Chi tiết tin tức

Bí mật hạnh phúc của người dân Bhutan

23:20:00 - 22/01/2022
(PGNĐ) -  Khi Bhutan bắt đầu mở cửa biên giới trở lại, Khedrupchen Rinpoche - một tu sĩ Phật giáo đã chia sẻ những phương pháp để đạt được hạnh phúc của quốc gia này.

“Làm thế nào để có được hạnh phúc luôn là mối quan tâm của tất cả mọi người; cho dù bạn có thừa nhận hay không, thì đây cũng là mục đích cuối cùng của toàn thể nhân loại”.

Được xem là vị tái sinh thứ 5 và là vị trụ trì của tu viện Sangchen Ogyen Tsuklag ở Trongsa, Bhutan. Có thể nói, Khedrupchen Rinpoche am hiểu rất nhiều phương pháp để chuyển hóa bản thân và theo đuổi hạnh phúc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Bước lên vị trí hiện tại vào năm 2009, lúc mới 19 tuổi, có thể nói sư là một trong những Rinpoche (bậc thầy tâm linh uyên bác) ở Bhutan lúc bấy giờ. 

Gần 12 năm qua, sư đã đi khắp nơi trên thế giới để thuyết giảng Phật pháp, hướng dẫn rất nhiều người áp dụng và thực hành giáo lý vào cuộc sống để có được hạnh phúc mỗi ngày, bất kể họ thuộc nền văn hóa hay tôn giáo nào. Hiện nay, sư cũng đang nỗ lực để xây dựng Học viện Phật giáo đầu tiên ở Bhutan và sẽ chào đón bất kỳ ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu về triết học Phật giáo.

“Khi đại dịch bùng phát, tất cả những gì tôi đang làm đều bị hoãn lại. Tôi đã quyết định xem đây là một cơ hội để ẩn tu. Vì vậy, tôi chỉ mang theo một ít thức ăn, lên núi một mình và trú ngụ ở một hang động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhưng cũng chính những điều kiện như vậy cho phép tôi có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm lại những gì bản thân mình đã nói ra. Từ đó, có thể thấy một điều rất rõ ràng rằng hạnh phúc chân thật không phải đến từ những thứ bên ngoài, mà nằm bên trong mỗi chúng ta”, Khedrupchen Rinpoche chia sẻ.

Tất nhiên, sư cũng nhấn mạnh rằng người ta không cần phải tìm đến những điều kiện cực đoan như thế để có được sự bình an và hạnh phúc. Chúng ta cần phải dừng việc tìm kiếm hạnh phúc từ những trải nghiệm đối với các hiện tượng bên ngoài, mà hãy quay vào bên trong để nhận ra những yếu tố tạo nên giá trị của hạnh phúc. Theo Khedrupchen Rinpoche, có bốn yếu tố chính dẫn đến hạnh phúc mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng thực tập được ở bất kỳ thời điểm nào và bất cứ nơi đâu, đó là tình yêu thương, lòng cảm thông đối với người khác, không bám chấp và nghiệp.

Lòng từ, hay nói cách khác là tình yêu thương, là yếu tố then chốt trong việc tạo ra hạnh phúc không chỉ đối với bản thân mà còn cho những người khác. Khedrupchen Rinpoche nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đối xử tử tế với chính bản thân mình trước và sau đó lan tỏa tình thương đến với những người xung quanh: “Bạn phải thương yêu bản thân mình, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì bạn vẫn ổn. Từ đó, bạn mới có thể lan tỏa tình thương đó đến cho những người khác được”. Hai yếu tố đó phải đi song song với nhau.

Mà ý thức thương yêu tập thể đó của người dân Bhutan, theo Chunjur Dozi - một người từng làm hướng dẫn viên du lịch, bắt nguồn từ tôn giáo. “Chúng tôi có ý thức cộng đồng mạnh mẽ và luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khác; bởi vì phần lớn người dân theo đạo Phật. Bản thân tôi luôn cân nhắc xem những gì tôi làm có mang lại lợi ích gì cho cộng đồng hay không”.

Yếu tố quan trọng thứ ba là không dính mắc, không bám víu vào các hiện tượng vô thường, đây lại là một phương pháp Phật giáo và là yếu tố căn bản của nền văn hóa Bhutan. Theo Khedrupchen Rinpoche, khi có vấn đề xảy ra, chúng ta không nên buồn bã và chán nản vì mọi thứ đều sẽ thay đổi. Nếu chúng ta chấp nhận rằng mọi thứ đều vô thường thì chắc chắn sẽ có sự đổi thay, đổi thay thì sẽ có hy vọng. Quan trọng là chúng ta nên chấp nhận rằng mọi thứ đều không tồn tại lâu dài, kể cả thành công và sự giàu có. Nếu nghĩ được như thế thì chúng ta sẽ thấy trân quý và hạnh phúc với những gì chúng ta có trong hiện tại.

Đơn cử như trường hợp của hướng dẫn viên du lịch Chunjur Dozi, ngoài tình yêu thương đối với chính bản thân mình và tử tế với những người khác, đại dịch còn khiến cho Dozi thấy được tầm quan trọng của việc thích nghi với những sự thay đổi. Từ khi không còn làm hướng dẫn viên du lịch, anh đã trở về làng và học nghề thợ mộc, vừa giúp hàng xóm sửa nhà, vừa giúp sức trong một công trình lớn ở địa phương. “Chúng tôi đã cải tạo một trang trại truyền thống bị một gia đình bỏ hoang và biến nơi đó thành chỗ lưu trú trong nông trại. Tôi muốn mọi người có thể tiếp cận và khám phá sâu sắc hơn nền văn hóa và lối sống của những vùng nông thôn ở Bhutan. Vào cuối ngày, tôi học cách hài lòng và chấp nhận những gì tôi có và tìm cách tận dụng chúng một cách hiệu quả nhất”, Dozi cho biết.

Yếu tố thứ tư là nghiệp. Khedrupchen Rinpoche cho biết rằng khái niệm nghiệp hầu như đều bị mọi người hiểu nhầm. Nhiều người cho rằng nếu họ làm gì xấu ác thì một cái gì đó tồi tệ sẽ xảy đến với họ, giống như một sự trừng phạt từ vũ trụ. Nhưng thật ra không phải như thế. Nghiệp tuân theo quy luật nhân, duyên và kết quả. Những gì mà bạn làm, những điều bạn chọn đều có tác động đến bản thân bạn và những người xung quanh. Cũng giống như việc gieo hạt giống, nếu gieo hạt xoài, bạn sẽ được cây xoài, bạn không thể gieo hạt táo mà chờ đợi một cây xoài mọc ra từ đó được. Tin vào nguyên lý nghiệp là cơ hội để chúng ta chuyển hóa và định hình bản thân, trở thành mẫu người mà chúng ta mơ ước và thực hiện những gì mà chúng ta muốn đạt được.

Mặc dù phải công nhận Bhutan “vô cùng yên bình và có thiên nhiên nguyên sơ hùng vĩ” nhưng Khedrupchen Rinpoche cũng nhận ra rằng giống như mọi quốc gia khác, vương quốc này cũng có những vấn đề riêng như nạn lạm phát tiếp tục gia tăng, với chỉ số giá tiêu dùng nói chung tăng gần 9% trong năm qua, tình trạng mất an ninh lương thực (Bhutan nhập khẩu khoảng 50% lương thực) với chi phí tăng gần 15%. Ngoài ra, tác động của việc đóng cửa biên giới từ tháng 3-2020 đến tháng 8-2021 đã khiến ít nhất 50.000 người thuộc ngành du lịch bị thất nghiệp như Dozi.

Tuy nhiên, chính yếu tố quản trị tốt đóng vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định của Bhutan trong suốt đại dịch. Trong đó, sự ứng phó nhanh chóng và kịp thời của Chính phủ đối với tác động của Covid-19 đến khía cạnh kinh tế và xã hội đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi. Để giải quyết những khó khăn mà đại dịch gây ra, quốc gia này đã hoãn việc nộp thuế và hỗ trợ tài chính cho người dân; các thành viên trong Quốc hội đã quyên góp một tháng lương cho việc cứu trợ; Chính phủ ưu tiên tiêm chủng cho người dân và hiện có khoảng 90,2% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

Thinley Choden, một nhà tư vấn và doanh nhân xã hội, cho biết thêm, người dân Bhutan luôn có tinh thần biết ơn, đề cao lợi ích cộng đồng, bản sắc dân tộc và khả năng dung hòa giữa quá khứ và hiện tại. “Văn hóa Bhutan bắt nguồn từ những giá trị tinh thần truyền thống, nhưng chúng tôi là một xã hội rất thực tế và tiến bộ. Nói chung, văn hóa và tôn giáo của chúng tôi không mang tính áp đặt, không phải lựa chọn hoặc tốt hoặc xấu, mà được định hướng một cách trung đạo và hài hòa trong cuộc sống hàng ngày.”

 

Thiện Quang tổng hợp

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin