Chi tiết tin tức

Tiến sĩ B.R. Ambedkar – từ đấu tranh chống chế độ phân biệt đẳng cấp đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Ấn Độ thế kỷ XX

21:18:00 - 06/12/2023
(PGNĐ) -  Xuất thân từ tầng lớp tiện dân và tận mắt chứng kiến sự đối xử bất công, tàn nhẫn của chế độ phân biệt đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, nên Tiến sĩ B.R.Ambedkar luôn thấu hiểu và khát khao xây dựng một xã hội mà giữa các giai cấp được đối xử bình đẳng với nhau. Do đó, ông đã không ngừng nỗ lực hoạt động để biến ước mơ đó trở thành hiện thực. Từ một người có địa vị thấp hèn, bị cho là dơ bẩn và không thể chạm tới, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã khẳng định giá trị bản thân qua học tập và vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trong đời để trở thành nhà hoạt động công bằng xã hội vĩ đại… Trên hành trình đấu tranh chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp, Tiến sĩ B.R.Ambedkar thấy ở Phật giáo những giáo lý phù hợp với mục tiêu của mình nên đã quyết tâm từ bỏ Hindu giáo để đi theo Phật giáo. Ông thành lập nhiều tổ chức, viết nhiều sách và trở thành một nhà truyền đạo thực thụ, trở thành trung tâm của các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về Đạo Phật. Những hoạt động của Tiến sĩ B.R.Ambedkar góp phần đưa Phật giáo phát triển trở lại trên chính mảnh đất quê hương sau một thời gian dài bị quên lãng. Với những đóng góp to lớn đó, Tiến sĩ B.R.Ambedkar là một trong những chiến binh xã hội vĩ đại trong lịch sử Ấn Độ đương đại và được các thế hệ theo Phật giáo ngưỡng mộ.
Đến thế kỷ XX, trong khi Phật giáo đang lan tỏa ảnh hưởng và phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước châu Á, thậm chí cả ở những nước châu Âu, thì ở Ấn Độ – quê hương ra đời của Đạo Phật, có một nghịch lý là đa số người dân Ấn Độ lại không biết đến hoặc thờ ơ Phật giáo.


TIẾN SĨ B.R.AMBEDKAR VÀ CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG CHẾ ĐỘ PHÂN BIỆT ĐẲNG CẤP
Tiến sĩ B.R.Ambedkar (14/4/1891-6/12/1956) sinh ra trong một gia đình theo Hindu giáo và thuộc tầng lớp thấp ở bang Madhya Pradesh ở miền Trung đất nước Ấn Độ. Dù thuộc tầng lớp tiện dân với điều kiện gia đình rất khó khăn, Ambedkar vẫn được bố mẹ cho đi học nhưng bị phân biệt đối xử. Vì bị cho là dơ bẩn, không thể chạm đến, Ambedkar không được học ở trong lớp mà phải đứng ở cửa sổ ngó vào, không được uống nước chung với mọi người…, thậm chí bài kiểm tra của ông nộp thầy giáo cũng không quan tâm, không được chấm… Trong điều kiện khắc nghiệt đó, ông vẫn học rất giỏi nên được thầy giáo Mahadeva Ambedkar – một người thuộc đẳng cấp Bà La Môn cấp tiến cho mang họ Ambedkar [1].

Trong quá trình học tập, Ambedkar luôn nỗ lực, chăm chỉ học tập và luôn đạt thành tích học tập cao. Đến năm 1907, ông trở thành sinh viên tiện dân đầu tiên được theo học tại Trường Đại học Mumbai và được thầy giáo tặng cho cuốn sách viết về cuộc đời Đức Phật. Do đó, Ambedkar có điều kiện tìm hiểu về Đạo Phật và thấy giáo lý của Đạo Phật có những điểm tương đồng so với quan điểm, chủ trương của ông về việc xây dựng xã hội mới đề cao sự bình đẳng, công bằng, tự do, hạnh phúc cho mọi tầng lớp, giai cấp. Ambedkar rất có cảm tình với Đạo Phật.

Năm 1913, Ambedkar tiếp tục là người đầu tiên thuộc tầng lớp cùng đinh trong xã hội Ấn Độ được nhận học bổng tại Trường Đại học Columbia (New York, Mỹ) – một chân trời mới rộng lớn chào đón Ambedkar. Ở đây, Ambedkar có điều kiện được tìm hiểu, nghiên cứu nhiều kiến thức mới, nhất là những mô hình xã hội tiến bộ tôn trọng, đề cao giá trị con người của các nước phương Tây nên càng thấy rõ sự bất công của chế độ phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ. Ambedkar không ngừng học tập nâng cao trình độ và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những hiểu biết của mình để tập hợp, xây dựng lực lượng đấu tranh xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp. Nhờ không ngừng phấn đấu, năm 1918, Ambedkar trở thành giáo sư trường đại học với những bài giảng hay, có ý nghĩa nên được rất nhiều sinh viên nể phục.

Dù có học hàm, học vị cao nhưng trong một xã hội phân biệt đẳng cấp nghiệt ngã như Ấn Độ, Tiến sĩ B.R.Ambedkar vẫn bị cho là thành phần dơ bẩn, không thể chạm đến. Do đó, Tiến sĩ B.R.Ambedkar hiểu rằng, những thành quả mà mình đạt được chưa đủ để xã hội tôn trọng. Muốn có được sự tôn trọng hoàn toàn và đối xử bình đẳng như những tầng lớp, giai cấp khác trong xã hội, Tiến sĩ B.R.Ambedkar cho rằng cần xóa bỏ triệt để chế độ phân biệt đẳng cấp vốn tồn tại dai dẳng trong xã hội Ấn Độ hàng nghìn năm qua và xây dựng xã hội mới tiến bộ hơn. Do đó, ông chủ trương đấu tranh chống lại giáo điều cổ hủ, xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp, kiến tạo một xã hội mà ở đó mọi tầng lớp, giai cấp không kể giàu nghèo, sang hèn đều được đối xử bình đẳng với nhau.

Thực hiện chủ trương trên, năm 1920, Tiến sĩ B.R.Ambedkar thành lập một đảng chính trị để trước hết đòi sự công bằng, bình đẳng cho người giai cấp thấp; đến năm 1936, ông tiếp tục thành lập Đảng Lao động Độc lập… Đặc biệt, Năm 1947, sau khi thực dân Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, Tiến sĩ B.R.Ambedkar được giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp và phân công làm Chủ tịch Hội đồng soạn thảo Hiến pháp của Cộng hòa Ấn Độ. Trên cương vị mới, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã khéo léo đưa vào trong Hiến pháp những nội dung tiến bộ đòi bãi bỏ sự phân biệt đối xử đẳng cấp, bảo vệ quyền tự do tôn giáo… Ngày 26/11/1949, bộ Hiến pháp nước Cộng hòa Ấn Độ đã được Quốc hội lập hiến thông qua với nhiều nội dung khẳng định những quyền lợi của tất cả các tầng lớp, giai cấp. Hiến pháp nêu rõ: Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, đẳng cấp, chủng tộc, giới tính hoặc nơi sinh (Điều 15) [2]. Bãi bỏ “nạn phân biệt đẳng cấp” và nghiêm cấm bất kỳ hình thức phân biệt đẳng cấp nào tại đất nước Ấn Độ (Điều 17). “Chính phủ sẽ không từ chối bất kỳ ai quyền bình đẳng trước pháp luật hoặc sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật trong lãnh thổ Ấn Độ” (Điều 41) [3]… Như vậy, những người thuộc tầng lớp Dalit đã được Hiến pháp công nhận và bảo vệ, những ai vi phạm sẽ bị trừng trị theo pháp luật. Đây là điều khoản mang tính đột phá nhất trong Hiến pháp Ấn Độ và là thắng lợi quan trọng trên hành trình đấu tranh chống chế độ phân biệt đẳng cấp ở Ấn Độ.

Cùng với việc đưa những nội dung tiến bộ vào bộ Hiến pháp, Tiến sĩ B.R.Ambedkar còn viết nhiều sách, báo trong đó, phải kể đến luận án Tiến sĩ “Nguồn gốc của người giai cấp thấp” vào năm 1948… Ông đã chiến đấu trong trận chiến vĩ đại nhất trên đất nước Ấn Độ nhằm lên án gay gắt chế độ phân biệt đẳng cấp nghiệt ngã của truyền thống Hindu cũng như chống lại tất cả những gì có hại cho phẩm giá con người và trở thành trung tâm của nhiều hội nghị, diễn đàn với khát vọng giải phóng con người thoát khỏi hệ thống giai cấp, xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, mọi tầng lớp, giai cấp yêu thương nhau cùng xây dựng đất nước Ấn Độ phát triển.

Trong hành trình đấu tranh chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã thấy ở Đạo Phật với hệ thống giáo lý phù hợp với mục tiêu, lý tưởng của mình. Do đó, Tiến sĩ B.R.Ambedkar rất ngưỡng mộ Đức Phật vì Ngài đã dũng cảm từ bỏ thân phận cao quý của mình, từ bỏ cuộc sống xa hoa, sung sướng để bước vào con đường tu hành tìm ra con đường tiêu diệt mọi khổ đau, hướng con người tới chân – thiện – mỹ và đấu tranh xây dựng một xã hội bình đẳng, con người biết trân quý, yêu thương lẫn nhau. Do đó, ông quyết định đi theo Phật giáo và tích cực truyền bá tư tưởng của Đức Phật đến mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội Ấn Độ hiện đại; đồng thời, tập hợp lực lượng đấu tranh xóa bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp… Hành động của Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của những người theo truyền thống Hindu [4]. Do đó, Tiến sĩ B.R.Ambedkar nhiều lần bị những người Bà La Môn đánh gục bên bờ ruộng muối. Nhưng những điều đó không làm cho Tiến sĩ B.R.Ambedkar nao núng, nản lòng và thấy khó mà từ bỏ lý tưởng của bản thân.

Trước những hành động của những người cực đoan, Tiến sĩ B.R.Ambedkar vẫn tiếp tục đấu tranh kiên cường, bất khuất nhằm xây dựng một xã hội mới bình đẳng, dân chủ, tự do, bác ái cho mọi giai cấp. Để dứt khoát thực hiện hoài bão, lý tưởng của mình, Tiến sĩ B.R.Ambedkar quyết định từ bỏ đạo Hindu. Ông tuyên bố: “Chúng ta đã cố gắng làm mọi thức để được bình đẳng nhưng đã hoài công vô ích. Đạo Hindu không có chỗ cho bình đẳng. Chỉ có cách cải đạo mới cải thiện được tình cảnh của chúng ta. Cải đạo là cách duy nhất để giải thoát… Riêng bản thân tôi, thật không may sinh ra là một người Hindu, điều đó tôi không làm gì được. Nhưng trong khả năng của tôi, tôi trịnh trọng tuyên bố rằng, tôi sẽ không sống và chết với tư cách là một người Hindu” [5]

Khi biết Tiến sĩ B.R.Ambedkar từ bỏ đạo Hindu, nhiều tôn giáo vận động ông theo đạo của họ và hứa hẹn sẽ tài trợ cho ông xây dựng một trường đại học của riêng mình… Nhưng Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã không màng đến những cám dỗ vật chất để cuộc sống an nhàn, sung sướng riêng cho bản thân nên đã khước từ mọi đề nghị và một lòng quyết tâm tin theo Đạo Phật. Vì ông thấy rằng: Chỉ có Đạo Phật giáo mới có thể giúp những người tiện dân như ông thay đổi cuộc đời và xây dựng một xã hội không có áp bức bất công, mọi tầng lớp, giai cấp đều được bình đẳng như nhau. Trong một bài phát biểu trên truyền hình (5/1956), Tiến sĩ B.R.Ambedkar khẳng định: “Tôi thích Phật giáo bởi vì Phật giáo có ba nguyên tắc kết hợp, mà không có tôn giáo nào khác có được. Đạo Phật dạy Prajna (Trí tuệ), Karuna (Từ bi) và Samata (Bình đẳng). Đây là những gì mà con người mong muốn để có được cuộc sống đẹp và hạnh phúc. Ngay cả Thượng đế cũng không có thể làm gì được cho con người” [6].

Với một lòng hướng Phật, ngày 14/10/1956, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã Quy y Tam bảo và tuyên bố từ bỏ đạo Hindu với việc ban hành 22 lời nguyện, trong đó, đáng chú ý là những lời nguyền: Tôi không bao giờ tin Đức Phật là hóa thân của thần Vishnu. Tôi tin rằng điều này là một điều khùng điên. Tôi không bao giờ tổ chức lễ để các thầy Bà La Môn cúng. Tôi từ bỏ Ấn Độ giáo, vì tôn giáo đó được căn cứ vào sự bất bình đẳng, khủng bố, cản trở sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Tôi chấp nhận Phật giáo là tôn giáo của tôi. Tôi kiên quyết tin tưởng vào pháp của Đức Phật là tôn giáo chân chính duy nhất…[7]. Như vậy, trên hành trình đấu tranh chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã kiên quyết từ bỏ đạo Hindu và dứt khoát đi theo Phật giáo.

TIẾN SĨ B.R.AMBEDKAR CÓ CÔNG LỚN TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO THẾ KỶ XX
Đến thế kỷ XX, trong khi Phật giáo đang lan tỏa ảnh hưởng và phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước châu Á, thậm chí cả ở những nước châu Âu, thì ở Ấn Độ – quê hương ra đời của Đạo Phật, có một nghịch lý là đa số người dân Ấn Độ lại không biết đến hoặc thờ ơ Phật giáo. Đặc biệt, nhiều người dân Ấn Độ biết đến Đức Phật là hóa thân của một vị thần trong đạo Hindu, đó là thần Vishnu.

Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là cần thiết phải phục hưng Đạo Phật trở lại trên chính mảnh đất quê hương để người dân Ấn Độ hiểu rõ hơn về Đức Phật cũng như giáo lý của Đạo Phật và làm cho nó phát triển lên một tầm cao mới. Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân ở Ấn Độ đã không ngừng nỗ lực truyền bá, lan tỏa ảnh hưởng của Đạo Phật trong xã hội hiện đại và đạt được nhiều kết quả. Trong đó, không thể không nhắc đến những thành công của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Ấn Độ thế kỷ XX gắn liền với cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt đẳng cấp tồn tại dai dẳng hàng nghìn năm ở xã hội Ấn Độ. Tuy nhiên, thực tiễn lịch sử xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ cho thấy, khi chế độ phân biệt đẳng cấp còn tồn tại và chi phối sâu sắc đến mọi hoạt động trong xã hội thì việc đưa Phật giáo phát triển trở lại ở đất nước Ấn Độ là một điều rất khó khăn và vấp phải sự chống đối của những người Hindu giáo. Do thấy rõ đây làm một việc làm đầy khó khăn, thử thách, nên Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã tranh thủ, tận dụng mọi diễn đàn, không gian có thể và dành trọn tâm trí, sức lực đi thuyết giảng về Đạo Phật, giáo lý Đạo Phật cho nhân dân Ấn Độ cũng như nhân dân các nước châu Á, châu Âu… và bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới mà ông có điều kiện, cơ hội đặt chân tới. Tiến sĩ B.R.Ambedkar coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả và nguyện dành cả phần đời còn lại của mình để đưa Phật giáo được vinh quang trở lại trên chính mảnh đất quê hương Ấn Độ [8].

Trong xã hội phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt ở Ấn Độ lúc bấy giờ, giáo lý Đạo Phật lại chủ trương xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái giữa các tầng lớp, giai cấp. Điều này tạo nên sự xung đột tư tưởng trong xã hội Ấn Độ và cũng là một việc hết sức khó khăn, thậm chí có thể thất bại. Nhiều người tỏ ra lo lắng và dao động về sự biến đổi trong xã hội Ấn Độ. Nhưng B.R.Ambedkar vẫn tràn ngập niềm tin về khả năng Đạo Phật có thể hưng thịnh trở lại trên chính mảnh đất quê hương gắn liền với cuộc đấu tranh chống lại chế độ phân biệt đẳng cấp. Ông khẳng định: Phật giáo hoàn toàn có thể được phục hưng và phát triển trở lại ở Ấn Độ – quê hương ra đời của Đức Phật và Đạo Phật. Vì chúng ta không phải xây dựng một tôn giáo mới mà chỉ là khôi phục lại tôn giáo đã có sẵn và đã từng phát triển trong một thời gian dài trên đất nước Ấn Độ… Tiến sĩ B.R.Ambedkar còn nhấn mạnh: Đây cũng là thời điểm tốt nhất để phục hưng Phật giáo vì chính bản thân những người Hindu giáo cấp tiến đang bất mãn với giáo lý bất bình đẳng của đạo Hindu và sẵn sàng theo Phật giáo. Điều chúng ta cần bây giờ là ý chí và quyết tâm. Có được những điều đó thì việc phục hưng Phật giáo là không khó [9].

 

Để thực hiện thành công phong trào Chấn hưng Phật giáo trên quê hương Ấn Độ, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã hoạt động năng nổ, tích cực truyền đạo thông qua các tổ chức, trường học do ông thành lập, trong đó, có thể kể đến là: Học viện Siddhartha College, Đại học Melind Maha Vidyalty năm 1950; Hiệp hội Phật giáo Ấn Độ (Bharatiya Bauddha Mahasabha) năm 1955… Ngọn lửa nhiệt huyết và hành động sẵn sàng dấn thân của Tiến sĩ B.R.Ambedkar trong cuộc đấu tranh đòi công bằng, bình đẳng và hạnh phúc cho mọi tầng lớp, giai cấp khi chế độ phân biệt đẳng cấp vẫn còn tồn tại dai dẳng trong xã hội Ấn Độ, có ý nghĩa vô cùng to lớn. Ông trở thành trung tâm của các diễn đàn tại nhiều hội nghị ở Ấn Độ và quốc tế, là người tạo nguồn cảm hứng cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại các nước trên thế giới, trong đó, có Việt Nam [10].

Năm 1949, Tiến sĩ B.R. Ambedkar đã tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới tổ chức tại Kathmandu (Nepal). Tại hội nghị, ông đã trình bày tham luận Chủ nghĩa Marx so với Phật giáo. Tháng 12/1950, Tiến sĩ B.R. Ambedkar tham dự Đại hội Liên hữu Phật tử Thế giới do Hội Thanh niên Phật giáo Sri Lanka tổ chức tại TP. Kandy và kêu gọi những người nghèo khổ Sri Lanka hãy trở về với Đạo Phật.

Tháng 7/1951, Tiến sĩ B.R. Ambedkar thành lập Hội Bảo tồn Tăng đoàn Đức Phật (Bharatiya Bauddha Jana Sangh). Tháng 9/1951, ông biên soạn bộ Con đường Thanh tịnh của Đức Phật (Bauddha Upasana Patha). Để nhân dân Ấn Độ, nhất là những người thuộc tầng lớp tiện dân có thể hiểu và tin theo Đạo Phật, năm 1951, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã viết một quyển sách có tựa đề “Đức Thích Ca và tôn giáo của Ngài” (Buddha and His Dhamma) [11].

Bên cạnh đó, Tiến sĩ B.R.Ambedkar còn phát động phong trào vận động nhân dân cùng đinh cải đạo từ Ấn Độ giáo sang Phật giáo. Năm 1955, ông thành lập Hội Phật giáo Ấn Độ; tiếp tục khuyến khích người dân cải giáo theo Đạo Phật. Sau nhiều năm tích cực tuyên truyền và vận động, ngày 14/10/1956, tại Nagpur thuộc Bang Maharastra, trước bàn thờ Đức Phật và 4 vị sư người Myanmar, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đã quy y Tam bảo, thọ trì Ngũ giới và tổ chức lễ quy y cho 380.000 người [12]. Tại buổi Lễ quy y tập thể, Tiến sĩ B.R.Ambedkar khẳng định: “Nhờ từ bỏ tôn giáo cũ (Ấn Độ giáo), một tôn giáo dựa trên sự bất bình đẳng và áp bức, hôm nay tôi được tái sinh. Tôi không tin vào triết lí Thượng Đế tái sinh. Thật là một sai lầm và quái gở khi cho rằng Đức Phật là hóa thân của thần Vishnu. Tôi không còn là tín đồ của Thượng đế hay bất cứ Nữ thần nào của Ấn Độ giáo. Tôi sẽ không làm Lễ Sraddha nữa. Tôi sẽ tuyệt đối sống theo Bát Thánh Đạo của Đức Phật. Phật giáo là một tôn giáo đúng đắn. Trí tuệ, từ bi và chính đạo là các nguyên lý soi đường của Phật giáo”. Ông còn nhấn mạnh: “Cuộc cải đạo theo Phật giáo này khiến tôi vô cùng hài lòng và sung sướng không thể tưởng tượng được. Tôi thấy mình như được thoát ra khỏi địa ngục”. Có thể khẳng định, đây là một sự kiện vô cùng trọng đại không chỉ đối với lịch sử Phật giáo Ấn Độ nói chung, mà còn đối với Tiến sĩ B.R.Ambedkar nói riêng.

Những nỗ lực của Tiến sĩ B.R.Ambedkar có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Số lượng người dân Ấn Độ theo Phật giáo ngày càng đông, nhất là nhiều người thuộc tầng lớp tiện dân ở Ấn Độ từ bỏ đạo Hindu để theo Đạo Phật.

Một ngày sau đó, ngày 15/10/1956, ông tiếp tục tổ chức lễ Quy y Tam bảo cho 100.000 người [13]. Sau đó, Tiến sĩ B.R.Ambedkar đến Delhi nói chuyện về Phật giáo cho mọi tầng lớp nhân dân và tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần IV được tổ chức tại Kathmandu với bài tham luận “Đức Phật và Karl Marx”…

Những nỗ lực của Tiến sĩ B.R.Ambedkar có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Số lượng người dân Ấn Độ theo Phật giáo ngày càng đông, nhất là nhiều người thuộc tầng lớp tiện dân ở Ấn Độ từ bỏ đạo Hindu để theo Đạo Phật. Đến khi ngài qua đời (ngày 06/12/1956), có khoảng 750.000 người dân Ấn Độ đi theo Đạo Phật và phát triển lên 3.250.227 người vào năm 1961 [14]. Đặc biệt là sự xuất hiện một tầng lớp tín đồ Phật giáo mới ở Ấn Độ (trải dài từ Mumbai, Patna…). Điều này chứng tỏ, sau một thời gian dài bị lãng quên, Phật giáo được phục hồi mạnh mẽ trên chính mảnh đất quê hương. Tiến sĩ B.R.Ambedkar là người có công lớn trong việc phát triển Phật giáo lên một tầm cao mới ở Ấn Độ và tiếp tục lan tỏa ảnh hưởng đến những nước Châu Á nói riêng, thế giới nói chung. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Tiến sĩ B.R.Ambedkar trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Ấn Độ còn gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng tầng lớp tiện dân, xây dựng xã hội công bằng, tự do, bác ái giữa các giai cấp, có nghĩa là một lần nữa những giáo lý của Phật giáo gắn liền với việc giải quyết các vấn đề của xã hội hiện đại, chứng minh “đạo” gắn liền với “đời”; đồng thời, là nguồn cổ vũ, động viên, khơi nguồn cảm hứng cho các phong trào phục hưng Phật giáo ở các nước theo Đạo Phật trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với những cống hiến to lớn, Tiến sĩ B.R.Ambedkar được các Tăng, Ni, Phật tử Ấn Độ tôn thờ như một Bồ tát vĩ đại và được ví như vị đại hộ pháp, Ashoka thời hiện đại [15]. Hình ảnh của ông trở thành bất tử trong lòng người tôn sùng Đạo Phật ở Ấn Độ, được nhiều thế hệ người Ấn Độ tôn vinh vì đã mang Phật giáo hưng thịnh trở lại trên chính mảnh đất được sinh ra.

Để tri ân với những đóng góp của Tiến sĩ Ambedkar, các nhà lãnh đạo và nhân dân đất nước Ấn Độ đã xây dựng nhiều công trình lấy tên ông, trong đó, tiêu biểu là: Sân bay Quốc tế Tiến sĩ B.R.Ambedkar ở Nagpur, Đại học Tiến sĩ B.R.Ambedkar ở Andhra Pradesh, Đại học Mở Tiến sĩ B.R.Ambedkar ở Hyderabad, Đài tưởng niệm ông tại Delhi và nhiều công trình khác. Người ta còn vẽ chân dung ông để trưng bày ở Tòa nhà Quốc hội. Chính phủ Ấn Độ còn công nhận ngày sinh (14/4) của ông là ngày Quốc lễ. Hằng năm, nhân kỷ niệm sinh, ngày mất, ngày Quy y Tam bảo…, có hàng triệu người dân Ấn Độ tập trung ở những công trình trên để tưởng nhớ đến công lao của ông và cùng nhau lan tỏa những đóng góp của ông cho sự phát triển của đất nước đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

 

TS. Vũ Trọng Hùng/TCVHPG415

 

Chú thích:
* Tiến sĩ Vũ Trọng Hùng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Lúc còn nhỏ, họ của ông là Bhim Rao Sakpal Ambavadevar.
[2], [3] Indian Constitution, 09/12/2020.
[4] Đến thế kỷ XX, trong xã hội Ấn Độ vẫn còn tồn tại dai dẳng chế độ phân biệt đẳng cấp của Hindu giáo. Ngoài 4 đẳng cấp Brahma, Kshatriya, Vaisya, Sudra, trong xã hội Ấn Độ còn có những người tiện dân (Dalit) – Những người không được chạm đến vì sự dơ bẩn…
[5] Tuyên bố của Ambedkar ngày 13/10/1935 trước 10.000 tiện dân tại Hội nghị ở Yeola, Dẫn theo D.L.Ramteke: Revival of Buddhism in Modern India, New Delhi: Deep and Deep Publications, 1983, pp.121-122.
[6] R. M. Pal, Remembering Dr. Ambedkar, p.2, http://www.pucl.org/reports/ National/ambedkar0.htm.
[7] Kim Kha Biên dịch: Hướng dẫn hành hương về xứ Phật, Nxb. Phương đông, tr.86-87.
[8] Phát biểu của Tiến sĩ B.R.Ambedkar ngày 29/9/1950 tại một ngôi chùa ở Bombay.
[9] Phát biểu của Tiến sĩ B.R.Ambedkar với đại biểu của Hội Đại Bồ Đề và Hội Phúc Lợi Giai Cấp Cùng Đinh Delhi vào tháng 01/1951.
[10] Ở Việt Nam, giữa thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển mạnh mẽ nhằm tiến tới thống nhất các tổ chức, hệ phái trong một tổ chức Phật giáo thống nhất. Để khẳng định Đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là khi yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đặt ra bức thiết, nhiều nhà chùa, cơ sở tu hành trở thành nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng; nhiều Tăng, Ni, Phật tử sẵn sàng cởi cà sa khoác chiến bào trở thành chiến sĩ cộng sản và có nhiều đóng góp cho cách mạng. Trong đó, tiêu biểu là hành động tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức để phản đối chính sách cấm đạo và đàn áp dã man Đạo Phật của chính quyền Ngô Đình Diệm. Sự kiện đó gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, buộc Hoa Kỳ phải thực hiện thay ngựa giữa dòng khi bật đèn xanh cho tướng lĩnh ở Sài Gòn lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.
[11] Đến đêm 5/12/1956, trước khi ông qua đời, cuốn sách đã được hoàn thành và được xuất bản vào năm 1957 nhân dịp Lễ Kỷ niệm 2.500 năm ngày Phật nhập Niết Bàn (Mahaparinirvana). Đến ngày 24/11/1968, tại Hội nghị Phật giáo toàn Ấn Độ, cuốn sách “Đức Thích Ca và Tôn giáo của Ngài” được đánh giá là thánh điển của Phật giáo đồ Ấn Độ. Dẫn theo Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch: “Lịch sử Phật giáo Ấn độ”, Nxb Phương đông, 2013, tr.532-533.
[12], [13]. [14], [15] Sangharakshita: Ambedkar and Buddhism, Motilal Banarsidass Publishers, New Delhi, 1986, tr. 80, 80, 13, 13.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin