Chi tiết tin tức Hội nghị Phật giáo quốc tế tại Kalmykia 09:59:00 - 25/11/2019
(PGNĐ) - Theo tin từ The Buddhist Door, hội nghị quốc tế về Phật giáo với chủ đề “Cách mạng Phật giáo và Di sản Tâm linh của các dân tộc Á Âu: Các truyền thống Truyền miệng và Ghi chép dưới góc độ lịch sử và văn hóa” lần đầu tiên diễn ra tại Cộng hòa Dân chủ Kalmykia trong hai ngày 15, 16-11 qua.
Nhân dịp này, lễ kỷ niệm 420 năm ngày sinh của nhà sư Zaya Pandita Namkhai Jamtso (1599 - 1662), một học giả Phật giáo nổi tiếng người Oriat (Mông Cổ Tây) cũng được tổ chức.
Một trong các mục tiêu chính của hội nghị là thu hút sự chú ý của cộng đồng khoa học ở Nga và nước ngoài về các vấn đề bảo tồn di sản viết của Phật giáo. Diễn đàn khoa học này đóng vai trò quan trọng trong quá trình quyết định tương lai cho sự phát triển của sự tương tác ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa và đa tín ngưỡng ở khu vực châu Á và châu Âu. Tham dự hội nghị có các chuyên gia Phật học và ngôn ngữ học từ các quốc gia như: Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Czech, Đức, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mông Cổ và các vùng khác của nước Nga. Ngài Telo Tulku Rinpoche, đại diện danh dự của Đức Dalai Lama ở Nga, Mông Cổ và Commonwealth đã phát biểu khai mạc hội nghị, có phần trình bày “Các bối cảnh và Sự phát triển của Phật giáo tại Cộng hòa Liên bang Nga và Liên bang Xô Viết cũ”. Qua đó, ngài Telo Tulku nhấn mạnh rằng Phật giáo không chỉ là một tôn giáo mà còn là triết học và khoa học, “Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ và sau đó được giới thiệu đến Tây Tạng, Mông Cổ và Nga. Nga là một trong những quốc gia lớn nhất trên hành tinh này, diện tích trải rộng trên hai châu lục (Á, Âu), đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các truyền thống tâm linh phương Đông và phương Tây cũng như việc bảo vệ nền hòa bình và sự hòa hợp” - theo Chùa Vàng Thích Ca.
Hội nghị được tổ chức bởi chùa Trung tâm Kalmykia, chùa Vàng Thích Ca và Đại học Gorodovikov (thuộc Kalmykia) cùng với sự tham gia của Viện Đông phương học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Hiệp hội người Mông Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Mông Cổ về lịch sử, khảo cổ học, ngôn ngữ, văn học, triết học và Viện Nghiên cứu Mông Cổ (Đại học Quốc gia Mông Cổ). Trong số các diễn giả tại hội nghị có học giả, biên tập viên tạp chí Phật giáo tại Nga Andrey Terentyev (trụ sở phát hành tại St. Petersburg) - người từng thông dịch cho Đức Dalai Lama trong suốt chuyến thăm của ngài đến Kalmykia vào năm 1991, với nội dung thuyết trình: “Phật giáo tại Nga qua các thời kỳ: Hoàng gia, Xô Viết và Hậu Xô Viết”. Các bài thuyết trình đều đóng góp vào việc làm rõ về lịch sử Phật giáo, vai trò lịch sử của văn chương và ngôn ngữ viết Oriat trong phát triển khoa học và giáo dục; đánh giá đóng góp của nhà sư Zaya Pandita đối với di sản văn hóa của người Mông Cổ.
Nhà sư Zaya Pandita Namkhai Jamtso thuộc bộ tộc Khoshut của tộc người Oriat, nhóm người Mông ở cực tây. Bộ tộc Khoshut lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1580 và năm 1620, là bộ tộc mạnh nhất của Oriat, nổi bật với sự truyền bá rộng rãi Phật giáo tại Mông Cổ. Năm 1615, sư Zaya Pandita đến Tây Tạng và thực hành Phật giáo, trải qua nhiều năm tu học ở Lhasa dưới sự hướng dẫn của ngài Lobsang Chokyi Gyaltsen - vị Lạt-ma Panchen thứ 4. Năm 1638, sư rời Tây Tạng thực hiện sứ mệnh truyền bá trường phái Phật giáo Gelug ở Mông Cổ (Oirat, Khalkha) và Kalmykia. Sư là người tạo ra hệ thống chữ viết mới dựa trên bảng chữ cái Mông Cổ truyền thống, được gọi là todo bichig để ký âm ngôn ngữ Oriat và đã dịch 186 bản kinh Phật giáo từ Tạng ngữ sang ngôn ngữ Oriat. Ngôn ngữ Oriat được sử dụng tại Kalmykia cho đến năm 1920 và được thay thế bởi ngôn ngữ ký tự Latin và sau đó là bảng chữ Kirin (Cyrill). Tại Mông Cổ, ngôn ngữ này được thay thế bằng ký tự Kirin vào năm 1941. Trần Trọng Hiếu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |