Chi tiết tin tức

Phật tử trên thế giới đều thuộc một đại gia đình

22:16:00 - 04/05/2024
(PGNĐ) -  Phật giáo được truyền bá đi qua nhiều xứ sở và nền văn hóa khác nhau, vì vậy, tiếp biến để phát triển là điều không thể tránh khỏi. Tuy có khác nhau về mặt biểu hiện, nhưng các truyền thống sau này đều mang trong mình bản chất thực sự và nguyên sơ của Phật giáo.

Hay nói cách khác, những người Phật tử thực hành theo các truyền thống đều thuộc một đại gia đình tâm linh chánh pháp. Dưới đây, Anam Thubten Rinpoche cũng đã chia sẻ một vài quan điểm về vấn đề này.

Trong lịch sử, xã hội loài người cũng đã tạo ra những giá trị về văn hóa, truyền thống và các ngôn ngữ khác nhau. Trong đó, tôn giáo cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc thiết lập nên cộng đồng. Những chân lý nổi bật của các tôn giáo chủ trương đã có thể vượt ra ngoài ranh giới của thời gian, văn hóa hay quốc gia, nhưng một tôn giáo cũng có thể trở thành một gia tài văn hóa phong phú và nhân văn, được một hay một nhóm người nhất định tạo ra trong khoảng thời gian cụ thể cùng với những triết lý, nghệ thuật và nghi lễ riêng.

Anam Thubten Rinpoche

Anam Thubten Rinpoche

Đây cũng là lý do tại sao những người tôn thờ một vị giáo chủ lại cảm thấy rằng có điều gì đó thiêng liêng đã liên kết họ với nhau. Họ sẽ cảm thấy rằng họ có thể giao tiếp với nhau không những ở cấp độ thế tục mà cả ở cấp độ tâm linh. Vì vậy, mọi người thường sẽ kết bạn và kết hôn với những người có cùng hệ tư tưởng tôn giáo, bởi họ có thể tin tưởng lẫn nhau và có chung quan điểm về những giá trị trong cuộc sống.

Những thói quen như vậy vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, ngoại trừ các quốc gia phương Tây và một số khu vực của châu Á. Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều tôn giáo nhất trong các quốc gia phát triển, nhưng gần đây, số lượng những người không theo tôn giáo đã tăng theo cấp số nhân. 

Nếu bạn sống ở các thị trấn ven biển California, nơi trú ngụ của những người theo chủ nghĩa tự do, bạn sẽ thường xuyên gặp những người không theo đạo. Họ không quan tâm bạn tôn thờ ai hay chủ trương điều gì, hay có thể họ quan tâm đến quan điểm chính trị của bạn nhiều hơn là niềm tin tôn giáo mà bạn đang theo đuổi. Ở đây, việc bắt gặp một gia đình có cha theo đạo Thiên Chúa, mẹ không theo tôn giáo và con cái đang thực hành yoga hay Phật giáo là điều hết sức bình thường. Mặc dù vậy, họ vẫn có thể cùng nhau đón Giáng sinh mà không có bất cứ xung đột nào.

Ở phương Đông, mọi người có xu hướng tham gia một cộng đồng hoặc kết bạn với những người ở cùng tôn giáo hoặc chủng tộc. Điều đó có thể mang lại sự ổn định và hài hòa cho xã hội, và cũng có thể là nền tảng hạnh phúc của nhiều người. Cuối cùng, chúng ta nên hướng đến một chủ nghĩa đa văn hóa và xã hội đa nguyên, trong đó mọi người đều được tôn trọng và đối xử bình đẳng dựa trên nền tảng hiểu biết về sự đồng nhất của vạn vật. 

Những nơi như vùng vịnh San Francisco cho tôi thấy được hy vọng rằng tầm nhìn đó có thể trở thành hiện thực. Nếu đến đó, bạn sẽ thấy nhiều người từ những tôn giáo và chủng tộc khác nhau cùng làm việc và ăn uống với nhau. Có thể điều này không đặc biệt lắm đối với những người phương Tây. Chủ nghĩa tự do đa văn hóa thực sự rất thú vị và truyền cảm hứng nếu bạn so sánh nó với những nơi khác trên thế giới, nơi mà mọi người căm ghét và tiêu diệt lẫn nhau vì sự khác biệt về tôn giáo và chủng tộc.

Bản thân tôi lớn lên cùng với Phật giáo, một tôn giáo không chủ trương hữu thần và vị chủng. Phật giáo được phát triển dựa trên những lời dạy của Đức Phật, những điều được nhiều người xem như là môn khoa học về tâm thức. Hiện tại, tôi đang đến Thái Lan để chia sẻ pháp cho một số người Phật tử Thái. Đây là một đất nước Phật giáo mà hầu hết Phật tử trên thế giới đều biết đến. 

Tuy nhiên, ngay cả khi là người Tây Tạng, một Phật tử vùng Himalaya, không thể nói được tiếng Thái, nhưng tôi vẫn cảm thấy như đang ở nhà ngay chính nơi đất khách. Tôi không cảm thấy mình phải đọc một cuốn sách nào về những điều “nên và không nên làm” để tuân thủ các nguyên tắc văn hóa. Việc nhìn thấy các nhà sư và chùa chiền mang lại cho tôi một cảm giác thoải mái và quen thuộc. Tôi có thể đến bất kỳ ngôi chùa nào ở đây để lạy Phật và tụng một lời cầu nguyện mà có thể người ở xứ sở thấy không phù hợp. Nó đem lại cho tôi cảm giác giống như đang ở trong một ngôi chùa ở Tây Tạng hay Hàn Quốc. Tôi cảm thấy rằng tất cả chúng ta đều là đệ tử của một vị thầy tâm linh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Phật giáo không phải là một truyền thống giáo điều. Dựa vào những những chân lý sẵn có, Phật giáo luôn tiếp biến và phát triển để đáp ứng nhu cầu tinh thần của một dân tộc nhất định. Đây cũng là lý do tại sao các hình thức và cách thể hiện của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền có thể rất khác nhau. Giống như nhiều nhánh cây mọc ra từ một cây Bồ-đề khổng lồ, tất cả những truyền thống Phật giáo này đều bắt nguồn từ những lời dạy cao quý của Đức Phật. 

Ví dụ, tất cả các truyền thống đều giảng dạy về Tứ diệu đế và không có những bất đồng cơ bản về triết học mặc dù cũng có những giáo lý riêng biệt của mỗi truyền thống. Vì vậy, nhiều bậc thầy vĩ đại đã trở thành cầu nối giữa các truyền thống Phật giáo, kết hợp trí tuệ và tinh hoa của nhiều dòng truyền thừa khác nhau. Tình trạng này đang trở nên phổ biến ở phương Tây, nơi mọi người ít cởi mở và ít giáo điều hơn. Ngoài ra, ngày càng có nhiều sự tương tác giữa các nhóm Phật tử với nhau, những cuộc gặp gỡ lại diễn ra thường xuyên hơn bao giờ hết khi thế giới tiếp tục thu hẹp dần dần.

Điều quan trọng là chúng ta phải nhớ rằng các truyền thống Phật giáo này đều thuộc cùng một gia đình tâm linh, bất kể sự khác biệt đôi chút trong hình thức; vì vậy, chúng ta phải tôn trọng truyền thống của nhau. Một số cá nhân cho rằng phiên bản Phật giáo của họ là pháp “chân chính” duy nhất, nhưng đó là một quan điểm sai lầm. Bản thân tôi luôn xem tất cả các truyền thống đều là Pháp, và không phản đối việc đến thăm một ngôi chùa Thái Lan để thuyết pháp và cúng dường cho các nhà sư tại đây.

Chúng ta nên xem xét tất cả các Phật tử đến từ những truyền thống Phật giáo khác nhau như những người pháp lữ cùng đi theo bước chân của Đức Phật. Chúng ta đều có một tâm hồn đồng điệu, nói cùng một ngôn ngữ tâm linh thiêng liêng và thực hành những lời dạy của Đức Phật Gautama. Thái độ này sẽ nuôi dưỡng sự đồng cảm và gần gũi giữa khoảng 500 triệu Phật tử toàn cầu, từ đó sẽ có tác động tích cực đến hòa bình thế giới.

Hòa bình thế giới không chỉ đơn thuần là không có chiến tranh, mà là khi mỗi người chúng ta thực sự tôn trọng mọi người, bất kể tôn giáo hay chủng tộc. Vì vậy, những ai mong mỏi hòa bình nên cố gắng cảm nhận sự gần gũi và đồng cảm của toàn thế nhân loại. Nếu tất cả chúng ta đều giữ trong tâm mình những suy nghĩ bình an như vậy thì nhiều tai ương và thảm họa trên thế giới này sẽ biến mất. 

Tâm Tuệ lược dịch

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin