Chi tiết tin tức Trung Quốc: Đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 27 của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới 11:19:00 - 12/10/2014
(PGNĐ) - Hội nghị lần thứ 27 của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới sẽ được tổ chức tại thành phố Bảo Kê, phía tây tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Hội nghị diễn ra từ ngày 16 đến 19-10.
Chùa Pháp Môn, nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc hội nghị Trung Quốc có hơn 300 triệu tín đồ Phật giáo, với hơn 20.000 ngôi chùa và khoảng 200.000 tăng sĩ. Trung Quốc là quốc gia có số lượng Phật tử lớn nhất trên thế giới, nhưng lại có rất ít thông tin về việc tu học Phật pháp. Có một sự thay đổi khi Trung Quốc nắm bắt cơ hội để cho thế giới biết về sự mạnh mẽ của mình trong nỗ lực thúc đẩy tự do tôn giáo khi tổ chức hội nghị Phật giáo lần này. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đăng cai tổ chức hội nghị của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới. Lễ khai mạc và bế mạc của hội nghị sẽ được tổ chức tại chùa Pháp Môn, Thiểm Tây. Chùa Pháp Môn là ngôi chùa có 1.800 tuổi, cách khoảng 90km về phía tây của thành phố Bảo Kê. Ngôi chùa Pháp Môn là một cột mốc đánh dấu sự truyền bá của Phật giáo từ Ấn Độ đến Trung Quốc hơn 1.800 năm trước đây. Bảo Kê là một trong những nơi đầu tiên tiếp nhận Phật giáo khi Phật giáo được truyền bá vào Trung Quốc, trước khi Phật giáo được truyền rộng và trở nên hưng thịnh ở những khu vực khác của Trung Quốc và các nước láng giềng. Ngôi chùa Pháp Môn đã phát triển mạnh, đặc biệt là sau khi một cái tráp bằng vàng chứa xá lợi xương ngón tay của Đức Phật được khai quật lên từ dưới lòng đất bên trong ngôi chùa. Hội nghị của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới lần này có chủ đề là “Phật giáo: Lợi ích cộng đồng và từ thiện”. Thông qua chủ đề này, Hội Ái hữu Phật tử Thế giới hy vọng sẽ làm tăng thêm sự hấp dẫn của Phật giáo trên thế giới. Ông Zhan Lin, Phó Tổng thư ký của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, cho biết: Chủ đề của hội nghị năm nay được đưa ra như thế để xác nhận rằng, Phật giáo là một tôn giáo của hòa bình và từ bi. Những lời dạy của đức Phật đều hướng đến việc chấm dứt những khổ đau của nhân loại, mang lại cho mọi người sự bình an nội tâm và soi sáng thế giới. “Giáo lý đạo Phật cung cấp một phương thức để chấm dứt khổ đau trong chính chúng ta và dạy cho mọi người cách thể hiện lòng từ bi đối với người khác, giúp đỡ những người khốn khó, bất hạnh”, ông Lin nói. Ông cho biết, giáo lý đạo Phật đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau, như là: tiếng Pali, tiếng Phạn, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Việt… tất cả đều cùng chung một mục đích là đem lại cho người dân ở các quốc gia khác nhau một cơ hội lớn để nghiên cứu và thực hành những lời dạy trí tuệ của đức Phật, những lời dạy hướng mọi người đến sự bình an nội tâm và sự giác ngộ. Ông Lin còn cho biết, hội nghị lần này được sự hỗ trợ của chính quyền trung ương và địa phương cũng như nhân dân Trung Quốc và những đơn vị tư nhân ở Trung Quốc. Hội nghị lần này sẽ thể hiện cho thế giới biết đến tấm lòng từ bi của những người con Phật và điều này sẽ góp phần vào việc truyền bá đạo Phật. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 30-7, ông Phallop Thaiarry, Tổng thư ký của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với chính phủ Trung Quốc và Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc trong những nỗ lực lớn để tổ chức hội nghị. “Chủ đề của hội nghị lần này phù hợp với công tác truyền bá Phật giáo và tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo để giúp các đỡ nạn nhân thiên tai, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo”, ông Phallop nói. Ông Phallop tin rằng, hội nghị lần này sẽ thành công tốt đẹp, mặc dù đây là lần đầu tiên Trung Quốc đăng cai tổ chức. Ông hy vọng, hơn 600 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới sẽ đến tham dự hội nghị. Trung Quốc không còn xa lạ với Phật giáo quốc tế. Phật giáo Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Hội Ái hữu Phật tử Thế giới vào năm 1950. Trụ sở chính của Hội Ái hữu Phật tử Thế giới là ở Bangkok. Những người con Phật ở khắp nơi trên thế giới đang hy vọng sẽ rút ra nhiều bài học giá trị và có được nguồn cảm hứng từ hội nghị lần này, và họ cũng hy vọng sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những quan điểm của Trung Quốc về tôn giáo cho sự tiến bộ của Phật giáo ở đất nước mình. Minh Nguyên (Theo Bangkok Post) Nguồn: Báo Giác Ngộ, số 765
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |