Chi tiết tin tức

Phật giáo là chân lý cần thiết cho đời sống an lạc của nhân loại

22:36:00 - 24/03/2022
(PGNĐ) -  Albert Einstein, cho rằng đạo Phật không cần phải xét lại chính mình, vì Phật giáo là chân lý luôn luôn cần thiết cho đời sống an lạc của nhân loại. Đạo Phật nổi tiếng với lời nói “Mời bạn đến và thấy” (Ehipassiko), nhẹ nhàng đi vào thế giới trí thức bởi tính chất trí tuệ nhân bản của nó.

Đạo Phật nổi tiếng với lời nói “Mời bạn đến và thấy” (Ehipassiko), nhẹ nhàng đi vào thế giới trí thức bởi tính chất trí tuệ nhân bản của nó. Đức Phật tuyên bố đạo của Ngài là chân lý khách quan[1], do Ngài chứng ngộ và tuyên thuyết, để cho người có trí (pandito) tự mình chứng hiểu[2] :

“Người có trí (vinnù pusiro) hãy đến đây, trung thực, không gian dối, chân trực, Như Lai sẽ giảng dạy, Như Lai sẽ thuyết pháp. Nếu thực hành đúng như điều đã được giảng, vị ấy sẽ tự mình thấy, tự mình chứng ngộ ngay trong hiện tại mục tiêu vô thượng của đạo giải thoát”[3].

Ai cũng có khả năng thấu đạt chân lý, Đức Phật khẳng định, vì chân lý có mặt trong mỗi người[4]. Chỉ cần suy xét thận trọng thì chân lý sẽ mở ra, soi sáng cho đời sống của mình. Theo lời Phật, con người là chủ nhân của số phận mình[5]. Không có và không cần đến uy quyền nào thay con người phán xét sự đúng sai dẫn đến ban thưởng hay trừng phạt. Mỗi người phải tự thắp đuốc lên mà đi[6]. Đức Phật tự nhận là người chỉ đường (maggakkhàyì) [7], tuyên bố đạo của Ngài dành cho người thấy (passato), người biết (jànato); không phải cho người không thấy (apassato), không biết (ajànato)[8].

Thế nào là người thấy và biết? Bậc Giác ngộ cắt nghĩa:“Có như lý tác ý và phi như lý tác ý. Này các Tỷ- kheo, do phi như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt”[9].

Albert Einstein, cho rằng đạo Phật không cần phải xét lại chính mình, vì Phật giáo là chân lý luôn luôn cần thiết cho đời sống an lạc của nhân loại.

Như lý tác ý (yoniso manasikàra) nghĩa là chú tâm tìm hiểu và xem xét chân lý (khổ, tập, diệt, đạo) để quyết định lối sống của mình theo hướng đi ra khỏi phiền não khổ đau, không cần phải tin và nghe theo ai cả. Đó là Chánh kiến (Sammàditthi) trong đạo Phật, là thái độ trí thức, khởi điểm của lối sống chân chánh sáng suốt đưa đến tự do, giải thoát (đoạn trừ các lậu hoặc tham-sân-si). Trái lại, phi như lý tác ý (ayoniso manasikàra) là thái độ thiếu hiểu biết, thiếu cân nhắc, tin tưởng vào các chủ thuyết sai lầm dẫn đến trói buộc, khổ đau. Người thấy, người biết là người có như lý tác ý. Người không thấy, không biết tức là người rơi vào phi như lý tác ý.

Thái độ trí thức luôn luôn là lời kêu gọi của bậc Giác ngộ trong phương pháp tiếp cận và thực nghiệm chân lý. Phải tự mình xem xét tìm hiểu rồi mới đi đến chấp nhận thực hành hoặc từ bỏ. Một hôm, những người Kàlàmà xứ Kesaputta tìm đến Đức Phật, cầu xin Ngài giúp giải tỏa cho họ các hoài nghi phát sinh do sự mâu thuẫn và chống báng nhau giữa những người đề xướng chân lý.

Họ thưa với Ngài: “Có một số Sa-môn, Bà-la- môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm của người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Bạch Thế Tôn, và có một số Sa-môn, Bà- la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, họ bài xích quan điểm của người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ, phân vân: “Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?”.

Nhân dịp này, bậc Giác ngộ cho những người Kàlàmà một lời khuyên sáng suốt, mãi mãi làm nức lòng giới trí thức, những người yêu quý và tôn trọng chân lý tự do trên cuộc đời:

“Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kàlàmà, các Ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các Ông đương nhiên khởi lên phân vân.

Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì nghe truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này các Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng!

Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng tham khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.– Người này có tham, này các Kàlàmà, bị tham chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy, có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?– Thưa có, bạch Thế Tôn.– Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng sân khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.– Người này có sân, này các Kàlàmà, bị sân chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?– Thưa có, bạch Thế Tôn.– Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, lòng si khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.– Người này có si, này các Kàlàmà, bị si chinh phục, tâm bị xâm chiếm, giết các sinh vật, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?– Thưa có, bạch Thế Tôn.– Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?– Là bất thiện, bạch Thế Tôn.– Có tội hay không có tội?– Có tội, bạch Thế Tôn.– Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?– Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không, hay ở đây là như thế nào?– Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến bất hạnh, đau khổ. Ở đây, đối với chúng con là vậy.– Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết… chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình”. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí quở trách; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến bất hạnh, đau khổ”, thời này các Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên.

Này các Kàlàmà, chớ có tin vì nghe truyền thuyết … chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các Kàlàmà, hãy đạt đến và an trú!

Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không tham, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh lâu dài cho người ấy?– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.– Người này không tham, này các Kàlàmà, không bị tham chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có làm người ấy được hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?– Thưa có, bạch Thế Tôn.– Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không sân, khi khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.– Người này không sân, này các Kàlàmà, không bị sân chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật… không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho người ấy không?– Thưa có, bạch Thế Tôn…– Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, không si khởi lên trong nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người ấy?– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.– Người này không si, này các Kàlàmà, không bị si chinh phục, tâm không bị xâm chiếm, không giết các sinh vật,… không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cũng làm như vậy. Như vậy có đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?– Thưa có, bạch Thế Tôn…– Các Ông nghĩ thế nào, này các Kàlàmà, các pháp này là thiện hay bất thiện?– Là thiện, bạch Thế Tôn.– Các pháp này là có tội hay không có tội?– Không có tội, bạch Thế Tôn.– Bị người có trí quở trách hay được người trí tán thán? – Được người trí tán thán, bạch Thế Tôn.– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến hạnh phúc, an lạc không, hay ở đây là như thế nào?– Được thực hiện, được chấp nhận, bạch Thế Tôn, chúng đưa đến hạnh phúc, an lạc. Ở đây, đối với chúng con là vậy.– Như vậy, này các Kàlàmà, điều Ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết… chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo sư của mình. “Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được các người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc, an lạc”, thời này các Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú! Điều đã được nói lên như vậy, chính do duyên như vậy được nói lên” [10].

Đức Phật xuất hiện ở đời chỉ tuyên thuyết hai điều: khổ và diệt khổ[11]. Sống mà thiếu hiểu biết, để mê lầm dẫn dắt thì khổ. Có trí tuệ sáng suốt thì hết khổ. Ngài dạy tham-sân-si là mê lầm, xấu ác, gây tạo ác nghiệp, đưa đến phiền não khổ đau, cần phải từ bỏ. Không tham-sân-si là sáng suốt, hiền thiện, khuyến khích thiện nghiệp, đưa đến hạnh phúc an lạc, cần phải chứng đạt và an trú. Người có trí chẳng cần phải tin và nghe theo ai cả. Chỉ nên suy xét thận trọng tìm ra chân lý giải thoát cho chính mình.

Một đặc điểm khác của tư tưởng Phật giáo thu hút sự chú ý của phần lớn thức giả trên thế giới, đó là sự giải thoát tuyệt đối đạt được trong cách thể nghiệm cuộc sống, một loại giải thoát hay tự do mà mọi nỗ lực của các tư tưởng gia Tây phương đều bí lối nhưng đã được Đức Phật chứng ngộ và tuyên bố cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ. George Grimm cho rằng không có ai ngoài Đức Phật đã chỉ thẳng cho chúng ta vấn đề tuyệt đối căn bản của đời sống chúng ta, làm sao giải thoát khổ đau, và trên hết, khổ đau sinh tử[12]. Đó là Chánh trí ngay trong hiện tại (ditthadhamme annà), là tự do trong ràng buộc, tự tại giữa khổ đau; sự thoát khỏi cái tôi ám ảnh (ngã tưởng sai lầm)[13] do chứng ngộ mọi thứ là thay đổi, biến hoại, không thường tại, không thực thể, trống không[14], vô ngã, khiến cho mọi gánh nặng trên cuộc đời được đặt xuống.

Đức Phật, bậc đã đặt xuống gánh nặng khổ đau sinh tử, tuyên bố về chân lý của tự do tuyệt đối:

Năm uẩn là gánh nặng,Kẻ gánh nặng là người;Mang lấy gánh nặng lên,Chính là khổ ở đời,Còn đặt gánh nặng xuống,Tức là lạc, không khổ.Đặt gánh nặng xuống xong,Không mang thêm gánh khác;Nếu nhổ khát ái lên,Tận cùng đến gốc rễ,Không còn đói và khát,Được giải thoát tịnh lạc [15].

Đó là sự thật về giải thoát tối hậu hay tự do tuyệt đối do Đức Phật chứng ngộ và công bố cho thế giới loài người, một thế giới “bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh; không biết đến sự xuất ly, thoát khỏi già chết”[16]. Theo lời Phật thì hết thảy mọi người đều có khả năng thoát khỏi khổ uẩn (dukkhakkhandha), thoát ly sinh tử luân hồi, (samsàra), đạt đến bất tử (amata), nhờ vào ý chí và trí tuệ của chính mình[17]. Đó là tập trung nhận ra (như lý tác ý về) gánh nặng phiền toái khổ đau của sự kiện hiện hữu và quyết tâm buông bỏ nó. Mặc dù bị rơi vào tình trạng ngột ngạt khi sinh ra trong cuộc đời, giống như cá bị thiếu nước [18], con người không cần phản ứng chống lại số phận khổ đau bằng cách này hay cách khác mà nên học cách tiếp nhận đúng đắn và sáng suốt hóa giải nó. Đức Phật, bậc đã nhẹ nhàng vượt qua bộc lưu nhờ trí tuệ[19], gợi lối đi giải thoát cho nhân thế:

– Này các Tỷ-kheo, các người nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, vô thường.– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?– Bạch Thế Tôn, khổ.– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thì có hợp lý chăng khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Này các Tỷ-kheo, cảm thọ… tưởng… các hành… thức là thường hay vô thường?

– Bạch Thế Tôn, vô thường.– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?– Bạch Thế Tôn, khổ.– Cái gì vô thường, khổ thì có hợp lý chăng, khi chánh quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

– Bạch Thế Tôn, không[20].

“Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là “không”, Ta cũng nói là “không”. Này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là “có”, Ta cũng nói là “có”.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là “không”, Ta cũng nói là “không”?

Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời không chấp nhận sắc là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là “không”.

Người có trí ở đời không chấp nhận thọ… tưởng… các hành…

Người có trí ở đời không chấp nhận thức là thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là “không”.

Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là “không”, Ta cũng nói là “không”.

Và này các Tỷ-kheo, cái gì người có trí ở đời chấp nhận là “có”, Ta cũng nói là “có”?

Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận sắc là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là “có” vậy.

Người có trí ở đời chấp nhận thọ… tưởng… các hành…

Này các Tỷ-kheo, người có trí ở đời chấp nhận thức là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là “có” vậy.

Này các Tỷ-kheo, đây là cái gì người có trí ở đời chấp nhận là vô thường, không thường hằng, không thường trú, chịu sự biến hoại, thời Ta cũng nói là “có” vậy.

Ở trong đời, này các Tỷ-kheo, có thế pháp. Thế pháp ấy Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng tri. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng tri, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ.

Này các Tỷ-kheo, thế pháp ở trong đời là gì, thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri; sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ?

Này các Tỷ-kheo, sắc, thọ, tưởng, các hành, thức là thế pháp ở trong đời. Thế pháp ấy được Như Lai chứng ngộ, chứng tri; sau khi chứng ngộ, chứng tri, Ngài tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ. Và ai, khi Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, trình bày, xác chứng, khai thị, phân tích, hiển lộ như vậy, vẫn không biết, không thấy, thì đối với người ấy, Ta xem là vô tích sự, là kẻ ngu si, phàm phu, mù lòa, không có mắt, không có biết, không có thấy.

Ví như, này các Tỷ-kheo, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng, không bị nước nhiễm ướt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh ra ở trong đời, lớn lên trong đời, vươn lên khỏi đời, và sống không bị đời ô nhiễm” [21].

Như Lai sinh ra ở đời, phải đối diện với mọi thứ trong cuộc đời giống như các chúng sinh khác, nhưng Như Lai không bị đời chi phối, không bị đời làm cho ô nhiễm, không bị đời làm cho đau khổ. Như Lai không khổ, vì Như Lai thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, chịu sự biến hoại, khổ đau, không phải của mình. Như Lai được tự do, giải thoát, vì Như Lai không ái luyến, không chấp trước những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân cảm xúc, ý nhận thức là “tôi” hay “của tôi”. Không ái luyến, không chấp trước, không dính mắc vào thứ gì thì tâm được tự do, giải thoát, không phiền não, không khổ đau[22]. Các bậc giác ngộ đã đạt đến giải thoát tối hậu vẫn hiện hữu ở đời với gánh nặng ngũ uẩn (chịu sự sanh, già, bệnh, chết đi kèm với mọi phiền toái khác), nhưng được gọi là đã đặt gánh nặng xuống (ohitabhàro), không mang thêm gánh khác, bởi chư vị ấy đã đoạn trừ khát ái (tanhà) và chấp thủ (upàdàna) đối với hiện hữu, cắt đứt tái sinh, không còn sầu khổ trong hiện tại và tương lai.

Nói cách khác, con người sinh ra ở đời vốn mang trên mình một gánh nặng khổ đau (dukkhabhàra), gánh nặng của thân ngũ uẩn chịu sự sanh, già, bệnh, chết cùng với mọi phiền toái khác gắn liền với sự hiện hữu, nhưng với trí tuệ có thể đặt gánh nặng xuống[23]. Đó là học theo Như Lai không luyến ái, không chấp trước ngũ uẩn, không xem sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (nhận biết), hành (ý chí), thức (tri thức) là mình và của mình. Không luyến ái, không chấp trước ngũ uẩn là ta và của ta thì thoát khỏi mọi hệ lụy khổ đau. Sắc thọ, tưởng, hành, thức chịu sự sanh, già, bệnh, chết, là gánh nặng khổ đau mà mê lầm rơi vào ái luyến chúng, ôm ấp chúng, xem chúng là của mình, mong muốn chúng tồn tại mãi mãi thì không thoát khỏi luân hồi khổ đau. Trái lại, sống với trí tuệ thấy rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức không tồn tại, trống không, không phải của mình, buông bỏ chúng thì không khổ nào đeo bám được. Phật gia bảo có sự kiện khổ nhưng không có người khổ là thế. Đó là chân lý của tự do tuyệt đối mà một lúc nào đó con người sẽ cần đến nhưng phải tự mình nỗ lực chứng nghiệm bằng con đường quán sát tự nội, đằng sau những thứ tự do tương đối và giới hạn có được nhờ vào những cuộc cách mạng xã hội mang lại.

Rõ là đọc cho kỹ những lời Phật dạy ta sẽ không ngạc nhiên vì sao trí thức trên thế giới luôn luôn đánh giá cao đạo Phật, tiêu biểu là nhận định của Albert Einstein, cho rằng đạo Phật không cần phải xét lại chính mình, vì Phật giáo là chân lý luôn luôn cần thiết cho đời sống an lạc của nhân loại.

Chú thích:

1. Kinh Tương ưng bộ, tập II, tr.51-52, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1993; Kinh bộ Tăng chi, tập I, tr.331-332, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II, 1987.

2. Kinh Ví dụ tấm vải, Trung bộ.

3. Kinh Ưu-đàm-bà-la Sư tử hống, Trường bộ.

4. Đức Phật tuyên bố chân lý của cuộc đời, nghĩa là khổ, khổ tập khởi, khổ đoạn diệt, con đường đưa đến khổ đoạn diệt, nắm trong tấm thân của mỗi người. (Xem Kinh Rohitassa, Tăng chi bộ).

5. Kinh Tiểu nghiệp phân biệt, Trung bộ.

6. Kinh Đại bát Niết-bàn, Trường Bộ.

7. Kinh Ganaka Moggallàna, Trung bộ.

8. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ.

9. Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung bộ.

10. Kinh Các vị ở Kesaputta, Tăng chi bộ.

11. Kinh Xà dụ, Trung bộ.

12. G. Grimm, The Doctrine of the Buddha, tr.43-48.

13. Kinh Nakulapita, Tương ưng bộ.

14. Kinh Bọt nước, Tương ưng bộ.

15. Kinh Gánh nặng, Tương ưng bộ.

16. Kinh Thành ấp, Tương ưng bộ.

17. Kinh Thánh cầu, Trung bộ.

18.Kinh Pháp cú, kệ số 34.

19. Kinh Bộc lưu, Tương ưng bộ.

20. Kinh Xà dụ, Trung bộ.

21. Kinh Bông hoa, Tương ưng bộ.

22. Tiểu kinh Đoạn tận ái, Trung bộ.

23. Kinh Gánh nặng, Tương ưng bộ

 

Nguyên Hiếu

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin