Chi tiết tin tức Diễn viên Đan Thy chia sẻ về hạnh nhẫn 10:37:00 - 21/10/2015
(PGNĐ) - Sau nhiều biến cố, nhiều cung bậc của cuộc sống, nữ diễn viên tự nhận thấy chính “nhẫn - nhịn - nhường” đã giúp chị có được sự tự tại, an vui ở hôm nay.
Nhẫn đứng đầu trăm nết Đan Thy chia sẻ, không phải ngẫu nhiên người xưa lại nói “Nhẫn đứng đầu trăm nết”, theo chị, nhẫn là khoan dung, là nhận đúng bản chất để kiên tâm trong việc nuôi dưỡng và thuần hóa tâm hồn. Thứ nữa, từ xưa các đức tính như cần cù, hy sinh, chịu thương chịu khó, ôn hòa, cởi mở đã được coi là những phẩm chất trân quý của người Việt Nam. Cho đến, những câu ca dao, tục ngữ mà ai ai cũng thuộc nằm lòng như: “Một điều nhịn, chín điều lành”, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… cũng đã trở thành những nguyên tắc ứng xử phổ biến trong xã hội của chúng ta. Và điều đáng nói là, theo Đan Thy, nhẫn đã làm cho đời sống trở nên thật sự ý nghĩa và cao đẹp. Qua sách vở, chị cũng được biết, nhẫn của người Việt Nam được tựu thành từ đời sống nông nghiệp cộng với niềm tin nhân quả và tinh thần giải thoát của Phật giáo. Qua tìm hiểu, chị rút ra rằng, ai ai cũng sống thuận theo tuần hoàn và sự thay đổi của tự nhiên, những quy luật khách quan của vũ trụ mà ông cha ta gọi chung là trời, đã tạo cho chúng ta một triết lý sống thanh thản, phù hợp với tinh thần tự tại, an nhiên của đạo Phật. Một điều nhịn, chín điều lành Cuộc sống ngày xưa, cho dù phải đấu tranh, ganh đua để mưu cầu lợi tức đến bao nhiêu thì con người vẫn tồn tại bằng lý trí và tình cảm. Nghĩa là, dù có phải đương đầu, chạm trán đến đâu đi chăng nữa con người vẫn phải tôn trọng lễ - nghĩa của nhau. Vì thế, con người ngày xưa coi “một điều nhịn, chín điều lành” như một hình thức tha thứ và thông cảm không thể thiếu trong đời sống thường nhật, chị nói. Đan Thy nhận định, ở cuộc sống hiện tại, con người luôn bỏ qua mọi thứ quy tắc trong lĩnh vực đối nhân xử thế, vì thế lúc nào cũng đặt quyền lợi cá nhân lên hàng đầu. Đối với số đông chúng ta ở hiện tại, không quan niệm như lớp người xưa, nghĩa là nên nhịn, tha thứ và thông cảm lẫn nhau. Từ đó, chúng ta cũng không còn đặt việc nhịn có nghĩa là dung hòa, mà trái lại coi việc nhịn là sự thua thiệt, một thất bại cá nhân, và làm như thế là mất mặt, là kém cỏi, là nhục nhã. Theo Đan Thy, thử thách trên đường đời không bao giờ là khó khăn, là rắc rối nếu con người biết nhau, hiểu nhau, thông cảm và nhường nhịn lẫn nhau. Chị cũng quả quyết, nếu con người đều biết tới việc nhịn, biết tha thứ cho nhau, lúc đó tất cả sẽ thoát ra ngoài mọi tranh chấp, khổ đau của cuộc đời. Đặt giới hạn bằng một khung cảnh nhỏ hẹp là gia đình, nếu trong một mái nhà, chồng vợ biết thương nhau, luôn tha thứ cho nhau, sẵn sàng thông cảm lẫn nhau, lúc nào cũng nhịn nhau, chị tin rằng đó sẽ là một gia đình lý tưởng, kiểu mẫu mà bất cứ ai cũng hằng mong muốn. Còn trong cái nhìn bao quát hơn là xã hội chẳng hạn, nếu trong một tập thể, mọi người cùng nhau làm việc mà biết nhịn thì làm gì có chuyện bất đồng, làm gì có chuyện tranh chấp, làm gì có chuyện giết hại lẫn nhau? Nhường là tôn trọng chính mình Nói với Giác Ngộ điều mình tâm đắc, chị cho biết, quá trình hoàn thiện bản thân chính là gạt bỏ đi từng cái xấu và vun đắp thêm từng cái tốt dù rất nhỏ, và nhường là phẩm chất chúng ta cần rèn luyện. Người biết nhường là vì người khác mà hy sinh lợi ích, hạnh phúc của cá nhân mình, là người biết nghĩ đến người khác, biết tha thứ cho những lỗi lầm của họ. Người biết nhường là người luôn nhìn người khác bằng cái nhìn của lòng nhân ái, tình thương yêu. Họ luôn đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu và cảm nhận tình cảm vui buồn của những con người đó.
Đan Thy khẳng định: “Nhường chính là tôn trọng chính mình. Vì, nhường đòi hỏi con người phải có những phẩm chất nhất định, mà đầu tiên là lòng dũng cảm để chiến thắng tính ích kỷ và cái tôi luôn tồn tại trong mỗi chúng ta”. “Khi tỏ ra “nhẫn - nhịn - nhường” trước lỗi của người đã làm ta đau chính là ta đang tự chiến thắng bản thân, mang lại cho mình sự thanh thản, tự tại và an vui. Người biết “nhẫn - nhịn - nhường” thường xét mình một cách nghiêm khắc và xét người khác một cách nhân ái, bao dung. Khắt khe với chính mình cũng là một trong những phương pháp tiêu diệt lòng ích kỷ, xây dựng tính vị tha chuẩn mực và hữu hiệu nhất” - Đan Thy chia sẻ về phương pháp để có được sự thanh thản, tự tại và an vui của bản thân.
Viên Quang
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |