Chi tiết tin tức Xá-lợi Đức Phật: Những mảnh ghép từ lòng đất Piprāhwā 16:07:00 - 02/05/2025
(PGNĐ) - Những phát hiện chấn động của kỹ sư William Claxton Peppé vào năm 1898 đã mở ra cánh cửa đầu tiên dẫn vào chiều sâu lịch sử của Piprāhwā.
Bởi một số người cho rằng một bảo tháp có thể được xây dựng và trùng tu nhiều lần nên những gì mà Peppé phát hiện chỉ là tầng trên của bảo tháp, vì vậy họ đã tiếp tục cuộc khai quật sâu hơn ngay chính dưới nền của bảo tháp Piprāhwā.
Cho đến năm 1972, các nhà khảo cổ Ấn Độ quyết định tiếp tục cuộc hành trình mà Peppé đã khởi đầu. Họ tập trung khai quật phần góc Đông Bắc và khu vực tu viện phía Đông của bảo tháp - nơi mà trong lớp đất cổ kính, những minh chứng rõ ràng và xác thực hơn về xá-lợi của Đức Phật dần lộ diện. Trước đó, trong quá trình khai quật, kỹ sư Peppé đã phát hiện một hộp đá chứa xá-lợi của Đức Phật, trên đó có khắc dòng chữ “Sukiti-bhatinaṃ sabhaginikanam sa-puta-dalanam iyaṃ salila-nidhane Budhasa bhagavate sakiyanam”, xác nhận rằng đây là xá-lợi của Đức Phật, được những người họ hàng của Đức Phật trong bộ tộc Thích-ca (Śākya) tại Kapilavastu tôn thờ. Đáng chú ý hơn, ở tầng sâu hơn của chính bảo tháp này, trong các cuộc khai quật vào cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm thấy nhiều mảnh xá-lợi và những di vật cũng như kiến trúc bổ sung cho thấy Piprāhwā thực sự có mối liên hệ mật thiết với việc tôn thờ xá-lợi của Đức Phật. Những phát hiện này không chỉ giúp xác thực vai trò quan trọng của Piprāhwā trong lịch sử Phật giáo, mà còn cung cấp thêm bằng chứng về sự phát triển và lan tỏa của Phật giáo từ thời kỳ đầu cho đến các triều đại sau này trong lòng Ấn Độ cổ đại. Bằng chứng khảo cổ học từ hai buồng xá-lợi cổ đại Mãi đến đầu những năm 1970, sự xác chứng của bảo tháp Piprāhwā mới được tái thiết một cách rõ ràng hơn. Dẫn đầu đoàn khai quật của Cục Khảo cổ học Ấn Độ, nhà khảo cổ K.M. Srivastava bước vào một hành trình nhằm tìm kiếm những dấu vết của một di vật thiêng liêng: xá-lợi của Đức Phật. Mục tiêu của ông là phần góc Đông Bắc của bảo tháp mà Peppé đã phát hiện - một khu vực chưa từng được khai phá sâu trong các cuộc khai quật trước đó. Bởi ông biết rằng không thiếu những trường hợp xá-lợi của cùng một cá nhân đã được tôn trí ở hai cấp độ khác nhau. Khi công việc khai quật được tiến hành từng lớp một, Srivastava và nhóm cộng sự đã phát hiện một tầng gạch nung, đây có thể là tàn tích của một nghi lễ hỏa táng cổ xưa. Tuy nhiên, điều gây kinh ngạc nhất lại nằm bên dưới lớp gạch đó là hai buồng gạch bị cháy, được ngăn cách bởi một lớp đất sét vàng trộn đá kankar. Trong mỗi buồng đều có một quan tài làm bằng đá xà phòng, được đặt trong kết cấu bao bọc cẩn thận bằng gạch và đất, cho thấy đây là kiến trúc chuyên biệt dùng để bảo tồn xá-lợi.
Tại buồng phía Bắc, sau khi cẩn trọng tháo dỡ ba lớp gạch phía trên, nhóm khai quật phát hiện bên trong quan tài là một hộp đựng xá-lợi bằng đá xà phòng, được đặt sát bên một chiếc đĩa gốm. Cả hộp đá xà phòng và đĩa gốm đều được cố định bằng các mảnh gạch vỡ để tránh xê dịch. Bên trong hộp, các mảnh xương xá-lợi vẫn được bảo quản tốt, không bị phân hủy qua thời gian. Ở buồng phía Nam, một quan tài bằng đá xà phòng lớn hơn được tìm thấy, dù nắp hộp bên trong đã vỡ khiến đất tràn vào. Sau khi loại bỏ lớp đất, các mảnh xương cháy xém giống như hộp ở buồng phía Bắc.
Không chỉ hình dáng và vị trí của hai buồng gạch gợi nên giá trị thiêng liêng, mà các hiện vật kèm theo cũng là bằng chứng thuyết phục về niên đại cổ xưa. Cả hộp đựng xá-lợi và các mảnh đĩa gốm đều thuộc về văn hóa Đồ đánh bóng màu đen phương Bắc (NBPW) - một phong cách gốm tinh xảo, phổ biến tại miền Bắc Ấn Độ vào khoảng 400-500 trước Tây lịch. Thời điểm ấy không gì khác chính là thời đại Đức Phật nhập Niết-bàn, vào khoảng năm 480 trước Tây lịch. Quan trọng hơn, những hiện vật này được tìm thấy ở một cấp độ địa tầng thấp hơn, tức là có niên đại sớm hơn so với chiếc hộp đựng xá-lợi có khắc chữ do W.C. Peppé phát hiện vào năm 1898. Điều này cho thấy việc an trí xá-lợi tại địa điểm này đã bắt đầu từ rất sớm, gần như ngay sau khi Đức Phật nhập diệt. Các đĩa gốm được phát hiện cùng với các hộp đựng trong cùng một phòng đã đóng vai trò như chứng cứ khảo cổ học chắc chắn, giúp xác định niên đại cổ xưa này. Nhưng hành trình khai quật chưa dừng lại ở đó. Năm 1973, sự chú ý được dồn về tu viện phía Đông, nơi từng được thăm dò sơ bộ vào các năm trước. Khi các phòng và hành lang phía Bắc của tu viện được khai mở, một loạt ấn triện bằng đất nung có khắc chữ bắt đầu xuất hiện, không tập trung trong một kho cụ thể, mà rải rác tại các độ sâu từ 1,05 đến 1,75 mét. Tổng cộng khoảng bốn mươi ấn triện bằng đất nung đã được phát hiện, phần lớn có hình tròn, một số mang dáng bầu dục. Chữ khắc trên đó được phân thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất mang dòng chữ: “Om Devaputra Vihare Kapilavastu Bhikkhusamghasa” (Tại tu viện Devaputra, của Tăng đoàn Kapilavastu). Nhóm thứ hai ghi: “Maha Kapilavastu Bhikshusamghasa” (Của Đại Tăng Kapilavastu). Và nhóm thứ ba là các dòng tên riêng của những vị Tỳ-kheo, trong đó một niêm nổi bật ghi: Sarandasasa.
Tất cả những dòng chữ này đều viết bằng chữ Brahmi cổ, có niên đại từ thế kỷ I-II. Đặc biệt, năm 1974, một nắp bình gốm có khắc dòng chữ giống nhóm ấn triện thứ nhất cũng được phát hiện tại tu viện này. Những dấu vết này khẳng định: tu viện phía Đông tại Piprāhwā là một trung tâm Phật giáo quan trọng, được xây dựng dành riêng cho Tăng đoàn Kapilavastu. Danh xưng “Devaputra” trên các ấn triện đất nung cũng là chi tiết đặc biệt, vì nó thường được dùng bởi các vị vua triều đại Kushan - một minh chứng cho thấy tu viện này có thể đã được xây dựng hoặc bảo trợ dưới thời hoàng đế Kushan như Kaniṣka I, người nổi tiếng với việc truyền bá Phật giáo khắp vùng Trung Á và tiểu lục địa. Những phát hiện những di vật này đã chứng minh cho sự phát triển phồn thịnh của một tu viện Phật giáo thuộc thời đại Kushan. Ba giai đoạn của bảo tháp thờ xá-lợi Piprāhwā Như vậy, khi tổng hợp tất cả những cấu trúc của bảo tháp và qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã xác định bảo tháp thờ xá-lợi này trải qua ít nhất ba giai đoạn xây dựng và tu sửa lớn, từ thời kỳ ngay sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn cho đến thời đại Kushan. Ở giai đoạn đầu tiên, bảo tháp Piprāhwā ban đầu được xây dựng ngay sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn bởi bộ tộc Thích-ca, những người đã nhận một phần xá-lợi của Ngài. Công trình đầu tiên có dạng một cấu trúc bùn hình tròn với đường kính 62ft và cao 12ft. Bảo tháp cũng được đặt gần ngã tư đường để người qua lại có thể dừng chân chiêm bái, qua đó tích lũy công đức. Giai đoạn này đã được nhà khảo cổ K.M. Srivastava khai quật và phát hiện 22 mảnh xá-lợi sâu trong lòng đất, nằm dưới cả tầng đất mà Peppé khai quật.
Giai đoạn 2 gắn với sự mở rộng và trùng tu dưới thời kỳ Hoàng đế A Dục (Aśoka). Trong lần khai quật của Peppé, ông đã phát hiện xá-lợi được bao bọc dưới một cấu trúc gạch nung tốt, được làm từ gạo và rơm, sắp xếp theo các vòng tròn đồng tâm. Đây là đặc điểm điển hình của công trình thời kỳ A Dục. Bảo tháp được mở rộng với đường kính 116ft và chiều cao 22ft. Mặc dù công trình này có thể đã bắt đầu dưới thời Hoàng đế A Dục (thế kỷ III trước Tây lịch), quá trình mở rộng có thể kéo dài sau khi ông băng hà. Giai đoạn cuối cùng của bảo tháp diễn ra trong thời đại Kushan, khoảng 250 năm sau triều đại của Aśoka. Trong giai đoạn này, bảo tháp được nâng chiều cao và chân tháp được xây dựng theo hình vuông. Bên cạnh đó, các tòa nhà tu viện cũng được xây dựng xung quanh bảo tháp, cho thấy sự phát triển của trung tâm Phật giáo tại Piprāhwā dưới sự bảo trợ của vương triều Kushan. Bằng chứng về điều này được xác nhận bởi những dấu niêm phong bằng đất nung có chữ Devaputra, một danh hiệu thường dùng cho các vị vua Kushan.
Bảo tháp Piprāhwā chính là sự chuyển tiếp liền mạch giữa ba thời kỳ: sơ kỳ (tháp đất ban đầu), thời Aśoka (mở rộng quy mô) và thời Kushan (thiết lập tu viện). Cấu trúc nối tầng không phá hủy mà bao bọc nhau này phản ánh thái độ tôn kính của các thế hệ kế thừa đối với xá-lợi nguyên thủy và những người đi trước - khẳng định thêm rằng xá-lợi bên dưới là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Việc phát hiện xá-lợi trong đợt khai quật năm 1972 tại Piprāhwā không chỉ hé mở một chương mới của khảo cổ Phật giáo, mà còn xác lập một chứng cứ hiếm hoi, cụ thể và xúc động về sự hiện hữu lịch sử của Đức Phật. Những mảnh xương được gìn giữ qua nghi lễ hỏa táng cổ đại, nằm yên trong lòng đất hơn hai thiên niên kỷ, đã vượt qua thời gian để trở thành biểu tượng bất diệt cho sự giao thoa giữa niềm tin và sự thật lịch sử - giữa một con người có thật và một bậc Giác ngộ vượt thời gian. Ngày nay, hai mảnh xá-lợi được bảo tồn tại Bảo tàng Kolkata và hai mươi mảnh còn lại được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Delhi. Chúng không chỉ là hiện vật khảo cổ, mà là biểu tượng tâm linh gắn kết quá khứ với hiện tại, nhắc nhở nhân loại về một con người có thật đã bước đi trên mặt đất này - người đã đem lại con đường giải thoát cho hàng triệu người qua nhiều thế kỷ. ---------------------------- Tài liệu tham khảo: Falk, Harry. “The Ashes of the Buddha”. Bulletin of the Asia Institute 27 (2013): 43–75. https://doi.org/10.2307/44758602. Fleet, J. F. “VIII. The Inscription on the Piprahwa Vase”. Journal of the Royal Asiatic Society of Great Britain & Ireland 39, no. 1 (January 1907): 105–30. https://doi.org/10.1017/s0035869x00035541. Peppé, William Claxton, and Vincent A. Smith. “Art. XXIII. The Piprāhwā Stūpa, Containing Relics of Buddha”. Journal of the Royal Asiatic Society 30, no. 3 (July 1898): 573–88. https://doi.org/10.1017/s0035869x00025739. Srivastava, K.M. “Archaeological Excavations at Piprahwa and Ganwaria and the Identification of Kapilavastu”. The Journal of the International Association of Buddhist Studies 3, no. 1 (1980): 103–10. Srivastava, Krishna Murari. Buddha’s Relics from Kapilavastu. Delhi: Agam Kala Prakashan, 1986. Thiện Quang
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |