Chi tiết tin tức

Ngôi chùa gắn với phong trào độc lập của Hàn Quốc

20:53:00 - 20/09/2019
(PGNĐ) -  Năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 100 năm phong trào độc lập của Hàn Quốc. Để đạt được độc lập, hơn 2 triệu người đã tham gia vào các cuộc biểu tình và khoảng 47.000 người bị bắt và bị giam giữ.

Cách đây 100 năm, 33 người đại diện, gồm nhiều thành phần khác nhau, bao gồm các thành viên nổi bật của các tôn giáo cũng như chư Tăng Ni Phật giáo, đã tập hợp và ký Tuyên ngôn Độc lập của Hàn Quốc.

Trong đó, đại biểu đại diện cho Phật giáo là HT.Han Yong-un và TT.Yongseong. Đến nay, HT. Han Yong-un được người Hàn Quốc biết đến rộng rãi nhờ các sáng tác văn học của mình, có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa văn học Hàn Quốc.

6f6007667400421fa21fcee07ab4211a.jpg
Chùa Daegak

TT.Yongseong (1864-1940), người đã sáng lập và đặt nền tảng cho sự hình thành tông phái Tào Khê (Jogye Order), tông phái lớn nhất của Phật giáo Hàn Quốc, từng có trụ sở tại chùa Daegak, nằm ở trung tâm Seoul. Vì thế, Daegak là ngôi chùa gắn với phong trào độc lập của Hàn Quốc.

Nổi bật nhất của chùa Daegak là tòa chánh điện ba tầng độc đáo, gây sự chú ý đối với du khách nước ngoài. Theo nhiều sử gia, 100 năm trước, ngôi chùa này là nơi hoạt động của các chiến binh đòi độc lập cho Hàn Quốc dưới thời cai trị của Nhật Bản, trong giai đoạn 1910 - 1945. TT.Yongseong đã khởi công xây dựng chùa vào năm 1911.

“Vị trí tọa lạc của ngôi chùa từng là một trong 4 cổng chính của thành Seoul xưa. Suốt triều đại Joseon (1392-1910), không có bất cứ một cơ sở Phật giáo nào được xây dựng và hiện diện bên trong thành Seoul vì Nho giáo được nhà nước coi trọng. Đến năm 1907, ngôi chùa đầu tiên được xây trong thành là Jogye, và Daegak là ngôi chùa thứ hai”, TT.Dongbong, vị giáo phẩm trụ trì hiện tại của chùa Daegak kể lại.

“Ngôi chùa được hình thành trong giai đoạn Nhật Bản cố gắng thống trị Hàn Quốc. Chính vì lẽ đó mà chùa trở thành trung tâm của các hoạt động đòi độc lập vào thời điểm đó”.

Đến nay, cổng chùa vẫn còn các bức họa ghi lại lịch sử hình thành chùa, các bức họa về TT.Yongseong. Một vài tác phẩm khác mô tả cảnh chiến đấu của người dân Hàn Quốc chống lại ách thống trị của thực dân Nhật.

Ngoài ra, còn có các bức họa khác là nội dung những bài kinh mà TT.Yongseong dày công dịch sang tiếng Hàn. Dịch thuật là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thượng tọa, giúp cho công cuộc hoằng pháp tại đất Hàn trở nên thuận duyên hơn.

“TT.Yongseong là một trong những vị giáo phẩm Phật giáo đầu tiên dịch kinh điển sang tiếng Hàn để công chúng dễ dàng nghiên cứu Phật học. Trước thời kỳ này, hầu như không có nhiều bản kinh Phật giáo bằng tiếng Hàn. Song song đó, TT.Yongseong cũng tích cực với các hoạt động gây quỹ cho phong trào độc lập bằng việc tự túc nền kinh tế nhà chùa tại Daegak’’, TT.Dongbong chia sẻ thêm.

Trải qua thời gian, ngôi chùa Daegak đã có sự thay đổi cơ bản bởi tòa chánh điện 3 tầng được xây dựng mới vào năm 1985 nhằm đáp ứng nhu cầu học Phật ngày càng cao của tín đồ.

“Tòa đại điện một tầng nguyên thủy không đáp ứng đủ không gian tu tập của Phật tử, nên năm 1985, TT.Hyogyeong, vị trụ trì thời đó, cho xây dựng chánh điện cao ba tầng như hiện nay. Tuy vậy, để giữ gìn các giá trị lịch sử, bảng hiệu, cổng chùa, tường thành vốn được ngài Yongseong tạo dựng từ năm 1911 vẫn được bảo tồn và sử dụng’’, vị trụ trì hiện tại thông tin.

Tên chùa Daegak, được dịch ra nghĩa là Đại Giác (Mahabodhi), hay còn gọi là sự tỉnh thức vĩ đại. 

Hiện nay, chùa Daegak là điểm đến Phật giáo nổi tiếng tại Seoul, thu hút hàng trăm lượt khách nước ngoài tham quan mỗi ngày. 

“Để phát huy các giá trị tích cực của ngôi chùa, chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện chương trình tập sống trong chùa (templestay) để người nước ngoài có thể trải nghiệm nếp sinh hoạt của Phật giáo Hàn Quốc cũng như tìm về các giá trị chuyển hóa của Phật giáo nơi thủ đô Seoul, trái tim của đất nước xứ Kim chi”, TT.Dongbong nói về hướng nhập thế của chùa trong thời gian tới.

TT.Dongbong còn được biết đến là người có công truyền bá Phật giáo Hàn Quốc ở châu Phi. Vào tháng 11-2004, TT.Dongbong đã đặt chân đến Tanzania. Trong chuyến đi này, thầy nhận ra rằng, lục địa này dường như vẫn còn mơ hồ về sinh hoạt Phật giáo. “Rất ít quốc gia tại châu Phi có sinh hoạt Phật giáo và đương nhiên Phật giáo Hàn Quốc hầu như không tồn tại ở Lục địa Đen”, TT.Dongbong nhận xét.

Từ nhận biết thực tế này, ngay sau đó, thầy đã dành 6 năm hiện diện ở châu Phi, tình nguyện hỗ trợ các bệnh nhân sốt rét và thực hiện sứ mệnh hoằng dương Phật pháp tại nơi này.

“Dù biết họ không hiểu nhiều về Phật giáo, song tôi không hướng chủ đích đến việc giảng kinh, mà chỉ làm những công việc hỗ trợ nhân đạo để tinh thần Phật giáo được thấm đẫm một cách tự nhiên”, TT.Dongbong tâm sự.

Cùng với đó là các hoạt động phát triển giáo dục và nhận thức, bởi TT.Dongbong tin rằng triết lý Phật giáo cũng là một nền giáo dục lớn hướng đến hoàn thiện nhân cách. Đó là lý do thầy thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nông nghiệp Borigaram tại làng Mwasonga, cách thành phố lớn nhất của Tanzania, TP.Dar es Salaam, khoảng 3 giờ đồng hồ đi xe hơi.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Nông nghiệp Borigaram bắt đầu xây dựng vào năm 2013 và hiện được điều hành bởi thiền phái Tào Khê. Ngoài ra, tiếp nối công việc của tiền nhân, TT.Dongbong cũng tham gia viết sách và đã xuất bản hơn 60 đầu sách khác nhau.

Các tác phẩm của TT.Dongbong thường kết hợp giữa tư tưởng Phật giáo với vật lý thiên văn, cơ học lượng tử và sinh học. 

Tâm Nhiên 
(theo The Korea Times)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin