Chi tiết tin tức Mấy suy nghĩ về hoằng pháp từ một chương trình đào tạo 15:49:00 - 09/10/2022
(PGNĐ) - Có thể khẳng định, một trong những phương diện quan trọng của Phật pháp là công cuộc hoằng pháp. Điều cốt yếu này vẫn hằng tồn, phát triển cùng với dòng chảy Phật pháp. Hoạt động thường nhiên đó phải luôn được vun bồi thêm, thúc đẩy thêm mãi…
Việc triển khai “Đào tạo cao cấp Giảng sư khu vực phía Bắc” là sự cộng lực cho công cuộc hoằng pháp vô cùng ý nghĩa của Phật giáo nước nhà. Nói vậy bởi, đào tạo Giảng sư đã thành tựu được 10 khóa tại phía Nam. Quý Tăng, Ni sau khi tốt nghiệp đã có những đóng góp nhất định cho việc hoằng dương chánh pháp trên nhiều phương diện. Nhưng một thực tế hiển hiện là vô vàn khoảng trống, thiếu hụt do khoảng cách không gian và đặc thù văn hóa, phong tục… chưa được lấp đầy. Đối với lịch sử đào tạo hoằng pháp nước nhà, chương trình đào tạo Giảng sư phía Bắc “đi sau” nhưng lại có nhiều lợi thế và vì thế, chắc chắn sẽ tô đẹp thêm cho Phật giáo Việt Nam. Từ góc nhìn cá nhân và thực tế bản thân đã được may mắn tham gia góp ý cho chương trình đào tạo cũng như trực tiếp chia sẻ với quý giảng sinh hai môn học, tác giả vui mừng cho tương lai hoằng pháp khu vực phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Niềm vui, sự tin tưởng, hy vọng có được nhờ nhìn vào đường hướng vận hành, tổ chức, đào tạo. Chỉ nói riêng mảng đào tạo, chương trình đào tạo Giảng sư phía Bắc đã thâu thái, tổng kết từ những kinh nghiệm, thành tựu đào tạo của khu vực phí Nam và từ các cơ sở đào tạo Tăng tài khác ở trong và ngoài nước. Những kinh nghiệm đào tạo nghiệp vụ Sư phạm chuyên biệt cho những người làm công tác giáo dục cũng được tìm hiểu, soi chiếu. Sự tổng hợp khá toàn vẹn, có chiều sâu từ nhiều phương diện cùng với sự chỉ dạy của các bậc Tôn túc, trí thức Phật giáo,… đã làm nên một chương trình đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại, vừa hướng về tương lai cho đối tượng đào tạo. Diễn tả một cách đơn giản, chương trình đào tạo gồm các mảng kiến thức nền tảng; kiến thức phương pháp luận chuyên biệt; kiến thức Sư phạm chuyên sâu; kỹ năng mềm về giao tiếp, tổ chức các sự kiện, hoạt động Phật giáo… Như thế, chương trình đào tạo Giảng sư phía Bắc tưởng như đang đi những bước ban đầu nhưng là bước đi của nội lực vững chãi, từ sự nâng đỡ của truyền thống và sự tương hỗ của bao duyên lành. Niềm tin vui, hy vọng còn đến từ việc triển khai chương trình đào tạo. Khát vọng tha thiết và chương trình đào tạo có khả thủ đến mấy mà không có sự đón nhận và thực thi tốt thì nó vẫn xa vời. Sự đón nhận nồng nhiệt chương trình đào tạo của Tăng, Ni sinh không chỉ của các vùng đô thị còn còn cả các tỉnh miền núi Tây Bắc, Đông Bắc cách trở, các tỉnh miền Trung xa xôi đã nói lên tinh thần cầu học, khát vọng làm tốt hơn nữa công tác hoằng pháp của các đệ tử Phật và sứ mệnh đúng đắn của mô hình đào tạo. Để chương trình đào tạo có thành tựu, một điều quý giá là trao truyền của các bậc Tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa khả kính. Từ sự ưu ái, quý mến chương trình đào tạo này, quý ngài với kiến thức uyên bác, kinh nghiệm hoằng pháp diệu dụng đã giúp Tăng, Ni giảng sinh tu rèn để vừa có được tri thức phong phú vừa dạt dào niềm khao khát dấn thân của một nhà hoằng pháp tương lai. Niềm tin vui, hy vọng nữa là việc tạo sự gắn kết, tương trợ, cộng tâm, cộng trí bền chặt của Tăng, Ni giảng sinh trong toàn khóa học. Tư tưởng này không chỉ được triển khai và thực thi trong suốt quá trình đào tạo, trong công tác thực tập, thực hành mà còn được tiếp tục thiết thực và hiệu quả hơn sau khi các vị học viên tốt nghiệp trở về trụ xứ. Sự tương tác, hỗ trợ, kết nối giữa các nhóm trên cở sở những hạt nhân tiêu biểu đã giúp nâng đỡ, thôi thúc tinh thần chủ động vươn lên, dần vượt qua những hạn chế ban đầu để cứ thế mà tiếp tục tinh tiến lên mãi. Rồi việc tạo ra một không gian đắc dụng để các Tăng, Ni giảng sinh tiếp tục phát huy sở năng, sở kiến sau khi đã tốt nghiệp cũng là cách để tri thức Phật pháp mãi tỏa sáng và sự nỗ lực của người học mãi được tận hiến… Những dịp trọng đại trong đạo, các chương trình thuyết giảng và chia sẻ Phật pháp của “cựu người học” đã làm cho công cuộc hoằng pháp có một sinh khí và thành tựu mới mẻ, rất ý nghĩa. Trong những bước đi ấy, đôi khi vẫn còn chưa được thực sự ưng thuận, nhưng điều đáng quý là sự nỗ lực điều chỉnh, linh hoạt thực hiện để kết quả dần tốt đẹp thêm. Đánh giá, tổng kết một việc lớn cần có thêm nhiều thời gian và thể nghiệm. Nhưng với sự trong ngần trong khát vọng và tận lực tận tâm trong thực thi, chắc chắn vườn hoa đẹp của công cuộc hoằng pháp lợi sinh sẽ càng thêm tươi đẹp!
TS. Nguyễn Đức Can/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 398Chú thích: [*] Tiến sĩ Nguyễn Đức Can, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |