Chi tiết tin tức Diễn văn Đại lễ Phật đản PL.2569 - DL.2025 15:00:00 - 28/04/2025
(PGNĐ) - Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã trân trọng gửi đến toàn thể Chư Tôn đức Tăng Ni, cộng đồng Phật giáo thế giới và đồng bào Phật tử lời chúc mừng đại hoan hỷ, cùng bài Diễn văn Đại lễ Phật đản PL.2569 - DL.2025.Diễn văn nhấn mạnh thông điệp "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững", kêu gọi nuôi dưỡng bình an nội tâm, sống chánh niệm, tha thứ, xây dựng thế giới hòa hợp và phát triển bền vững bằng ánh sáng từ bi và trí tuệ Phật giáo.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ DIỄN VĂN ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LỊCH 2569 - DL.2025 CỦA TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Kính bạch Chư tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni! Kính thưa Quý vị Cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài! Kính thưa quý liệt vị! Trong niềm hoan hỷ và lòng thành kính vô biên, trong không khí kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), chúng ta hân hoan chào đón sự kiện trọng đại: Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Đây không chỉ là dịp để chúng ta tưởng niệm ba sự kiện vĩ đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh – Thành đạo – Nhập Niết bàn, mà còn là một ngày hội tụ văn hóa tâm linh toàn cầu, nơi nhân loại cùng nhau hướng về những giá trị phổ quát của tuệ giác Phật giáo: lòng từ bi, trí tuệ và hòa bình đối với thế giới hôm nay. Kể từ khi được Liên hợp quốc quyết định lấy ngày Tam hợp của Đức Phật: kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn là sự kiện văn hóa tôn giáo thế giới vì hòa bình vào ngày 15/12/1999 trong kỳ họp lần thứ 54 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đến nay Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã được tổ chức 20 lần. Đây là lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam, diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6-8/5/2025. Thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tôi xin gửi tới toàn thể Chư Tôn đức Tăng Ni, cộng đồng Phật giáo thế giới, và đồng bào Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài lời chúc mừng đại hoan hỷ, đại an lạc. Kính chúc tất cả quý vị mùa Phật đản an lành dưới ánh hào quang phổ độ chúng sinh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni tôn kính. Kính chúc Đại lễ Phật đản Vesak 2025 thành công viên mãn. Kính bạch Chư tôn đức, Kính thưa Quý vị khách quý. Chủ đề của Vesak năm nay là “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” chính là thông điệp cấp thiết hơn bao giờ hết, mang một ý nghĩa đầy nhân văn, sâu sắc và đầy tính thời đại mà cộng đồng Phật giáo muốn gửi đến toàn thế giới. Trong một thế giới còn nhiều bất ổn, con người luôn phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, thì hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải khơi dậy tinh thần đoàn kết và bao dung, lấy con người làm trung tâm của mọi hành động. Đức Phật có dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Đó chính là lời khẳng định về giá trị và phẩm giá bình đẳng của mọi con người, không phân biệt màu da, tôn giáo, quốc tịch hay địa vị xã hội. Đồng thời, Đức Phật cũng chỉ ra cho chúng ta thấy: “Không có con đường nào dẫn đến hòa bình, mà chính hòa bình là con đường.” Ngài cũng đã khẳng định: “Tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hay hành động với tâm thanh tịnh, an lạc sẽ theo ta như bóng với hình.” Tinh thần đoàn kết và bao dung không chỉ là lời dạy của Phật giáo, mà còn là nguyên lý cốt lõi của Liên hợp quốc. Trong một thông điệp gửi đến Đại lễ Vesak những năm trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc từng nhấn mạnh: “Tuệ giác Phật giáo có thể giúp nhân loại tìm lại sự cân bằng, vượt qua chia rẽ và kiến tạo một thế giới dựa trên lòng nhân ái, sự bền vững, tôn trọng nhân phẩm con người.” Chính vì vậy, từ hội trường này, chúng ta cùng nhau kêu gọi: hãy gác lại những khác biệt để xây dựng một cộng đồng toàn cầu đoàn kết; Hãy dùng ánh sáng của trí tuệ để hóa giải vô minh và bạo lực; Hãy lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững. Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới phản ánh rõ tinh thần của Phật giáo về sự liên hệ mật thiết giữa thế giới nội tâm của mỗi con người và hiện thực xã hội. Sự bình an nội tâm của mỗi người trong xã hội chính là nền tảng cho hòa bình bền vững. Mỗi người khi biết quay trở về tu dưỡng tâm mình, sống chánh niệm, tỉnh thức và nuôi dưỡng từ bi, tình thương yêu thì sự an lành sẽ lan tỏa ra cộng đồng xã hội như trong kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Hòa hợp Đức Phật có dạy: “Ba pháp này, này các Tỳ kheo, đưa đến sự hòa hợp: thân hành từ ái, khẩu hành từ ái, ý hành từ ái.” Muốn thay đổi thế giới này, mỗi chúng ta hãy bắt đầu từ chính mình, từ cách chúng ta nghĩ, nói, và hành động; từ cách chúng ta thực hành chánh niệm và nuôi dưỡng bình an nội tâm. Tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải chính là phương pháp mà Đức Phật đã dạy từ hơn 26 thế kỷ trước. Chỉ khi buông bỏ sân hận, tha thứ và chữa lành vết thương tâm thức, mỗi cá nhân và cộng đồng mới thực sự hòa giải, sống chung an lạc, không còn tranh chấp, hận thù. Hơn thế nữa, từ bi trong hành động của Phật giáo là tiếng gọi đánh thức lương tri toàn nhân loại, thúc giục chúng ta không chỉ dừng lại ở lòng bi mẫn mà phải hành động theo thông điệp của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, và xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững. Để đạt đến mục đích cao đẹp đó, chúng ta cần phải giáo dục chánh niệm cho thế hệ trẻ tương lai nuôi dưỡng lòng nhân ái, trách nhiệm và ý thức bảo vệ sự sống trên hành tinh xanh này. Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu là con đường để cộng đồng Phật giáo, và các tôn giáo cùng chung tay, vượt qua khác biệt, xây dựng một thế giới đại đồng, nơi mà tình yêu thương và hiểu biết, chia sẻ trở thành ngôn ngữ chung của nhân loại. Kính thưa quý liệt vị! Là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời và gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam vinh dự được tổ chức Đại lễ Vesak 2025 trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với ngọn lửa trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức và biết bao các thế hệ Tăng Ni, Phật tử đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chặng đường lịch sử hào hùng 50 năm qua cho chúng ta thấy rõ con đường phát triển mà dân tộc Việt Nam đang đi là con đường của sự đoàn kết, của sự bao dung và của một xã hội mà mỗi người đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc. Con đường đó đang đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Kính thưa Quý liệt vị! Nhân dịp này Tôi kêu gọi cộng đồng Phật giáo trên toàn cầu hãy cùng nhau tinh tấn hành trì chánh pháp, nuôi dưỡng bình an nội tâm, lan tỏa năng lượng từ bi và trí tuệ, đóng góp thiết thực cho hòa bình và hạnh phúc chung của toàn nhân loại. Kính chúc chư Tôn đức Tăng Ni, quý đồng bào Phật tử vô lượng cát tường, thành tựu viên mãn các Phật sự lợi đạo ích đời, trong tinh thần xương minh Đạo Pháp, phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật nhân ngày Đại lễ Phật đản - Vesak năm nay. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh!
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |