Chi tiết tin tức Giao thoa giáo và chính sách quốc gia: Suy nghĩ về Việt Nam 20:04:00 - 28/09/2016
(PGNĐ) - Dẫn chứng bằng một số trường hợp lịch sử, bài viết nầy nhằm xác định rằng trong lịch sử phát triển xã hội loài người, hiện tượng giao thoa giữa nội dung tôn giáo và chính sách quốc gia thì có thật và mang tính tất yếu. Từ đó, bài viết lấy nước Mỹ làm trường hợp mô tả và khảo sát để thông qua đó, rút tỉa một vài đề nghị cho trường hợp Việt Nam.
Trong khuôn khổ của bài viết ngắn nầy, nhất là trong phần đề nghị cho tình hình Việt Nam, người viết xin tổng quát hóa những đề nghị đó thành những nguyên tắc tiếp cận chỉ hướng mà không cụ thể hóa thành các chính sách hoàn chỉnh và có hệ thống.
DẪN NHẬP - GIAO THOA LÀ QUY LUẬT, LÀ HIỆN TƯỢNG CÓ THẬT
Hiện tượng giao thoa giữa nội dung tôn giáo và chính sách quốc gia là một hiện tượng khá phổ biến kể từ khi thần quyền (của Giáo hội có tổ chức) và thế quyền (của Nhà nước làm quản lý) đan bện vào nhau và tương tác để cùng tồn tại và phát triển. Quá trình đan bện đó, trên lý thuyết cũng như trong thực tế, là một quá trình phức tạp và đa dạng, hàm chứa và phát sinh nhiều mâu thuẫn đối lập tiêu cực nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều cộng hưởng hài hòa tích cực. Chẳng khác gì hiện tượng giao thoa của hai nguồn sóng, tuy không cùng biên độ nhưng lại cùng tần số, nên đã kết hợp thành những “bụng” và những “nút”, tuy đều đặn nhưng lên xuống chập chùng.
Hầu hết các tôn giáo (độc Thần, đa thần hoặc vô thần) đều vận dụng nội dung thần học và/hoặc triết học để chuyển hóa nội tâm tín đồ hướng đến những giá trị hoàn thiện và vĩnh cửu, tuy chủ yếu nhằm giải quyết những nhu cầu tâm linh và siêu hình của con người, nhưng đồng thời cũng thiết định các giá trị đạo đức và văn hóa làm kim chỉ nam cho đời sống xã hội của tín đồ. Còn chính quyền thì triển khai triết lý trị nước của mình, thông qua các chính sách quốc gia, để bảo vệ tổ quốc, phát triển xã hội và nâng cao phẩm chất cuộc sống của toàn thể nhân dân.
Tuy nhiên, dù lấy đối tượng là con người cá nhân hay con người tập thể, con người xã hội hay con người công dân, trong quá trình thể hiện chức năng của mình, tôn giáo và chính quyền thường thường, nhưng không phải luôn luôn, là những bạn đồng hành tâm đầu ý hiệp. Nhưng khi mâu thuẫn xuất hiện, mà thường thường là mâu thuẫn quyền lợi và quyền lực, hai thực thể nầy lại trở thành đối thủ bất khoan nhượng, thậm chí còn sát phạt lẫn nhau. Vì thế mà đã có những tôn giáo hô hào lật đổ nhà nước và có người đã tuyên bố tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân hoặc cho rằng Thượng Đế đã chết rồi.
Đó là chưa nói đến mâu thuẫn giữa các nhà nước trong cùng một tôn giáo và mâu thuẫn giữa các tôn giáo trong cùng một nhà nước. Hay lên đến cao điểm, khi một tôn giáo nhân danh niềm tin tín ngưỡng của mình, huy động một (hay nhiều) nhà nước để tuyên chiến với một (hay nhiều) nhà nước khác. Quan niệm “thánh chiến” của một vài tôn giáo có nền giáo lý cực đoan và giáo điều đã làm đổ ra không biết bao nhiêu xương trắng máu đào giữa các dân tộc trong lịch sử nhân loại kể từ cuộc chiến tranh tôn giáo đầu tiên giữa Byzantine và Hồi giáo năm 645 cho đến mười hai cuộc chiến đang tiến hành ở ngay thời điểm 2006 nầy.
Mười hai cuộc đụng độ vũ trang có yếu tố tôn giáo chi phối hiện nay là: Ở Palestine (Do Thái giáo và Hồi giáo), ở Balkans (Công giáo và Chính Thống giáo), cũng ở Balkans (Chính Thống giáo và Hồi giáo), ở Bắc Ireland (Công giáo và Tin Lành), ở Kashmir (Hồi giáo và Ấn Độ giáo), ở Sudan (Tin Lành và Hồi giáo), ở Nigeria (Tin Lành và Hồi giáo), ở Ethiopia (Tin Lành và Hồi giáo), ở Sri Lanka (Ấn Độ giáo Tamil và Phật giáo Sinhalese), ở Indonesia (Tin Lành và Hồi giáo), ở Caucasus (Chính Thống giáo và Hồi giáo) và cũng ở Caucasus (Công giáo và Hồi giáo). Điều đáng lưu ý là ngoại trừ ở Sri Lanka, 11 trong 12 cuộc đụng độ nầy (92%) đều có quan hệ đến những tôn giáo với nền thần học lấy cùng một Thiên Chúa làm xuất phát điểm tín ngưỡng. Theo Sam Harris, chính “Sự bất tương đồng giữa các nền thần học đã chia tách thế giới chúng ta thành những cộng đồng đạo đức khác biệt làm nguồn gốc cho những tranh chấp đẫm máu giữa con người”.
Trong buổi giao thời giữa hai thiên niên kỷ, nhiều người đã nói đến thế kỷ thứ XXI như một thế kỷ của tôn giáo, nghĩa là các tôn giáo có tổ chức sẽ vừa năng động hơn trong nỗ lực biến nội dung thần học thành định hướng học thuật chủ đạo quốc gia, vừa chủ động hơn trong việc cụ thể đi vào và khống chế dòng chính (mainstream) của tiến trình phát triển xã hội loài người.
Lời tiên đoán nầy dựa trên hai, trong nhiều, lý do sau đây:
Thứ nhất là lịch sử tôn giáo trong 500 năm vừa qua đã chứng tỏ rằng các xu hướng vận động tôn giáo hầu như lúc nào cũng có tính cách toàn cầu, triệt để và tác động sâu sắc lên những hình thái sinh hoạt khác của con người. Nó lại càng rõ ràng hơn khi hiện nay, các định chế tôn giáo có tổ chức đã đẩy mạnh chính sách truyền giáo của mình bằng cách bám vào cuộc cách mạng thông tin và cưỡi lên trên làn sóng toàn cầu hóa kinh tế.
Thứ nhì là hạ bán thế kỷ thứ XX đã được khắc đậm bằng các mâu thuẫn và tranh chấp có tính tôn giáo. Những mâu thuẫn nầy càng lúc càng trở nên phức tạp và càng ngày mức độ cực đoan càng gia tăng. Tranh chấp giữa các tôn giáo thông qua các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nhiều khi bằng vũ lực giữa hai khuynh hướng hữu thần và phi Thượng Đế đang rõ nét và không thấy có dấu hiệu giảm thiểu.
Lịch sử nhân loại, từ Đông sang Tây, từ xã hội cổ truyền đến nhà nước hiện đại, cho ta biết nhiều giai đoạn mà trong đó nhà nước cầm quyền đã vận dụng nội dung tôn giáo vào các chính sách quốc gia. Và ngược lại, các chính sách quốc gia cũng đã tìm cách tác động lên đời sống tôn giáo của các tín đồ.
Khi hiện tượng giao thoa thuận chiều, nghĩa là nhà nước và tôn giáo cùng mục tiêu, cùng đối tượng và cùng quyền lợi thì dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, công dân có văn hóa một cách bền vững. Khi hiện tượng đó ngược chiều thì nó sẽ trở thành một đại họa cho quốc gia.
Tôi chỉ xin liệt kê ngắn gọn bốn trường hợp lịch sử tiêu biểu mà những ai quan tâm đến lãnh vực nầy cũng đều biết, để xác nhận rằng hiện tượng nầy đã xảy ra và đó là quy luật tự nhiên của quá trình phát triển xã hội. Hệ quả của sự vận dụng nầy có thể tốt mà cũng có thể xấu, nhưng nói chung, thật khó mà tránh được.
Trước hết là hai chuyện Đông Tây thế giới, chuyện cả mấy ngàn năm trước cũng như chuyện cận đại:
Sau trận đánh đẫm máu chiếm thành Hưu Thị La (Kalinga) mà số tử thương của cả hai phe lâm chiến lên đến cả mấy ngàn người, bạo chúa A Dục vương (Asoka, 273 - 232 trước Tây lịch), đã nghe lời Tỳ kheo Ưu Ba Cúc Đa đoạn tuyệt với chính sách trị quốc bằng bạo lực để quay về cửa Phật, phát tâm vận dụng nội dung Phật giáo vào chính sách quốc gia. Vị “đồ tể buông dao” nầy cho thiết lập một số “luật” (khắc lên 36 trụ đá tại tỉnh Bhopal, Ấn Độ) quy định và thể chế hóa những nguyên tắc ứng xử trong quan hệ xã hội, quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo và triệt để thi hành một chính sách ngoại giao đa phương và đa diện “làm bạn với tất cả mọi người” nên đã mang lại hòa bình và thịnh vượng cho vương quốc. Sự vận dụng nầy lấy nội dung nhập thế của Phật giáo làm cơ sở, đã giúp nhà vua “cai trị dễ dàng một đế quốc rộng lớn mà không cần dùng đến sức mạnh”.
Vua Louis 16 (1638-1715), thừa kế chủ thuyết Quân chủ Tuyệt đối (Absolute Monarch) của vua Louis 14 trước đó, vốn duy trì vương quyền bằng một hệ thống quản lý quốc gia rập khuôn theo mô hình tổ chức quyền hành độc tôn của Giáo hoàng Công giáo La Mã, đã thiết kế chính sách điền thổ, chính sách thuế khóa và chính sách giáo dục mang lại nhiều đặc quyền đặc lợi cho giai cấp Tăng lữ. Đến khi không giải quyết thỏa đáng được mâu thuẫn quyền lợi giữa thế lực Tăng lữ nầy và hai tầng lớp Quý tộc và Mai bản công nông, vua Louis 16 đã ban hành một loạt những biện pháp cải cách bất bình đẳng, làm tiền đề chính trị xã hội cho giới tư sản và nông dân kết hợp phát động cuộc cách mạng dân quyền 1789 tại Pháp. Chảy xuyên suốt các triều đại của dòng họ Louis Bourbon ngoan đạo nầy là não trạng độc tôn quyền lực, xuất sinh từ nội dung thần học Công giáo La Mã lúc bấy giờ, quyết đoán rằng chỉ có ta là sự thật duy nhất, chỉ có ta là con đường cứu chuộc duy nhất.
Đó là hai trường hợp nước ngoài. Trở lại với Việt Nam, ta cũng đã có trường hợp cả mấy trăm năm trước và trường hợp mới đây:
Triều đại nhà Trần của nước ta đã thể hiện một cách nhuần nhuyễn nội dung của giáo lý đạo Phật trên cả hai mặt nội trị và ngoại giao, làm cho nước ta trở nên hùng mạnh mà vẫn hiếu hòa, dân nước ta nhu thuần mà vẫn phú cường trong gần 3 thế kỷ. Những vị vua Phật tử khai sáng như Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông đã xây dựng một cơ sở tinh thần để từ đó và trên đó, vận dụng tinh thần dung hợp và khai phóng của Phật giáo, đoàn kết và thống nhất toàn bộ nỗ lực tri thức và nguồn lực vật chất xã hội để vừa có thể đánh bại các đạo quân xâm lược hung bạo phương Bắc, vừa mở mang bờ cõi về phương Nam, lại đặc biệt vừa tiếp thu một cách có đãi lọc và sáng tạo các nền văn hóa ngoại nhập hầu súc tích hóa và hiện đại hóa nền văn hóa bản địa đương thời của nước ta. Những chính sách quân phân điền thổ, lương bổng và thuế khóa, cải tạo tù binh và hàng binh, giáo dục và thi cử để tuyển chọn nhân tài,... đều bắt nguồn từ tính bình đẳng, hạnh bồ tát và lý duyên khởi của giáo lý nhà Phật.
Năm 1956, tại miền Nam nước ta, có một chế độ Cộng hòa Tổng thống chế được hình thành. Nhưng vì chế độ nầy thừa kế những di sản lịch sử của Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp tại Paris, khai sinh do và phát triển nhờ những vận động chính trị của giới Công giáo Mỹ, lại chủ yếu do khối trí thức Công giáo tại miền Nam thành lập, nên chế độ Cộng hòa nầy, từ trong bản chất, có thể gọi là một chế độ “Công giáo trị”. Từ những điều kiện lịch sử đó, chính quyền Ngô Đình Diệm trong suốt 9 năm cầm quyền đã vận dụng nội dung Thiên Chúa giáo vào các chính sách trị nước. Trước hết và quan trọng nhất là hai quốc sách chống Cộng (hữu thần chống vô thần) và Công giáo hóa miền Nam (diệt trừ tà ma ngoại đạo để vinh danh Thiên Chúa). Những chính sách quản lý quốc gia còn lại chỉ là công cụ nối dài của hai quốc sách nầy: Quốc phòng, ngoại giao, giáo dục, văn hóa, tôn giáo, tư pháp, nhân dụng, thông tin, điền địa,... Đến năm 1963, trước chính sách tôn giáo bất bình đẳng trắng trợn của chính quyền Ngô Đình Diệm, Phật giáo đồ miền Nam đã vận dụng chữ “Không” của nhà Phật để cùng với nhân dân miền Nam dõng dạc đứng lên khước từ chế độ nầy.
Liệt kê bốn trường hợp lịch sử trên đây, từ Đông sang Tây, từ nước người cho đến nước ta, từ nghìn năm trước cho đến bây giờ,... là chỉ để minh chứng một điều: Sự giao thoa giữa nội dung tôn giáo và các chính sách trị nước là hiện tượng có thật, không tránh được. Nếu cần phải kể thêm những trường hợp tiêu biểu khác thì ta còn thấy tiêu cực như loạn Thái bình Thiên quốc của Hồng Tú Toàn tại Trung Quốc, Tám cuộc “thánh chiến” của Thập tự quân tại Âu châu, các chế độ Thần chủ (Theocracy) Hồi giáo tại Cận và Trung Đông,... Còn về mặt tích cực, thì ta có thể kể đến ảnh hưởng triết lý Khổng giáo tại Singapore, thần học Do Thái giáo tại Israel, hay phương châm trị quốc “Bhutan không có GNP, Bhutan chỉ có GNH (Gross National Happiness)” của tiểu quốc Phật giáo Bhutan.
Nhưng có lẽ không có trường hợp nào mà sự giao thoa giữa nội dung tôn giáo và chính sách nhà nước lại rõ ràng và quy mô như trường hợp nước Mỹ. Trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2004, khi biện minh cho chính sách ngoại giao cố tìm cách áp đặt các giá trị Mỹ lên các nước khác trên toàn thế giới, ứng cử viên tổng thống George W. Bush đã tuyên bố rằng: Tự do không phải là món quà của Mỹ cho thế giới. Nó là món quà của Chúa Quyền năng ban cho mỗi người nam và người nữ trên thế giới nầy. Như vậy, rõ ràng nhân vật cao cấp nhất nầy của chính quyền Mỹ còn muốn vượt cả biên cương quốc gia mà vận dụng nội dung tôn giáo vào đời sống của toàn nhân loại!
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH TÔN GIÁO TẠI MỸ – ĐA TẦNG, ĐA DIỆN VÀ ĐA CHIỀU
Hợp chủng quốc Hoa kỳ được hình thành vì hai biến cố lớn tại Âu châu (và sau nầy, tại thuộc địa Anh trên vùng đất mới) vào cuối thế kỷ thứ mười bảy: Sưu cao thuế nặng và bách hại tôn giáo. Từ đó, chảy xuyên suốt quá trình lập quốc của Hoa Kỳ, “thuế” và “giáo” đã luôn luôn là hai lãnh vực được cả giới lãnh đạo lẫn nhân dân quan tâm đặc biệt trong nỗ lực thiết kế chính sách quốc gia.
Mùa Xuân năm 1620, sau một chuyến hành trình gian khổ băng qua Đại Tây dương, thương thuyền Mayflower đã cập vào mỏm đá Plymouth (sau nầy thuộc tiểu bang Massachusetts), mang theo 120 hành khách mà đa số là tín đồ Tin Lành ly khai Puritans tại Hà Lan và Anh. Dù từ thế kỷ thứ 16 đã có những người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đến thám hiểm châu Mỹ, nhưng một cách chính thức, chính những hành khách Tin Lành Puritains nầy sẽ là những nhà truyền giáo đầu tiên, sau nầy, theo làn sóng mở đất và tìm vàng để đi về miền viễn Tây, nối liền hai bờ đại dương của lục địa Bắc Mỹ.
Đây là bài viết tham dự Hội thảo "Phật giáo trong thời đại mới - Cơ hội và Thách thức" do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Sam Harris, Killing Buddha, Tạp chí Shambhala Sun, số tháng Ba 2006, Halifax, Canada. Sam Harris là tác giả cuốn sách nổi tiếng The End of Faith, trong đó tác giả cho rằng nội dung và hành trì của Phật giáo thì sẽ đem lại lỗi lạc nhiều hơn nếu Phật giáo được trình bày và áp dụng không phải nhờ một Tôn giáo.
Đỗ Hữu Tài, Hoa Kỳ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |