Chi tiết tin tức

Điều gì làm nên kỳ tích tiêm chủng “phi thường” của Bhutan?

21:08:00 - 05/10/2021
(PGNĐ) -  Bhutan là một trong những quốc gia triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh và hiệu quả nhất trên thế giới, với 90% số người trưởng thành được tiêm vaccine đầy đủ.

Mặc dù có số lượng bác sỹ và y tá hạn chế, nhưng chỉ trong 3 tuần vào mùa Hè, Bhutan đã cung cấp liều vaccine thứ hai cho hầu hết người trưởng thành trên toàn quốc. Đây là câu chuyện thành công đáng chú ý tại một quốc gia kém phát triển, nơi 70% dân số làm làm nông nghiệp và sinh sống tại vùng nông thôn.

Bộ trưởng Y tế Bhutan Dechen Wangmo cho biết, sự đoàn kết, dân số quy mô nhỏ và hoạch định chính sách dựa trên cơ sở khoa học là những yếu tố giúp quốc gia này thành công trong chiến dịch tiêm chủng. Thành tựu đó cũng làm nổi bật cách thức một quốc gia có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên không thuận lợi, có thể vượt qua những thách thức về phân phối và tâm lý do dự tiêm vaccine.

Một trung tâm tiêm chủng tại Bhutan. Ảnh: AFP.

Dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế

Chiến dịch tiêm chủng của Bhutan sẽ khó thành công nếu thiếu sự hợp tác quốc tế. Nước này đã tiếp nhận những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do Ấn Độ tài trợ. Tính đến tháng 3/2021, Ấn Độ đã gửi 450.000 liều vaccine AstraZeneca đủ để cung cấp cho tất cả những người trưởng thành đủ điều kiện ở Bhutan tiêm liều đầu tiên vào mùa Xuân.

Nhưng việc triển khai tiêm liều thứ 2 là một thách thức. Làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát tại Ấn Độ đã khiến nước này phải ưu tiên sử dụng vaccine cho người dân trong nước và cấm xuất khẩu vaccine, vì thế Bhutan bị thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Trong khi đó, số ca mắc tăng vọt tại khu vực biên giới của Ấn Độ giáp với quốc gia này đã làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Sau một thời gian chờ đợi căng thẳng, Bhutan đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Moderna từ Mỹ thông qua chương trình COVAX, tiếp đến là 250.000 liều vaccine AstraZeneca đến từ Đan Mạch. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng tiếp nhận vaccine AstraZeneca, Pfizer và Sinopharm từ Bulgaria, Croatia, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Khắc phục thách thức về phân phối và vận chuyển

Việc phân phối vaccine là một thách thức lớn với Bhutan. Các loại vaccine chuyển giao theo cơ chế COVAX được đưa tới Sân bay Quốc tế Paro qua đường hàng không. Nằm cách thủ đô Thimphu khoảng 54 km, sân bay Paro tọa lạc dưới một thung lũng sâu bên bờ sông Paro Chhu, phía tây Bhutan. Do được bao quanh bởi những ngọn núi cao tới 5.500m, Paro trở thành một trong những nơi máy bay khó hạ cánh nhất thế giới. 

Bhutan có dân số gần 750.000 người, sống rải rác ở một khu vực có diện tích gần bằng Thụy Sỹ. Nhưng không phải tất cả các khu vực đều có thể tiếp cận bằng đường bộ. Để khắc phục trở ngại về mặt địa lý, Bộ Y tế Bhutan đã lên kế hoạch chi tiết nhằm tiêm 2 mũi vaccine cho tất cả người trưởng thành trong thời gian nhanh nhất có thể.

Giới chức y tế Bhutan đã thực hiện những chuyến khảo sát thực tế tại các vùng sâu vùng xa, để xác định nơi ở của người dân và những địa điểm có thể thành lập  trung tâm tiêm chủng. Để đến những nơi này, họ phải đi bằng đường không, bằng các phương tiện đường bộ, thậm chí đi bộ tới những khu vực khó tiếp cận nhất.

Trường học, tu viện và các tòa nhà công cộng khác đã được sử dụng làm trung tâm tiêm chủng. Bhutan cũng thành lập các trung tâm cấp huyện thị trên toàn quốc để bảo quản và phân phối vaccine đến những địa điểm nhỏ hơn khi cần. Bên cạnh đó, nước này cũng tăng cường các chuyến bay nội địa và sử dụng máy bay trực thăng để phân phối vaccine.

Việc sử dụng ứng dụng kỹ thuật số mang tên Hệ thống Tiêm chủng Bhutan đã giúp quốc gia này đẩy nhanh quá trình tiêm mũi thứ hai. Ứng dụng này cho phép người dân đăng ký tiêm phòng trực tuyến và do vậy không mất thời gian để khai thông tin cá nhân tại các trung tâm tiêm chủng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Bhutan cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến với chính quyền và nhân viên y tế tại các quận, huyện hay thôn bản, để nắm rõ những khó khăn, đồng thời đào tạo cho các nhân viên y tế về tiến trình tiêm vaccine và theo dõi bệnh nhân.

Khắc phục tâm lý do dự tiêm vaccine

Ngoài những yếu tố trên, một yếu tố khác làm nên sự thành công của chiến dịch tiêm chủng tại Bhutan chính là vai trò lãnh đạo của Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và các quan chức cấp cao trong chính phủ nước này. Quốc vương Namgyel Wangchuck đã đi thăm các cộng động dân cư sống ở những khu vực xa xôi để giám sát các biện pháp phòng chống dịch. Còn Thủ tướng và Bộ Y tế Bhutan đã dành rất nhiều thời gian cho hoạt động ứng phó quốc gia đối với dịch Covid-19.

Các nhà chính trị Bhutan đã tích cực tiếp xúc với người dân để khắc phục tâm lý do dự tiêm vaccine. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng còn được quảng bá bởi các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội, các đài truyền hình và các diễn viên nổi tiếng.

Không phải quốc gia nào cũng đạt được thành công như của Bhutan. Việc có dân số nhỏ và sự tín nhiệm cao với các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho Bhutan triển khai chiến dịch tiêm chủng một cách thuận lợi.

Thành công của Bhutan là điểm sáng trong khu vực Nam Á, nơi các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh đang phải vật lộn với sự gia tăng của các ca mắc Covid-19 do biến thể Delta. Quốc gia này cũng là hình mẫu cho thấy việc triển khai vaccine nhanh chóng và công bằng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là điểu hoàn toàn khả thi.

 

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)

  •  
Nguồn: http://phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin