Chi tiết tin tức

Nghe pháp

20:22:00 - 04/07/2021
(PGNĐ) -  Hình thức giảng pháp và nghe pháp qua mạng ngày càng phổ biến, và không khó để tìm trên YouTube, Facebook, với quý vị giảng sư là quý thầy, quý ni sư, sư cô, phần đông còn trẻ, cỡ trung niên, thuộc nhiều pháp môn...

Chương trình Pháp thoại hàng tuần vào 8g30 thứ Bảy hàng tuần trên Giác Ngộ Online, phát trực tuyến lại trên Facebook Báo Giác Ngộ vào 19g30 cùng ngày

 

Thường thường, nghe giảng pháp là nghe ở chùa, thiền viện hay ở giảng đường đang có sinh hoạt Phật giáo, trong một khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh và thành kính. Tuy nhiên, ngày nay mọi người còn có thể nghe pháp một cách thoải mái, đi đứng nằm ngồi đều được, giờ giấc nào cũng được, âm thanh to nhỏ tùy chọn… Xin thưa, đó là nghe pháp online.

Hình thức giảng pháp và nghe pháp qua mạng ngày càng phổ biến, và không khó để tìm trên YouTube, Facebook, với quý vị giảng sư là quý thầy, quý ni sư, sư cô, phần đông còn trẻ, cỡ trung niên, thuộc nhiều pháp môn, phần lớn là Bắc tông, không ít là Nam tông, nội dung là giảng về kinh điển, giáo pháp, có khi trực tiếp đề tài, có khi trả lời câu hỏi của thính chúng. Tất cả quý thầy, cô đều có kinh nghiệm giảng pháp, vững vàng, thể hiện nét vui tươi, thỉnh thoảng dặm thêm chút hài hước, dí dỏm cho thính chúng vui mà nghe, mà học. (Tất nhiên, cũng có những vị giảng mà mình nghe “mệt” vì phân biệt này nọ, nhưng thôi, bỏ qua).

Tôi là Phật tử, đã được lợi lạc từ việc nghe pháp khá nhiều, tuy nhiên tôi không hào hứng cho lắm khi nghe nhìn trên mạng, vì loạn xạ video clip, vàng thau lẫn lộn, thiên hình vạn trạng…

Cho đến gần đây…

Đó là thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Thói quen hội tụ cà-phê sáng của nhóm chúng tôi bị trở ngại, nhóm rã đám, may sao tình thế khá hơn, thành phố cho phép sinh hoạt với đám đông không quá 10 người, giãn cách 2 mét. Tụ hội nhóm đông thì không được, mà cũng khó tìm nơi như ý, thôi thì mình chỉ cần hai, ba người, thậm chí một mình cũng tốt.

Thế là vẫn có quán cà-phê như mình muốn, trong thời Covid. Cà-phê vỉa hè, bình dân, trên một con đường vắng, không bụi, không còi xe, thẳng ra bờ sông. Quán đơn sơ, che chắn tạm với vật liệu nhẹ, bàn ghế nhựa, che dù, quạt rẻ tiền; nhưng ngược lại, rất chi là giàu: không gian thoáng đãng, trong lành, trước mắt là cây cao bóng mát, ngước lên một chút là trời xanh mây trắng. Thế là vài người chúng tôi tụ hội một chút buổi sáng, và nếu không có bạn, thì tôi ngồi một mình. Ta với thinh lặng, thỉnh thoảng ta với… smartphone!

Tôi duyệt email, lướt Facebook, đảo qua YouTube, tha hồ, mênh mông, cả thế giới và người quen, người lạ đều ở trong này. A, có thầy đây rồi! Thầy XX mà ai cũng tán dương. Thật ra, tôi cũng đã từng nghe thầy, cũng bị cuốn hút, nhưng không nhiệt tình cho lắm, vì lý do tôi viết ở trên; thế mà trong sáng sớm thanh tịnh này, tự nhiên thầy sáng lên, làm cho tôi không thể rời mắt và tai được.

Nói về thầy bằng những mỹ từ thì e cũng thừa, vì nhiều Phật tử (và kể cả không Phật tử) đã nhận xét với nhiều tôn kính và hảo ý, tuy nhiên chính trong khung cảnh quán cà-phê này mà tôi mới theo kịp những nhận xét đó. Nếu tôi không lầm thì thầy giảng cho đạo tràng ở rất nhiều vùng, nhiều nước, với những bài pháp phần lớn không chuyên sâu về Phật học, trái lại, gần gũi với tu tập của Phật tử bình thường, có tính thực dụng và tháo gỡ vướng mắc cho người Phật tử, và như thế, công đức thật là vô lượng. Không những thế, mọi người, dầu không Phật tử, cũng học được ở thầy phong cách giảng bài - nhẹ nhàng, từ tốn, tươi cười, dí dỏm - với cách trả lời mạch lạc, trôi chảy, vừa phải.

Và như thế, tôi đã học Phật từ thầy, ngay từ những kiến thức và chỉ dẫn từ căn bản Phật học, và cảm nhận Tam bảo qua thầy. Có một lời dạy của thầy, nhân trả lời một thắc mắc của Phật tử, mà tôi nghĩ rất là sơ đẳng mà chính yếu, thiết thực. Trong tu tập, hai việc rất quan trọng là học và hành. Học để mà hành, và có hành thì học mới giá trị. Nghe pháp mới chỉ là học, còn phải có pháp hành thường xuyên. Niệm Phật, tụng kinh, thiền, trì giới, hành thiện. Có pháp học, pháp hành, mới có pháp lạc.

Không những tôi theo thầy… online, mà tôi cũng nhìn vào giảng đường, vào thính chúng, có khi đông, có khi vài chục người, tất cả đều cùng một nhịp điệu cộng hưởng, chăm chú nghe, thỉnh thoảng thích thú vỗ tay, phá lên cười, rồi trở lại chăm chú nghe. Sự cộng hưởng đó lan xa về rất nhiều người ở mọi nơi, trong đó có một Phật tử nơi quán cà-phê vắng, sáng sớm, một mình với smartphone.

 

Cao Huy Hóa

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin