Chi tiết tin tức

Sự cần thiết của việc nhận thức đúng về Đức Phật

20:27:00 - 10/03/2023
(PGNĐ) -  Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã trở thành một bộ phận không thể tách rời khỏi nền văn hóa của quốc gia. Việc nhận thức đúng đắn về Đức Phật là yếu tố quan trọng để hình thành thế giới quan Phật giáo chuẩn mực, góp phần ứng dụng giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của mình như một số quốc gia phương Tây đã và đang làm. Nếu nhận thức không đúng về Đức Phật sẽ đưa đến hệ quả nguy hiểm. Bài viết này lược khảo kết quả của một số nghiên cứu có liên quan để phần nào chứng minh hiện tượng trên. Đồng thời, bài viết cũng tiến hành khảo sát 12 trường hợp thanh thiếu niên (TTN) tham gia sinh hoạt tu học tại một số thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam bằng phương pháp phỏng vấn sâu để xem xét nhận thức của họ về Đức Phật. Kết quả khảo sát cho thấy việc TTN nhận thức đúng về Đức Phật đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của mình.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Phật giáo là một thành tố quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam đã tiếp cận được Phật giáo từ rất sớm, khoảng thế kỷ đầu Tây lịch [1: tr.11]. Trong tâm thức của người Việt, Phật giáo dường như đã trở thành một yếu tố bản địa. Chính vì vậy, tác giả Vũ Minh Tuyên đã nhận định: “Trong tâm hồn tình cảm của người Việt Nam hiện đại, kể cả những người không phải là Phật tử, đối với Phật giáo vẫn sâu nặng hơn, gần gũi hơn, thân quen hơn đối với các tôn giáo khác” [2]. Dù vậy Phật giáo cũng chịu sự ảnh hưởng đáng kể của văn hóa bản địa [3]. Phật giáo dân gian là một thuật ngữ các nhà nghiên cứu thường sử dụng để chỉ cho Phật giáo đã được bản địa hóa.

Khi Phật giáo được bản địa hóa, hình tượng vị giáo chủ cũng có thể được nhận thức bổ sung theo màu sắc văn hóa dân gian. Nhìn vào hệ thống Tứ pháp (thần Mây/Pháp Vân, thần Mưa/Pháp Vũ, thần Sấm/Pháp Lôi, và thần Gió/Pháp Phong) có thể thấy Đức Phật được nhìn nhận “vừa là thần lại vừa là Phật” [4]. Mặt khác, Phật giáo trong giai đoạn giặc Minh đô hộ và thời Lê sơ, đây đó xuất hiện những yếu tố tư tưởng mê tín dị đoan [5: tr.74] và Đức Phật “hiển nhiên đã trở thành một vị tượng thần cho dân Việt Nam tín ngưỡng” [6: tr.178]. Có thể hai lý do trên đã ảnh hưởng đến nhận thức chưa đúng về Đức Phật của một bộ phận người Việt Nam qua bao thế hệ cho đến nay.

Bằng phương pháp phân tích tài liệu, quan sát tham dự, và phỏng vấn sâu, bài viết đi vào xem xét nhận thức về Đức Phật của một bộ phận người Việt. Đồng thời, bài viết cũng đi vào phân tích nhận thức của thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt tu học tại một số thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam về Đức Phật để từ đó khẳng định sự cần thiết của việc nhận đúng nêu trên.

ĐỨC PHẬT VÀ NHẬN THỨC VỀ ĐỨC PHẬT

Đức Phật trong phạm vi bài viết này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa [7: tr.25-48], Ngài từng là Thái tử của nước Ca-tỳ-la-vệ xứ Trung Ấn, là con trai của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Do nhận rõ được sự khổ của cuộc đời là già, đau, chết nên quyết tâm xuất gia để tìm con đường giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sanh. Sau một thời gian tu khổ hạnh không có kết quả, Ngài tìm thầy học đạo cũng không được như nguyện, nên tu một mình. Ngài đến cội Bồ đề và phát nguyện: “Nếu ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Sau 49 ngày đêm nhập định dưới cội Bồ đề, vào đêm thứ 49, khi sao mai vừa lên, Ngài đã chứng quả, biết rõ nguồn gốc đau khổ và phương pháp dứt trừ nó để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Sau khi thành đạo, Ngài đã đi hóa độ chúng sanh. Đến năm 80 tuổi, Ngài nhập Niết bàn. Hình ảnh Đức Phật cho người đời sau nhiều bài học quý báu tùy theo khả năng, hoàn cảnh, và phương diện tiếp cận của mỗi cá nhân.Nhận thức, theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, là quá trình phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến gần đến khách thể [8: tr.249]. Như vậy, con người biết đến Đức Phật có thể thông qua nhiều cách khác nhau, có thể từ nguồn sử liệu cho đến tiếp cận với giáo dục. Điều quan trọng là trên nền tảng hiểu biết đó, con người phải tư duy để có hành động phù hợp. Hành động phù hợp đó chính là noi gương Ngài để tu tập giác ngộ như Ngài. Có như thế mới “tiến gần đến khách thể”. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, việc noi gương đó có thể được thể hiện ở nhiều phương diện: Nâng cao đời sống đạo đức, mở rộng lòng từ bi, rèn luyện nghị lực,… Nói chung, việc noi gương ở mức độ nào là tùy vào khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

 

NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI VIỆT NAM VỀ ĐỨC PHẬT QUA KẾT QUẢ CỦA MỘT SỐ NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN

Một số nghiên cứu cho thấy, trong mẫu khảo sát, một bộ phận không nhỏ xem Đức Phật như một vị thần có thể ban phước giáng họa và vì vậy cứ cầu xin mỗi khi lễ Ngài. Kết quả khảo sát 352 người của tác giả Lê Đức Hạnh cho thấy khái niệm về Đức Phật được nhận thức rất khác nhau: Bồ tát Quán Thế Âm, Phật Di Lặc, bậc cứu khổ cứu nạn, Phật tại tâm, Đức Thích Ca, thần thánh,… Từ đó, mục đích theo Đạo Phật của họ cũng có sự lệch lạc: Để phúc cho con cháu, tai qua nạn khỏi, phát tài, vơi khổ đau trần gian, khỏi xuống địa ngục,… [9].

Tương tự, khảo sát về động cơ đi lễ chùa của người dân đô thị của tác giả Hoàng Thu Hương thể hiện việc cầu xin từ những việc rất gắn liền với cuộc sống thế tục của đại đa số như sức khỏe, tài lộc, con cái chăm ngoan cho đến những việc gắn với một nhóm người có vị trí trong xã hội như thăng tiến trên giảng đường đại học, doanh nghiệp được chính quyền quan tâm hỗ trợ, nhận thầu được nhiều công trình xây dựng,… [10]. Ngay cả trong hàng Phật tử cũng có người chưa nhận thức đúng mục đích đến chùa của mình. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc cho thấy có Phật tử tham gia mẫu nghiên cứu trả lời rằng đi chùa là để được Phật độ [11].

Nếu như tác giả Hoàng Thu Hương khảo sát động cơ đi lễ chùa của người dân đô thị bằng phương pháp tiếp cận những tờ “sớ” thể hiện những điều người đi lễ cầu xin, tác giả Nguyễn Thị Thành tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo đối với phụ nữ ở một tỉnh thành phía Bắc bằng phương pháp điều tra bảng hỏi. Kết quả thể hiện dù cho mẫu khảo sát trong độ tuổi nào đi chăng nữa (thanh niên, trung niên, cao niên) thì mục đích vẫn là cầu được Phật gia hộ, cầu tai qua nạn khỏi, cầu tài, cầu lộc. Điều đó phần nào phần nào thể hiện nhận thức trong văn hóa dân gian về Đức Phật [12].

Dù khảo sát trong một phạm vi khá hẹp (trường Đại học Hồng Đức) nhưng tác giả Hoàng Thị Phương đã gián tiếp cho thấy sự hạn chế trong nhận thức về Đức Phật của một bộ phận sinh viên qua động cơ đi lễ chùa. Đa số sinh viên tham gia khảo sát cho rằng đi lễ chùa là để cầu sức khỏe, may mắn trong công việc, tình duyên, tài lộc,… [13]. Qua lược khảo kết quả một vài nghiên cứu liên quan nêu trên cho thấy hiện có một bộ phận người Việt Nam xem trọng quyền năng ban phước của Đức Phật. Từ đó cho thấy, cần điều chỉnh động cơ đến với Đạo Phật của họ để phù hợp với với tôn chỉ của Đạo Phật là một đạo hướng con người đến sự giác ngộ.

Sự nhận thức chưa chuẩn chỉnh của người lớn lại có thể tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ. Kết quả quan sát sau đây phần nào chứng minh điều này. Hai giáo viên của một trường phổ thông trung học hướng dẫn một nhóm học sinh đến một ngôi chùa gần trường để dâng lễ cầu xin cho học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Mâm lễ dâng Tam bảo gồm bánh ngọt, nước khoáng đóng chai và hộp bút bi. Sau khi dâng lễ xong, thầy trò đi dạo một vòng chùa và quay lại tìm mâm lễ đã dâng. Lúc đó, sư cô phụ trách hương đăng đã hạ mâm lễ xuống. Vì vậy, hai cô giáo phải tìm gặp sư cô để xin lại. Hai cô giáo giải thích là đồ dâng lễ sẽ được phân chia cho học sinh dùng trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh diễn ra vào ngày hôm sau để các em gặp may mắn.

Để hiểu đúng về Đạo Phật, việc nhận thức về Đức Phật là một yêu cầu đặt ra trước tiên. Việc nhận thức sai lệch có thể sẽ dẫn đến hiểu sai về đạo của Ngài và từ đó đưa đến hệ quả tiêu cực.

Rõ ràng, việc nhận thức không đúng về Đức Phật có thể dẫn đến sự mê tín. Hiện tượng này không chỉ có ở bộ phận người có trình độ học vấn thấp mà đang có xu hướng phổ biến ở nhóm dân cư có trình độ học vấn cao [14]. Nguyên nhân của tình trạng này, theo tác giả Trần Văn Sỹ, là do thiếu giáo dục tâm linh trong hệ thống giáo dục quốc dân [15].

NHẬN THỨC VỀ ĐỨC PHẬT CỦA THANH THIẾU NIÊN ĐANG THAM GIA TU HỌC TẠI MỘT SỐ THIỀN VIỆN THUỘC THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM

Tác giả bài viết đã tiến hành phỏng vấn sâu đối với 12 trường hợp thanh thiếu niên (TTN) trong độ tuổi từ 12 đến 18, tham gia sinh hoạt tu học vào ngày Chủ nhật hàng tuần tại ba thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam (Thiền viện Viên Chiếu, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, và Thiền viện Trúc Lâm Chính Pháp) để xem xét cách thức tiếp cận Đạo Phật của các em. Phương pháp trên là phù hợp với khảo cứu này vì nó có thể giúp nhìn nhận vấn đề đa chiều và đặc biệt khai thác được thông tin xuất phát những suy nghĩ, tình cảm bên trong của đối tượng một cách đầy đủ hơn so với những phương pháp khác [16, 17]. Kết quả khảo sát cho thấy nhận thức của TTN về Đức Phật khá tích cực. Đa số TTN đều nhận thức được Đức Phật là nhân vật lịch sử có thật và có lòng từ bi bao la. Từ đó các em có niềm tin rất sâu sắc vào Ngài. Một TTN nam, 14 tuổi, khẳng định: “Con đã học lịch sử Đức Phật và biết được nguồn gốc của Ngài. Ngài là một người có thật và đã xuất hiện trên Trái Đất này khoảng 2.500 năm về trước. Con nghĩ là những lời truyền dạy của Ngài là nhằm giúp chúng sanh giải thoát nên con rất tin vào Ngài”.

Nhận thức đúng đắn của TTN về Đức Phật là xuất phát từ việc học tập. Điều này rất phù hợp với Thuyết Học tập nhận thức xã hội của A. Bandura, cho rằng tiếp thu kiến thức là một quá trình trong nhận thức của một cá nhân [18: tr.208]. Từ nhận thức trên dẫn đến niềm tin của TTN đối với Đức Phật. Niềm tin ở đây không phải là niềm tin mù quáng mà dựa trên tư duy. Sự nhận thức đúng về Đức Phật giúp cho TTN tự tin vào bản thân và có trách nhiệm với mình hơn. Một TTN nữ, 15 tuổi, đã chia sẻ: “Mỗi khi đi chùa lễ Phật, con không cầu xin điều gì vì cầu xin làm gì khi bản thân mình có khả năng làm được và tự bản thân mình phải làm lấy. Đức Phật đã từ bỏ ngai vàng và vượt qua nhiều gian khổ để vươn lên một tầm cao thì tại sao mình lại không làm được. Vả lại việc cầu xin là một hình thức cổ xưa do mọi người hiểu sai lệch. Bản thân con nhận thức được điều này. Khi tham gia sinh hoạt tại thiền viện thì con biết nhận thức của mình là đúng qua các bài giảng của quý thầy và quý cô”.

 

Hình ảnh của Đức Phật với những tính cách tốt đẹp còn giúp cho TTN soi lại chính bản thân để sửa đổi tốt hơn. Một TTN nam, 17 tuổi, cho biết: “Đức Phật ngồi thiền dưới cội Bồ Đề 49 ngày đêm, còn con một ngày ngủ nhiều hơn học. Từ đó con thay đổi, học chăm hơn.” Hay một TTN, 14 tuổi, kể: “Khi Đức Phật bị người ta vu khống thì Đức Phật rất bình tĩnh trả lời người đó. Khi về trường mới, con cũng bị vu khống một lần rồi ạ. Lúc đó, nhớ đến Đức Phật thì con cũng đã bình tĩnh. Khi người ta nói đến con thì con trả lời rất là nhẹ nhàng, chớ không kiểu mày tao”. Như vậy, Đức Phật đã trở thành hình mẫu để cho TTN học tập. Những gì được học về Đức Phật đã được TTN tư duy và từ đó biết cách vận dụng vào hoàn cảnh của riêng mình.

Việc nhận thức nêu trên của TTN đã không chỉ làm phát triển niềm tin chân chính vào Đức Phật mà còn tạo động cơ tích cực cho các em trong việc tìm hiểu giáo lý của Ngài để ứng dụng phát triển hành vi đạo đức. Một TTN nam, 14 tuổi kể: “Bây giờ con ngủ dậy sớm, kể cả không hẹn giờ con cũng tự thức dậy là vì cái ý muốn là mình phải đi sinh hoạt, mình phải học hỏi điều hay từ Đạo Phật, mình còn rất nhiều điều chưa biết, mình phải tu cho nó tốt hơn”.

KẾT LUẬN

Theo Glock và Stark, vị giáo chủ là một yếu tố quan trọng cần phải biết nếu muốn hiểu về một tôn giáo [19]. Như vậy, để hiểu đúng về Đạo Phật, việc nhận thức về Đức Phật là một yêu cầu đặt ra trước tiên. Việc nhận thức sai lệch có thể sẽ dẫn đến hiểu sai về đạo của Ngài và từ đó đưa đến hệ quả tiêu cực. Kết quả lược khảo một vài nghiên cứu trong bài viết này phần nào chứng minh được điều này. Kết quả khảo sát TTN tham gia sinh hoạt tu học tại các thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam cho thấy nhờ tiếp cận được với giáo dục Phật giáo, TTN đã có nhận thực đúng về Đức Phật. Từ tư duy đúng tạo động lực cho TTN trong việc tìm hiểu giáo lý của Ngài để ứng dụng cho cuộc sống, tránh được niềm tin sai lệch, đóng góp vào phương châm sống tốt đời, đẹp đạo. 

 

NCS. Lê Tấn Lộc/TCVHPG406

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* Nghiên cứu sinh Lê Tấn Lộc, Học viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. Nguyễn Tài Thư, Minh Chi, Lý Kim Hoa, Hà Thúc Minh và Hà Văn Tấn (2020), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

2. Vũ Minh Tuyên (1998), “Phật giáo và tâm hồn người Việt”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học 6: 9-11

3. Nguyễn Hồng Dương (2013), Tôn giáo trong văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

4. Võ Thị Hoàng Lan (2012), “Về tục thờ Tứ nhiếp pháp của người Việt”, Tạp chí Di sản Văn hóa 2 (39): 34-38.

5. HT. Thích Thiện Hoa (2011), Phật học phổ thông quyển hai, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

6. HT. Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.178.

7. HT. Thích Thiện Hoa (2011), Phật học phổ thông quyển một, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

8. Hội đồng chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2003), Từ điển bách khoa Việt Nam tập 3, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

9. Lê Đức Hạnh (2005), “Một vài đóng góp của Phật giáo đối với văn hóa Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo 5: 16-25.

10. Hoàng Thu Hương (2006), “Động cơ đi lễ chùa của người dân đô thị hiện nay”, Tạp chí Tâm lý học 3(84): 25-28.

11. Nguyễn Thị Minh Ngọc (2017), Vai trò của tôn giáo trong xây dựng niềm tin xã hội, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.

12. Nguyễn Thị Thành (2016), “Tác động của Phật giáo tới phụ nữ một số tỉnh phía Bắc Việt Nam hiện nay” Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo 1(151), tr.72-85.

13. Hoàng Thị Phương (2019), “Thực trạng đi lễ chùa của sinh viên trường Đại học Hồng Đức”, Tạp chí Trường Đại học Hồng Đức 46: 91-99.

14. Linh Giang (2018), “Ngăn chặn tệ mê tín dị đoan”, Báo Nhân dân, Truy cập tại địa chỉ https://nhandan.vn/ngan-chan-te-me-tin-di-doan-post317642.html (ngày truy cập: 30/11/2022).

15. Trần Văn Sỹ (2021) “Giáo dục tâm linh, tại sao không?”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, Truy cập tại địa chỉ https://lsvn.vn/giao-duc-tam-linh-tai-sao-khong1614180446.html (ngày truy cập: 01/12/2022).

16. Queiros, A., Faria, D. & Almeida, F., (2017), ‘Strengths and limitations of qualitative andquantitative research methods’, European Journal of Education Studies 3(9), 369-386, doi: 10.5281/zenodo.887088

17. Daniel, E., (2016), ‘The usefulness of qualitative and quantitative approaches and methods in researching problem-solving ability in science education curriculum’, Journal of Education and Practice 7(15), 91-100.

18. Phan Trọng Ngọ và Lê Minh Nguyệt (2019), Giáo trình các lý thuyết phát triển tâm lý người, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

19. Glock, C. Y. & Stark, R., (1965), Religion and society in tension, Rand McNally, San Francisco.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin