Chi tiết tin tức Những nguyên tắc Phật giáo dành cho bất bạo động 08:51:00 - 07/11/2015
(PGNĐ) - Con người không phải là những thực thể riêng biệt có thể tồn tại một cách độc lập. Để có thể tồn tại, con người phải liên hệ và phụ thuộc với nhau. Vì thế, ahimsa hay bất bạo động trở thành nguyên tắc then chốt trong quan hệ xã hội.
Trong Phật giáo, bất bạo động không giới hạn nơi việc không làm tổn thương thân thể mà hình thức cao nhất của nó là sát hại; mà còn bao gồm việc tránh không lạm dụng ngôn ngữ chẳng hạn như nói dối. Ngay cả những dạng hành vi sai trái khác, chẳng hạn như xâm phạm sở hữu của người khác, hay gây ra khổ tâm cho bất kỳ ai thông qua việc ngoại tình với vợ hay chồng của họ cũng được Phật giáo coi là bạo động và nên tránh.
Để thúc đẩy một xã hội hòa bình, Đức Phật đã thiết lập ngũ giới, những quy tắc hướng hành vi con người đến điều tốt. Những giới này dẫn dắt mọi người tránh khỏi năm cách hành xử sai trái như giết hại, trộm cắp, tà hạnh, cư xử và nói lời sai trái hay sử dụng các chất độc hại. Mặc dù, hành vi cuối cùng không gây hại cho người khác một cách trực tiếp, nhưng ảnh hưởng gián tiếp của nó thì rất rõ ràng.
Bạo lực không chỉ mang nhiều hình thái khác nhau, mà nó cũng biểu hiện ở nhiều mức độ. Ngũ giới là thước đo căn bản ngăn chặn bạo lực thô bạo và hành vi sai trái liên quan. Đức Phật thiết lập các giới này như các luật lệ hướng dẫn cho mọi người tuân theo và thực hiện trong đời sống thường ngày. Đối với những người mong muốn theo đuổi đời sống lý tưởng, tức đời sống của các Tỳ-kheo, các giới luật và kỷ luật khắt khe sẽ được đề ra thêm nhằm mục đích ngăn chặn các hình thức bạo lực nhỏ hơn. Tăng sĩ không chỉ không được sát hại con người và thú vật, mà ngay cả sự sống của cây cối cũng cần được tôn trọng. Theo một giới luật Phật giáo, Tăng sĩ không được phép chặt cây cối, bài tiết lên cỏ hay sông suối trừ khi họ bị bệnh. Tu tập ba bậc (Tam vô lậu học) Bạo lực không chỉ làm hại người khác và làm rối loạn cộng đồng, mà nó còn ảnh hưởng tới chính người thực hiện nó, tạo nên sự bất an trong tâm và đưa họ xa rời đời sống cao thượng. Do đó, rèn luyện cách hành xử bất bạo động là bước đầu tiên trong hệ thống tu tập của Phật giáo. Trong bước này, bước được gọi là tu tập đạo đức (tu giới), ta học cách kiểm soát hành vi của thân và miệng ngang qua việc thực hành năm giới nếu ta là một cư sĩ, hay tuân giữ 227 giới (theo Phật giáo Nam truyền) dành cho một tu sĩ. Bạo lực, mặc dù biểu lộ thông qua lời nói hay hành động, là một hiện tượng tâm thức trong ý nghĩa rằng nó được dựa trên một trạng thái tâm cụ thể. Do đó, sự rèn luyện mà chỉ tập trung vào hành xử bên ngoài thì không đủ. Để bất bạo động, ta buộc phải trải qua việc rèn luyện cảm xúc và tinh thần với một mục đích là cung cấp một cơ sở lành mạnh cho hành vi thân và khẩu đúng đắn. Có một số phẩm chất của tâm có thể dẫn con người đến hành xử bất bạo động. Những phẩm chất nổi bật là từ, bi, hỷ, xả, sự toại ý và bao dung. Với từ và bi, ta không có ác ý đối với bất kỳ chúng sanh nào. Người có chánh niệm là luôn nhận thức rõ được trạng thái tâm của mình, khiến cho tâm sân hận không có cơ hội phát triển và tồn tại. Bởi xả và sự toại ý đem lại sự mãn nguyện, ta không dễ dàng bị lôi cuốn bởi tham hay sân, những gốc rễ của bạo lực. Cuối cùng, bao dung cho ta sức mạnh tinh thần để chống lại bất kỳ động cơ nào đưa đến hành xử sai trái. Những phẩm chất tích cực của tâm như vậy có thể rèn luyện thông qua thiền định. Với nhiều người không phải Phật tử và chính cả các Phật tử, họ chỉ thực hành thiền khi họ ngồi theo một tư thế nào đó ở trong rừng hoặc trong một căn phòng yên tĩnh và nhắm mắt lại. Đây là một kỹ thuật mà hầu hết các Phật tử ưa thích, mặc dù đó không phải là phương pháp thiền định duy nhất. Thiền Phật giáo có thể được thực tập trong cuộc sống hàng ngày ngay cả trên đường cao tốc hay nơi hàng ghế chờ. Khi ta cố gắng quán sát tâm mình trong yên bình với phương cách khéo léo, thì ta cũng đang thực tập thiền định rồi. Do đó, việc rèn luyện tâm thức cao hơn có thể đạt được bằng việc người tu tập quan tâm phục vụ người nghèo, bởi vì, ngoài việc giúp đỡ người nghèo, điều đó có thể phát triển lòng từ bi trong tâm của người tu tập. Tương tự, công việc chân tay có thể được coi là một hình thức rèn luyện tinh thần, hay thiền định, khi ta nhắm đến phát triển chánh niệm thông qua hành động. Mặc dù sự rèn luyện tâm thức là cốt yếu cho sự phát triển hành xử bất bạo động, nhưng nó không phải là bước cuối cùng. Ngoài cảm xúc hay đặc tính tâm thức, hành vi của chúng ta cũng được quyết định bởi quá trình suy nghĩ của ta. Bất chấp mối liên hệ mật thiết của nó với trạng thái tâm thức, quá trình suy nghĩ là lĩnh vực của trí tuệ. Rèn luyện trí tuệ là bước thứ ba và cuối cùng trong hệ thống tu tập theo Phật giáo. Sự rèn luyện trí tuệ ở đây không nhằm mục đích phát triển khả năng nhận biết theo nghĩa thông thường. Mục đích của nó là phát triển trí tuệ cao hơn để nhận thức vạn vật như chúng vốn là mà không có sự bóp méo bởi thành kiến hay động cơ ngầm nào. Để bất bạo động, ta trước hết cần biết những hậu quả tiêu cực của bạo lực, cũng như lợi ích của bất bạo động. Mặc dù biết điều đó, ta đôi khi bị lôi cuốn vào việc gây ra đau khổ cho người khác do ích kỷ và thành kiến. Do đó, sự nhận thức và trí tuệ mà chúng rõ ràng, chân thật và đúng đắn, không bị ảnh hưởng bởi ảo tưởng hay lợi ích cá nhân là cốt yếu cho thực hành bất bạo động. Trong đạo Phật, trạng thái cao nhất của bất bạo động có thể đạt được chỉ khi chúng ta có sự quán chiếu sâu sắc về bản chất của vạn vật đến mức độ buông xả, chấm dứt tham, sân và si mà chúng là gốc rễ của tất cả hình thức bạo động, thuộc về thân hay tâm ý. Mục đích của hệ thống tu tập Phật giáo là để phát triển con người hướng tới con đường giải thoát, với việc chấm dứt đau khổ là mục tiêu cuối cùng. Điều này gồm ba bậc bởi vì sự thật rằng mỗi người thì có ba yếu tố: thể chất, tâm thức và trí tuệ. Bởi vì các yếu tố này thì liên quan mật thiết với nhau, nên mỗi bậc hay mỗi bước tu tập đều có ích cho những bước khác. Việc rèn luyện đạo đức, nếu thực hiện đúng đắn, thì có lợi cho các phẩm chất tích cực của tâm và hiểu biết đúng đắn. Việc rèn luyên tâm thức tạo nền móng vững chắc cho hành xử bất bạo động cũng như sự suy nghĩ và phán quyết rõ ràng. Tương tự, rèn luyện trí tuệ thì đảm bảo cho tâm thức và hành động hòa bình. Nên lưu ý rằng hệ thống rèn luyện này không giới hạn nơi việc thực hành cá nhân, là hạnh kiểm đạo đức, thiền định hay tu tập. Nó cũng bao gồm việc kiểm soát môi trường xã hội và tự nhiên xung quanh ta cũng như các mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội. Rèn luyện đạo đức do đó không chỉ là một vấn đề đặt định luật lệ cho cá nhân và xã hội, mà cũng một vấn đề phát triển thể chất và xem xét truyền thông đại chúng mà nó có thể cung cấp thông tin đúng và khuyến khích tư tưởng sáng tạo cũng như hiểu biết đúng đắn. Tóm lại, nếu việc rèn luyện có hiệu quả, mỗi người rèn luyện nên được xem xét vừa như một tổng thể mà thân, tâm và trí tuệ được hòa nhập, và như một phần của môi trường xã hội và tự nhiên xung quanh mà chúng tương tác với nhau. Sự cần thiết của bất bạo động tích cực Mặc dù bất bạo động được xem là trái tim của đạo đức xã hội Phật giáo, nó thường bị hiểu theo nghĩa tiêu cực. Hầu hết Phật tử được dạy hành động bất bạo động bằng việc kiềm chế trước bạo lực; cho dù bị tấn công, họ không nên sử dụng một sự đáp trả bạo lực. Đối với nhiều người, ý nghĩa của bất bạo động rốt cuộc trở thành thờ ơ hay bị động, trong khi mặt tích cực của nó - hành động một cách bất bạo động - hầu như bị phớt lờ. Đạo Phật không dạy con người giữ im lặng khi đối mặt với hành vi sai trái của người khác; ngược lại người Phật tử được khuyến khích hành động nếu hoàn cảnh đòi hỏi. Ta không chỉ nên phản ứng lại vấn đề của chính mình, mà ta cũng có bổn phận phải can thiệp vì lợi ích của người khác. Tất nhiên, những hành động như vậy phải được thực hiện bằng một cách thức phi bạo lực. Bởi bất bạo động và sự tuân phục đều có đặc điểm chung là tránh xa việc gây tổn hại thể chất cho đối thủ, cả hai thường bị nhầm lẫn là giống nhau. Điểm khác biệt khá lớn giữa chúng là bất bạo động thì bao gồm cả việc cố gắng đối mặt với xung đột trong khi sự tuân phục có nghĩa là sự khuất phục trong im lặng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đối mặt với xung đột một cách phi bạo lực đôi khi mang hình thức không hành động, hay nói cho đúng, khước từ hành động, trong khi sự tuân phục đưa đến một loại hành động thuận theo người hay vật nào đó. Tuy nhiên, bất bạo động vẫn nên được xem như là tích cực trong khi sự tuân phục là tiêu cực. Thế giới hiện đại đã chứng kiến đủ loại xung đột ở nhiều mức độ khác nhau từ cá nhân, quốc gia cho tới toàn cầu. Sự phản ứng của con người với các xung đột này mặc dù khác nhau, nhưng thường rơi vào hai phạm trù chính là phục tùng hay bạo lực. Cả hai hình thức phản ứng này hiếm khi làm chấm dứt sự xung đột. Sự phục tùng thì không giải quyết được gì mà còn tiếp tục duy trì xung đột trong khi bạo lực làm nó gia tăng hay tạo nên xung đột mới thay cho xung đột trước đó. Như vậy, tội ác và chiến tranh trở thành một đặc điểm nổi bật của các quốc gia hiện đại, cả phát triển và đang phát triển. Bất bạo động nên được xem như sự thay thế cho cả hai sự phản ứng trên. Nhưng giải pháp tiêu cực đối với bất bạo động là không đủ. Bất bạo động trong ý nghĩa tiêu cực là tránh tấn công bạo lực và phản ứng bạo lực là vô hại, nhưng nó không đủ hiệu quả và sức mạnh để giải quyết nhiều loại xung đột. Để cho nó có những ý nghĩa tích cực, khía cạnh tích cực của bất bạo động nên được nhấn mạnh hơn. Có nhiều dạng phản ứng bất bạo động, bao gồm cả biểu quyết và phân xử. Sau đây là ba nhóm phản ứng bất bạo động đáng chú ý: - Chuyển hóa xung đột: Những kỹ thuật kiểm soát xung đột bằng phương tiện đàm phán và hòa giải theo nhu cầu của các bên liên quan. - Hành động phi bạo lực: Những phương pháp gây áp lực, bằng tâm lý, chính trị hay kinh tế để thay đổi hoàn cảnh mà không cần dùng đến bạo lực. Chúng bao gồm tuần hành, đình công, bất tuân dân sự, tẩy chay... - Chương trình xây dựng: Những hành động bao gồm công việc tay chân với một mục đích là giải quyết những tai họa và những tình huống không lành mạnh, cả thể chất và xã hội mà chúng làm thoái hóa phẩm chất đời sống ở mức độ nền tảng. Nhận thức được sự đa dạng rộng lớn của các phương pháp bất bạo động có thể cho chúng ta thấy được khả năng lớn hơn trong việc phản ứng lại bất cứ cuộc xung đột nào bằng phương tiện bất bạo lực. Ít nhất ta có thể thấy rằng nó có khả năng giải quyết không chỉ những xung đột giữa các cá nhân, mà còn các vấn đề tập thể hay xã hội. Không có những phương pháp khác mà người ta có thể kiểm soát và sử dụng vì lợi ích của chính họ mà nó có hiệu quả như hành động phi bạo lực, mà sức mạnh của nó cho thay đổi xã hội đã được chứng minh thành công bởi Gandhi. Ngoài ra, có thời khái niệm bạo lực có cấu trúc (ngoài bạo lực thân thể trực tiếp) được tính đến, thậm chí rõ ràng hơn rằng bạo lực không thể bị loại trừ bằng việc không hành động hay bị động. Nhưng giải quyết bạo lực bằng hành động bạo lực, cuối cùng luôn thất bại trong việc đạt được sự yên bình lâu dài. Ba loại phi bao lực như được đề cập ở trên là lựa chọn thay thế tốt nhất mà người ta nên quan tâm. Phác thảo việc rèn luyện bất bạo động Do đó, rèn luyện bất bạo động nên ưu tiên những khía cạnh tích cực của phi bạo lực. Những kỹ năng giải quyết xung đột, hành động không bạo lực và tạo ra các chương trình xây dựng phải được kết hợp lại như các thành phần thiết yếu cho việc rèn luyện bất bạo động, nếu nó liên quan đến thế giới hiện đại. Nguyên tắc rèn luyện ba bậc có thể được áp dụng cho việc rèn luyện tích cực và phi bao lực tích cực. Theo nguyên tắc đó, rèn luyện phi bạo lực được chia thành ba phía cạnh tương quan với nhau: 1. Rèn luyện thân thể - Các bài tập thể dục cho một cơ thể khỏe mạnh, bao gồm các kỹ năng để bảo vệ thân thể hay giảm tổn thương khi bị tấn công bạo lực. - Phát triển những kỹ năng cơ bản cho hành động quần chúng, đó là đàm phán, tổ chức chiến dịch, biểu tình, thuyết trình, kiểm soát đám đông. - Củng cố nguyên tắc để kiểm soát hành vi và thể hiện bằng một hình thức ôn hòa và sẵn sàng cho hành động. 2. Rèn luyện tâm thức Phát triển các phẩm chất có lợi như từ bi, nhẫn nhục, chân thành, có lương tâm, dũng khí, chánh niệm, tập trung, sức mạnh tâm thức và sự vững chãi. 3. Rèn luyện trí tuệ - Những kỹ năng trí óc cho hành động cụ thể, tức là kỹ năng phân tích vấn đề nhằm xác định nguyên nhân và các yếu tố cấu thành nên xung đột. - Hiểu chung về bất bạo động. - Nhận thức triết học căn bản về bất bạo động, đó là khái niệm về kết quả và phương tiện, sự cao quý của tất cả mọi đời sống bất kể chủng tộc, tầng lớp hay khuynh hướng ý thức hệ. Đây là những phác thảo khái quát về việc rèn luyện mà chúng có thể được áp dụng trong bất kỳ hình thức rèn luyện bất bạo động nào. Là một chương trình mang tính xây dựng, Phật giáo đã cung cấp những nguyên tắc phục vụ sau: Bố thí Ái ngữ Nhiêu ích Đồng sự Những nguyên tắc này là những hướng dẫn cho hành vi của miệng và thân. Để hành động phục vụ đúng đắn, những phẩm chất cao quý của tâm như từ, bi, hỷ và xả cần phải được tu tập. Có nhiều phương cách rèn luyện hạnh kiểm. Một vài đề xuất như sau: - Rèn luyện bản thân trong đời sống hàng ngày thông qua thực hành thiền định, tự kỷ luật, tự học và phát triển kỹ năng bất bạo động từ các sự kiện trên đường phố hay trong văn phòng làm việc. - Tham gia một khóa rèn luyện chính quy với thời gian từ một ngày đến ba tháng. Điều này cũng bao gồm việc luyện tập như chuẩn bị cho hành động bất bạo động cụ thể. Ngoài chương trình giảng dạy, người hướng dẫn nên chú ý đến sự liên kết của ba khía cạnh môi trường, bản thân và xã hội. - Luyện tập bằng cách thể hiện bản thân trong các tình huống thực. Điều này bao gồm tiến trình học hỏi qua hành động, xử lý xung đột, hành động phi bạo lực, hay một chương trình hỗ trợ. Sự phản ánh và đánh giá bởi cá nhân hoặc nhóm là công cụ quan trọng trong việc rèn luyện và học hỏi không chính thức. Mặc dù có truyền thống bất bạo động lâu dài, việc rèn luyện bất bạo động tích cực như là phần việc của cuộc đấu tranh phi bạo lực nhằm thay đổi xã hội là hướng đi mới của Phật giáo. Nhiệm vụ của người Phật tử hiện đại là mở rộng và phát triển việc rèn luyện ấy cho phù hợp với thế giới hiện đại mà nó chịu tác động mạnh bởi tất cả các hình thức xung đột. Bởi vì quá rõ ràng rằng thế giới đang gia tăng huynh hướng bạo lực mà nó được xem như một giải pháp hữu hiệu đối với xung đột, chúng ta, Phật tử hay không phải Phật tử, không có lựa chọn nào ngoài việc truyền đạt thông điệp bất bạo động và phát triển các kỹ thuật bất bạo động như một phương tiện thay thế hiệu quả để giải quyết xung đột. Điều này có thể được bắt đầu với nỗ lực học hỏi từ trí tuệ và truyền thống của nhau. Bất chấp giới hạn của nó, tôi mong rằng bài viết này sẽ có một vài đóng góp cho tiến trình rèn luyện hướng tới sự phát triển không bạo lực. Phra Phaisan Visalo
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |