Chi tiết tin tức Chủ tịch Hồ Chí Minh và giáo lý Phật giáo 20:05:00 - 02/06/2018
(PGNĐ) - Trong hệ thống di sản tư tưởng phong phú và vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta ngày nay, có tư tưởng về Phật giáo, trong đó, giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan, thế giới quan, trung tâm là con người hướng đến cái “chân thiện mỹ”, “từ, bi, hỷ, xả” “vô thường, vô ngã vị tha”, cứu khổ cứu nạn, để sống tốt đời đẹp đạo… mà hạt nhân tư tưởng của Phật giáo là một trong những tư tưởng văn hóa ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh.
Con người chúng ta đang sống, tồn tại trong cõi Ta bà, con người luôn bị chế ngự bởi dục vọng khổ đau, bệnh tật, sầu hận, chết chóc, đau thương… Con người bao giờ cũng muốn vươn lên từ đời sống thấp hèn để tìm một cái cao đẹp và an lạc hơn, đằng sau bức tường đầy sự hấp dẫn của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy). Theo giáo lý nhà Phật, con người chỉ là tổng hợp thể của sắc uẩn, thọ, tưởng, hành và thức uẩn (vật lý và tâm lý) - sắc uẩn (vật lý), thọ, tưởng, hành và thức uẩn (tâm lý). Ở một góc độ nào đó, con người luôn điều hòa và phát triển năm uẩn đó thế nào để đạt được hạnh phúc an lạc và giải thoát bởi trí dục, đức dục, thể dục, mỹ dục, tình cảm, sinh lý và lao động ngay trên cuộc đời con người, từ hạnh phúc tương đối đến hạnh phúc tuyệt đối. Hồ Chí Minh qua góc nhìn của giáo lý Phật giáo - đó là niềm tin và hy vọng của Người đối với toàn thể tăng, ni và đồng bào Phật giáo trong việc góp sức mình vì sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, bình an và hạnh phúc. Đến với Phật giáo, Hồ Chí Minh như đến với tư tưởng vị tha, cứu khổ, mưu cầu hạnh phúc, an lành cho con người, bình an cho xã hội.
Qua lăng kính về giáo lý của Phật giáo, cho chúng ta thấy, những ảnh hưởng của Hồ Chí Minh về tư tưởng giáo lý nhà Phật rất rõ nét. Người đã gạn lọc, kế thừa, cách mạng hóa những hạt nhân hợp lý trong triết lý đạo Phật, nhất là triết lý đề cao nếp sống đạo đức trong sáng, chủ trương bình đẳng, yêu thương đồng loại, chống điều ác. Người đã nâng nó lên thành ngọn lửa hun đúc cho truyền thống yêu nước, nhân ái của dân tộc, động viên khích lệ đồng bào theo đạo Phật đồng lòng xây dựng đất nước. Đó là lòng yêu thương con người, quên mình vì mọi người, mình vì người khác…Trong giáo lý nhà Phật, “từ bi” là ước vọng mãnh liệt để giải thoát con người thoát khỏi đau khổ. “Bác ái” là lòng thương yêu của mọi người. “Vị tha”, sống vì người khác”, “kết tinh bằng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích giác ngộ và giải thoát, chuyển cõi Ta bà này thành cõi Tịnh độ và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống cực lạc” (4). Từ triết lý, giáo lý của nhà Phật, Hồ Chí Minh đã tích lũy và hình thành cho mình tư tưởng mang giá trị triết lý nhân văn sâu sắc và chính Người luôn luôn hướng đến Phật pháp. Từ rất sớm (năm 1921), Hồ Chí Minh cảnh tỉnh loài người khi tìm cách xoá bỏ đẳng cấp, tôn giáo và các thành phần giai cấp: “Thảm họa của đất nước đã xoá bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết” (5). Hồ Chí Minh thành tâm gợi niềm tin mãnh liệt: “Rồi đây, bốn bể một nhà...”. Sau khi bôn ba, năm 1941, trở về nước, Hồ Chí Minh đã vẽ ảnh Phật treo trên vách đá để mọi người có nơi chiêm ngưỡng và lấy đó làm điểm tựa của niềm tin vào đức Phật phấn đấu cho sự nghiệp. Khi đến thăm chùa Bà Đá (năm 1946), Hồ Chí Minh nói: “Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ” (6). Từ những suy nghĩ đó, Hồ Chí Minh quan niệm: “Trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân, việc gì có lợi cho nhân dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” (7). Cùng sứ mệnh cao cả như đức Phật, cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, địa ngục, đầu năm 1949, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào ghi nhận trách nhiệm lớn: “Tôi rất đau lòng thương xót đồng bào... Tôi, người phụ trách số phận đồng bào, chưa lập tức... cứu vớt ngay đồng bào ra khỏi địa ngục thực dân...”. Khi về thăm Nghệ Tĩnh (năm 1957 và 1961) Bác tới thăm chùa Cần Linh. Người luôn quan tâm đến hoạt động của Phật giáo, Người đến thăm trường của Hội Phật giáo ở Hà Nội (1962)... Đây không chỉ là những cuộc đến thăm đơn thuần, mà chính là dịp biểu hiện tình cảm và lòng tin của Người đối với tăng, ni, phật tử, chiến sỹ yêu nước. Năm 1958, khi sang thăm Ấn Độ, Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi rất sung sướng được thăm quê hương đức Phật, quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới” (8). Giáo lý nhà Phật đã khẳng định: “Nhân thị tối thắng” - con người cao hơn tất cả vì con người. Người luôn ấp ủ trong lòng với những giá trị cao đẹp: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”; điều này giống với “Hạnh vô ngã” của đạo Phật, không nghĩ đến bản thân mình, luôn quên mình vì mọi người. Cuối đời (6/1968), Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng xin chỉ thị chuẩn bị in sách Người tốt việc tốt, Hồ Chí Minh gợi mở: “Ta phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần THIỆN trong con người nẩy nở để đẩy lùi phần ÁC, chứ không phải đập cho tơi bời”.
Trọn cả cuộc đời, Hồ Chí Minh đến nhiều vùng núi linh, chùa, đền thiêng như: chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Côn Sơn, đền Ngọc Sơn, đền Hùng, Kiếp Bạc, Cổ Loa,... thành kính thắp hương, thông suốt linh mạch thiên - địa - nhân và kết nối âm phù dương trợ. Người không quên nhắc nhở nhà sư “ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công”. Ở Người, luôn toả sáng những tư tưởng cao đẹp, kết tinh những giá trị tinh tuý nhất của văn hóa truyền thống dân tộc và của nhân loại, trong đó có các giá trị tư tưởng của nhà Phật. Ở góc độ là một hệ thống tư tưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi với giáo lý nhà Phật. Cốt túy của Phật giáo là Từ bi hỷ xả, Vô ngã vị tha, Cứu khổ cứu nạn. Từ giáo lý đó, Hồ Chí Minh nói: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”. “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (9). Sự đối lập hai mặt của một vấn đề là ngày nay, con người chúng ta đang sống, tồn tại trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, con người chà đạp lên nhau để sống, con người sống nhanh, sống gấp, con người vì cái “ngã”, chạy theo những tài sản vật chất, danh lợi địa vị, quyền lợi… Những giá trị nhân bản đạo đức làm người cũng không còn, giáo dục xuống cấp, văn hóa đồi trụy... Nguyên nhân chính cũng vì lòng tham ái mà ra, do vậy chúng ta biết quay về với đạo Phật là quay về cuộc sống chân thiện mỹ, quay về chính mình, để tìm lại hạt minh châu (Phật tính) để chúng ta thức tỉnh tu tập, để đoạn trừ cái “Ngã”, cái tham vọng để đạt đến tinh thần “Vô ngã”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt.” (10). Nhận rõ những giá trị cao đẹp của giáo lý nhà Phật, với một giác quan chính trị nhạy bén và sự mẫn cảm kiệt xuất, Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy Phật giáo là một điểm tựa vững chắc cho quần chúng nhân dân, họ sẽ tạo thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho con người. Hồ Chí Minh đã đến với giáo lý nhà Phật không chỉ là nhu cầu tinh thần của nhân dân, mà Người còn tiếp thu giáo lý Phật giáo với tính cách là những giá trị đạo đức của nhân loại. Người cũng nhìn thấy ở Phật giáo những giá trị tốt đẹp phù hợp với đạo đức con người mới và phục vụ cho sự phát triển của thời đại, của đất nước. Hồ Chí Minh viết: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giê-su đều giống nhau, Thích Ca và Giê su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Người nói: “Chúa Giê-su dạy đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là bác ái”.
Tiếp thu tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX đã khẳng định: “Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân... Mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO: (1). Lê Cường, Minh triết Hồ Chí Minh với Phật giáo, Tạp chí Quê hương Online ngày 13/02/2010. (2). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr161-162 (3). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, tr.558. (4). Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, trong Đạo Phật Việt Nam. NXB TP.HCM, 1995, tr.318. (5). Sđd, tập 1, trang 41. (6). Sđd, tập 4, tr. 148. (7). Tiếng Dân, Bài học lòng dân, CaMau Online ngày 06/8/2013. (8). Hồ Chí Minh. Sđd, tr.208. (9). Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39. (10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.523 (11). Thượng tọa Thích Đức Nghiệp: Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, SĐD, tr.276.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |