Chi tiết tin tức 10 thoại tướng đức Phật đản sanh theo kinh Hoa Nghiêm 21:25:00 - 25/05/2023
(PGNĐ) - Chỉ có chư thiên, thọ thần trong thế giới siêu hình mới cảm nhận được những điều kỳ diệu đó, và chỉ có họ mới biết tường tận về sự kiện đản sanh tại thánh địa Lâm-Tỳ-Ni, thời khắc thiêng liêng của một bậc vĩ nhân, một con người đã thành Phật mà vì bi nguyên nên hiên thân nơi cõi Nam Diêm Phù Đề.
Kinh Hoa Nghiêm là bản kinh lớn của Phật giáo Đại thừa, là thời pháp vô ngôn được đức Phật thuyết trong thiền định cho hàng đại Bồ tát tại Bồ đề đạo tràng trong 21 ngày, sau khi thành đạo, hay nói chính xác là lời pháp từ chân tâm. Từ bản tâm thanh tịnh, đức Thích Ca Như Lai nói về cảnh giới chứng đắc tối thượng mà chư Phật ba đời đã từng kinh qua. Vì vậy, để hiểu được triết lý Hoa Nghiêm, chúng ta cũng cần phải trải nghiệm thiền định thì mới có thể cảm nhận được. Căn cứ vào “Ngũ thời bát giáo” của tông Thiên thai, ngài Trí Khải cho rằng Hoa Nghiêm là thời pháp tối quan trọng được đức Phật thuyết giảng đầu tiên “Hoa Nghiêm tối sớ tam thất nhật”. Có thể điều này không cùng quan điểm với việc nghiên cứu về lịch sử Phật giáo, nhưng chúng ta đều thừa nhận rằng, sau khi thành đạo đức Phật đã ở lại tại Bồ Đề Đạo Tràng trong một thời gian dài; có nghiên cứu cho rằng đức Phật lưu lại 7 tuần lễ, trước khi đến Vườn Nai xứ Ba-La-Nại (Varanasi). Đứng về mặt tư tưởng Đại thừa, nói đúng hơn là kinh Hoa Nghiêm, cho rằng, thời gian đó đức Phật đã thuyết kinh Hoa Nghiêm với chúng hội hết sức đặc thù gần như ngoài khả năng nhận biết thông thường của chúng sanh. Khi đề cập đến kinh điển Đại thừa nói chung hay kinh Hoa Nghiêm nói riêng, người học Phật thường có cảm nghĩ rằng nội dung thường gắn liền với huyền thoại, và một mặt nào đó, triết lý huyền thoại trở thành nét đặc trưng riêng cho dòng văn học Đại thừa. Ví dụ, khi nói về pháp hội đức Phật thuyết pháp, kinh Hoa Nghiêm mô tả như sau: “Như vậy tôi nghe, một lúc Phật ở nước Ma-Kiệt-Đề, trong đạo-tràng bồ-đề, ban đầu thành Vô-thượng Chánh-giác. Nơi đó đất cứng chắc, bằng Kim-Cang. Có các luân-báu, hoa báu, châu ma-ni thanh-tịnh, dùng trang nghiêm. Các châu ma-ni sắc-tướng hải làm tràng, thường phóng quang minh, luôn vang ra tiếng vi diệu. Các mành lưới-báu, chuỗi-hoa hương thơm, bủa giăng rủ bốn phía. Châu ma-ni bảo-vương biến-hiện tự-tại, mưa vô-tận châu-bảo và những hoa đẹp rải khắp mặt đất. Cây báu giăng hàng, nhánh lá sum-suê sáng-rỡ. Do thần lực của Phật làm cho đạo-tràng này ảnh-hiện tất cả sự trang-nghiêm… Lúc đó Đức Thế-Tôn ngự trên tòa sư-tử này thành vô thượng chánh giác: Trí Phật chứng nhập thời gian ba đời đều bình đẳng, thân Phật khắp đầy tất cả thế gian, tiếng Phật thuận khắp cõi nước mười phương… Lại có thế-giới vi-trần số Chấp-Kim-Cang Thần: Diệu-Sắc Na-La-Diên Thần, Nhựt-Luân Tốc-Tật-Tràng Thần, Tu-Di-Hoa-Quang Thần, Thanh-Tịnh-Vân-Âm Thần, Chư-Căn-Mỹ-Diệu Thần, Khả-Ái-Lạc-Quang-Minh Thần, Đại-Thọ-Lôi-Âm Thần, Sư-Tử-Vương-Quang-Minh Thần, Mật-Diệm-Thắng-Mục Thần, Liên-Hoa-Quang-Ma-Ni-Kế Thần, Thế-giới vi-trần số Kim-Cang thần như vậy làm bực tối thượng-thủ. Chư thần này thường phát nguyện lớn trong vô-lượng kiếp quá-khứ: nguyện thường gần-gũi cúng dường chư Phật, nguyện hạnh đã được viên-mãn, đã đến bỉ-ngạn, chứa nhóm vô-biên phước-nghiệp thanh-tịnh, đã thông đạt cảnh-giới của các môn tam-muội, đã được thần-thông theo ở bên Như-Lai, nhập cảnh-giới bất-khả tư-nghì giải-thoát, oai-quang các ngài rất hùng mãnh nơi chúng hội, tùy theo chúng-sanh mà hiện thân để điều phục, tất cả chư Phật hóa thân ở chỗ nào thời các cũng hóa thân theo qua, chỗ của tất cả Như-Lai ở các ngài thường siêng năng hộ vệ…” (kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thế chủ Diệu Nghiêm thứ I, Thích Trí Tịnh dịch). Có thể nói, văn học Đại thừa thường có tính phóng đại, thậm xưng, nhưng điều đó có lý do chính đáng của nó, bởi vì những điều bất khả tư nghì gần như không có thuật ngữ trần gian nào có thể diễn tả được. Nếu so sánh giữa kinh điển Đại thừa và Nikaya thì kinh điển Nikaya diễn tả thực tế hơn, rõ ràng hơn. Vì lý do đó mà nhiều người ngộ nhân rằng kinh điển Đại thừa phi thực tế, thậm chí còn cho rằng “phi Phật thuyết”. Nhưng nếu bất cứ ai đã từng nghiên cứu kinh điển Đại thừa thì mới hiểu rằng, ngôn ngữ kinh điển Đại thừa nhằm để ẩn dụ hóa cho một vấn đề khó lý giải bằng ngôn ngữ thông thường, đặc biệt nhất là cảnh giới thiền định hay tâm chứng của các bậc Giác ngộ thì không thể nào dùng ngôn từ thông thường để diễn đạt, vì đó là trạng thái vượt ngoài ngôn ngữ và nhận thức thông thường của con người, càng cố diễn đạt nó trở nên gượng ép thô thiển mà thôi. Cũng chính vì chỗ sâu mầu bí mật đó nên Thiền tông chủ trương “Bất lập văn tự” hay diễn tả những trang thái vô ngôn bằng nhiều cách “quái dị” so với lối đối đáp xả giao thông thường. Khi được hỏi “-Tổ ý, Giáo ý giống và khác nhau ở chỗ nào? -Thiền sư Hạo Giám đáp: vịt lạnh xuống nước, gà lạnh lên cây” – (Cảnh Đức truyền đăng lục – tập I, trang 43); Hay, “-Tăng hỏi: thế nào là đạo?, Thiền sư đáp: núi đẹp quá!” – (Cảnh Đức truyền đăng lục – tập I, trang 51). Do đó, để hiểu được kinh điển Đại thừa thì gần như người đó phải có duyên với Đại thừa thì mới cảm nhận được tư tưởng sâu xa mà ý kinh gửi gắm qua các sự kiện huyền thoại. Như vậy, kinh Hoa Nghiêm diễn tả về cảnh giới chứng đắc của chư Phật mà chính đức Thích tôn vừa được trãi nghiệm sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ đề. Mà cảnh giới chứng đắc hay thiền định của chư Phật là những điều bất khả tư nghì với chúng sanh, cho dù hàng Thinh văn vẫn chưa thể cảm nhận đến được. Điều này được minh chứng qua pháp hội Pháp hoa tại linh sơn, khi Phật hứa khả thuyết kinh Pháp Hoa “Trong hội có các Tỳ – kheo, Tỳ – kheo – ni, Ưu – bà – tắc, Ưu – bà – di cả thảy là năm ngàn người liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật lui ra”. (Linh Sơn pháp bảo Đại tạng kinh, tập 34 bộ Pháp Hoa, quyển 1). Kinh Tăng Nhất A Hàm có nói đến bốn điều bất khả tư nghì, thì cảnh giới của chư Phật hay cảnh giới thiền định là một trong bốn điều bất khả tư nghì. Do đó, dùng hình ảnh phi thực tế hay huyền thoại là một phương tiện tối ưu để nói lên những điều không thể nói và hình dung được theo phàm trí chứ không phải là kinh Đại thừa diễn tả chuyện hoang đường. Do đó, sự kiện đản sanh của đức Phật là sự kiện lịch sử vĩ đại nhưng lại diễn ra trong một bối cảnh quá bất ngờ của thời lịch sử cổ đại thì cả những nhà sử học cũng khó mà xác định được trọn vẹn đâu là chính sử và đâu là ngoại sử. Nhưng dù sao thì sự kiện ra đời của một bậc vĩ nhân là một sự thật. Thế nên, kinh điển Đại thừa không quá quan trong vào ngày tháng năm mà đức Phật ra đời, vì điều đó trong kinh điển Nikaya hay các nhà sử học đã làm nhiệm vụ đó rồi. Việc còn lại là những gì diễn ra mà dường như không có nhân chứng lịch sử nào cảm nhận được và hình dung ra được sự siêu phàm trong bối cảnh đó là gì? Nhưng một điều rất bất ngờ cho các nhà nghiên cứu, một sự kiện lịch sử theo một góc nhìn khác lại được diễn tả trong một bộ kinh đầy tính triết lý mênh mông bất tận và phản ánh đúng tính chất đặc thù của nền văn học Đại thừa đó là kinh Hoa Nghiêm! Thông qua phẩm Nhập pháp giới, có nêu khá đầy đủ về mười thoại-tướng được diễn ra trong thời khắc thiêng liêng tại vườn Lâm-Tỳ-Ni như sau: “…Nầy Thiện-nam-tử! Bồ-Tát đủ mười pháp nầy thời sanh nhà Như-Lai, làm quang-minh thanh-tịnh của tất cả thế-gian. Ta từ vô-lượng kiếp đến nay được môn giải-thoát thọ sanh tự-tại này. Thiện-Tài thưa: Bạch đức Thánh! Cảnh-giới của môn giải-thoát nầy thế nào?Lâm -Thần nói: Nầy Thiện-nam-tử! Trước kia ta phát nguyện, nguyện lúc tất cả Bồ-Tát thị-hiện thọ sanh đều được thân-cận. Nguyện nhập biển vô-lượng thọ sanh của Tỳ-Lô-Giá-Na Như-Lai. Do nguyện lực thuở xưa ấy, nên nay ta sanh nơi vườn Lâm-Tỳ-Ni trong thế-giới nầy, chuyên nghĩ tưởng Bồ-Tát lúc nào hạ sanh?Qua một trăm năm quả nhiên Thế-Tôn từ Trời Đâu-Xuất đản sanh tại đây. Lúc ấy, vườn Lâm-Tỳ-Ni nầy hiện mười tướng:Một là trong vườn này mặt đất bỗng nhiên bằng phẳng không còn hầm hố gò nổng. Hai là kim-cang làm đất, các báu trang-nghiêm, không có ngói sạn gai gốc.Ba là cây bửu-đa-la bày hàng giáp vòng, rễ sâu đến thủy-tế.Bốn là những chồi hương mọc lên, những hương-tạng hiện ra, cây bửu-hương tàng to rậm rợp, mùi thơm đều hơn thiên-hương.Năm là những tràng hoa đẹp, đồ bửu-trang-nghiêm thành hàng đầy khắp mọi nơi.Sáu là trong vườn có bao nhiêu cây đều tự-nhiên nở hoa ma-ni-bửu.Bảy là trong những ao hồ đều mọc hoa đầy mặt nước.Tám là cõi sắc cõi dục của Ta-Bà Thế-Giới, tất cả hàng Thiên, Long, Bát-bộ, các Quốc-Vương đều hội đến vườn Lâm-Tỳ-Ni nầy đứng chắp tay.Chín là trong thế-giới nầy có bao nhiêu Thiên-Nữ, nhẫn đến Ma-Hầu-La-Già-Nữ đều rất hoan-hỉ tay cầm những đồ cúng dường cung kính đứng hướng về phía cây Vô-Ưu.Mười là chư Phật mười phương, nơi rốn đều phóng quang-minh tên là Bồ-Tát thọ sanh tự-tại-đăng chiếu sáng khắp khu vườn nầy. Trong mỗi quang-minh đều hiện chư Phật thọ-sanh, đản-sanh, thần-biến, và công đức thọ-sanh của tất cả Bồ-Tát. Lại phát ra những ngôn âm của chư Phật. (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Nhập pháp giới, Thích Trí Tịnh dịch) Về mặt nghiên cứu lịch sử chúng ta luôn căn cứ vào dữ liệu mà người trước đã ghi lại để đánh giá. Nhưng đứng ở lĩnh vực tôn giáo để quan sát, chúng ta lại có nhận định về lịch sử khác hơn là những điều được các nhà sử học ghi nhận. Thật vậy, muốn học lịch sử của kinh Hoa Nghiêm hay lịch sử Phật giáo Đại thừa, chúng ta phải có tâm hồn Đại thừa, trải lòng với kinh điển Đại thừa thì mới có thể tiếp thu giáo nghĩa Đại thừa. Như vậy, dựa vào nội dung vừa nêu chúng ta có thể thấy rằng, sự kiện đản sinh của đức Phật gần như là sự kiện tôn giáo. Giá trị của nó là từ những việc bình thường trong thế gian được nhân cách hóa trở nên phi thường rất có thể là do người đời sau xưng tặng. Bút giả cho rằng, sự kiện đản sinh trở nên thiêng liêng và vĩ đại không phải xuất hiện từ ban đầu mà rất có thể nó được xuất hiện trong hai giai đoạn: Một là sau ngày thành đạo vĩ đại; Hai là sau sự kiện đức Phật nhập Niết Bàn. Bởi sau khi thành đạo hay niết bàn chúng ta mới biết Thái tử Sĩ Đạt Ta là ai? Nếu không có sự kiện thành đạo vĩ đại thì sự kiện đản sanh chỉ là sự sanh ra của một vương tử con dòng họ Thích Ca tại vườn Lâm-Tỳ-Ni. Đó cũng chỉ là sự kiện bình thường như bao nhiêu trẻ sơ sinh được ra đời trên trái đất này. Sự ra đời đó cũng chưa có gì để khẳng định rằng, hài nhi Sĩ đạt ta sẽ thành Phật? Dựa vào lịch sử, khi hoàng hậu Ma Da và thái tử hài nhi trở về cung, vua Tịnh Phạn cho mời tiên A Tư Đà xem tướng. Lúc đó tiên A Từ Đà tiên đoán rằng, tương lai thái tử có hai con đường lựa chọn: nếu ở đời sẽ là Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia sẽ giác ngộ thành Phật. Cho nên, nếu không có sự kiện thành đạo thì ngày đản sanh không còn ý nghĩa và phổ khắp như hôm nay. Tóm lại, 10 thoại tướng được đề cập trong kinh Hoa Nghiêm là một hiện tượng nửa thực nửa siêu hình, không phản ánh được trọn vẹn những điều thực tế diễn ra trong thế gian này. Nhưng đứng về mặt siêu hình, điều đó không phải chỉ để diễn tả những điều mắt thấy tai nghe mà nó nhằm nói lên các hiện tượng thần bí xuất hiện trong ngày thiêng liêng nhất của lịch sử nhân loại. Nhưng với con mắt phàm phu thì không thể nào thấy biết được những điều siêu phàm của một vị Bồ tát nhất sanh bổ xứ xuất hiện nơi trần gian. Điều mà kinh điển Đại thừa luôn khẳng định, những ngôn ngữ trần gian diễn tả thực về cuộc đời đức Phật không phản ánh trọn vẹn ý nghĩa xuất hiện của Ngài. Bởi sự xuất hiện của Ngài chỉ là sự Thị hiện, vì chính bản thân Ngài đã thành Phật. Chỉ có chư thiên, thọ thần hay các vị thần tiên trong thế giới siêu hình mới cảm nhận được những điều kỳ diệu đó, và chỉ có họ mới biết tường tận về sự kiện đản sanh tại thánh địa Lâm-Tỳ-Ni, thời khắc thiêng liêng của một bậc vĩ nhân, một con người đã thành Phật mà vì bi nguyên nên hiên thân nơi cõi Nam Diêm Phù Đề.
TT.Thích Phước Tiến
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |