Chi tiết tin tức

Ý nghĩa Tam minh

19:29:00 - 14/07/2015
(PGNĐ) -  Tam minh (Tevijjà) hay ba loại tri kiến (nàna) đưa đến đoạn trừ các lậu hoặc là một thuật ngữ Phật học dùng để chỉ cho trí tuệ hướng đến giác ngộ trong lộ trình tu chứng của đạo Phật gồm giới-định-tuệ-giải thoát-giải thoát tri kiến. Nó là một loại năng lực tâm thức thanh tịnh sáng suốt, được khai mở và phát triển nhờ công phu tu tập giới đức và thiền định, có khả năng chứng nghiệm đầy đủ và sâu sắc mọi hình thái khổ đau của hiện hữu, hướng đến cắt đứt hoàn toàn mọi tham ái, chấp thủ và vô minh, thực chứng tâm giải thoát bất động (akuppa cetovimutti).

Có hai hình thức mô tả về tiến trình tu chứng của đạo Phật được tìm thấy khá phổ biến trong các bản kinh Pàli Nikàya. Loại thứ nhất mô tả đầy đủ về giới, tiếp đến mô tả về định gồm tứ thiền sắc giới, sau cùng mô tả về tuệ hay tri kiến gồm lục thông (thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thiên nhãn thông, lậu tận thông). Loại thứ hai mô tả đầy đủ về giới và định giống như loại thứ nhất nhưng ở phần tuệ hay tri kiến thì có sự giản lược, thay vì mô tả đầy đủ về lục thông, ở đây chỉ nói đến ba yếu tố sau cùng là túc mạng thông, thiên nhãn thông và lậu tận thông hay còn gọi là túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh. Việc bỏ qua ba yếu tố đầu, chỉ giữ lại ba yếu tố sau hẳn là việc làm có chủ ý của Đức Phật hoặc của các học trò Ngài về sau trong phương pháp giảng dạy, bởi xét cho cùng thì tuy nói đủ là lục thông nhưng chỉ có ba yếu tố sau cùng mới quan trọng và thật sự cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu giải thoát khổ đau, mục tiêu tối hậu của mọi nỗ lực Phật giáo. Chúng ta xét qua các định nghĩa về tam minh để nhận ra ý nghĩa quan trọng của chúng trong tiến trình tu chứng giải thoát của đạo Phật:

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, ăn uống như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, ăn uống như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Đây là Khổ”, biết như thật: “Đây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự Khổ diệt”, biết như thật: “Đây là Con đường đưa đến khổ diệt”; biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là các lậu hoặc diệt”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt”. Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”1.

Các định nghĩa về tam minh cho thấy trên cơ sở thanh tịnh sâu lắng của tâm Thiền thứ tư, nghĩa là với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản, vị hành giả tiếp tục công phu tu tập của mình bằng cách hướng tâm đến hay tác ý về ba sự hiểu biết sâu sắc hay ba loại tri kiến đặc biệt liên hệ đến khổ đau nhằm đi ra khỏi khổ đau. Cả ba loại tri kiến này có công năng làm gia tăng cảm thức sâu sắc về ý nghĩa khổ đau và đều phục vụ cho mục đích giải thoát khổ đau.

Loại tri kiến thứ nhất, Túc mạng minh (pubbe- nivàsànussati-nàna), là thấy rõ sự khổ đau của chính bản thân mình thông qua sự chứng nghiệm đầy đủ các đời sống quá khứ, một chuỗi các sự kiện sống chết tưởng chừng như vô tận liên tiếp nối đuôi nhau tạo nên một vòng tròn (samàra) khổ đau không chấm dứt, không lối thoát. Việc chú tâm nhớ lại vô số các đời sống nổi trôi trong vòng sinh tử luân hồi không mang ý nghĩa gì khác ngoài công năng thức tỉnh vị hành giả về ý nghĩa khổ đau của cái chuỗi hiện hữu luẩn quẩn, thấy rõ sự nguy hiểm của tái sinh và gợi cảm thức nhàm chán đối với sự kiện sinh tử luân hồi.

Loại tri kiến thứ hai, Thiên nhãn minh (sattànam cutùpapàta-nàna), là thấy rõ khổ đau của chúng sinh, do nghiệp lực mà tái sinh ở trong các cảnh giới khác nhau, hoặc sướng hoặc khổ nhất thời, nhưng tất cả đều là hệ quả khổ đau của nghiệp, của pháp hữu vi, chịu sự thay đổi, biến hoại, sanh tử triền miên, không lối thoát. Việc hướng tâm chứng nghiệm số kiếp luân hồi sinh tử của chúng sanh ở trong tam giới cũng không mang ý nghĩa gì khác ngoài việc làm gia tăng cảm thức về sự thật khổ đau của sự kiện tái sanh và làm mạnh mẽ thêm ý thức nhàm chán muốn thoát ly sự trói buộc khổ đau của vòng sinh tử luân hồi.

Cả hai loại tri kiến trên có nhiệm vụ tăng cường khả năng nhận diện đầy đủ về mọi hình thái khổ đau của cái gọi là tiến trình hiện hữu và có mục đích thôi thúc vị hành giả về ý chí thoát ly khổ đau được thể hiện bởi sự tập trung tác ý về khổ, khổ tập, khổ diệt, con đường đưa đến khổ diệt (của ngũ uẩn); về lậu hoặc, lậu hoặc tập khởi, lậu hoặc đoạn diệt, con đường đưa đến lậu hoặc đoạn diệt nhằm chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau. Đây chính là tri kiến thứ ba, tức là sự hướng tâm chứng nghiệm rốt ráo về khổ đau của sự kiện hiện hữu và cách thức đi ra khỏi khổ đau đưa đến sự đoạn tận mọi gốc rễ khổ đau gọi là Lậu tận minh hay Lậu tận trí (àsavànam khaya-nàna). Đến đây thì lộ trình tu chứng của đạo Phật mới kết thúc và trí tuệ đã hoàn tất vai trò của nó trong nhiệm vụ nhận diện và đoạn tận mọi mầm mống gây nên khổ đau. Kinh Pháp Cú2 nêu rõ vai trò của tuệ giác giải thoát:

Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy
đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận.

 Đáng chú ý là ba loại tri kiến trên tuy có công năng khác nhau nhưng đều nhắm đến và phục vụ cho một mục đích duy nhất, đó là sự buông bỏ, cắt đứt, diệt tận, chấm dứt hoàn toàn mọi gốc rễ và hệ lụy khổ đau. Chúng là kết quả xác đáng của sự nỗ lực nghiêm trì giới  luật và hành sâu về thiền định, có khả năng tiếp cận và nhận rõ bản chất của các sự vật và hiện tượng một cách đúng như thật. Hai tri kiến đầu giúp chứng nghiệm một cách tổng quát và chi tiết về khổ đau, hết thảy pháp hữu vi không gì khác là khổ đau, có chức năng thôi thúc vị hành giả tiến sâu hơn vào bản chất của sự kiện khổ đau để chứng nghiệm rốt ráo về ý nghĩa của khổ đau và để xác tín về con đường đi ra khỏi khổ đau. Tri kiến thứ ba là sự chứng ngộ trọn vẹn về khổ đau, về nguyên nhân sanh khởi, lý do đoạn diệt và phương pháp thoát ly khổ đau được thực hiện bằng tâm thức định tĩnh, sáng suốt, sẵn sàng rời bỏ tham ái, buông bỏ chấp thủ, do thấu suốt lý vô thường, vô ngã.

Nhìn chung, tam minh chính là ba cấp độ trí tuệ của đạo Phật, được nuôi dưỡng và phát triển bởi công phu tu tập về giới đức và thiền định, có đặc tính đi sâu vào bản chất của mọi sự vật và hiện tượng, chứng nghiệm bản chất như thật của các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, đưa đến việc loại bỏ tham ái và chấp thủ, chấm dứt hoàn toàn mọi trói buộc khổ đau. Chúng được gọi chung là trí tuệ với ba tầng nghĩa khác nhau là thắng tri (Abhinnà), liễu tri (Parinnà) và đoạn tận (Pahàna)3. Thắng tri là sự hiểu rõ về ngũ uẩn (sắc, thọ tưởng, hành, thức) hay các pháp hữu vi, thấy rõ nguyên lý sanh và diệt của chúng thông qua thiền định. Liễu tri là sự chứng nghiệm rốt ráo về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn và hết thảy pháp hữu vi nhờ công phu thiền quán. Đoạn tận tức là khả năng buông bỏ, viễn ly, rời xa, không còn luyến ái, không còn ý tưởng ôm ấp hay nắm giữ bất kỳ một thứ gì do chứng nghiệm rốt ráo về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn và hết thảy pháp hữu vi. Trong kinh văn truyền thống, loại trí tuệ này thường được mô tả như vầy:

“Nhờ biết như vậy, thấy như vậy (thấy biết rốt ráo về bản chất vô thường, khổ, vô ngã của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay các pháp hữu vi), tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: ‘Ta đã giải thoát’. Vị ấy biết: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa’”.

Hoặc nó được diễn tả: “Chư Tỷ-kheo, nhờ biết như vậy, nhờ thấy vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử yểm ly đối với sắc, yểm ly đối với thọ, yểm ly đối với tưởng, yểm ly đối với hành, yểm ly đối với thức, do yểm ly nên ly tham, do ly tham, nên được giải thoát, trong sự giải thoát có trí khởi lên, biết được đã giải thoát. Vị ấy biết: ‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui tại đây với một đời sống khác’”. „

LIÊN ĐỨC

 

Chú thích:

  1. Tiểu kinh Ví dụ dấu chân voi, Trung Bộ.
  2. Pháp Cú, kệ số 191.
  3. Đại kinh phương quảng, Trung Bộ.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 180

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin