Chi tiết tin tức Chốn về ấm áp của Phật tử Việt Nam ở Kobe 13:46:00 - 22/12/2014
(PGNĐ) - “Chúng tôi rất thích đi chùa. Chúng tôi xa quê hương đã lâu và khi biết ở đây có một ngôi chùa Việt Nam, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Mỗi đêm được về chùa để tụng kinh, chúng tôi cảm thấy ấm áp, quên đi những muộn phiền nơi đất khách quê người…”, chị Hà Ngọc Lan tâm sự.
Chùa Việt Nam ở Nhật Bản Chúng tôi được người bạn ở đây hướng dẫn đến thăm gia đình chị Hà Ngọc Lan (pháp danh Nhuận Tuệ), hiện đang sinh sống tại Kobe, Nhật Bản. Tuy xa quê hương từ bé nhưng chị nói tiếng Việt còn lưu loát lắm. Theo lời kể của chị thì hai vợ chồng chị đã biết đi chùa được 4 năm nay. Cả hai vợ chồng thường xuyên đến để giúp đỡ, ủng hộ cho chùa trong những dịp lễ. Khi hỏi về cảm nhận như thế nào khi đi đến chùa Việt Nam trên đất Nhật, chị vui vẻ nói: “Chúng tôi rất thích đi chùa, tôi xa quê hương đã lâu và khi chúng tôi biết ở đây có một ngôi chùa Việt Nam, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”.
Hôm nay, chị dẫn chúng tôi đến dự khóa tu Bát quan trai tại một ngôi chùa Việt Nam, dự báo trời sẽ mưa cả ngày và sẽ rất lạnh, thế nhưng không vì thế mà phải hủy chuyến đi. Chúng tôi bước vội trên con đường từ ga dẫn vào ngôi chùa, bây giờ là 9 giờ sáng mà đường sá vắng lặng ít người qua lại. Điều đầu tiên tôi nhận thấy là khu vực này khá giống với những khu vực có chùa trong hẻm ở khu trung tâm TP.HCM. Hiện ra trước mắt tôi là một cái cổng gỗ được chạm khắc theo kiểu Việt Nam. Chúng tôi được thầy trụ trì, ĐĐ.Thích Nhuận Phổ và các Phật tử ra tận cửa đón, trong sự niềm nở của tình đạo nơi đất khách. Nhìn quanh, tôi thấy ngôi chùa này giống như một ngôi nhà được sửa lại thành chùa. Nơi đây được hơn trăm mét vuông, chia làm hai phần, bên trên làm chánh điện, bên dưới làm khu sinh hoạt. Thầy trụ trì rót trà mời chúng tôi và kể về việc sinh hoạt tu học tại chùa. Tôi nhận thấy gương mặt ai cũng hân hoan, hạnh phúc. ĐĐ.Thích Nhuận Phổ là du học sinh đang học khóa Thạc sĩ tại Trường Đại học Ryukoku, Kyoto, Nhật Bản. Khi được chúng tôi hỏi về động lực xây dựng nên ngôi chùa Việt Nam tại Nhật Bản, không chỉ chùa Hòa Lạc mà còn có chùa Đại Nam, thầy nói: “Hai chữ Hòa Lạc - Đại Nam mang ý nghĩa cho sự hòa bình, hòa hợp, hòa thuận, đoàn kết của toàn thể người Việt Nam đang sống trên đất nước Nhật Bản, nói rộng ra là trên toàn thế giới. Chính các yếu tố này mang lại cho những người xa quê có được cuộc sống an lạc, thịnh vượng, hạnh phúc, tươi vui. Hiện tại, chúng tôi đang tổ chức sinh hoạt tu Bát quan trai hàng tháng cho các Phật tử. Tại chùa, các buổi thuyết pháp, kinh hành niệm Phật vẫn đều đặn diễn ra hàng tuần. Đêm đêm, mọi người vẫn tập trung về chùa để tụng kinh. Tôi thấy các Phật tử mỗi ngày một tinh tấn hơn và đó là động lực để chúng tôi cùng phấn đấu ở nơi đây”. Trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh, buổi truyền giới Bát quan trai diễn ra ấm cúng và hòa ái. Hơn 30 người tập trung về đây vào sáng hôm nay, tôi nhìn thấy được niềm vui và hạnh phúc dâng trào trên gương mặt của mọi người. Họ không quản ngại đường xa để về chùa cùng thọ giới tu tập. Tình cảm ấy, niềm vui ấy chính là niềm kiêu hãnh trong lòng của những người có tâm nguyện xây dựng và đóng góp vì lợi ích chung cho cả một cộng đồng người Việt ở xứ người. Luôn hướng về cội nguồn dân tộc Buổi nghỉ giải lao trước khi vào dùng quả đường, tôi thấy có người đàn ông đứng ở một góc nhà trong tư thế điềm tĩnh. Tôi đến để hỏi thăm anh thì được anh chia sẻ thêm: Anh tên Trần Ngọc Thành (pháp danh Viên Tịnh), Phật tử chùa Đại Nam, anh đang sinh sống tại thành phố Himeji, Nhật Bản. Anh nói: “Tôi xa quê hương hơn 33 năm nay, hàng năm vào những dịp lễ Tết, tôi thường đi những ngôi chùa Nhật Bản và trong lòng tôi luôn ao ước có một ngôi chùa Việt Nam tại Nhật Bản, để hàng ngày tôi và mọi người có thể đến và tụng kinh bằng tiếng Việt Nam. Cũng như bao nhiêu người khác, chúng tôi cảm thấy rất mãn nguyện từ khi ngôi chùa Hòa Lạc hay chùa Đại Nam ra đời, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi tích cực hơn, tinh thần cầu đạo và sự hiểu biết về nhân quả của chúng tôi cũng sâu sắc hơn. Trước đây, chúng tôi không biết tới lễ Phật sám hối là gì, vì sống tha hương nên chúng tôi chỉ mải miết với chén cơm manh áo. Từ đó, chúng tôi sống không có sự hòa hợp, đoàn kết để giúp đỡ nhau trên xứ người”. Cuộc sống là vậy, họ vẫn phải chạy đua với việc mưu sinh vì gia đình nhỏ của mình, thế nhưng trong thâm tâm mỗi người vẫn muốn tìm về nguồn cội. Với tinh thần đạo pháp và dân tộc, tất cả điều đó đã xây dựng nên đời sống đạo đức tâm linh sâu sắc của người Phật tử tại gia dù xa quê hương. Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích một đoạn trò chuyện cùng với một học sinh Việt Nam theo gia đình sang Nhật đã được hai năm. “Em tên là Phạm Tiến Duy Anh, 17 tuổi, em vừa thi đậu vào trường Nhật, tháng Chín vừa rồi em nhập học. Hôm nay, em đi chùa cùng với dì em, ngôi chùa ở đây không to lớn và đẹp lộng lẫy như chùa ở Việt Nam nhưng em cảm thấy ở đây rất áp ấm, mọi người hiền hòa, cởi mở. Em nghĩ nếu trong xã hội này ai cũng biết đi chùa, hiểu biết về nhân quả thì có lẽ không ai dám làm điều xấu”. Thiện Đông
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |