Chi tiết tin tức GHPGVN tổ chức lễ tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh 21:50:00 - 03/04/2014
(PGNĐ) -
Sáng nay 03/4/2014 (tức ngày 04/03/Giáp Ngọ) tại Hội trường chùa Quán Sứ, Trụ sở TW GHPGVN tại Hà Nội, GHPGVN đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN.
Đến chứng minh và tham dự buổi lễ có HT.Thích Thanh Dũng, Phó Thư ký HĐCM GHPGVN; HT.Thích Gia Quang, PCT kiêm Trưởng ban TTTT TW HĐTS GHPGVN; HT.Thích Bảo Nghiêm, PCT kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW HĐTS GHPGVN, chư Tôn đức trong Thường trực HĐTS, Ban, Ngành, Viện TW GHPGVN cùng chư Tôn đức Tăng Ni lãnh đạo BTS GHPGVN các Tỉnh, Thành phía Bắc và đông đảo bà con Phật tử gần xa về tham dự buổi lễ. Thượng tọa Thích Đức Thiện điều hành chương trình Niệm Phật cầu gia hộ
Chư Tôn đức tham dự buổi lễ
Về phía chính quyền, có sự tham dự của ông Nguyễn Thiện Nhân, UV Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQVN; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó ban Dân vận TW; ông Bùi Thành Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ; Thiếu tướng Bùi Mậu Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II và các đại diện các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh. Đại biểu chính quyền
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cung tuyên Tiểu sử
Mở đầu buổi lễ, HT.Thích Bảo Nghiêm, thay mặt TW GHPGVN đã cung tuyên Tiểu sử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, trong đó nêu rõ: “Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, thế danh Nguyễn Văn Bình, sinh năm Đinh Tỵ (1917), tại làng Mỹ Luông, quận Cái Tàu Thượng, tỉnh Sa Đéc (nay là huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Nhờ đã gieo căn lành từ nhiều kiếp, sớm giác ngộ cõi đời là huyễn, thế sự phù du, nên sau một thời gian đi chiêm bái khắp chốn thiền môn trong tỉnh, năm 1937, Đại lão Hòa thượng lên núi Cấm, đến chùa Vạn Linh, cầu xin Hòa thượng trụ trì Pháp húy Hồng Xứng cầu thế độ xuất gia. Khi trông thấy Hòa thượng, Tổ liền ấn chứng: “Các ông đừng khinh ông này, đời trước ông đã từng làm Hòa thượng…”. Sau khi được Tổ cho phép xuất gia, ban Pháp húy là Nhựt Bình, hiệu Thiện Chánh tiếp nối dòng pháp Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41. Tại Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam, tổ chức tại thủ đô Hà Nội, từ ngày 4 đến 7-11-1981, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn ngôi vị Thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1982, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ I, Đại lão Hòa thượng được cử làm Trưởng BTS Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh đến năm 1987. Năm 1984, sau khi Hòa thượng ThíchTrí Thủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch vào tháng 4-1984, Đại lão Hòa thượng được suy cử Quyền Chủ tịch Hội đồng Trị sự, rồi Chủ tịch Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ II và những nhiệm kỳ tiếp theo cho đến ngày về cõi Phật. Từ năm 1984 đến năm 2013, Đại lão Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng Đại Giới đàn đầu tiên và những Giới đàn tiếp theo của Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh được tổ chức tại chùa Ấn Quang. Tháng 12-1984, tại Đại hội UBMTQVN TP.Hồ Chí Minh lần thứ 4, Đại lão Hòa thượng được Đại hội cử làm Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM. Tại Đại hội kỳ III - 1992, Đại lão Hòa thượng được Đại hội suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Từ Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ II (1983) cho đến Đại hội VII, Đại lão Hòa thượng được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và tại Đại hội VI, VII (2009), Đại lão Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Năm 2004, Đại lão Hòa thượng đảm nhiệm cương vị Đàn đầu Hòa thượng Đại giới đàn Trí Tấn do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương tổ chức. Đặc biệt, Đại lão Hòa thượng đã được Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bà Rịa - Vũng Tàu cung thỉnh đảm nhiệm cương vị Hòa thượng Đàn đầu truyền giới Tỳ-kheo tại Đại giới đàn Thiện Hòa I (1993), Thiện Hòa III (2000), Thiện Hòa IV (2003), Thiện Hòa V (2006), Thiện Hòa VII (2013). Ngoài ra, Đại lão Hòa thượng còn chứng minh nhiều Đại Giới đàn do Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh lân cận TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Mặc dù bận rộn nhiều công việc cho Giáo hội, Đại lão Hòa thượng vẫn dành thời gian để dịch kinh và giảng kinh. Những tác phẩm Hòa thượng đã biên soạn, phiên dịch và phổ biến như: Kinh Pháp hoa (8 quyển); Kinh Hoa nghiêm (8 quyển); Kinh Đại bát Niết-bàn (2 quyển); Kinh Đại Bát-nhã (3 quyển); Kinh Đại bảo tích + Đại Tập (12 quyển); Kinh Phổ Hiền hạnh nguyện ; Kinh Địa Tạng bổn nguyện; Kinh Tam bảo; Tỳ-kheo giới bổn; Bồ-tát giới bổn; Kinh Pháp hoa cương yếu (Tóm tắt); Kinh Pháp hoa thông nghĩa (Tóm tắt); Cực lạc Liên hữu tập; Đường về Cực lạc; Ngộ tánh luận. Với những công đức mà Đại lão Hòa thượng đã đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, nên Hòa thượng đã được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng: - Huân chương Hồ Chí Minh - Huân chương Độc Lập hạng nhất - Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân. - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ - Bằng Tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý khác."
Hòa thượng Thích Gia Quang tuyên đọc Lời Tưởng niệm Tiếp theo HT.Thích Gia Quang, thay mặt HĐCM, HĐTS GHPGVN đã lên tuyên đọc Lời Tưởng niệm, trong đó nêu bật những hành trạng và công lao của Ngài đối với Đạo pháp và Dân tộc: “Trên bước đường trở thành bậc tri thức Phật học uyên thâm, với hạnh nguyện Đại thừa, Đại lão Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ, nêu cao gương uy mãnh giữa rừng tà, gióng trống lôi âm, vang rền tiếng pháp. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, chan hòa pháp giới. Từ vùng đất miền Tây Nam bộ trù phú bao la cò bay thẳng cánh, đến chốn Sài thành hoa lệ - hòn ngọc viễn đông, Đại lão Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, hóa độ chúng sinh, phát huy chân lý Đạo vàng một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử; từ Giáo hội Tăng già Nam Việt, GHPGVNTN đến GHPGVN, đâu đâu, nơi nào, thời nào Đại lão Hòa thượng cũng hết tâm hành đạo. Quả thật! “Công Ngài đổ xuống đất này, cho hoa Đạo pháp ngày ngày xanh tươi.” Đại lão Hòa thượng là bậc Thầy trong công tác Giáo dục, là nhà Giáo dục mô phạm của Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại. Có thể nói, Đại lão Hòa thượng đã đào tạo được nhiều thế hệ Tăng Ni tài đức, Phật tử hữu danh, có ích cho Đạo lẫn đời, hiện đang phục vụ các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, trong nước và nước ngoài, góp phần xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam qua từng giai đoạn, để cho “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương. Trải qua nhiều nhiệm kỳ, qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử và xã hội, Đại lão Hòa thượng đã có những cống hiến cao quý, với trọng trách là người đứng đầu Giáo hội, Đại lão Hòa thượng đã cùng chư tôn đức lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra những quyết sách, hoạch định chương trình hoạt động Phật sự mang tầm chiến lược lâu dài, tích cực tham gia vào việc xây dựng và phát triển đất nước, kế thừa truyền thống “phụng đạo - yêu nước, tốt đời đẹp đạo” của ngàn năm Phật giáo Việt Nam…” Sau đó toàn thể đại chúng đã cử hành nghi thức dâng hương tưởng niệm đối với bậc xuất trần Thượng sĩ, Người đã cống hiến cả cuộc mình đời cho lý tưởng nhân sinh, vì Đạo pháp và Dân tộc. Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |