Chi tiết tin tức

Nỗ lực bảo tồn nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng

22:04:00 - 28/06/2020
(PGNĐ) -  Dự án phi lợi nhuận quốc tế “84000: Translating the Words of the Buddha” (84000: Biên dịch Những lời dạy của Đức Phật; gọi tắt là Dự án 84000) do tu sĩ người Tây Tạng Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche sáng lập vào năm 2009.

Sau 10 năm hoạt động, dự án đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng trong các lĩnh vực như trao tặng học bổng Phật học, biên dịch và bảo tồn kinh điển Phật giáo Tây Tạng.

1a.jpg
Hơn 230 dịch giả tham gia dự án đến từ nhiều nơi trên thế giới

 

 

Cách đây 10 năm, Dự án 84000 (tên gọi được đặt dựa trên số lượng bài pháp Đức Phật đã thuyết khi Ngài còn tại thế và của các vị Tôn giả - theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng) đã khởi sự với những bước đi đầu tiên trên con đường dài và nhiều khó khăn bằng công trình dịch thuật, xuất bản toàn bộ hệ thống kinh điển Phật giáo từ cổ ngữ Tây Tạng sang tiếng Anh (và sau đó là các ngôn ngữ hiện đại khác). Đây cũng được xem là kho tàng văn học vô giá chứa đựng nguồn trí tuệ to lớn, có nguy cơ biến mất khỏi nền văn học và tri thức của thế giới theo thời gian. 

 

Cho đến nay, chưa đến 5% số lượng và nội dung kinh điển Phật giáo Tây Tạng được dịch sang ngôn ngữ hiện hành, dẫn đến nhiều hạn chế trong tiếp cận và hiểu biết của cộng đồng thế giới về Phật giáo và văn hóa Tây Tạng. Mặt khác, số lượng các học giả uyên bác trong lĩnh vực này tại Tây Tạng cũng ngày càng hiếm hoi. Do vậy, thế giới có nguy cơ mất đi một di sản văn hóa, tâm linh và trí tuệ độc đáo thuộc vùng Đông bắc Hy Mã Lạp Sơn này - theo thông tin từ 84000.co.

 

Các thành viên của dự án đều có niềm đam mê mạnh mẽ với ngôn ngữ và văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Và sự lao động học thuật miệt mài của họ chính là hành động thiết thực, cụ thể nhất trong nỗ lực bảo tồn nguồn di sản quý giá này. Theo đó, Dự án 84000 đặt ra mục tiêu biên dịch dài hơi là hoàn thành 70.000 trang kinh Kangyur (gồm những lời dạy của Đức Phật) trong thời gian 25 năm và 161.800 trang luận Phật giáo trong 100 năm. 

 

“10 năm qua chính là sự thể nghiệm, phép thử về một tầm nhìn mới nhiều thử thách đối với chúng tôi. Với niềm tôn kính dành cho truyền thống dịch thuật, dành cho chư vị Pháp sư, các bậc tiền bối hữu công và những tiền lệ mẫu mực được truyền thừa từ nhiều thế kỷ qua - những yếu tố góp phần quan trọng cho sự tồn tại của di sản này đến ngày hôm nay, chúng tôi cảm thấy tự tin vì 84000 đang bước đầu thành công trong nỗ lực không mệt mỏi nhằm bảo tồn và mở rộng cánh cửa tiếp cận hệ thống Kinh tạng Phật giáo Tây Tạng cho toàn thế giới” - chia sẻ của Huang Jing Rui, Giám đốc điều hành 84000 trong dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động của dự án.

 

Trong thời gian qua, Dự án 84000 đã xử lý hơn 30% khối lượng kinh điển của 4 truyền thống Phật giáo lớn ở Tây Tạng. Và các dịch giả đã hoàn tất 19.054 trang kinh trong tổng số 70.000 trang cần chuyển ngữ và số trang kinh đang trong quá trình biên dịch là 15.985 trang. Đội ngũ dịch giả gồm hơn 230 chuyên gia, chia thành 43 nhóm đến từ nhiều nơi trên thế giới như: Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng - theo 84000.co.  

 

“Số lượng học giả am tường cổ ngữ Tây Tạng, được đào tạo bài bản và có sự thông hiểu triết lý Phật giáo ở nước này ngày càng mai một nhanh chóng. Nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ, nền tri thức này sẽ vĩnh viễn biến mất, sẽ mãi bị chôn vùi trong những dòng cổ ngữ.

 

Có thể nói, công trình biên dịch này mang ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại của Phật pháp ở Tây Tạng. Thông qua việc chuyển ngữ và làm cho kinh điển Phật giáo dễ dàng tiếp cận với cộng đồng, nền văn hóa Phật giáo có thể tránh được sự hủy diệt theo thời gian” - chia sẻ của Dzongsar Khyentse Rinpoche, người sáng lập dự án.

 

Vì ý nghĩa to lớn đối với các thế hệ người Tây Tạng tương lai, dự án đã nhận được sự hỗ trợ tài chính dành cho các dịch giả từ hơn 100 tổ chức và hàng ngàn cá nhân. Kể từ khi ra đời, dự án đã nhận được ngân sách tài trợ hơn 6 triệu USD từ các nguồn tài trợ ở khắp nơi trên thế giới; trong đó có các học giả, viện học thuật ở Tây Tạng và các nơi như Đại học California ở Santa Barbara (Hoa Kỳ), Đại học Oxford (Vương quốc Anh), Đại học Vienna (Austria), Viện Phật học Quốc tế Rangjung Yeshe (Nepal). 

 

84000 vừa đảm trách việc dịch thuật vừa là nhà xuất bản online. Để người quan tâm Phật pháp có cơ hội tiếp cận những sản phẩm dịch thuật Phật học chất lượng cao, các bản dịch hoàn chỉnh sẽ có mặt hoàn toàn miễn phí tại Thư viện online “Reading Room” trên website của dự án. 

 

Ngoài 84000 với mục đích truyền lưu Phật pháp ở Tây Tạng, người sáng lập dự án này còn thành lập và vận hành nhiều dự án cộng đồng khác như quỹ Khyentse, quỹ Siddhartha để lan tỏa Chánh pháp và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, thực hành Phật pháp; tổ chức Lotus Outreach chuyên giúp đỡ người dân và Hội Lhomon với mục tiêu chính là thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước Phật giáo Bhutan thông qua giáo dục.

 

Đăng Minh

(theo The Buddhist Door, 84000.co)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin