Chi tiết tin tức

Góc nhỏ lễ Phật đản trên đất Nhật

21:16:00 - 24/05/2016
(PGNĐ) -  Lễ Phật đản ở Nhật ngày nay được tổ chức vào ngày 8-4 dương lịch, đúng vào dịp hoa anh đào nở rực rỡ khắp nơi nên còn được gọi là lễ hoa - Hana-matsuri.

 
tamphatonhat (4).JPG
Tôn tượng Đức Quan Âm ở chùa Tokurin-ji (chùa Đức Lâm)


Các ngôi chùa ở Nhật tùy theo điều kiện thuận tiện riêng của từng nơi mà có thể tổ chức ngày lễ Phật đản trong khoảng tuần lễ đầu của những ngày tháng Tư dương lịch. Có chùa tổ chức lễ trong suốt 3 ngày liền. Lễ thường được diễn ra với nhiều nghi thức, nhưng cơ bản nhất cần phải có, đó là lễ tắm Phật, bởi theo truyền thuyết khi Thái tử Tất Đạt Đa ra đời thì nghi lễ đầu tiên là được long thần phun nước tắm.

Nước tắm Phật thời xưa thường dùng từ các loại hoa, nhưng từ thời Edo (thế kỷ XVI) về sau này người Nhật thường dùng loại trà ngọt gọi là amacha để tắm Phật. Nước này được pha chế từ lá cây tử dương hoa - Hydrangea Hortensis - loại cây bản địa, thường trồng trên các miền núi, có hoa như cẩm tú cầu. Người Nhật hái lá cây này hấp lên rồi phơi khô, chế biến lên men rồi dùng làm nước uống.

Trong lễ tắm Phật, trong tòa tháp (người Nhật gọi là Hana-mido) được trang trí đầy hoa rực rỡ… là một tôn tượng Đức Phật đản sinh bằng đồng nho nhỏ, để đứng giữa một chậu nước trà amacha, xung quanh là những gáo nước bằng gỗ thếp hoặc sơn màu vàng dành cho mọi người múc nước tắm lên thân tượng.

 

tamphatonhat (3).jpg
Tác giả tham gia lễ tắm Phật tại chùa Tokurin-ji (chùa Đức Lâm)


Chúng tôi đến dự buổi lễ Phật đản vào ngày 3-4-2016 ở chùa Tokurin-ji (chùa Đức Lâm), thành phố Nayoga, thủ phủ của tỉnh Aichi. Aichi là tỉnh đông dân đứng thứ tư Nhật Bản, có nhà ga mặt đất lớn nhất thế giới, có thành phố Toyota với công ty sản xuất ô-tô nổi tiếng toàn cầu. Chùa Tokurin-ji do Hòa thượng Rakaoka Schucho trụ trì. Hòa thượng đã ưu ái dành cho Tăng Ni Việt Nam thành lập một đạo tràng Phước Huệ ở đây.

Điều tuyệt vời là đạo tràng Phước Huệ - do Sư cô Thích nữ Như Tâm phụ trách - đặc biệt quy tụ được nhiều giới trẻ từ các em sinh viên, tu nghiệp sinh, kỹ sư, công nhân… nhiều ngành nghề. Đạo tràng tổ chức các khóa tu học, sinh hoạt Phật pháp thường xuyên, định kỳ khoảng hai tuần một lần. Nhờ vậy nên chùa cũng như một ngôi nhà chung, nơi lui tới thường xuyên của cộng đồng người Việt ở quanh vùng.

Chùa Tokurin-ji là một ngôi chùa nhỏ nằm trên đồi giữa bốn bề hoa anh đào cây to cổ thụ. Mùa Phật đản, đường lên chùa hoa anh đào rơi rải thảm đẹp như cổ tích! Hồ nước nhỏ bên phải sân chùa - nơi có tôn tượng Quan Thế Âm trắng tinh thanh khiết với gương mặt từ bi gần gũi, nhìn xuống mặt nước rơi đầy những cánh hoa anh đào mỏng mảnh lung linh.

Ngày lễ, người Nhật xung quanh mang đến khuôn viên chùa những món quà lưu niệm, những món ăn dân dã… bày bán rất dễ thương. Uống một cốc sữa đậu nành được đun ngay tại chỗ, rót vào cái ly bằng ống tre, bạn cũng sẽ được ân cần hỏi sở thích muốn uống nóng vừa hay nóng bỏng, cho đường nhiều hay ít. Chè đậu đỏ thì được thả vào một cái bánh bột nếp rất dẻo thơm.

Phía sau chùa có một cái quán nhỏ, quán có một lò nướng bánh, nướng loại bánh bình dân của Nhật, ăn cùng với tương giống như bánh phồng và tương đậu nành ở Việt Nam. Đi dự lễ Phật đản ở chùa mà như được trở về một góc quê nhà với những sinh hoạt thật là yên bình thanh thản. 

Nếu không phải là Hòa thượng Rakaoka Schucho thực hiện các nghi lễ, đọc tụng kinh bằng tiếng Nhật và màn biểu diễn nghệ thuật của các Phật tử người Nhật thì chúng tôi đã ngỡ mình đang dự một lễ Phật đản ở Việt Nam.

Những người con Phật xa quê đang dần dần có được những đạo tràng tu học, sinh hoạt Phật giáo... nhờ sự quan tâm và lòng nhiệt huyết của quý Tăng Ni đang du học hoặc định cư ở Nhật. Năm 2013, Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản được thành lập; Sư cô Thích nữ Tâm Trí (tiến sĩ đang nghiên cứu và làm việc tại Trường Đại học Shokutoku - Tokyo) làm hội trưởng với 4 đạo tràng: Đạo tràng chùa Nhật Tân (Nisshinkutsu) là trụ sở chính; đạo tràng An Tịnh Đường ở Kumagaya; đạo tràng Hamamatsu; đạo tràng Phước Huệ ở Nagoya.

Cơ sở vật chất dành cho hoạt động Phật giáo của người Việt ở Nhật tuy còn rất khó khăn, có khi chỉ là những ngôi chùa nhỏ như nhà riêng, có khi chỉ là một đạo tràng sinh hoạt ghép, tạm nhờ trong một ngôi chùa bản địa, nhưng những hoạt động Phật sự như nghe thuyết giảng, tổ chức khóa tu, hoạt động từ thiện hay cử hành những ngày lễ như Phật đản, Vu lan, Thành đạo… đều mang đậm nét ưu việt truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

tamphatonhat (1).jpg
Một mùa Phật đản Việt Nam trên đất Nhật - Ảnh: TGCC

Tham dự một mùa lễ Phật đản của người Việt Nam ở Nhật mới thấy sự có mặt một ngôi chùa Việt Nam ở đây là điểm tựa tinh thần quý giá biết dường nào!

Để tạo điều kiện cho mọi người được thuận tiện tham dự đông đủ, chùa ở đây tổ chức lễ Phật đản vào dịp ngày Chủ nhật hoặc ngày lễ được nghỉ: 1-5. Tuy không tiến hành chính xác vào ngày quy định (8-4 dương lịch của Nhật hay rằm tháng Tư âm lịch như ở Việt Nam…) nhưng lễ đài Phật đản thường được dựng và lưu lại trong suốt tháng có ngày kỷ niệm để không khí Phật đản luôn có mặt, cho mọi người tùy điều kiện, thuận duyên ngày nào thì có thể đến chùa chiêm bái lễ lạy dâng hương mừng ngày đó.

Cũng như mùa hoa anh đào ở Nhật, tuy hoa chỉ nở trong vòng một tuần nhưng trải khắp nước Nhật tùy theo thời tiết mà mỗi vùng có những đợt nở hoa. Người Nhật có thể ngắm hoa anh đào nở lần lượt khắp đất nước mình trong suốt một tháng. Lễ Phật đản của người Việt Nam trên đất Nhật cũng vậy, đó là một MÙA PHẬT ĐẢN dài theo sắc thắm hoa anh đào. Lễ Phật đản đúng như tên gọi là lễ hoa - Hana-matsuri của những người con Phật trên đất nước Phù Tang.

Ghi chép của nhà thơ Thu Nguyệt

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin