Chi tiết tin tức

Ni đoàn trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ

20:47:00 - 29/12/2021
(PGNĐ) -  Ni giới và các nữ học giả Phật giáo đang ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu mới trong nhiều lĩnh vực. Người đặt nền móng cho con đường rộng mở này chính là Tỳ-kheo-ni Mahāpajāpatī Gotamī, di mẫu của Đức Phật.

Trong những năm gần đây, nhiều vị Ni đã đảm nhiệm những vai trò và trọng trách khác nhau, những vị trí này không những yêu cầu tư cách của một người xuất gia mà còn nhấn mạnh đến trình độ học vấn và kỹ năng quản trị; tất cả những điều này có lẽ chưa bao giờ xuất hiện trong truyền thống tu viện trước đây.

Tuy nhiên, những thay đổi này cũng vấp phải không ít sự kháng cự và phản đối, vì Phật giáo truyền thống chỉ cho phép chư Tăng đảm nhận những vai trò như thế. Luật tạng Pāli sơ kỳ cũng đã kể lại ba lần Đức Phật từ chối cho di mẫu Mahāpajāpatī xuất gia trước khi Tôn giả Ānanda mở lời thỉnh cầu Đức Phật cho người nữ được gia nhập Tăng đoàn.

Tôn giả đã nêu ra hai lý do rằng: di mẫu là người đã nuôi dưỡng và chăm sóc Đức Phật lúc còn là thái tử, đồng thời, người nữ cũng có khả năng đạt được giác ngộ và giải thoát giống như nam giới. Tuy vậy, Đức Phật chế thêm một số giới pháp trong việc xuất gia của người nữ, đó chính là Bát kỉnh pháp, tiếng Phạn là gurudharma, nhằm đặt chư Ni dưới sự giám sát và dẫn dắt của chư Tăng một cách hiệu quả. Tám giới pháp này đóng vai trò quan trọng đối với vị trí của Ni giới trong Phật giáo.

Cơ hội được xuất gia và thọ giới

Cộng đồng tu sĩ Phật giáo là một hệ thống gồm năm giới phẩm: Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, và mỗi cấp bậc đều có những giới luật riêng mà họ phải tuân thủ và giữ gìn.

Trong 3 truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới: Phật giáo Nam Tông ở Sri Lanka và Đông Nam Á, Phật giáo Phát triển ở Đông Á và Mật tông ở Tây Tạng và các quốc gia Himalaya, sự truyền thừa liên tục của Ni giới xuất gia chỉ được tìm thấy trong truyền thống Phật giáo Phát triển ở Đông Nam Á.

Để tiến hành một buổi lễ thọ Cụ túc giới, cần đầy đủ ít nhất 5 vị Tỳ-kheo Tăng và năm vị Tỳ-kheo-ni tham gia truyền giới. Tuy nhiên, trong truyền thống Nam tông và Phật giáo Tây Tạng, chỉ có một số ít chư Ni đã thọ Tỳ-kheo-ni giới, vì vậy, trên thực tế, việc truyền thừa liên tục là một điều không thể trong hoàn cảnh như vậy.

Ngoài ra, do hiếm có cơ hội được thọ giới và trở thành những nhà sư chính thức, nên các cư sĩ hay những người bảo trợ có xu hướng thỉnh chư Tăng đảm nhận những hoạt động nghi lễ được tổ chức trong cộng đồng. Điều này dẫn đến kết quả là chư Ni ít nhận được sự hỗ trợ về mặt vật chất từ các gia đình Phật tử và những người bảo trợ hơn là chư Tăng.

Sự thiếu thốn cơ hội xuất gia, các nguồn hỗ trợ và uy tín nói chung ngày càng gây nên nhiều bất lợi cho chư Ni.

Tìm kiếm sự đổi thay

Nữ giới Phật giáo thuộc các truyền thống Nam truyền và Tây Tạng đã bắt đầu tìm kiếm những đổi thay và thỉnh cầu chư Ni của truyền thống Phật giáo ở Đông Nam Á để trao truyền giới Cụ túc từ đầu những năm 1970.

Tại Hội nghị Quốc tế về Nữ giới Phật giáo được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1987, việc thọ giới Cụ túc cho phụ nữ được đề cập đến như một trong những chủ đề trọng tâm của hội nghị. Cuộc bàn luận này được khởi xướng bởi một số vị Ni theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng đến từ châu Âu và Hoa Kỳ.

Ni đoàn trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ ảnh 1
Ni đoàn theo truyền thống Nam truyền tại Aloka Vihara (Mỹ)

Sakyadhita: Hiệp hội Nữ giới Phật giáo Quốc tế” được thành lập ngay sau khi hội nghị này diễn ra. Với tên gọi được lấy cảm hứng từ tiếng Pāli và tiếng Phạn, có nghĩa là “con gái của Đức Phật”, Sakyadhita đóng vai trò như một diễn đàn quốc tế về vị trí của phụ nữ và bình đẳng về các cơ hội xuất gia, học tập và lãnh đạo trong Phật giáo.

Cũng giống như những ngày đầu khi cho người nữ xuất gia, việc thành lập một dòng truyền thừa Tỳ-kheo-ni trở lại cũng vấp phải những cuộc tranh cãi không ngừng. Vào năm 2007, nhiều ý kiến khác nhau về nữ giới và các nữ học giả Phật giáo một lần nữa đã được nhấn mạnh và nêu lên hàng đầu trong Đại hội Quốc tế về vai trò của nữ giới trong Tăng đoàn diễn ra tại Hamburg, Đức.

Trong khi nhiều người khen ngợi sự trở lại của việc xuất gia cho phụ nữ là một cuộc cách mạng nhằm tìm kiếm những gì đã bị thất truyền và mai một, một nhóm nữ tu Tây Tạng và Himalaya liên kết với Dự án Ni giới Tây Tạng (Tibetan Nuns Project) đã công khai bày tỏ sự phản đối việc gắn mác nữ quyền đối với những nỗ lực phục hồi lại dòng truyền thừa Tỳ-kheo-ni.

Bất chấp sự khác biệt về quan điểm trong cộng đồng, ngày càng nhiều nữ tu đã tiến hành những bước đi cụ thể nhằm tiến đến sự thọ nhận Cụ túc giới theo nhóm hoặc cá nhân. Ví dụ, đối với Phật giáo Tây Tạng, trong khi Đức Dalai Lama vẫn chưa cân nhắc về vấn đề này, thì Đức Karmapa thứ 17, Ogyen Trinley Dorje đã quyết định khởi xướng những sự thay đổi to lớn này. Đức Karmapa là vị đứng đầu trường phái Karma Kagyu, một trong những trường phái Phật giáo lớn của Tây Tạng.

Vào tháng 2-2017, cùng với sự ủng hộ của nhiều người và dưới sự chủ trì của Đức Karmapa, 19 người nữ đã được thọ giới Sa-di-ni từ 5 vị Tỳ-kheo-ni của Ni viện Nan Lin Vinaya tại Đài Loan. Sự kiện này đánh dấu bước đầu tiên trong việc làm sống lại truyền thống thọ Cụ túc giới cho các nữ tu sĩ Phật giáo Tây Tạng và Himalaya đã bị thất truyền trong khoảng thời gian khá lâu.

Ngoài ra, cũng có những vị Ni thuộc các truyền thống Phật giáo tại Nepal, Bhutan, Sri Lanka và Miến Điện cũng được thọ giới Tỳ-kheo-ni ở những nước ngoài. Để làm được như vậy, những vị này thường thỉnh chư Ni thuộc Phật giáo Đông Nam Á, không thuộc truyền thống của họ.

Trong khi vấn đề này vẫn còn đang gây tranh cãi trong cộng đồng Phật giáo Thái Lan thì sự hiện diện của Tỳ-kheo-ni Dhammananda, nhà lãnh đạo Phật giáo, một học giả nổi tiếng và nhà hoạt động xã hội, đã trở thành tấm gương cho nhiều người nữ ở Thái Lan và là nguồn động lực để họ thực hiện những điều tương tự và thọ nhận giới pháp Tỳ-kheo-ni từ các truyền thống Phật giáo ở nước ngoài.

Tìm kiếm các cơ hội giáo dục Phật giáo

Ngoài việc tạo cơ hội bình đẳng cho nữ giới về việc lãnh thọ giới pháp xuất gia, một khía cạnh khác nhằm xây dựng đội ngũ nữ giới Phật giáo lãnh đạo trong tương lai là phương pháp giáo dục.

Trong quá khứ, các cơ hội giáo dục dành cho nữ giới Phật giáo bị hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, 2 dự án giáo dục mới đã được tiến hành ở khu vực của dãy Himalaya. Với dự án này, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, chư Ni được nhận được văn bằng cao nhất, trở thành học giả và các nhà giáo dục Phật giáo. 

Chương trình giáo dục cho nữ giới được thực hiện lần đầu tiên ở miền Đông Tây Tạng. Tại đây, danh hiệu khenmo - văn bằng cao nhất về Phật học trong truyền thống Nyingma, được trao cho chư Ni đã hoàn thành chương trình giáo dụcvô cùng nghiêm ngặt trong vòng 10 năm. Sau khi tốt nghiệp, một số vị Ni ở lại và đảm nhận vai trò giảng dạy, trong khi những vị khác tham gia công việc biên tập và xuất bản hoặc trở thành những người quản lý tại các học viện Phật giáo.

Ni đoàn trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ ảnh 2
Đức Dalai Lama trao bằng Geshema cho chư Ni tại tu viện Drepung Lachi, Mundgod (Ấn Độ)

Tương tự như thế, kể từ năm 2016, một nhóm các vị Ni Tây tạng tại Ni viện Dolmaling ở Himachal Pradesh, Ấn Độ đã được nhận bằng geshema, cấp bậc cao nhất trong học tập và nghiên cứu Phật giáo trong truyền thống Gelugpa Tây Tạng. Tính đến năm 2019, đã có đến 44 vị ni được trao bằng geshema. Nhiều vị sau khi tốt nghiệp với danh hiệu geshema đã trở thành giáo thọ tại các cơ sở Phật giáo của họ và ươm mầm cho các thế hệ nữ học giả Phật giáo trong tương lai.

Như vậy, mặc dù còn đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng với những nỗ lực không ngừng, cùng với sự đoàn kết và giúp đỡ của những truyền thống Phật giáo khác, Ni đoàn thuộc Phật giáo Tây Tạng và Nam truyền đang dần dần phục hồi và phát triển trở lại, đúng như tâm nguyện của di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī thuở xưa.

 

Phổ Hiện

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin