Chi tiết tin tức Kim chỉ nam cho hoạt động của GHPGVN 17:04:00 - 13/09/2016
(PGNĐ) - Hiến chương GHPGVN khẳng định: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam”.
Hơn hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam tuy có lúc thăng, trầm theo vận mệnh đất nước, song lúc nào và ở đâu cũng đặt lý tưởng phụng sự quốc gia, dân tộc theo tinh thần Phật giáo lên hàng đầu. Điều đó đã góp phần hình thành nên một Phật giáo Việt Nam đặc thù. Chúng ta có thể tự hào về những vị “Phật Việt” như: Phật mẫu Man Nương, Phật hoàng Trần Nhân Tông; điều đó cho thấy sự hội nhập và tiếp biến, giao thoa sâu sắc giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Ngay từ buổi đầu, tư tưởng chủ đạo của Phật giáo Việt Nam đã là tư tưởng Trung đạo, thể hiện qua lý tưởng nhập thế Bồ-tát hạnh. Nhờ đó, Phật giáo Việt Nam dù hội nhập sâu sắc, dù hòa vào dòng chảy nhân sinh triệt để, vẫn không đánh mất lý tưởng, tôn chỉ và mục đích của mình. Phật giáo Việt Nam, dẫu thời đại nào vẫn trung thành với “lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh”. GHPGVN hiện nay là sự kế thừa lịch sử hàng ngàn năm đó của các tổ chức, các thế hệ tiền nhân trong Phật giáo. Kế thừa là để phát triển, và kế thừa không thể đánh mất đi những tinh hoa. Tinh hoa của Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp giữa Thiền-Tịnh-Mật, mà cốt tủy là tinh thần Trung đạo. Bài kệ của Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông không chỉ tiêu biểu cho tư tưởng Phật giáo thời đại Lý-Trần, mà cho cả Phật giáo ngày nay: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch; Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”. Đối cảnh vô tâm chính là tâm vô-sở-trước, tâm không vướng mắc, là tâm Phật. Vô sở trước là Trung đạo, nên dẫu: “Mình ngồi thành thị; nết dùng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính…”.
Đại lễ Vesak 2014 tổ chức tại Ninh Bình
Tinh thần Trung đạo chính là kim chỉ nam cho những hoạt động Phật sự của Phật giáo Việt Nam. Tinh thần đó bao gồm cả sự đoàn kết, thanh tịnh, hòa hợp - đặc tính của Tăng; bao gồm cả lý tưởng dấn thân phụng sự không mệt mỏi - Bồ-tát hạnh; đặc biệt, Trung đạo là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và xâu kết những sự khác biệt giữa các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, tạo thành một thể thống nhất - đặc trưng của GHPGVN. Trải qua gần 35 năm thành lập, GHPGVN hiện nay đã thực sự vững mạnh; các con số thống kê cho thấy sự thành tựu đáng khích lệ trong các lĩnh vực giáo dục, hoằng pháp, quan hệ quốc tế, từ thiện xã hội, văn hóa v.v… tạo nên chỗ đứng quan trọng của PGVN trong lòng xã hội và trên bản đồ Phật giáo quốc tế. Tuy vậy, trong tất cả các lĩnh vực ấy, không phải không còn những điều đáng bàn, để PGVN có thể vững mạnh hơn nữa trên tinh thần “kiến hòa đồng giải; ý hòa đồng duyệt”. Đó là, làm sao để PGVN có thể phát triển mạnh mẽ đồng thời phát huy thế mạnh của mình mà không xa rời Chánh pháp, không xa rời đời sống xã hội; hòa nhập nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng. Đặc trưng của PGVN là lấy tư tưởng Trung đạo làm kim chỉ nam, lấy lý tưởng Bồ-tát hạnh làm tinh thần phụng sự, kết hợp hài hòa các phương pháp hành trì. Thiết nghĩ, GHPGVN cần nhấn mạnh, phát huy hơn nữa tư tưởng ấy cho sự phát triển của mình và cho quốc tế thấy rõ. Quảng Kiến
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |