Chi tiết tin tức

Người Thầy nối nhịp cầu văn hóa Việt – Nhật

21:14:00 - 01/01/2016
(PGNĐ) -  Tôi sẽ nhớ mãi cái ngày đầu tiên được gặp thầy trong lớp cao học chuyên ngành Việt Nam học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Hôm ấy là một ngày mùa đông. Cái lạnh đầu mùa luồn vào từng cơn gió khiến ai cũng phải run rẩy, xuýt xoa. Thầy bước vào lớp với bộ quần áo giản dị, bên ngoài khoác chiếc áo dạ đen đã cũ và đội một chiếc mũ rộng vành. Mọi người đứng dậy chào; thầy ra hiệu cho mọi người ngồi xuống và nói: “Chào các em, rét quá, hôm nay Hà Nội rét quá!”. Chúng tôi chưa hết ngạc nhiên về sự giản dị và dáng người nhỏ nhắn của một vị giáo sư đến từ Nhật Bản thì đã thảng thốt mà ồ lên: “Ôi thầy nói được tiếng Việt!”. Phút ấn tượng ban đầu đó có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được.

Đôi dòng giới thiệu về sự nghiệp của GS.Sakurai Yumio

Người thầy tôi muốn nói đến là GS.Sakurai Yumio, nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á, nhà Việt Nam học nổi tiếng ở Nhật Bản và trên thế giới. Thầy bắt đầu bén duyên với nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1965 thông qua những tư liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp ở Nhật Bản. Đến năm 1985, khi là Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, thầy mới có cơ hội tiếp xúc với người Việt Nam và kể từ đó bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu về Việt Nam. Năm 1987 thầy nhận bằng tiến sĩ Sử học tại Đại học quốc gia (ĐHQG) Tokyo với đề tài “Tìm hiểu sự thành lập làng xã Việt Nam”. Năm 1992, thầy tiếp tục bảo vệ luận án tiến sĩ Nông nghiệp đề tài “Lịch sử khai thác thủy lợi trên đồng bằng sông Hồng”.

Trong cuộc đời mình, thầy đã dành hầu hết thời gian, trí tuệ và công sức để xây dựng thành công các chương trình, dự án, nghiên cứu về thủy lợi, nông nghiệp, hợp tác xã điển hình ở châu thổ sông Hồng của Việt Nam theo hướng khu vực học. Thầy còn có công lớn trong việc giúp đỡ Chính phủ Việt Nam phát triển kinh tế, giáo dục, giao thông ở các vùng nông thôn và miền núi. Bằng những minh chứng khoa học và tình yêu đất nước Việt Nam, thầy đã thuyết phục được Chính phủ Nhật Bản và nhiều tổ chức phi chính phủ hỗ trợ 100% kinh phí cho các dự án nghiên cứu của Việt Nam; cấp một số học bổng thường niên cho lưu học sinh và nguồn vốn vay ODA cho Chính phủ Việt Nam sau này.

Thầy còn là chuyên gia trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai chính phủ Nhật – Việt và giữa các trường đại học ở Việt Nam và Nhật Bản. Thông qua các sự kiện “lễ hội hoa anh đào”, “lễ hội Kimono”, “lễ hội trà đạo”, “lễ hội ẩm thực”… và nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật được tổ chức ở Việt Nam hoặc Nhật Bản mà thầy là một trong những người sáng lập hay tổ chức, thầy đã góp phần củng cố vững chắc hơn mối quan hệ hữu nghị song phương và giúp cho sự hiểu biết về nhau giữa nhân dân hai dân tộc càng sâu sắc. Năm 1999, thầy là người đầu tiên đứng ra thành lập Văn phòng liên lạc của ĐHQG Tokyo và ĐHQG Hà Nội nhằm hỗ trợ các du học sinh Nhật cũng như Việt Nam khi nghiên cứu về hai đất nước. Hoạt động hiệu quả của văn phòng này thể hiện qua sự thành công của chương trình nghiên cứu làng cổ Bách Cốc (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) một cách toàn diện theo hướng liên ngành của nhiều nhà khoa học Nhật, trong đó thầy là người chủ trì. Chương trình này được các học giả thế giới và Việt Nam đánh giá cao về mức độ điển hình trong việc nghiên cứu khu vực và giá trị thực tiễn khoa học.

Sau mấy chục năm lăn lộn, gắn bó với Việt Nam, đặc biệt là dân chúng ở làng Bách Cốc (Nam Định), thầy đã trở thành một người gần gũi, thân thương đối với nhiều người. Đi đến đâu thầy cũng được người dân gọi với cái tên trìu mến “Ông già Bách Cốc”. Với riêng thầy, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai từ lúc nào không hay. Trong khúc tự truyện cuối cuộc đời, thầy bộc bạch chân thành: “Kết luận sau 44 năm nghiên cứu của tôi như sau: Tôi kính trọng và yêu quý đất nước Việt Nam sâu sắc. Tôi yêu quý người Việt Nam tất thảy”. Có lẽ vì thế mà di nguyện cuối cùng của thầy sau khi mất là được hòa một phần tro cốt vào dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa gắn bó một đời nghiên cứu của thầy và cũng là dòng sông cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt.

Xin giữ mãi những bài học từ người thầy đáng kính

Chúng tôi không thể ngờ rằng mình là một trong những lớp học viên Việt Nam cuối cùng được thầy giảng dạy. Dù chỉ được tiếp xúc với thầy trên giảng đường, nhưng từ kiến thức khoa học đến phong cách sống và làm việc của thầy đã thật sự làm chúng tôi thán phục. Bởi thầy đã truyền đến cho chúng tôi một tình yêu quê hương đất nước, một tình yêu khoa học đến nghiêm túc, miệt mài.

Thầy vẫn thường nói với những sinh viên, học viên khu vực học rằng: “Muốn thực hiện nghiên cứu khu vực học thì trước hết phải yêu quý khu vực đó bằng tất cả trái tim mình, một cách vô điều kiện”. Có lẽ vì thế mà bài giảng của thầy về đất nước Việt Nam, hay cách điều tra thông tin của thầy tại các làng quê, thật sâu sắc. Một lần, khi giảng về “Trục trung tâm thành phố Hà Nội”, với lịch sử hình thành cũng như đặc điểm những con đường cổ, phố cổ nổi tiếng dọc bờ sông Hồng hay là những đổi thay trong đời sống thị dân Hà Nội qua các thời kỳ, thầy đã giảng một cách rất say sưa như đang được nói về chính thủ đô nước mình vậy. Còn trong khi điều tra xã hội học, lúc nào thầy cũng dành một câu hỏi quan trọng cho người được phỏng vấn rằng “Ông/ bà cảm thấy cuộc sống hiện tại thoải mái, hạnh phúc không?”. Khi nhận được những câu trả lời “thoải mái, hạnh phúc lắm…”, thầy bày tỏ niềm vui mừng và cảm phục tinh thần lạc quan trước mọi hoàn cảnh của con người Việt Nam. Và tất nhiên thầy cũng đưa ra lý giải của riêng mình: “Có lẽ vì những chính sách của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt chính sách về nông nghiệp xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh rất tuyệt vời… việc miễn thuế nông nghiệp và miễn luôn thủy lợi phí cho người nông dân không phải quốc gia nào cũng làm được như Việt Nam đâu…”. Qua bài giảng đó chúng tôi thầm nghĩ hẳn thầy phải yêu Hà Nội, yêu Việt Nam nhiều lắm.

Cả cuộc đời thầy đã hy sinh cho khoa học, đặc biệt là những nghiên cứu về làng xã, nông nghiệp Việt Nam. Chương trình nghiên cứu làng cổ Bách Cốc kéo dài suốt 20 năm liên tục nên không biết thầy đã sang Việt Nam bao nhiêu lần, đã khảo sát bao nhiêu hộ gia đình, rồi đến người dân cùng những người lãnh đạo địa phương. Mồ hôi thầy có lẽ đã rơi rất nhiều trên con đường gian nan đó. Chúng tôi nghĩ rằng nếu không phải là một nhà khoa học có ý chí, có sự miệt mài và kiên quyết trong công việc thì khó lòng làm được như thế.

Đối với những học viên, thầy luôn nhắc nhở phải làm việc nghiêm túc. Để chuẩn bị chương trình thực địa khu vực học cho chúng tôi tại làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), thầy miệt mài hướng dẫn từng nhóm lập phiếu điều tra tỉ mỉ đến mức ngay bản thân chúng tôi là con em nông dân cũng không thể ngờ tới. Thầy cho rằng có tỉ mỉ như thế mới mong tìm ra được “cái đặc tính” của khu vực nghiên cứu. Chính tác phong làm việc nghiêm túc, cần mẫn của thầy khiến chúng tôi – những học trò nhỏ của thầy – không dám chểnh mảng và qua loa trong công việc.

Ngay cả những phút nghỉ ngơi, thư giãn hiếm hoi thầy cũng để lại cho chúng tôi một bài học về tình yêu văn hóa Việt. Sau một ngày làm việc tại làng Đường Lâm, đoàn thực địa về lại thành phố Sơn Tây để nghỉ qua đêm. Để bày tỏ tình cảm của mình, chúng tôi xin phép được mời thầy đi hát. Nghe mọi người hát rất nhiều bài tiếng Anh, thầy cầm “micro” rồi nói: “Thầy nói tiếng Việt nhiều chỗ còn chưa rõ nhưng chắc các em hiểu được chứ? Mà chúng ta nên hát những bài hát Việt nhiều hơn…”, rồi thầy hát tặng chúng tôi ca khúc “Quê hương”. Dù đã rất quen thuộc với bài hát này nhưng không thể ngờ rằng nó lại thiết tha và lắng đọng đến thế qua giọng hát ấm áp của thầy. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là tình cảm với đất nước, con người Việt Nam mà sâu sắc hơn nữa là sự yêu quý văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt. Chẳng thế mà suốt những năm tháng qua để nghiên cứu về Việt Nam thầy đã tự học tiếng Việt không chỉ để giao tiếp và làm việc mà còn để hiểu văn hóa và con người Việt Nam hơn.

Thế là đã hơn một năm – cái ngày người thầy đáng kính của chúng tôi ra đi mãi mãi. Dẫu biết rằng cuộc đời này là vô thường nhưng sao trong lòng vẫn quặn lên nỗi bàng hoàng, xót xa. Hình ảnh thầy trên giảng đường, hay trong chuyến thực địa về một làng quê dường như đã khắc sâu trong tâm trí tôi. Đối với tôi, thầy không chỉ là một học giả tầm cỡ của xứ sở Phù Tang, một giáo sư danh dự của Việt Nam; mà trên hết, thầy là một trong muôn vàn tâm hồn Nhật có tình yêu lớn với Việt Nam, luôn luôn âm ỉ, thẳm sâu về một đất nước lắm đau thương nhưng rất đỗi anh hùng bằng những việc làm và nghiên cứu khoa học có ý nghĩa, góp phần xây dựng thêm cho nhịp cầu văn hóa Việt – Nhật. Thầy luôn sống mãi! ■„

 

NGUYỄN TRỌNG NGHĨA

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 189

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin