Chi tiết tin tức Ảo giác về thời gian và con đường tỉnh thức 14:00:00 - 08/12/2024
(PGNĐ) - Thế giới phương Tây khá hỗn loạn vì luôn chạy đuổi theo thời gian. Ai cũng bị cuốn vào những áp lực về thời gian của chính mình và xã hội.
Chúng ta lập ra kế hoạch, nhưng rồi lại không thể thực hiện. Khi không thể đạt được mục tiêu, chúng ta cảm thấy căng thẳng. Khi trễ hẹn, trễ giờ làm, trễ buổi phỏng vấn, trễ giờ đến trường, hay trễ buổi cà-phê với bạn bè, ai cũng phàn nàn: “Sao lại trễ vậy?” Tất cả đều vì thời gian. Thời gian của chúng ta rất hạn chế, và chúng ta bị mắc kẹt trong đó. Chúng ta bận rộn và mệt mỏi, lúc nào cũng kêu ca: “Ôi, tôi phải làm xong cái này, phải làm xong cái kia!”. Nhưng thời gian chỉ là một ảo tưởng. Ai tạo ra nó? Đó chính là tâm trí chúng ta. Chúng ta dựng lên khái niệm thời gian qua suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai - hay còn được gọi là “ba thời”. Nếu tâm không hướng đến quá khứ, hiện tại hay tương lai, thì ba thời không còn tồn tại. Quá khứ đã kết thúc, hôm qua đã qua rồi. Chúng ta không thể quay lại ngày hôm qua, cũng không thể bước tới ngày mai, vì hôm nay vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cứ chạy theo quá khứ, hiện tại, tương lai, và bị chúng làm xao lãng. Nhưng liệu chúng thực sự mang lại lợi ích hay chỉ gây thêm phiền phức? Theo ngài Dzogchen, có một khái niệm về thời thứ tư: “thời gian tuyệt đối” hay “phi thời gian.” Tuy nhiên, nó không thực sự là “thời gian” bình thường; chúng ta chỉ gán cho nó cái tên như vậy. Đây là trạng thái vượt ra ngoài thời gian. Có thể đây là khái niệm mới lạ với bạn, vì nó nằm ngoài cấu trúc quen thuộc của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng nghĩ đến ba thời thật ra chỉ là sự xao lãng. Tất cả tâm thức đều tồn tại trong ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi ý nghĩ đều thuộc về ba thời này. Nhưng một vị Phật thì vượt ra ngoài ba thời. Khi bạn thực sự thấy rằng ba thời chỉ là những cấu tạo của tâm, thời gian sẽ ngừng lại. Không còn sự thay đổi. Thay đổi chỉ xảy ra trong thời gian luân hồi. Đó là nơi chúng ta chịu khổ, nơi chúng ta bị ám ảnh bởi quá khứ, lo lắng cho tương lai, và vật lộn với hiện tại. Vậy những suy nghĩ đó ở đâu khi ba thời không còn nữa? Đây chính là sự hợp nhất tuyệt đối. Nó hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn sáng tỏ, rất dễ chịu và bình yên. Những suy nghĩ về quá khứ tan biến, những suy nghĩ về tương lai ngừng lại, và những suy nghĩ hiện tại cũng ngay lập tức tan rã. Không còn chỗ nào cho suy nghĩ khởi sinh. Căng thẳng, sợ hãi, lo lắng ở đâu? Không gian cho tất cả những điều đó đã biến mất. Như Dzogchen: “Ba thời hợp nhất thành một thời.” Chúng ta được sinh ra, tồn tại trong một khoảng thời gian, rồi qua đời. Để thực hiện chu kỳ đó, chúng ta cần đến ba thời. Nếu ba thời không còn, sẽ không có nơi nào để sinh ra, không có chỗ nào để tồn tại, cũng không có nơi nào để đi. Nhận ra điều này chính là “nhận ra bản chất chân thật của mình”. Trong khoảnh khắc đó, bạn nhận thức rằng thời gian hoàn toàn ngưng đọng, và khi đó, bạn trải nghiệm rigpa - sự tỉnh thức thuần tịnh và bất nhị của chính bạn. Nó luôn hiện hữu ở đó. Bạn không cần phải tìm kiếm; bạn sẽ trực tiếp trải nghiệm nó ngay lập tức: không quá khứ, không tương lai, không hiện tại, không thay đổi. Đó chính là điều kỳ diệu. Vậy chúng ta nên gọi “thời gian” này là gì? Nó không thể được gọi là hiện tại, không thể gọi là quá khứ, cũng không thể gọi là tương lai, nên ta gọi nó là “phi thời gian” (timeless time). Chúng ta có thể an trú rất bình an trong khoảnh khắc này vì nó không thay đổi, bởi thay đổi là bản chất của luân hồi. Bạn nhận ra sự hợp nhất của phi thời gian bằng cách buông bỏ quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời để tâm an nghỉ. Khi tâm an nghỉ, thời gian cũng an nghỉ. Khi thời gian an nghỉ, đó là một điều kỳ diệu! Bạn cảm thấy tĩnh lặng, bình yên và đầy sức mạnh. Khi đã cắt đứt hoàn toàn chuỗi suy nghĩ, bạn trở nên tự do, như một bầu trời trong xanh không gợn mây. Hãy dành một chút thời gian để tự mình trải nghiệm điều này. Thả lỏng cơ thể và vào tư thế thiền. Bạn có thể ngồi trên mặt đất với chân bắt chéo, hoặc đơn giản ngồi trên ghế thoải mái, tay đặt trên đầu gối. Hướng ánh mắt thẳng về phía trước hoặc hơi chếch lên trên, và thở bằng miệng thay vì mũi. Hít vào một cách tự nhiên, sau đó thở ra và giữ hơi thở ra trong vài giây. Hít vào lại trước khi cảm thấy khó chịu, rồi thở ra và giữ hơi thở ra thêm vài giây. Giữ hơi thở ra trong khoảnh khắc đó tạo ra một khoảng dừng. Trong khoảnh khắc ấy, tâm không thể khởi sinh ý nghĩ. Đây chính là chìa khóa. Tâm trí của chúng ta luôn dẫn dắt, tác động và đòi hỏi nhiều điều. Nhưng khi bạn giữ hơi thở, tâm trở nên rất tĩnh lặng. Không còn suy nghĩ; không còn khái niệm quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tất cả vấn đề của chúng ta đều do tâm mà ra. Tâm tạo ra khó khăn trong cuộc sống, tạo ra kẻ thù, gây rắc rối cho người khác, và làm thế giới hỗn loạn. Chúng ta cần buông xả tâm trí một chút và bảo nó bình tĩnh lại. Khi bạn làm dịu tâm trí, bạn có thể tìm thấy khoảng trống diệu kỳ ấy. Đó là điều vượt ra ngoài tâm trí và là thực tại tuyệt đối. Đó chính là rigpa, sự tỉnh thức thuần tịnh và bất nhị của chúng ta. Rigpa luôn hiện diện, nhưng chúng ta cần nắm bắt nó trong khoảng trống, giống như đưa một quả bóng golf vào lỗ. Hít vào, thở ra, giữ hơi thở ra, và đặt tâm trí của bạn vào khoảng trống ấy. Tạm dừng, không suy nghĩ, không chuyển động và hoàn toàn tĩnh lặng. Hãy dành chút thời gian để cảm nhận khi bạn giữ hơi thở. Đây không phải là cảm giác mà là trải nghiệm. Điều quan trọng là bạn cần trải nghiệm khoảnh khắc này, có được một cái nhìn thoáng qua về nó để nhận biết: “Đây là ngươi.” Nhưng bạn không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Hít vào, thở ra, và giữ hơi thở ra trong một khoảnh khắc. Tất cả những gì bạn cần đều có mặt tại đó. Bạn sẽ nhận ra rằng không có tên gọi hay mô tả nào cho trải nghiệm này. Nó vượt ngoài ngôn ngữ, vượt ngoài từ ngữ, thật diệu kỳ. Đó chính là khoảnh khắc bạn nhìn thấy gương mặt của một vị Phật. Tu tập thực sự là duy trì sự tỉnh thức này và ở lại trong đó càng lâu càng tốt. Chúng ta tiến bộ một cách chậm rãi với thực hành này. Tuy nhiên, không nên ở lại quá lâu, vì việc thở là một phần của sự sống. Khi bạn hít vào, phổi bạn đầy không khí. Chúng ta gọi đó là “sinh khí”. Khi bạn thở ra, phổi bạn trống không. Chúng ta gọi đó là “tử khí”. Trong loại thiền này, bạn trải nghiệm cả sự sống và cái chết cùng lúc. Mỗi khi hít vào, bạn được tái sinh. Mỗi khi thở ra, bạn lại đi vào cõi tử. Khi bạn thoát ra khỏi khoảnh khắc ấy, bạn trở lại hiện tại, và tâm trí của bạn sẽ hướng về tương lai, quá khứ, hoặc hiện tại. Khoảnh khắc ấy sẽ biến mất. Duy trì được trạng thái ấy càng lâu, bạn càng tiến xa hơn. Hãy làm dịu tâm trí, sau đó duy trì sự tĩnh lặng ấy càng lâu càng tốt mà không khởi lên suy nghĩ nào. Khoảnh khắc ấy có thể chỉ là một hạt mầm nhỏ của điều gì đó vĩ đại hơn, nhưng nó có sức mạnh rất lớn. Trong khoảnh khắc đó, bạn không còn tin vào những nhận thức nhị nguyên của mình và có được cái nhìn thoáng qua về một sự bình yên diệu kỳ vượt ngoài ngôn ngữ. Đôi khi bạn sẽ có những trải nghiệm tự nhiên về không gian bao la và sự an bình, nhưng những trải nghiệm này chỉ xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi trong khoảnh khắc đó, mà không có bất kỳ lý do hay mục đích nào. Đó chính là thực hành của Dzogchen. Đó là sự trải nghiệm Phật tánh. Khi những suy nghĩ tan biến trong khoảnh khắc ấy, trí tuệ sẽ phát sinh. Bạn có trí tuệ bên trong mình, nhưng trí tuệ không thể dẫn dắt nếu bạn không neo tâm mình lại. Lúc đó chỉ có vô minh sẽ xúi thúc bạn. Bạn cần buông xuống những suy nghĩ và căng thẳng trong tâm trí để nó trở nên trong sáng, như bầu trời không mây. Khi tâm trí không còn suy nghĩ, nó có nhiều không gian và sự an bình. Đó là cách mà trí tuệ và sự tập trung hòa hợp với nhau. Trí tuệ luôn hiện hữu, nhưng nếu bạn không tập trung, trí tuệ sẽ không thể dẫn dắt bạn. Thiền tập của sẽ bạn đạt đến sự hoàn hảo khi có trí tuệ dẫn dắt. Khi tâm dẫn bạn, bạn là một chúng sinh hữu tình. Khi tâm rỗng lặng, bạn là một vị Phật. Khi bạn trải nghiệm sự rỗng lặng ấy, khoảnh khắc đó chính là giác ngộ. (Trích từ Thiền tập trong một xã hội ồn náo - Dzogchen Rinpoche) Thiện Quang dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |