên hạ)6. Tuy ở ngôi nhân chủ, quyền uy tột bực, nhưng họ vẫn sống đơn sơ, đạm bạc, tận lực lo cho dân cho nước, không tham đắm vinh hoa phú quý. Đơn cử như cuộc sống và tấm lòng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Sơ tổ của thiền phái Trúc Lâm thể hiện trong Cư trần lạc đạo phú: “Dứt trừ nhân ngã, thì ra tướng thực kim cương… ăn rau, ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay; Vận giấy, vận sồi, thân căn có ngại chi đen bạc” 7. Chỉ có những bậc đạt đạo, nhận ra tướng thực kim cang, vượt thoát ý niệm phân biệt ta và người thì mới có thể làm được những công nghiệp phi thường như Trần Nhân Tông. Làm vua mà ăn chỉ cần rau trái (ăn chay), miệng không ngại những món đắng cay, mặc thì chỉ mặc vải bố vải sồi, thân thì không quản thân mình dầm sương dãi nắng mà chỉ lo nghĩ cho chúng sinh trăm họ. Có người cho rằng, qua văn chương, con người thế tục lấn át con người Phật giáo trong con người Thiền sư Huyền Quang, vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Có lẽ cảnh giới “tuỳ tục” của ông đã đến mức không còn dấu vết, không còn ranh giới để phân biệt chăng? Tấm lòng từ bi thương người không giới hạn, vượt trên thường tình của ông lộ rõ trong bài thơ trữ tình Ai phù lỗ (Thương người lính giặc bị bắt) là một minh chứng: “Khoá huyết thư thành dục ký âm, (Chích máu thành thư muốn gửi lời, Lý do mà tác giả thương người lính giặc bị bắt, không chỉ là lòng thương hại thường tình, mà xuất phát từ lòng vô ngã vị tha mang ý nghĩa nhân văn cao nhất trong cách nhìn nhận giá trị đích thực của con người: tác giả và người lính giặc bị bắt tuy ở hai xứ khác nhau, nhưng có một thứ không khác, đó là “Nhất chủng tâm” hay còn gọi là con người thật trong mỗi con người mà bản dịch tiếng Việt chưa thể hiện hết được. Gần cuối thế kỷ XX, Bồ-tát Thích Quảng đã tự thiêu thân mình cúng dường cho Phật pháp và dân tộc làm rung động hàng triệu triệu trái tim của mọi giới trên khắp hoàn vũ là một minh chứng hùng hồn và xác thực cho tinh thần “Vô ngã vị tha” đã và đang tồn tại một cách hiển nhiên và thực tế trong đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thành tâm ca ngợi sự hy sinh vĩ đại trong tinh thần “Vô ngã vị tha” của một bậc “Bồ-tát sống” cho Đạo pháp và Dân tộc ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão 1963: “Vị pháp thiêu thân, vạn cổ hùng uy thiên nhật nguyệt Lưu danh bất tử thiên niên chính khí địa sơn hà.” Xin tạm dịch thoát ý: “Vì Pháp thiêu thân muôn thuở oai hùng trời rực sáng Tóm lại, tinh thần “Vô ngã vị tha” là nét nhân cách độc đáo và xuyên suốt của những con người Phật giáo trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam, và có lẽ cũng là nét nhân cách mà con người trong xã hội hiện đại cần hướng tới, nhằm mục đích xây dựng một xã hội Chân- Thiện- Mỹ với cuộc sống an vui hạnh phúc thật sự. ■
Thích Hạnh Tuệ
Chú thích:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |