Chi tiết tin tức

Học giả Trần Văn Giáp với việc nghiên cứu Phật học trước năm 1945

09:47:00 - 09/09/2021
(PGNĐ) -  Dù được đánh giá là một nhà thư tịch học hàng đầu ở Việt Nam nhưng không thể phủ nhận những nghiên cứu mang tính chất tiên phong của Trần Văn Giáp trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo và văn hóa Phật giáo trong nửa đầu thế kỷ XX.

VÀI NÉT VỀ HỌC GIẢ TRẦN VĂN GIÁP (1898-1973)

Trần Văn Giáp, tự Thúc Ngọc, còn có bút danh Hải Am, sinh năm 1898 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Theo gia phả họ Trần do chính phụ thân Trần Văn Giáp biên soạn thì dòng họ của Trần Văn Giáp đã định cư ở làng Từ Ô, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương từ thế kỷ XVII. Người đỗ đạt đầu tiên được gia phả họ Trần ghi lại là Trần Văn Hoán, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ năm 1724 khi 35 tuổi [1]. Ông làm quan đến chức Thừa chỉ, được cử đi sứ nhà Thanh thì mất giữa đường. Trần Văn Hoán được truy tặng chức Hình bộ Tả Thị lang và phong tước hầu. Từ Trần Văn Hoán về sau, họ Trần ở Từ Ô còn có nhiều người đỗ đạt. Thân phụ của Trần Văn Giáp là Trần Văn Cẩn cũng đỗ cử nhân, về sau có tham gia Đông Kinh Nghĩa thục [2]. 

Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, từ nhỏ Trần Văn Giáp đã được thụ hưởng nền giáo dục Hán học truyền thống. Năm 1915, ông tham gia kì thi Hương ở Nam Định và đỗ Tam trường. Chỉ 4 năm sau khoa thi này, nền khoa cử Nho học cũng cáo chung. Có thể nói, Trần Văn Giáp đã kịp thời hấp thụ những tinh hoa cuối cùng của nền giáo dục Hán học trước khi nó chấm dứt, giúp ông tích lũy được vốn Hán học đầy đặn cho con đường nghiên cứu sau này. Năm 19 tuổi (1917), Trần Văn Giáp chuyển hướng sang Tây học tại trường Pháp – Việt ở Yên Phụ, Hà Nội và trường Sư phạm Hà Nội (chưa đầy một năm).

(Ảnh: khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn)

Bước ngoặt cuộc đời của Trần Văn Giáp là khi ông được nhận vào làm việc chép sách chữ Hán cho Trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO). Nhờ Hán học và những tư chất riêng, Trần Văn Giáp được nhận vào làm việc chính thức cho Thư viện của Trường EFEO từ tháng 01/1920. Giai đoạn 1920-1927, Trần Văn Giáp vừa làm việc, vừa tự học trau dồi tiếng Pháp. Trong quãng thời gian làm việc ở Viện, Trần Văn Giáp đã tích lũy nhiều kiến thức và nghiệp vụ cho sự nghiệp nghiên cứu của mình. Mục lục sách Trung Quốc ở Thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ (Inventaine du fonts Chinios de L’EFEO) được xem là bản thư mục đầu tay trong sự nghiệp khoa học của ông. Nhờ vào những nỗ lực của bản thân, năm 1927 ông được cử sang Paris công tác, được Trường EFEO tạo điều kiện ở lại đây học tập và làm trợ giáo tại Trường Ngôn ngữ Phương Đông cho đến năm 1932 thì về nước [3]. Trong 05 năm ở Pháp, Trần Văn Giáp đã theo học các ngành khoa học xã hội tại các trường danh tiếng của Pháp là Cao đẳng Thực hành Sorbonne (Ecole des Hautes Etudes) và Viện Cao học Hán học (Institut de Hautes Etudes Chinoises de Paris).

Trong thời gian học tập ở Pháp, việc tiếp cận nền giáo dục tinh hoa và khoa học hàn lâm của Pháp đã giúp Trần Văn Giáp cho ra đời những công trình nghiên cứu có giá trị cao. Hai luận văn nổi tiếng của ông thực hiện để hoàn thành chương trình học tập tại Trường Cao đẳng Thực hành (Khoa Sử học và Ngữ văn) và Viện Cao học Hán học là Phật giáo Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIII (Le bouddhisme en Annam, des origines au XIIIe siècle) và Các chương thư tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú (Les chapitres bibliographiques de Lê-Quý-Đôn et de Phan-Huy-Chú) [4]. Công trình Các chương thư tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú là luận văn tốt nghiệp của Trần Văn Giáp khi hoàn thành khóa học tại Viện Cao học Hán học niên khóa 1930-1931 được nhắc đến trong niên giám của Trường năm 1931 trong số 38 học viên theo học [5]. Những thành quả nghiên cứu này đã dự phóng tương lai đầy triển vọng của một nhà Sử học, thư tịch học được đào tạo bài bản theo giáo dục tinh hoa Pháp cho nền khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Năm 1932, Trần Văn Giáp về nước, được Trường EFEO bố trí phụ trách Ban Nghiên cứu chữ Hán và văn bản chép tay [6]. Không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động trong thánh đường của khoa học, Trần Văn Giáp tích cực tham gia vào các diễn đàn cộng đồng. Đáng chú ý là việc Trần Văn Giáp góp mặt sáng lập, hoạt động của Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934) và Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938).

Ông là người đề tựa, giới thiệu công trình Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể, Giáo sư Sơn Môn Phật học Huế được Tân Việt xuất bản năm 1944.

Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời trong phong trào dân tộc dân chủ những năm 1936-1938. Buổi diễn thuyết vận động thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ ngày 25/5/1938 tại sân quần hội Việt Nam thể dục (C.S.A) ở phố Charles Coulier (nay là đường Khúc Hạo) thu hút gần 2.000 người tham dự. Theo Phan Thanh, cả nước chỉ có 591.233 học sinh trong niên khóa 1936-1937, tức chỉ có 2 người đi học trên 100 nhân khẩu [7]. Trần Văn Giáp cũng tham gia diễn thuyết khi đề cập đến mục tiêu của Hội: “Mục đích của Hội là làm cho hạng dân nghèo thất học có cách để học tập nên Hội chú trọng vào mấy việc sau này: Mở các lớp cho người lớn học không mất tiền; các ông giáo sẽ là những người hướng dẫn do Hội cử ra; lập các thư viện bình dân và cấp cho những người đến học bút mực, sách vở không lấy tiền; tổ chức các cuộc nói chuyện có ích để ngoài việc tập viết và tập đọc ra, người dân nghèo có thể hấp thụ những điều thông thường về vệ sinh, về khoa học,…” [8]. Hội Truyền bá Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ ra đời chính thức vào tháng 07/1938 sau khi Thống sứ Bắc kỳ thông qua bản điều lệ của Hội. Trong danh sách sáng lập viên, chúng ta thấy có nhiều tên tuổi lớn của giới trí thức Bắc kỳ lúc này như Nguyễn Văn Tố, Bùi Kỷ, Tôn Thất Bình, Phan Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Lê Thước,… Trần Văn Giáp giữ vị trí giám sát của Hội [9]. Ông cùng với Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác soạn quyển Vần quốc ngữ năm 1938 với phương pháp học “i tờ” nổi tiếng.

Cách mạng Tháng 8 thành công, Trần Văn Giáp đi theo Chính phủ kháng chiến của Hồ Chủ tịch và công tác tại Bộ Giáo dục. Sau ngày Hiệp định Geneve, ông tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán, tiếp quản thư viện và bảo tàng của Trường Viễn Đông Bác Cổ ở miền Bắc Việt Nam. Thời gian còn lại cho đến khi qua đời năm 1973, Trần Văn Giáp cống hiến cho ngành Sử học nước nhà với nhiều chuyên luận, công trình cho thấy sự dày công trong khảo cứu cũng như sự uyên thâm của mình. Công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của ông đã đúc kết thành quả nghiên cứu được tích lũy cả đời, phản ánh hành trạng tiếp thu tinh hoa Hán học và Tây học của Thúc Ngọc Trần Văn Giáp.

Bảo tàng Louis Finot – Ngày 23/4/1934, chủ đề về Lịch sử Phật giáo ở Bắc kỳ được ông trình bày trong buổi sinh hoạt ở bảo tàng Louis Finot của Trường EFEO (Ảnh: sưu tầm)

Các nghiên cứu về Phật học của Trần Văn Giáp trước năm 1945
Dù được đánh giá là một nhà thư tịch học hàng đầu ở Việt Nam nhưng không thể phủ nhận những nghiên cứu mang tính chất tiên phong của Trần Văn Giáp trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo và văn hóa Phật giáo trong nửa đầu thế kỷ XX.

Một trong những luận văn nổi tiếng của Trần Văn Giáp trong thời gian học tập ở bên Pháp là Phật giáo Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIII xuất bản năm 1932 trên chuyên san của EFEO. Chuyên luận này được Thượng tọa Mật Thể của Viện Đại học Vạn Hạnh chuyển ngữ sang tiếng Việt vào năm 1967. Tính độc đáo của chuyên luận này không chỉ nằm ở thời điểm xuất hiện mà nằm ở nguồn tư liệu và cách tiếp cận.

Tuy nhiên, có thể Trần Văn Giáp đã theo đuổi chủ đề này từ giai đoạn 1928-1929 khi trình bày nội dung nghiên cứu này trong một buổi báo cáo tại khoa Sử học và Ngữ học của Trường Cao đẳng Thực hành [10] cũng như phê bình văn bản Phật giáo Nam lai khảo trên chuyên san của EFEO. Năm 1928, Nam phong Tạp chí đăng một văn bản Phật giáo Nam lai khảo (chữ Hán), chưa rõ tác giả. Quyển sách này cung cấp một cái nhìn tổng quan về Phật giáo ở miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ X, dưới thời vua Lê Đại Hành. Tài liệu này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của Trần Văn Giáp khi đang trong quá trình hoàn thiện chuyên luận về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trong niên giám năm 1930 của EFEO, Trần Văn Giáp đã có bài khảo cứu công phu về văn bản này [11]. Điểm đáng chú ý của Phật giáo Nam lai khảo là việc chứng minh luồng du nhập Phật giáo từ Ấn Độ vào miền Bắc Việt Nam. Qua đó, có thể thấy văn bản này cùng với một số văn bản quan trọng khác đã tác động đến kết quả nghiên cứu của Trần Văn Giáp về nguồn gốc du nhập Phật giáo vào miền Bắc Việt Nam.

Đặc biệt, việc tìm thấy và tiếp cận văn bản Thiền uyển tập anh tại nhà một nhà Nho gần Hải Phòng năm 1927 cũng như sau này tại thư viện EFEO càng có sức ảnh hưởng lớn đến cách tiếp cận và cấu trúc chuyên luận lịch sử Phật giáo nổi tiếng của Trần Văn Giáp [12]. Điều này được chính học giả thừa nhận trong công trình Tìm hiểu kho sách Hán Nôm xuất bản năm 1970: “Bản Thiền uyển tập anh ngữ lục (bản A) chính là cùng một bản với bản thiếu rách mà tôi đã dùng làm tài liệu cơ sở, nghiên cứu vấn đề Phật giáo Việt Nam năm 1932” [13]. Đây là một trong những công trình đầu tiên khai thác tư liệu từ Thiền uyển tập anh để phác họa bức tranh Phật giáo Việt Nam trước khi dòng thiền Trúc Lâm ra đời. Ngoài ra, còn có nhiều thư tịch Hán Nôm khác được Trần Văn Giáp khai thác như Cổ Châu tứ pháp thả lục (Chùa Dâu, Bắc Ninh), Đạo giáo nguyên lưu (Chùa Bồ Sơn, Bắc Ninh), Phật giáo Nam lai khảo, Thánh tích thực lục (chùa Thành Đao, Bắc Ninh),… Lịch sử tiếp nhận Phật giáo và quá trình hình thành các dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường là nội dung chính của chuyên luận này.

Trần Văn Giáp (vest trắng mang cravat), nhà Sư người Thái Bikkhu Budha Boonchney, Jean-Yves Claeys và các thành viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ. (Nguồn: EFEO)

Một đóng góp lớn của Trần Văn Giáp là đã bác bỏ thuyết nguồn gốc Phật giáo Việt Nam là chỉ từ Trung Hoa sang và khẳng định con đường du nhập Phật giáo trực tiếp từ Ấn Độ sang miền Bắc Việt Nam: “Những sự kiện trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng Đạo Phật đã du nhập Việt Nam vào thế kỷ II-III, một mặt do những người Trung Hoa sang lánh nạn ở Bắc kỳ sau khi Linh Đế băng hà năm 189, mặc khác do những nhà du hành của Ấn Độ, gốc người Nhục Chi (Indo-Scythians) và Khang Cư (Sogdia)” [14]. 

Ngày nay, chúng ta đã có thể đầy đủ cơ sở để khẳng định Phật giáo đã truyền vào Việt Nam có thể trước hoặc song song với Trung Quốc. Đặc biệt là Phật giáo ở miền Bắc đã thịnh hành trước khi vào miền Nam Trung Quốc. Nhưng luận điểm nguồn gốc song hành của Phật giáo Việt Nam được Trần Văn Giáp năm 1932 đã là một bước tiến lớn trong việc xác định nguồn gốc du nhập Phật giáo vào Việt Nam. Tuy nhiên, do những giới hạn mang tính lịch sử, Phù Nam chỉ được nhắc đến chuyên luận này với tư cách là một điểm trung gian trên con đường thương mại cũng như truyền đạo từ Ấn Độ sang Trung Hoa chứ chưa phải trung tâm Phật giáo được hình thành trực tiếp từ cái nôi Phật giáo Ấn Độ. Những tri thức về Phù Nam chỉ nên phổ biến từ sau các đợt thảm sát của Louis Malleret trong thập niên 1940. Trung tâm Phật viện Đồng Dương của Chăm-pa cũng chưa được nhắc đến trong chuyên luận này.

Tuy nhiên, chuyên luận này cũng đã mở đầu việc theo đuổi chủ đề Phật giáo và lịch sử Phật giáo trong hành trạng nghiên cứu của Trần Văn Giáp. Ngày 23/4/1934, chủ đề về lịch sử Phật giáo ở Bắc kỳ được ông trình bày trong buổi sinh hoạt ở bảo tàng Louis Finot của Trường EFEO [15]. Đây là một dạng sinh hoạt khoa học được EFEO thiết lập từ năm 1932. Từ trước đến nay các diễn giả chủ yếu là học giả Pháp và Trần Văn Giáp là người Việt đầu tiên được đứng trên diễn đàn của EFEO diễn thuyết [16]. Bên cạnh các thành quả từ chuyên luận về lịch sử Phật giáo đăng trên kỷ yếu EFEO năm 1932, Trần Văn Giáp còn cho rằng Phật giáo ở Bắc kỳ cũng có nét đặc sắc riêng khi kết hợp với văn hóa bản địa “thờ cúng ông bà tổ tiên và các vong hồn” [17]. Nội dung này được phát triển thành chuyên luận Esquisse d’une histoire du bouddhisme au Tonkin do Tập san Viên Âm (số 06 và 07) của Hội Phật học ở Huế xuất bản năm 1934.

Không chỉ tiếp cận từ góc độ lịch sử, các nghi lễ Phật giáo cũng được Trần Văn Giáp quan tâm. Năm 1939, ông công bố một tiểu luận trên chuyên san của EFEO về một pháp khí trong buổi lễ cầu siêu cho các nạn nhân của tàu ngầm Phượng Hoàng của Pháp theo nghi thức Phật giáo – thần phan hay phướn vong [18]. Theo báo Tràng An đưa tin, ngày 15/6/1939, ở ngoài khơi cách Cam Ranh 10km, 2 chiếc tàu ngầm Phénix (Phượng Hoàng) và Espoir (Hy Vọng) diễn tập cùng tuần dương hạm Lamotte-Paciquet [19]. Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm Phénix bị tai nạn, chìm dưới đáy biển. Ngày 17/7/1939, Bắc kỳ Phật giáo hội tổ chức lễ cầu siêu tại chùa Quán Sứ. Trần Văn Giáp cũng tham gia và quan sát lại nghi lễ này. Chiếc thần phan của lễ cầu siêu đã gây sự chú ý đối với học giả họ Trần. Pháp khí được Trần Văn Giáp miêu tả gắn với linh hồn người chết. Vũ trụ quan của Phật giáo về sinh, lão, bệnh, tử được thể hiện khá rõ trong mặt sau của thần phan. Ở phần trước ghi rõ linh hồn được cầu siêu “Phụng vị tiếp triệu Phượng Hoàng quân hạm chầm nịch Tướng sĩ liệt vị anh hồn chi thần phan” [20]. Theo Trần Văn Giáp, thần phan có ý chuyển vận linh hồn về ngôi chùa để nghe chư Tăng đọc kinh siêu thoát, như “viên thuốc” của linh hồn [21]. Dù chỉ là một chi tiết khá nhỏ trong lễ cầu siêu nhưng được Trần Văn Giáp tiếp cận khá sâu sắc với góc nhìn của khoa học nhân văn phương Tây. Điều này càng làm nên sự đặc sắc của chuyên khảo này.

Với những nghiên cứu đầy giá trị của mình, Trần Văn Giáp được mời tham gia vào Ban Quản trị của Hội Phật giáo Bắc kỳ với vị trí Giám sát khi Hội mới thành lập [22]. Về sau, ông còn giữ vị trí Chánh Thư ký của Hội [23]. Với vị trí này, ông đã tích cực tham gia vào các hoạt động Phật sự của Hội như lễ cầu siêu kể trên và diễn thuyết. Ngày 14/4/1935, tại chùa Quán sứ, Trần Văn Giáp diễn thuyết về chủ đề Đạo lý Phật giáo với đạo lý Nho giáo ở nước ta [24]. Ở tiểu luận này, sau khi trình bày lược sử cũng như đạo lý của Nho – Phật, Trần Văn Giáp cho rằng đạo lý của hai đạo này đều có điểm tương đồng. Hai khái niệm “minh đức” – “trí tuệ” của Nho – Phật đều nói đến cái đức trí của con người, có đức trí thì có thể dẫn dắt đến cái chân, thiện, mỹ. Hay cái hiếu nghĩa đều được hai tôn giáo đề cao làm đức tốt của con người. Từ những dẫn chứng nói trên, Trần Văn Giáp đúc kết “Xét lại những điều vừa kể qua đó thì đạo lý hai giáo hình như giống nhau như hệt, cho nên từ xưa đến nay các bậc văn nhân không chịu tiềm tâm suy xét, vội nói võ đoán ngay: “Nho với Phật là một đạo thì thật không đúng” [25] .

Tuy nhiên, Trần Văn Giáp cũng chỉ ra sự khác biệt trong cách thức “giáo hóa” của hai đạo: “Nho giáo thì cốt việc ở đời mà muốn làm được việc trên đời thì phải chính tâm; còn Phật giáo thì cốt ở đời làm thế nào cho bụng mình hiểu rõ được các lẽ thì cũng có thể đem ra thi thố việc đời được. Nho giáo thì dạy người ta ở đời phải có đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; Phật giáo thì dạy người ta chớ nên sát, đạo, tà dâm thì mới làm được mười điều thiện” [26]. Cũng cùng chủ đề này, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến đã thuyết diễn tại Hà Nội và Bắc Ninh vào tháng 8/1935, tức chỉ sau Trần Văn Giáp vài tháng [27]. Nguyễn Hữu Tiến lại dựa vào hành trạng của một nhà Sư nổi tiếng vốn xuất thân từ một danh Nho là Huyền Quang đời Trần để nói về mối liên hệ giữa Nho và Phật ở Việt Nam. So sánh giữa hai tiểu luận dễ nhận ra những dấu ấn về hành trạng học thuật cũng như thế mạnh của hai học giả khi cùng bàn với một chủ đề. Ngoài ra, báo Tràng An còn cho biết Trần Văn Giáp còn có bài diễn thuyết về Cổ tích của người Việt Nam ở Huế: chùa Thiên Mụ [28].

Trần Văn Giáp cũng chỉ ra sự khác biệt trong cách thức “giáo hóa” của hai đạo: “Nho giáo thì cốt việc ở đời mà muốn làm được việc trên đời thì phải chính tâm; còn Phật giáo thì cốt ở đời làm thế nào cho bụng mình hiểu rõ được các lẽ thì cũng có thể đem ra thi thố việc đời được.

Có thể nói, dù còn khá trẻ nhưng địa vị của Trần Văn Giáp trong việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo và Phật học ở trong nước đã được khẳng định. Ông là người đề tựa, giới thiệu công trình Việt Nam Phật giáo sử lược của Thượng tọa Mật Thể, Giáo sư Sơn Môn Phật học Huế được Tân Việt xuất bản năm 1944 [29]. Đây là một trong những công trình đầu tiên về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi thủy đến thời kỳ thuộc địa bằng chữ Quốc ngữ được xuất bản.

Lời kết

Từ sau năm 1945, Trần Văn Giáp trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học với nhiều nhiệm vụ về sử liệu Hán Nôm như sở trường của ông. Nghiên cứu về Phật học và lịch sử Phật giáo không còn chiếm sự quan tâm lớn như thời kỳ trước năm 1945. Do đó, có thể thấy các thành tựu chủ yếu về lịch sử Phật giáo và Phật học của Trần Văn Giáp là trong thời kỳ ông làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Phật giáo Bắc kỳ. Ở đây chúng ta thấy Trần Văn Giáp đã thể hiện xuất sắc cả hai nhân danh: Nhà nghiên cứu và người hoạt động Phật sự. Sở học Đông – Tây tích lũy được đã giúp cho ông có một vốn kiến thức nghiên cứu sâu về lịch sử Phật giáo cũng như kinh tịch Phật giáo. Có thể nói, Trần Văn Giáp là một trong những người Việt đầu tiên giới thiệu lịch sử Phật giáo Việt Nam trên diễn đàn học thuật mang tính quốc tế cao như Trường Đại học Paris và Tập san của Trường EFEO. Từ thành quả nghiên cứu này lại giúp cho hoạt động diễn thuyết, chấn hưng Phật giáo của Trần Văn Giáp trong Hội Phật giáo Bắc kỳ. Đây là những đóng góp quan trọng của học giả họ Trần đối với sự nghiên cứu Phật học và lịch sử Phật giáo ở Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX.

 

Chánh Chi/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 373

 

Chú thích:

[1] Nhiều tác giả (1968), Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, quyển II, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, tr.32.
[2] Nhiều tác giả (1997), Trần Văn Giáp với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, Nxb. Văn hóa – Thông tin, tr.321.
[3] Trong lời nói đầu của Le bouddhisme en Annam, des origines au XIIIe siècle, Trần Văn Giáp có đề cập đến chi tiết này xảy ra vào năm 1927. Tuy nhiên, trong quyển Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam (2014) thì lại đề cập chi tiết này vào năm 1920.
Nhưng xét về độ tin cậy cũng như phối kiểm các tư liệu báo chí đương thời, lời tự thuật năm 1932 của Trần Văn Giáp có độ chính xác cao hơn. 
Trần Văn Giáp (1932), “Le bouddhisme en Annam, des origines au XIIIe siècle”, Bulletin de l’Ecole française d’ExtrêmeOrient, Tome 32, 1932, p.193.
Olivier Tessier & Pascal Bourdeaux (2014), Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam, Nxb. Tri thức, tr.103.
[4] Trần Văn Giáp (1938), “Les Chapitres bibliographiques de Lê-Quý-Đôn et de Phan-Huy-Chú”, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Nouvelle série, Tome XIII, n° 1 – 1er trimestre 1938, Imprimerie Moderne J. Testelin.
[5] Goy, Henri (1931), Annales de l’Université de Paris, tome 6, année 1931, p.516-517.
[6] Olivier Tessier & Pascal Bourdeaux (2014), Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam, Nxb. Tri thức, tr.103.
[7] Revue franco-annamite, 1 juin, 1938, p.20.
[8] Revue franco-annamite, 1 juin, 1938, p.21.
[9] Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938), Điều lệ, Imp. L.V.T, Hà Nội, tr.12.
[10] École pratique des hautes études (Paris) (1929), Annuaire 1929-1930, Imprimerie Administrative, Melun, p.66. 
[11] Trần Văn Giáp (1930), “Anonyme: Phật giáo Nam lai khảo”, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Tome 30, 1930, p. 151-155
[12] Theo lời tự thuật của Trần Văn Giáp trong chuyên luận Le bouddhisme en Annam, des origines au XIIIe siècle, một này trước khi sang Pháp du học, ông tìm thấy tại nhà một nhà Nho ở Hải Phòng văn bản này. 05 năm sau về nước, Trần Văn Giáp thấy Thư viện của Trường EFEO có một bản khác của Thiền uyển tập anh đầy đủ hơn bản ở Hải Phòng mà ông đã thấy 05 năm trước. 
[13] Trần Văn Giáp (1990), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.216.
[14] Trần Văn Giáp (1967, Mật Thể dịch), Phật giáo Việt Nam, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, tr.61.
[15] EFEO (1934), Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Année 1934, tome 34, p.747.
[16] Hà Thành ngọ báo, số 1991, ngày 26/4/1934, tr.1.
[17] Hà Thành ngọ báo, số 1991, ngày 26/4/1934, tr.2.
[18] Trần Văn Giáp (1939), “Note sur la bannière de l’âme. A propos d’une cérémonie bouddhique à la mémoire des victimes du “Phénix””, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Année 1939, tome 39, p. 224-272.
Ngày nay, pháp khí này thường được gọi là tràng phan. 
[19] Tràng An báo, Số 430, 23/6/1939, tr.1.
[20] Trần Văn Giáp (1939), “Note sur la bannière de l’âme. A propos d’une cérémonie bouddhique à la mémoire des victimes du “Phénix””, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Année 1939, tome 39, p.244.
[21] Trần Văn Giáp (1939), “Note sur la bannière de l’âme. A propos d’une cérémonie bouddhique à la mémoire des victimes du “Phénix””, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Année 1939, tome 39, p.246.
[22] Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934), Điều lệ, Imp. Tonkinoise, tr.21.
[23] Đuốc tuệ, số 159, ngày 01/7/1941, tr.25.
[24] Tràng An báo, số 15, ngày 19/4/1935, tr.1.
[25] Trần Văn Giáp (1935), Đạo lý Phật giáo với đạo lý Nho giáo ở nước ta, Nhà in Trung Bắc Tân văn, tr.22.
[26] Trần Văn Giáp (1935), Đạo lý Phật giáo với đạo lý Nho giáo ở nước ta, Nhà in Trung Bắc Tân văn, tr.23.
[27] Nguyễn Hữu Tiến (1935), Phật giáo với Nho giáo, Impr. Tonkinoise. 
[28] Thời vụ báo, số 35, 10/6/1938, tr.4.
[29] Lời đề tựa được viết vào năm 1942.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đuốc tuệ, số 159, ngày 01/7/1941.
2. École pratique des hautes études (Paris) (1929), Annuaire 1929-1930, Imprimerie Administrative, Melun. 
3. EFEO (1934), Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Année 1934, tome 34.
4. Goy, Henri (1931), Annales de l’Université de Paris, tome 6, année 1931.
5. Hà Thành ngọ báo, số 1991, ngày 26/4/1934.
6. Hội Phật giáo Bắc kỳ (1934), Điều lệ, Imp. Tonkinoise.
7. Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938), Điều lệ, Imp. L.V.T, Hà Nội.
8. Nguyễn Hữu Tiến (1935), Phật giáo với Nho giáo, Impr. Tonkinoise. 
9. Nhiều tác giả (1968), Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, quyển II, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn.
10. Nhiều tác giả (1997), Trần Văn Giáp với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, Nxb. Văn hóa – Thông tin.
11. Olivier Tessier & Pascal Bourdeaux (2014), Lịch sử một thế kỷ nghiên cứu Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam, Nxb. Tri thức.
12. Revue franco-annamite, 1 juin, 1938.
13. Thời vụ báo, số 35, 10/6/1938.
14. Trần Văn Giáp (1930), “Anonyme: Phật giáo Nam lai khảo”, Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, Tome 30, 1930.
15. Trần Văn Giáp (1932), “Le bouddhisme en Annam, des origines au XIIIe siècle”, Bulletin de l’Ecole française d’ExtrêmeOrient, Tome 32, 1932.
16. Trần Văn Giáp (1935), Đạo lý Phật giáo với đạo lý Nho giáo ở nước ta, Nhà in Trung Bắc Tân văn.
17. Trần Văn Giáp (1938), “Les Chapitres bibliographiques de Lê-Quý-Đôn et de Phan-Huy-Chú”, Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Nouvelle série, Tome XIII, n° 1 – 1er trimestre 1938, Imprimerie Moderne J. Testelin.
18. Trần Văn Giáp (1939), “Note sur la bannière de l’âme. A propos d’une cérémonie bouddhique à la mémoire des victimes du “Phénix””, Bulletin de l’École française d’Extrême-Orient, Année 1939, tome 39.
19. Trần Văn Giáp (1967, Mật Thể dịch), Phật giáo Việt Nam, Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
20. Trần Văn Giáp (1990), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội.
21. Tràng An báo, số 15, ngày 19/4/1935.
22. Tràng An báo, số 430, 23/6/1939.
Thần phan trong buổi lễ cầu nguyện cho nạn nhân tàu Phénix.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin