Chi tiết tin tức

Tác động của niềm tin tôn giáo đến đời sống tâm lý của phật tử ở Tp.HCM

16:47:00 - 19/05/2017
(PGNĐ) -  Thông qua kết quả điều tra này cho phép chúng ta khẳng định đạo Phật có vai trò, ý nghĩa to lớn trong đời sống phật tử. Và nhu cầu tiếp cận học hỏi Phật pháp để chuyển hóa thân tâm hằng mưu cầu an lạc, hạnh phúc là có thật. Với kết quả khảo sát như trên cũng đồng thời phản ánh phật tử Tp.HCM có niềm tin sâu sắc vào đạo Phật.

Có thể nói, Phật giáo có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) rất sớm từ thời vương quốc Phù Nam: “Phật giáo đã có mặt từ sớm tại vùng đất Nam bộ và đã từng là một trong những tôn giáo chủ đạo của các triều đại cổ vương quốc Phù Nam xưa”(1). Như vậy trước khi người Việt vào khai phá vùng đất Gia Định, ở đây đã có sự tồn tại của đạo Phật. Tuy nhiên, Phật giáo chỉ biểu hiện rõ nét sau các đợt di dân của lưu dân đến vùng đất mới. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh thừa lệnh chúa Nguyễn thiết lập chế độ hành chính trên vùng đất phía Nam và đó là mốc lịch sử cho sự hình thành, phát triển hơn 300 năm của Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng chính là mốc lịch sử cho sự hình thành, phát triển Phật giáo tại vùng đất này.

 

Ngày nay, với 24 Ban Trị sự ở 24 quận, huyện và 1.312 tự viện, Phật giáo Tp.HCM là tỉnh có số tín đồ và người xuất gia theo Phật giáo đông nhất cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2012, thành phố có gần 9.000 tăng, ni (2). Về tín đồ, Phật giáo là tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất so với các tôn giáo khác, năm 2009, có 1.164.930 tín đồ, trong đó nội thành là 1.100.508 tín đồ, ngoại thành là 64.422 tín đồ (3).

 

Trong đời sống, niềm tin tôn giáo là yếu tố tâm, niềm tin tôn giáo có khả năng chi phối các yếu tố tâm lý khác như nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người. Do đó, việc tìm hiểu và phân tích một cách thấu đáo những ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo đến đời sống tâm lý phật tử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát hiện, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ sự sùng tín thái quá. Đồng thời củng cố và phát triển niềm tin chân chính, phát huy những giá trị văn hóa, tư tưởng, đạo đức lành mạnh, hướng thiện, tạo sự phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc; xứng đáng với vai trò, vị thế của một tôn giáo lớn ở Tp.HCM.

 

Niềm tin tôn giáo của phật tử
 

Niềm tin ở đây không phải là niềm tin chung chung trong tâm lý con người, mà đó là niềm tin tôn giáo. Để có được niềm tin, người theo tôn giáo cần phải có sự rung cảm, sự hiểu biết cơ bản về giáo lý và tuân thủ những hành vi, phép tắc nhất định.

 

Từ khái niệm trên, chúng tôi quan niệm: Niềm tin tôn giáo của phật tử là định hướng giá trị vững chắc vào Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) và vào khả năng của chính mình. Xét về mặt hình thức cấu trúc thì niềm tin tôn giáo của phật tử được tạo thành từ những đơn vị thành tố nhỏ hơn như:  Niềm tin vào đức Phật; Niềm tin vào giáo lý; Niềm tin vào Tăng đoàn; Niềm tin vào bản thân. Bốn thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung, tác động qua lại và quy định lẫn nhau tạo thành niềm tin tôn giáo của phật tử. Niềm tin vào Tam bảo giúp tín đồ kiên định lập trường, không lay chuyển, phấn đấu hướng đến những gì tốt đẹp nhất mà Phật đã dạy để đạt được mục tiêu an lạc hạnh phúc. Niềm tin vào tự thân, giúp tín đồ có ý chí, nghị lực trước hoàn cảnh, không bị chi phối bởi mặc cảm, tự ti bởi những hạn chế, lo âu, bất an trong cuộc sống. Đồng thời, khi có niềm tin vào bản thân, con người sẽ đạt đến sự tự do trong quyền quyết định số phận khổ đau hay hạnh phúc của mình. Từ đó, tích cực tu tâm dưỡng tính theo lời Phật dạy, làm sao cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn, để hiến dâng cho gia đình và xã hội một niềm tin yêu, hạnh phúc chân thật.

 

Tác động của niềm tin tôn giáo đến đời sống tâm lý phật tử Tp.HCM

 

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 502 phật tử Tp.HCM bằng phiếu khảo sát ý kiến. Phiếu khảo sát ý kiến này là kết quả của quá trình phỏng vấn từ tu sĩ và phật tử tại các đạo tràng trên địa bàn thành phố. Phiếu khảo sát gồm có 13 biểu hiện được thiết kế thành thang đo 4 phương án lựa chọn, mỗi biểu hiện phật tử chỉ được phép lựa chọn 1 trong số các phương án đó. Để có thể đo đếm và so sánh được các biểu hiện đó, chúng tôi gán cho mỗi phương án một điểm số. Điểm số này chỉ mang tính chất ước lệ, cách tính điểm như sau: 1: “không đúng”, 2: “đúng ít”, 3: “đúng nhiều”, 4: “rất đúng”. Chỉ số mức độ ảnh hưởng của niềm tin vào đạo Phật đến đời sống tâm lý phật tử được

tính bằng trung bình cộng 13 biểu hiện thuộc thang đo và có khoảng chạy từ 1 đến 4, với ý nghĩa điểm càng lớn thì mức độ ảnh hưởng càng cao.

 

Phiếu khảo sát được thực hiện trên 502 tín đồ.
 

Trong đó: Về địa bàn: 55,0% số người ở nội thành, 45,0% - ngoại thành; Về giới tính: 36,5% là nam, 63,5% là nữ; Về độ tuổi: 28,9% thanh thiếu niên (từ 14 đến 30 tuổi), 51,4% tuổi trung niên (từ 31 đến 59 tuổi) và 19,7% người cao tuổi (từ 60 đến 70 tuổi); Về học vấn: 27,5% số người có trình độ THCS trở xuống, 36,7% - THPT và trung cấp, 35,9% - cao đẳng, đại học trở lên; Về số năm quy y: 12,9% số người chưa quy y, 51,0% - đã quy y từ 1 đến 5 năm, 15,9% - đã quy y từ 6 đến 10 năm và 20,1% - đã quy y trên 11 năm.

 

Kết quả khảo sát vấn đề này phản ánh qua bảng số liệu sau:

 

Có 13 biểu hiện ảnh hưởng được khảo sát, điểm trung bình toàn thang đo rất cao (ĐTB: 3,46), mức độ tán thành của tín đồ: 98,4% (trong đó 91,3% khẳng đúng nhiều và rất đúng).

 

Điều này cho phép ta khẳng định niềm tin vào đạo Phật ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm lý của hầu hết tín đồ.

 

Xét về từng vị trí thứ hạng của các biểu hiện, có 5 thứ hạng cao nhất thuộc về các biểu hiện lần lượt là: Biết sống vị tha, san sẻ với mọi người; 

Hiểu về nhân quả nghiệp báo nên xây dựng đời sống đạo đức tốt đẹp hơn; Hiểu được hạnh phúc hay khổ đau là do mình quyết định; Thay đổi một số sinh hoạt như: bớt cúng mặn, sát sinh, bói toán... thực hiện ăn chay, niệm Phật, từ thiện... Bỏ các thói quen, tật xấu có hại cho bản thân, gia đình, và xã hội. Các biểu hiện này phản ánh một cách sinh động những thay đổi tích cực trong đời sống đạo đức cá nhân của phật tử khi quy y theo đạo Phật. Nhờ có niềm tin vào đạo Phật mà họ hiểu được nhân quả nghiệp báo, hiểu được mình là chủ nhân, quyết định vận mệnh cuộc đời mình; từ đó họ biết sống vị tha với mọi người, đồng thời thay đổi các sinh hoạt theo hướng phù hợp với lời Phật dạy. Đại đức Thiện Chơn, Phó Ban hướng dẫn Phật tử Tp.HCM nhận xét: “Niềm tin vào đạo Phật ảnh hưởng rất tốt đến đời sống phật tử,

giúp họ chuyển hóa tâm thức con người hướng thượng và thực hành nhiều điều thiện”.

 

Xét về các khía cạnh của đời sống tâm lý tín đồ, bao gồm: nhận thức, thái độ, hành vi. Bảng số liệu phản ánh niềm tin vào đạo Phật tác động mạnh đến cả 3 mặt đời sống tâm lý ở các mức độ: mạnh nhất là nhận thức (ĐTB: 3,50), tiếp đến là hành vi (ĐTB: 3,48) và cuối cùng là thái độ (ĐTB: 3,43).

 

Về nhận thức, nhờ có niềm tin vào đạo Phật mà tín đồ hiểu được nhân quả nghiệp báo, hiểu được khổ hay vui là do mình quyết định, hiểu

được ý nghĩa cuộc sống, hiểu được các giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc, xây dựng cho mình đời sống hài hòa giữa tinh thần và vật chất.

 

Qua tiếp xúc thường xuyên với phật tử, Đại đức Thiện Lâm, Chủ nhiệm lớp giáo lý chùa Thiên Phước, Bình Chánh nhận định: “Niềm tin đạo Phật ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống phật tử. Họ sống lạc quan hơn, có điểm tựa tinh thần mỗi khi gặp chuyện bất trắc trong cuộc sống. Họ tin nhân quả nên hạn chế việc sát sinh. Đồng thời biết tích đức làm thiện và sống chan hòa với mọi người xung quanh”.

 

Về thái độ, niềm tin vào đạo Phật giúp tín đồ mở rộng tấm lòng để sống vị tha, san sẻ với mọi người; trân trọng tình cảm gia đình; tự tin vào khả năng bản thân; mong muốn kết nối các mối quan hệ trong cuộc sống. Đại đức Giác Ân, tri sự chùa Long Viên, quận Phú Nhuận nhận xét: “Niềm tin vào đạo Phật giúp tín đồ sống tốt hơn, lạc quan hơn; đặc biệt, quan tâm hơn đến gia đình, xã hội. Họ sống thật thà, sống hòa đồng với mọi người, nỗ lực làm việc tốt để hướng đến tương lại tươi đẹp”.

 

Về hành vi, niềm tin vào đạo Phật đã tác động, khiến tín đồ thay đổi một số sinh hoạt như: bớt cúng mặn, sát sinh, bói toán,… thực hiện ăn chay, niệm Phật, từ thiện; bỏ các thói quen, tật xấu có hại cho bản thân, gia đình, xã hội; ý thức tốt hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn. Đại đức Từ Phổ, chùa Bửu Đà, Quận 10 phân tích chi tiết hơn về điều này: “Mặt tích cực, niềm tin vào đạo Phật giúp phật tử sống an lạc, nuôi dưỡng lòng từ bi, biết bố thí làm lành, có đời sống lành mạnh. Mặt tiêu cực, niềm tin nếu thiếu trí tuệ sẽ dễ rơi vào mê tín, ảnh hưởng không tốt đến Phật giáo như làm việc thiện với tâm mong cầu, xem Phật như thần thánh ban phước, từ đó cúng bái, cầu an, lên đồng, nhương sao,...”.

 

Tiếp theo, chúng ta hãy xem một số ý kiến chia sẻ của các phật tử. Theo ông Đoàn Ngọc T, 78 tuổi, quận 10: “Tôi đã giảm đi lòng tự kiêu, giận hờn. Coi trọng người khác nhiều hơn. Trước các sự kiện xảy ra trong đời suy nghĩ chính chắn hơn”. Bà Trần Thị Ph, 63 tuổi, ở quận 10: “Tôi tuyệt đối tin tưởng luật nhân quả, sự nhiệm màu Phật pháp. Vì thế tôi lễ Phật, niệm Phật hằng ngày để cho cuộc sống an lạc”. Ông Nguyễn Văn Tr, 63 tuổi, ở quận 10: “Đạo Phật giúp tôi thức tỉnh bỏ ác, làm lành, vượt qua mọi khổ đau phiền muộn ngay trong

hiện tại để có một cuộc sống an lạc, hạnh phúc”. Bà Huỳnh Thị L, 66 tuổi, Bình Tân: “Niềm tin vào đạo Phật giúp tôi có đời sống sâu sắc, sống tự tại, không lo âu phiền muộn. Chuẩn bị cho ngày lâm chung tinh thần vững vàng, không sợ hãi. Thản nhiên đối mặt với mọi thay đổi của cuộc đời”. Bà Nguyễn Thị Thu V, 62 tuổi, ở Bình Chánh: “Từ khi theo Phật tôi biết sống thiểu dục tri túc, quý trọng thời gian, tiền bạc, quý trọng từng món ăn, biết tích lũy phước đức trong từng công việc”.

 

Tóm lại, qua những phân tích về kết quả nghiên cứu ở trên cho phép chúng ta khẳng định niềm tin tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm lý của hầu hết tín đồ. Trong đó, mạnh nhất là nhận thức, tiếp đến là hành vi và cuối cùng là thái độ. Thông qua kết quả điều tra này cho phép chúng ta khẳng định đạo Phật có vai trò, ý nghĩa to lớn trong đời sống phật tử. Và nhu cầu tiếp cận học hỏi Phật pháp để chuyển hóa thân tâm hằng mưu cầu an lạc, hạnh phúc là có thật. Với kết quả khảo sát như trên cũng đồng thời phản ánh phật tử Tp.HCM có niềm tin sâu sắc vào đạo Phật.


Thích Không Tú
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2017
-----------------------------------------------------------
Chú thích:
1. Trung Tâm nghiên cứu Tôn giáo (2015), Phật giáo vùng Mê Kông, Kỷ yếu hội thảo khao học quốc tế, tập 1, Nxb ĐH Quốc gia TP.HCM, tr.86.
2. Tổng cục thống kê (2013), Kết quả tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp 2012, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.229. 
3. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2010), Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.305.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin