Chi tiết tin tức

Đưa Phật giáo vào phương Tây

22:09:00 - 24/03/2024
(PGNĐ) -  Hiện nay, nhịp đập tâm linh của nước Mỹ đang dần thay đổi, người Tây phương dường như đã tiếp xúc với cội nguồn tâm thức của họ nhiều hơn bao giờ hết.

Một buổi nghe pháp thoại của người phương Tây

Các học giả đã viết sách về giáo lý của Đức Phật trong nhiều thập kỷ, và kết quả là ngày càng nhiều người bị phương pháp thực hành này thu hút. 

Những quan niệm sai lầm về Phật giáo ở phương Tây

Có rất nhiều yếu tố khiến Phật giáo phải gánh chịu những hiểu lầm trong thế giới phương Tây. Nếu không có sự tiếp biến về văn hóa, thì Phật giáo không thể bén rễ ở môi trường xem trọng chủ nghĩa vật chất, tính thực nghiệm và cái tôi của mỗi người. Chùa Dharma Bum ở San Diego, California là một ví dụ điển hình cho sự thích nghi của Phật giáo với nhu cầu và tư duy của người phương Tây. 

Đọc một cuốn sách về tư tưởng Phật giáo có thể được xem là sự tiếp cận ban đầu với sự thực hành, nhưng khi Phật giáo đi vào thế giới phương Tây, các nhà sư phải đối mặt với vô số trở ngại do thế giới quan phương Tây đã định hình cuộc sống của con người nơi đây. Trước tiên, họ thường nhận thấy các khía cạnh về văn hóa và truyền thống của Phật giáo thật xa lạ; sự đứt gãy kết nối này đã phác thảo nên một cuộc đấu tranh văn hóa ban đầu khi Phật giáo đến phương Tây. 

Các phương thức như cúi đầu và tụng kinh bằng một ngôn ngữ xa lạ đã trở thành vấn đề khó khăn đối với hầu hết những người phương Tây, mặc dù nhiều người cũng cảm thấy thú vị và họ cũng thử cố gắng để làm quen với điều đó. Kết quả là nhiều không gian Phật giáo ở phương Tây có “cánh cửa quay vòng” đối với du khách, họ bước vào một ngôi chùa, xem phương thức thực hành và không bao giờ quay trở lại nữa.

Vì vậy, nếu các ngôi chùa Phật giáo phương Tây muốn thu hút người Mỹ, muốn họ tiếp xúc sâu sắc với Phật giáo thì phải bắt đầu với giáo lý và sau đó từ từ giới thiệu nghi lễ cho họ nếu họ quan tâm.

Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của chùa Dharma Bum, Jeffrey Zlotnik, đã nhận ra mô-típ này trong các không gian Phật giáo ở phương Tây. Ông bắt đầu khám phá ra phương pháp này vào năm 2003, kết quả là ông đã định hình và cấu trúc lại các chương trình khác nhau của chùa Dharma Bum để mọi người không cảm thấy sợ hãi hay lạ lẫm khi bước vào không gian. 

Ví dụ, các nghi lễ văn hóa không còn quá quan trọng nữa, mà tại đây, bất kỳ ai cũng có thể tham gia một buổi pháp thoại. Các vị hướng dẫn tâm linh tại chùa Dharma Bum nhận ra rằng nếu mọi người muốn hiểu về Phật giáo, thì trước hết họ phải bắt đầu hiểu nó từ lĩnh vực văn hóa địa phương của họ; vì vậy, việc trình bày tư tưởng và các phương pháp thực hành Phật giáo thông qua lăng kính phi nghi lễ là cách mà ngôi chùa giới thiệu Phật giáo cho người phương Tây. 

Khi một người Mỹ tò mò nhưng lạ lẫm bước vào một không gian Phật giáo, trong lòng họ có rất nhiều rối rắm và âu lo đã tích lũy trong nhiều năm qua, họ muốn tìm kiếm lối thoát ra khỏi mớ hỗn độn đó. Vì vậy, mối quan tâm của họ đối với việc thực hành Phật giáo bắt nguồn từ những mong muốn quên đi những vấn đề trong quá khứ của họ. Đây là một thách thức vô cùng gay cấn, vượt xa hơn cả sự mất kết nối về văn hóa, vì thực hành Phật giáo thực sự không thể thoát khỏi cuộc đấu tranh nội tâm. Quan niệm sai lầm phổ biến này bắt nguồn từ quan điểm của người Mỹ về thiền Phật giáo.

Thiền thực sự có nghĩa là gì?

Trong văn hóa và truyền thông Mỹ, thiền thường được hiểu như một trải nghiệm yên bình và vui vẻ, nơi tâm thức có thể dễ dàng được “bật-tắt”. Người ta có thể tưởng tượng một người đang lo lắng ngồi im trong hai mươi phút, sau đó xả thiền với một tâm trí hoàn toàn minh mẫn, thấy rõ cách giải quyết vấn đề của họ. Sau khi bị ảnh hưởng bởi những quan điểm như vậy, người ta có thể bước vào một ngôi chùa với niềm tin rằng họ sẽ đạt được sự bình an và minh mẫn. Chính vì niềm tin sai lầm đó, nên khi thử thực hành thiền lần đầu tiên, người Mỹ thường thất vọng với kết quả và không hài lòng khi nhận ra rằng thiền thường khó khăn và không phải lúc nào cũng yên bình.

Khi phát hiện ra rằng thiền không phải lúc nào cũng là những trải nghiệm nhẹ nhàng, một người học viên mới sẽ thắc mắc: “Nếu mục tiêu của thiền không phải là sự an tâm thì là gì?”. Mặc dù có rất nhiều phương pháp thiền từ nhiều truyền thống khác nhau trên thế giới, nhưng mục tiêu lại không phải là hoàn toàn đóng cửa tâm trí. Thay vào đó, trong trạng thái thiền, tâm có thể nhận thức được khoảnh khắc hiện tại, ngay cả khi nó chứa đựng những cảm xúc khó chịu.

Việc thực hành thiền chỉ đơn giản là học cách phản ứng với những điều kiện đó theo kiểu nhận biết, tĩnh lặng, quan sát trong yên bình. Mặc dù các thiền sinh thường không thể thay đổi hoàn cảnh khó chịu bên ngoài, nhưng thông qua thiền, họ cũng có thể điều chỉnh cách họ phản ứng trong khi ngồi xuống và theo dõi hơi thở. Tuy nhiên, trước khi làm được điều này, các thiền sinh phải nhận ra một sự thật rằng một khi họ ngưng mong đợi cảm giác mới mẻ khi xả thiền, thì công phu thiền định của họ mới bắt đầu gặt hái được những thành tựu đầu tiên.

Mọi người có xu hướng muốn chôn vùi nỗi đau và sử dụng Phật giáo như một miếng băng gạc để che đậy những vết thương trước đó của họ. Nhiều tôn giáo ở phương Tây cũng hoạt động theo cách này. Các tôn giáo đó lấy niềm tin làm trung tâm và các tín đồ phải dựa dẫm vào đức tin để cứu vớt cuộc đời họ. Nhưng khi làm như vậy, họ lại vô tình đặt trách nhiệm cuộc sống của họ ở nơi khác, thường là vào tay một đấng có quyền năng cao hơn. Vì vậy, khi bước vào một ngôi chùa Phật giáo, nhiều người cũng mong mình sẽ được hướng dẫn tương tự như trên. Tuy nhiên, đây lại là điều không thể xảy ra trong Phật giáo. Bởi thực hành Phật giáo đòi hỏi học viên phải khám phá sâu những vết thương trong quá khứ và hiện tại gây ra khổ đau để thấu hiểu và chuyển hóa chúng.

Hơn thế nữa, các học viên còn lạm dụng giáo lý trong một số trường hợp. Nếu một người mong muốn học Phật pháp để tìm ra lỗi sai và chỉnh sửa chúng, họ thậm chí không sẵn sàng ngồi xuống và nhìn nhận nỗi đau của họ thì kiến thức thuần túy sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cho họ cả. 

Ví dụ, chùa Dharma Bum đã tổ chức giảng dạy giáo lý hai lần một tuần, tại đây, các thành viên của cộng đồng có cơ hội tụ họp với nhau, thiền định, và học hỏi. Lớp học thường kết thúc bằng một cuộc vấn đáp với Zlotnik, anh thường thích mọi người đặt câu hỏi về thiền tập, thực hành, triết học hoặc bất cứ điều gì có trong tâm trí họ. Thông thường, phần lớn các câu hỏi sẽ là làm thế nào để các trạng thái tiêu cực biến mất, và sau đó là một câu trả lời đơn giản đủ để soi sáng cho người hỏi ngay lúc đó.

Ngoài ra, chùa Dharma Bum cũng có những vị khách định kỳ, họ là những người cảm thấy sẵn sàng để “chuyển sang” giáo lý trung cấp sau khi tham gia lớp học “Giới thiệu về Phật giáo” một vài lần. Mong muốn hiểu biết nhiều hơn này đã phản ánh khát khao của phương Tây, đặc biệt là khi nói đến kiến thức và địa vị xã hội. Những người này thường có xu hướng tập trung vào những suy nghĩ của họ về Phật giáo hơn là áp dụng chúng vào hành động của họ. Ví dụ, ngôi chùa đã có những vị khách tuyên bố rằng họ đã biết Tứ diệu đế và sẵn sàng biết thêm những giáo lý khác nữa. “Biết” ở đây có nghĩa là họ có thể đọc thuộc lòng Tứ diệu đế một cách trọn vẹn.

Do đó, mong muốn biết nhiều hơn chỉ là có thể đọc thuộc lòng và chứng minh kiến thức trí tuệ của họ về tư tưởng Phật giáo cho người khác. Những người này không thể nhận ra rằng nếu họ thực sự hiểu được chân lý, thì họ sẽ phải có một hiểu biết đầy đủ, toàn diện và có khả năng vượt qua khổ đau. Họ cũng sẽ hiểu về nguồn gốc và sức nặng của khổ đau, thực hành Bát chánh đạo hàng ngày. Nếu đúng như vậy, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn với sự phát triển cá nhân của mình. 

Phổ Tịnh lược dịch

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin