Chi tiết tin tức

Công tác nhân sự tại Đại hội PG, phải xứng là đệ tử của Như Lai

16:45:00 - 27/09/2016
(PGNĐ) -  Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập đã 35 năm, trải qua 7 kỳ Đại hội và đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 – 2022). 

Hiện nay, mô hình hành chính của Giáo hội được tổ chức theo 3 cấp từ Trung ương tới cấp huyện; có 13 Ban, Viện, 63 BTS GHPGVN cấp tỉnh; 08 tổ chức Chi hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài; có 04 Học viện Phật giáo, 34 trường Trung cấp Phật học, 08 lớp Cao đẳng Phật học và trên 100 tiến sĩ, 100 thạc sĩ, 2500 cử nhân, 4500 tăng, ni tốt nghiệp các trường Trung cấp Phật học trong cả nước. 

 

Nhìn vào con số trên, câu hỏi đặt ra tại sao Phật giáo có nguồn lực, nhưng công tác hành chính Giáo hội lại còn có những bất cập. Thực tế, mô hình tổ chức của Giáo hội có thực sự liên quan hữu cơ đến các con số trên hay không?

Chúng ta cùng thử phân tích.
 

1. Về tổ chức hành chính của Giáo hội, theo quy định của Hiến chương GHPGVN được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2012 – 2017), hệ thống tổ chức của GHPGVN hiện nay có 03 cấp hành chính là: Trung ương/cấp tỉnh/cấp huyện. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy các cấp của GHPGVN không thể đáp ứng được các điều kiện và yêu cầu của mô hình tổ chức hành chính điều hành công việc.

Vì theo định nghĩa, một cấp đơn vị hành chính hoạt động được phải có, có công cụ để thực hiện và vận hành tổ chức; có trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất để điều hành và duy trì hoạt động; có con người đủ năng lực trình độ để vận hành, thực hiện công cụ với vai trò lãnh đạo, quản lý và điều hành mọi hoạt động của tổ chức.
 

GHPGVN hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, đồng thời, không lấy giáo quyền để chi phối mà Giáo hội hoạt động phật sự là nhằm mục đích điều hòa, hợp nhất sinh hoạt đúng chính pháp, lấy tinh thần tự giác của mỗi tăng, ni, phật tử, lấy công thưởng đức, tu nhân tích đức, khuôn thước mẫu mực để làm chỗ dựa tinh thần cho phật tử, do đó, không thể có công cụ giáo quyền để duy trì tổ chức của Giáo hội?

Thực tế cho thấy, đối với các sự việc xảy ra trong tăng, ni thì tuân thủ giáo pháp và giới luật Phật chế để điều chỉnh trên tinh thần giáo dục “cứu một người phúc đẳng hà sa” là rất đúng. Tuy nhiên, ở góc độ là đơn vị tổ chức khi áp dụng điều đó là bất khả thi, vì sinh ra tổ chức thì phải có công cụ để thực thi các quyết định của chính tổ chức đó.
 

Mặc dù có 03 cấp hành chính, nhưng ở cấp nào cũng chưa có trụ sở nào là công sở chung của đơn vị hành chính Giáo hội, mà hầu hết bị chi phối bởi “cổ phần hóa trụ sở” (Trụ sở của T.Ư GHPGVN cũng như của BTS GHPGVN cấp tỉnh, huyện đều đặt tại một ngôi chùa và ngôi chùa đó đều có sư trụ trì, không phải là công sở chung của Giáo hội). Thường là vị đứng đầu Giáo hội ở chùa nào thì Văn phòng BTS sẽ được đặt ở đó. 


Vì vậy, khi có sự thay đổi về con người lãnh đạo Giáo hội các cấp thì lập tức, Trụ sở của cấp Giáo hội cũng có thể bị thay đổi theo, nhất là đối với các BTS GHPGVN cấp huyện.
 

Về con người, có thể thấy, đội ngũ lãnh đạo GHPGVN hiện nay rất đông đảo (ngay ở cấp Trung ương đã có 89 vị là thành viên trong HĐCM và 264 vị là thành viên HĐTS). Tuy nhiên, đã số nhân sự đảm nhận công tác hành chính đều kiêm nhiệm, Giáo hội hiện chưa có nhân sự chuyên trách về hành chính ở cả cấp địa phương cho đến Trung ương. 

Do không có nhân sự chuyên trách nên công tác tổ chức và điều hành công tác hành chính tôn giáo sẽ xảy ra tình trạng, luật đời không rõ, luật đạo cũng chưa thông, ban hành văn bản hành chính tùy tiện, không theo một trình tự về thể thức và nội dung, không bảo đảm được đúng yêu cầu văn bản hành chính.

Bên cạnh đó, xảy ra thực trạng chịu sự chi phối quyền lợi cá nhân chứ không căn cứ pháp quy để xử lý các sự vụ và tình huống phát sinh trong quản lý hành chính tôn giáo; một số vị có hành vi lạm quyền khống chế cấp dưới, gây khó khăn cho tăng, ni khi cần lấy các xác nhận về chức thực hoặc di chuyển hộ khẩu; một số có biểu hiện móc ngoặc, cấu kết với một số cá nhân, đơn vị có chức năng để triệt hạ những tu sĩ và phật tử  không "chịu hiểu luật" do họ quy định.

Mặt tốt, mặt phải của tổ chức chưa được phát huy, mặt xấu, mặt tiêu cực lại được tích cực phát huy để triệt tiêu những nhân tố tích cực của Phật giáo mong muốn thực sự vì tiền đồ của Phật giáo nước nhà.
 

2. Nhiệm kỳ của Giáo hội hiện nay là 05 năm. Trong mỗi năm, Giáo hội các cấp tổ chức một kỳ hội nghị sơ kết và một kỳ hội nghị tổng kết công tác phật sự. 

 

Mỗi kỳ đại hội, hội nghị như vậy, đều có báo cáo tổng kết, báo cáo sơ kết và đề ra phương hướng hoạt động phật sự và các nghị quyết. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, chưa có cấp Giáo hội nào ban hành văn bản để thể chế hóa, triển khai các hoạt động phật sự cụ thể trong hệ thống tổ chức để hướng dẫn tăng, ni, phật tử thành viên trong Giáo hội thực hiện.

 

Các công tác phật sự được tổng hợp thành báo cáo của các cấp Giáo hội đều do tăng, ni, phật tử trụ trì và sinh hoạt tại các cơ sở tự viện tổ chức thực hiện mang tính tự phát, mạnh ai người đó làm. 


Báo cáo của các cấp Giáo hội tại các kỳ Đại hội, Hội nghị đều được gom từ công tác phật sự của tăng, ni, phật tử tại các chùa đã thực hiện, cấp huyện lấy báo cáo của các chùa, cấp tỉnh lấy báo cáo của cấp huyện và cấp Trung ương thì lấy báo cáo của cấp tỉnh! Chính vì vậy, sự hiện diện của các cấp Giáo hội, phạm vi ảnh hưởng theo mô hình từ Trung ương xuống địa phương rất yếu.

Giáo hội hầu như đứng ngoài cuộc đối với các vụ việc tranh chấp đất đai, tài sản, tôn tạo trùng tu cơ sở tự viện, những việc làm gây mất đoàn kết liên quan đến tăng, ni, phật tử; thậm chí, Giáo hội còn không có quan điểm chính kiến rõ ràng để giải quyết thấu tình đạt lý trên cơ sở pháp luật của Nhà nước và giới luật của đạo Phật, hoặc theo chính Hiến chương của tổ chức Giáo hội.

Khi xảy ra những vụ việc như vậy, gần như Giáo hội để mặc cho chùa đó, vị tăng, ni có liên quan đó tự lo liệu mọi bề, đúng không bênh, sai không góp ý, không xử lý.
 

3. Mô hình tổ chức Đại hội Phật giáo các cấp hiện nay đã thể hiện một số bất cập. Theo mô hình hiện nay, mỗi đại hội đều có một Ban lo về nhân sự, cân đong đo đếm, thêm người này, bớt người kia. Ban Nhân sự (hoặc Tiểu Ban nhân sự) có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất nhân sự dự kiến được cơ cấu vào Ban Trị sự để Đại hội suy cử nhưng hầu như Ban Nhân sự đều làm việc trong “bóng râm”, chứ không công khai. 

 

Mỗi kỳ Đại hội, Ban Nhân sự mất hơn cả vài tháng chỉ để tham khảo lẫn nhau, nhiều khi còn xảy ra nảy lửa kiểu như: không đưa người A vào, tôi từ chức, đưa người B vào là tôi nghỉ. 

 

Với những phát ngôn và hành xử như vậy, sao lại gọi là đệ tử của Như Lai?

 

Bởi có lẽ người A kia là đệ tử, người thân tín; còn người B kia bị ghét. Nhìn vào BTS mới, người am hiểu tình hình, không khỏi lo ngại. Hãy nhìn vào cách làm việc của Ban Nhân sự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII thì sẽ thấy rất rõ điều này!


Việc cơ cấu nhân sự lãnh đạo Giáo hội các cấp chỉ do Ban Nhân sự tiến hành, sắp xếp và được đại hội suy cử hoặc suy tôn. Do vậy, các kỳ Đại hội hầu như là để hợp thức hóa các nhân sự lãnh đạo đã được sắp đặt từ trước. 

Trước Đại hội đều tổ chức phiên trù bị, rà soát lại công việc, một kiểu diễn tập trước khi khai mạc thì đúng hơn. Đến ngày chính thức, chỉ là đọc báo cáo, rồi BTS khoá cũ lên chào tạm biệt (chỉ là tạm biệt thôi chứ không vĩnh biệt bởi hơn quá bán là nhân sự cũ tiếp tục làm việc), rồi khoá mới lên nhận nhiệm vụ, thế là xong! Như vậy, sẽ có một số tăng, ni, phật tử không biết Đại hội đó để làm gì và thậm chí có nhân sự đắc cử vào thường trực BTS, vào các Ban, Viện cả cấp Trung ương và địa phương cũng không biết vì sao mình được chọn, dựa theo tiêu chí nào?

 

Nhìn vào Đại hội Phật giáo các cấp hiện nay cho thấy, bên cạnh các vị quyền cao trong Ban Trị sự luôn có vài đệ tử và thân tín của mình nằm trong đó. Thậm chí, những con người đó không có đủ đạo hạnh, trong nhiệm kỳ trước bị than phiền về cách làm việc, bị chư tăng, ni, phật tử địa phương phê bình nhưng vẫn được cơ cấu. Một số vị đã từng làm chánh văn phòng các ban ngành, nhiều khi không biết viết cái bản thông báo phật sự cho ra hồn, không biết điều khiển một phiên họp của ngành ra sao nhưng vẫn được cơ cấu vào Thường trực Ban Trị sự.

 

Khi mang các vấn đề liên quan đến các vị này chất vấn “sếp” của họ thì được trả lời: nếu cứ chê trách tỉ mỉ như vậy thì lấy ai mà làm việc! Thật hết chỗ nói vì nếu đúng như vậy thì quả thật là nhân sự bên Phật giáo có vấn đề và điều hiển nhiên, nhân sự yếu kém thì sao lại luôn bảo là Phật giáo đang phát triển?

 

4. Với lực lượng tăng, ni hùng hậu hiện nay của GHPGVN thì không thiếu người có đủ tài và đức tham gia vào các công tác phật sự của Giáo hội. Hiện nay, Giáo hội đã có nhiều tăng, ni trẻ được đào tạo bài bản, có trình độ thực sự, có năng lực và tâm huyết để đảm nhận phật sự. 

 

Sự nhiệt tâm của tầng lớp tăng, ni trẻ thiết nghĩ có thừa nhưng cơ chế nào để họ đường hoàng đĩnh đạc bước vào tổ chức ấy để cống hiến. Hay phải tự thân vận động theo kiểu nương nhờ, còn không là tìm cách làm y chỉ sư vị nào đó…lớn lớn. Mà những việc làm như thế, người có học, có năng lực và nhiệt huyết không bao giờ làm. Để giải quyết tình trạng trên, theo suy nghĩ cá nhân tôi, nên tổ chức bầu cử trong đạo để lựa chọn những người ưu tú, có tâm huyết tham gia lãnh đạo giáo hội, tạo điều kiện cho tăng, ni trẻ trí thức thật sự được cống hiến, cho họ niềm tin để họ cống hiến phật sự nước nhà.


Việc tổ chức thực hiện quy trình bầu cử sẽ tạo không khí dân chủ (dù có ít còn hơn không) trong tập thể tăng, ni của một tỉnh. Chí ít ra, tăng, ni trong tỉnh đó cũng biết được người sắp tới mình sẽ phải làm việc với vị đó như thế nào, trình độ học vấn ra sao, cống hiến thế nào trong nhiệm kỳ trước hay là người mới. 

Hiện nay, đa phần các vị mới vào hầu như không ai biết họ từ đâu ra, làm việc thế nào, ai đề cử, ai bầu mà vào đó. Trước khi đại hội, mỗi huyện, thị, thành hội trong tỉnh tự hiệp thương nhân sự rồi đề cử nhân sự để tăng, ni trong huyện, thị thành hội đó bỏ phiếu. 

Chư tăng, ni trong toàn đơn vị hành chính các cấp Phật giáo phải được quyền bỏ phiếu. Đại hội phải như vậy mới là Đại hội của sự hoan hỷ của toàn thể tăng, ni và tín đồ Phật giáo.

Thực hiện nghiêm túc, công khải việc bầu cử tự do, thể hiện: thứ nhất, đúng theo tinh thần dân chủ của Phật giáo. Thứ hai, tăng, ni các cấp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc chọn lựa cho mình người đại diện xứng đáng về tư cách đạo đức, trình độ điều hành tổ chức. Thứ ba, những người được bầu tinh thần sẽ phấn khởi, trong công việc họ có sự liên kết với nhau, thuận lợi hơn nhiều. Chứ không như hiện nay, mới bắt đầu một nhiệm kỳ mới mà đã có sự rạn nứt, không phối hợp được với nhau trong các nhiệm vụ phật sự.

Với mong muốn Phật giáo nói chung và GHPGVN nói riêng ngày càng phát triển, việc nêu lên các vấn đề tồn tại, bất cập nêu trên không phải là kiểu bới lông tìm vết, chỉ trích phê phán mà là mong muốn được nhìn thấy viễn cảnh người tăng ni trẻ trí thức thật sự được cống hiến và Phật giáo phải là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng làm mới mình, là nơi nương tựa của tăng, ni và tín đồ phật tử.

Tuyệt nhiên, ở đó Phật giáo là dân tộc, biết đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết, Phật giáo dù trong hoàn cảnh nào cũng không được phép là một tổ chức trang hoàng, cây cảnh cho có, vì như vậy là suy vong. 

Hiện nay, Giáo hội đã có nhiều tăng, ni trẻ đi du học, nhiều cư sĩ phật tử có kiến thức, trường lớp Phật giáo được mở rộng, thiết nghĩ công tác nhân sự nên được mở ra một cách công bằng, tạo điều kiện cho tăng, ni trẻ dấn thân thông qua công tác bầu cử, cho họ có hội cống hiến khi tuổi đời còn trẻ và có sức khỏe.

Khi lãnh nhiệm vai trò kế thừa truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có trách nhiệm trước lịch sử phát triển liên tục của Phật giáo trong dòng chảy dân tộc.

Thành Toàn

Nguồn: http://phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin