Chi tiết tin tức Triển lãm nghệ thuật truyền thống và hiện đại ở Kathmandu 22:19:00 - 16/02/2024
(PGNĐ) - Kathmandu đang mở cánh cửa nghệ thuật của Nepal ra thế giới thông qua triển lãm nghệ thuật hiện đại đầu tiên, nơi trưng bày hơn 100 tác phẩm của 80 nghệ sĩ theo phong cách truyền thống và hiện đại.
Một góc của triển lãm Với chủ đề: “Kathmandu Art Biennale: Spiritual Edition”, cuộc triển lãm đang được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Nepal (MoNA) ở trung tâm thủ đô Nepal. Sự kiện chính thức khai mạc vào ngày 18-1, với tiệc chiêu đãi các đại biểu quốc tế từ giới nghệ thuật, học thuật và Phật giáo cũng như các vị đại sứ ở Kathmandu. Phó thị trưởng Kathmandu, bà Sunita Dangol, cũng đến tham quan sự kiện kéo dài đến ngày 18-4 này. MoNA nằm trong khuôn viên đẹp như tranh vẽ của Kathmandu Guest House (KGH), một trong những khách sạn lớn nhất và nổi tiếng nhất ở trung tâm Thamel, khu giải trí, nhà hàng, thương mại và văn hóa nổi tiếng của Kathmandu. Đây là sự kiện nghệ thuật do tư nhân tài trợ đầu tiên ở quốc gia Himalaya, và không giống như các bảo tàng và phòng trưng bày do chính phủ tài trợ, cuộc triển lãm này nhằm mục đích kết hợp nghệ thuật hiện đại và truyền thống trong cuộc đối thoại giữa các nghệ sĩ Nepal.
Sự trưng bày được tổ chức ở hai khu vực riêng biệt ở KGH: tại MoNA, một bảo tàng có tầng hầm rộng rãi, và Nhà nghệ thuật Kathmandu, nơi các nghệ sĩ chọn lọc và đặt tác phẩm trong các phòng riêng biệt. MoNA đang đi tiên phong trong việc quảng bá nghệ thuật ở Kathmandu, tận dụng tài năng và sự sáng tạo nổi bật của các nghệ sĩ địa phương cho mục đích giáo dục không chỉ cộng đồng toàn cầu mà còn cả công chúng Nepal về di sản nghệ thuật và sự phong phú của đất nước, trong đó có cả những tác phẩm Phật giáo độc đáo. Giám đốc sáng lập của MoNA, ông Rajan Sakya, hy vọng rằng du khách sẽ đánh giá cao tài năng của các nghệ sĩ Nepal: “Tình yêu nghệ thuật của tôi xuất phát từ tình yêu của tôi dành cho các nghệ sĩ, bởi vì họ là những người tạo ra những điều tốt đẹp trong thế giới của chúng ta”. Ông cũng nói rằng tâm linh là chủ đề phù hợp cho buổi triển lãm khai mạc vì bản thân nghệ thuật là một công việc tâm linh; hơn thế nữa, Kathmandu và Nepal luôn gắn liền với những vấn đề tâm linh trong suy nghĩ của quần chúng. Ông nhấn mạnh: “Khi bạn cống hiến cuộc đời mình cho một điều gì đó ngoài bản thân bạn để mang lại sự tốt đẹp hơn cho cộng đồng và nhân loại thì đó chính là tâm linh”.
Việc giám tuyển do Ursula Manandhar, người đứng đầu tại MoNA, sắp xếp và quản lý. Cô nói: “Trong cõi thiêng liêng này, cuộc sống hàng ngày của chúng ta thường bị ngăn che và không thể kết nối với phần tâm thức sâu thẳm bên trong mình. ‘Kathmandu Art Biennale’ đóng vai trò như một cửa ngõ, mời gọi chúng ta khám phá lại bản chất tinh thần của bản thân thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đầy màu sắc”. Giám đốc MoNA Shaguni Singh Sakya, một chuyên gia về nghệ thuật Nepal, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng ngay cả nghệ thuật đương đại của Nepal cũng dựa trên những nguồn tài nguyên tinh thần phong phú, từ hình tượng Ấn Độ giáo và các yếu tố văn hóa dân gian cho đến các nhân vật Phật giáo được quần chúng tôn thờ như Tara, Dipankara và Văn Thù Sư Lợi. Cô hy vọng rằng với tư cách là cuộc triển lãm đầu tiên theo hình thức này, “Kathmandu Art Biennale” có thể đóng vai trò là bước đệm nền tảng cho các cuộc thảo luận sâu sắc hơn về lịch sử nghệ thuật Nepal, phân tích phê bình cũng như cách xã hội này ảnh hưởng đến việc phát triển nghệ thuật của quốc gia. Trọng tâm của cuộc triển lãm là câu hỏi mà Sakya và nhóm của ông hy vọng đặt ra cho mọi người: tâm linh, đặc biệt là Phật giáo, có ý nghĩa gì đối với cá nhân mỗi người? Họ là người thưởng thức nghệ thuật, công dân Nepal hay du khách nước ngoài đến Kathmandu? Đây là những câu hỏi cực kỳ riêng tư nhưng nhóm MoNA hy vọng rằng các nghệ sĩ nổi tiếng của Nepal có thể giúp gợi ý những câu trả lời cho quần chúng thông qua những tác phẩm mang tính gợi mở tâm thức của họ. Phổ Tịnh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |