Chi tiết tin tức

Ngài Liễu Quán - Vị Tổ sư sáng lập dòng thiền Việt Nam ảnh hưởng lớn từ thế kỷ XVIII cho tới nay

22:14:00 - 21/12/2021
(PGNĐ) -  Đức Tổ sư họ Lê, húy Thiệt Diệu, hiệu Liễu Quán, sinh năm Đinh Mùi (1667) tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Ngài Liễu Quán - Vị Tổ sư sáng lập dòng thiền Việt Nam ảnh hưởng lớn từ thế kỷ XVIII cho tới nay ảnh 1

Chân dung Tổ sư Liễu Quán (1670-1742)

Ngài mồ côi mẹ khi vừa lên 6 tuổi. Năm 12 tuổi, ngài theo cha đi chùa Hội Tôn lễ Phật, gặp Thiền sư Tế Viên, ngài cảm mến và xin phụ thân xuất gia tại đây. Ngài rất được Thiền sư Tế Viên thương mến và hết lòng dạy dỗ.

Năm ngài 19 tuổi, Thiền sư Tế Viên viên tịch. Sau khi chu tất tang lễ của thầy, ngài từ giả huynh đệ đồng tu rồi một mình lên đường học đạo.

Năm 1690, ngài ra Thuận Hóa đến núi Hàm Long, chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) cầu học với Tổ Giác Phong. Được một năm thì phụ thân thọ bệnh, ngài xin phép được trở về nhà để chăm sóc. Bốn năm sau, phụ thân mãn phần, lo tang chay xong, ngài lại tiếp tục lên đường cầu đạo.

Năm 1695, nghe Thiền sư Thạch Liêm tổ chức giới đàn ở chùa Thiền Lâm (kinh đô Huế lúc bấy giờ), ngài xin cầu thọ Sa-di giới với đạo hiệu thượng Liễu hạ Quán, húy Thiệt Diệu, thuộc dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 35.

Năm 1697, ngài được tấn đàn Tỳ-kheo giới do Thiền sư Từ Lâm làm Đường đầu Hòa thượng. Đắc giới xong, ngài ở lại đây 2 năm để cầu học những giới pháp đã thọ chưa được thông suốt rồi lại tiếp tục tham cầu Phật pháp với các bậc tôn sư khắp nơi.

Năm 1672, ngài gặp Thiền sư Tử Dung tại chùa Ấn Tôn (tức tổ đình Từ Đàm bây giờ), ở núi Long Sơn - Thuận Hoá.

Sau thời gian học cùng Thiền sư Tử Dung, ngài được Tổ ấn chứng diệu pháp là ba lần. Lần thứ nhất năm 1702; Lần thứ hai năm 1708: Tổ Tử Dung ấn chứng cho ngài về sự đạt ngộ Chánh pháp của Phật và cũng là năm mà ngài khai sáng tổ đình Thuyền Tôn. Lần thứ ba vào năm 1712, tại đất Quảng Nam, khi Tổ Tử Dung và ngài cùng dự lễ Toàn Viện, lần này ngài đã trình bài kệ Tắm Phật với Tổ.

Ngài đã lập nhiều đạo tràng để truyền giáo như: Tổ đình Thuyền Tôn ở núi Thiên Thai, xóm Ngũ Tây, huyện Hương Thủy vào năm 1708; Tổ đình Viên Thông sau lưng núi Ngự Bình. Chúa Nguyễn Phúc Khoát rất sùng kính uy đức và đạo hạnh của ngài, nhiều lần thỉnh ngài vào kinh để tham vấn giáo lý, ngài đều khéo từ chối. Do đó, chúa Nguyễn Phúc Khoát và quần thần hay vào tổ đình Viên Thông để hỏi đạo; Tổ đình Hội Tôn, tổ đình Cổ Lâm và tổ đình Bửu Tịnh ở Tuy Hòa, Phú Yên.

Từ năm 1733 đến năm 1735, ngài đã mở liên tiếp ba Đại giới đàn để truyền trao giới pháp cho hàng xuất gia và tại gia. Năm 1740, ngài làm Đường đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn Long Hoa ở tổ đình Thuyền Tôn. Năm 1742, ngài làm Đường đầu Hòa thượng cho Đại giới đàn tại tổ đình Viên Thông. Đại giới đàn này có đến gần 4.000 người tại gia cũng như xuất gia phát nguyện thọ giới.

Một buổi sáng mùa đông năm 1742, nhằm ngày 21-11 âm lịch, tại tổ đình Viên Thông, ngài dạy đồ chúng đem bút mực ra để viết bài kệ như sau:

Thất thập dư niên thế giới trung,

Không không sắc sắc diệc dung thông,

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý,

Hà tất bôn mang vấn tổ tông?

Tạm dịch:

Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,

Không không, sắc sắc đã dung thông,

Hôm nay nguyện mãn về chốn cũ,

Nào phải ân cần hỏi tổ tông?

Ngài làm bài kệ xong, dùng trà, còn đại chúng đảnh lễ và đứng hầu quanh ngài. Trong chúng có vị khóc thành tiếng, ngài dạy:

- Quý vị đừng khóc. Chư Phật thị hiện còn nhập Niết-bàn, còn tôi (tức là ngài Liễu Quán) thì đường đi nẻo về đã rõ ràng, không việc gì mà phải khóc...

Mọi người đều im lặng. Ngài căn dặn và tâm sự cùng đồ chúng một hồi lâu, ngài hỏi:

- Đã đến giờ Mùi chưa?.

Chúng đáp:

- Dạ, vừa đúng.

Ngài dạy :

- Sau khi tôi đã đi rồi, quý vị phải nghĩ đến sự vô thường nhanh chóng của cuộc đời mà siêng năng tu tập trí huệ, chớ nên quên lời dặn của tôi.

Ngài dặn dò xong, thân ngồi kiết-già và nhắm mắt thị tịch. Chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc làm bia ký và dựng tháp phụng thờ ngài trên núi Thiên Thai cạnh tổ đình Thuyền Tôn, xóm Ngũ Tây với thụy hiệu: Đạo Hạnh Thụy Chánh Giác Viên Ngộ Hòa Thượng.

Trước khi ngài viên tịch, ngài phú pháp cho hàng đệ tử và truyền kệ như sau:

Thiệt tế đại đạo,

Tánh hải thanh trừng,

Tâm nguyên quảng nhuận,

Đức bổn từ phong,

Giới định phước tuệ,

Thể dụng viên thông,

Vĩnh siêu trí quả,

Mật khế thành công,

Truyền trì diệu lý,

Diễn xướng chánh tông,

Hành giải tương ưng,

Đạt ngộ chơn không.

Tổ sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một tông phái đặc thù và linh động. Trước khi Tổ Liễu Quán xuất hiện, thiền phái Lâm Tế ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính Tổ Liễu Quán đã Việt hóa tất cả từ văn hóa, kiến trúc và nghi lễ,...

Ngài có 4 vị đệ tử lớn: Tổ Huấn, Trạm Quan, Tế Nhân và Từ Chiếu. Các ngài này đã tạo lập 4 trung tâm hoằng dương Chánh pháp lớn khắp đó đây ở Đàng Trong. Và, từ thế kỷ thứ 18 trở về sau này nghiễm nhiên với danh xưng Thiền phái Liễu Quán. 

 

Quảng Điền

 

 

 

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin