Chi tiết tin tức

Bao giờ hết cảnh sư tử nhe nanh “canh” đền, chùa Việt Nam?

16:35:00 - 09/09/2013
(PGNĐ) -  Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là vấn đề quan trọn, cần được giữ gìn, phát triển. Tuy nhiên, có những sự "lai căng" hiển hiện rõ nét nhưng không được chấn chỉnh kịp thời. Ví như những con sư tử đá kiểu Trung Quốc đang đứng canh đền, canh chùa trong các di tích Việt.

Sư tử đá về làng và ra tận… Trường Sa
 

Nguyễn Văn H. là giáo viên sử một trường cấp 3 trên địa bàn Hà Nội, am hiểu lịch sử nước nhà và say mê giáo lý Phật giáo, nên chùa chiền là nơi anh thường đặt chân tới. Chiều ngày rằm tháng 7 vừa qua, H. đã gọi điện cho tôi và hốt hoảng thông báo, ngôi chùa làng ở huyện Hoài Đức quê anh vốn rất đẹp với kiến trúc cổ đã bị “trấn” bởi hai con sư tử đá nhe nanh dữ tợn.

 

Sư thầy cho biết, đó là vật cúng tiến, người ta đã bê đến rồi chẳng nhẽ không nhận. “Tiền bạc và thiếu hiểu biết đang giết chết văn hóa Việt”, anh H. nói một cách thất vọng trước khi cúp máy.
 Cặp sư tư đá trước cổng chùa Trung Kính Thượng, Hà Nội
Câu chuyện và nỗi buồn của người giáo viên dạy sử Nguyễn Văn H. không cá biệt khi mà đàn sư tử đá kiểu Trung Quốc đang ngày ngày hiện hữu dày đặc trong các đền chùa, nơi thờ tự ở Việt Nam. Tại Hội nghị tham vấn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 9/8 vừa qua, nhà sử học Dương Trung Quốc đã rất bức xúc khi kể lại chuyện khi ông đến Đài liệt sĩ ở Trường Sa đã hoảng hồn khi thấy hai con sư tử đá nằm ở cổng. Đã ra tận Trường Sa thì, chùa Một Cột (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình), Đền Đô (Bắc Ninh), Thiền viện Giác Lâm Trúc Lâm (Quảng Ninh)… cũng nhan nhản sư tử đá hẳn là chuyện tất nhiên.

 

Không chỉ có các nhà sử học như ông Dương Trung Quốc hay người giáo viên dạy sử Nguyễn Văn H. đau buồn, tức giận với sư tử đá, mà cả những người dân bình thường cũng thấy được điều đó. Chùa Trung Kính Thượng nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy là một ngôi chùa rất đẹp với ao sen, tháp Phật, đặc biệt có cây thị mấy trăm năm tuổi. Chùa nằm trong đất làng xưa nên người dân ở đây vẫn giữ nếp coi chùa như một nơi sinh hoạt văn hóa chung của làng.

 

Ngày rằm, mùng một dân làng trẻ em, người lớn thành kính trong bộ quần áo lam đến chùa hương hoa lễ phật. Thời gian gần đây, hiện diện hai bên cổng chùa là hai con sư tử đá to đùng, trợn mắt nhe nanh. Nhiều người dân sở tại cho biết, tuy họ không hiểu biết nhiều về gốc tích văn hóa, nhưng cảnh sư tử dữ tợn đã làm mất vẻ hiền hòa, u tịch của cổng chùa xưa làm họ không vui, không còn thoải mái khi đến chùa.


Không thể dùng linh vật nước ngoài vào thờ tự ở Việt Nam
 

Đã có rất nhiều bài báo lý giải về sự xuất hiện của sư tử đá kiểu Trung Quốc tại nơi thờ tự ở Việt Nam nên bài báo này cũng không cần thiết phải nhắc lại. Chỉ biết rằng "việc đặt sư tử tùy tiện vô hình chung dẫn tới việc làm nô lệ cho văn hóa ngoại lai” theo nhà sử học Dương Trung Quốc. PGS.TS Tống Trung Tín cũng khẳng định: “Sự lai căng về văn hóa ngày càng rõ nét, đặc biệt là việc sử dụng sư tử đá tràn lan mang dáng dấp Tây, Tàu lẫn lộn”.
 
Còn Giáo sư Trần Lâm Biền thì cho rằng: “Đây là một sự ‘lạc dòng’ văn hóa và cũng là một thất bại lớn của chúng ta trong việc tuyên truyền và quản lý về văn hóa”. Ở góc độ Phật giáo, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định trong văn hóa truyền thống của mình, người Việt không có lệ đặt sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc trong chùa.

 

Ngay tại Hội nghị tham vấn về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 9/8 vừa qua, khi trả lời báo chí ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, Ủy ban sẽ có văn bản kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra cơ quan, khuyến nghị các cơ sở thờ tự hoặc chùa chiền có những con sư tử đá đó nên có hình thức bỏ.

 

“Không thể dùng linh vật nước ngoài vào thờ tự ở Việt Nam được. Chúng tôi sẽ có những kiến nghị như thế với cơ quan chức năng, các cơ quan thanh tra kiểm tra của ngành văn hóa” là lời khẳng định của ông Lê Như Tiến.

 

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho biết về phía Phật giáo sẽ có ý kiến với các ban chức năng của Giáo hội Phật giáo các tỉnh về hiện tượng này. Ở đâu chùa nào có đặt tượng sư tử đá thì sẽ có ý kiến với các vị sư ở chùa đó. Được biết, hiện nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam vẫn đang rất lưu tâm đến vấn đề này và đưa vào hoạt động Phật sự cần thực hiện trong thời gian tới.

 

Sư tử có liên quan đến Phật giáo?

Có một số ý kiến cho rằng cho sư tử đá kiểu Trung Quốc vào chùa là bởi vì sư tử có liên quan đến Phật giáo, về vấn đề này Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định đây là một sự nhầm lẫn.

Trong kinh Phật dạy rằng nơi các nhà sư thuyết pháp được gọi là tòa sư tử - một tên gọi chứ không hề có một con sư tử bằng đá cụ thể nào, các vị sư thuyết pháp được ví như tiếng rống sư tử tức là nói các điều mạnh để làm điều xấu bị át đi, mang những điều lành đến cho mọi người.

 

Tác giả: Linh Thụy/Nguồn: phapluatvn.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin