Chi tiết tin tức

TT. Chân Quang giảng đề tài: Bồ tát hạnh nguyện, Bồ tát Thị hiện

17:04:00 - 07/05/2016
(PGNĐ) -  Để tiếp nối loạt bài Bồ Tát Đại Thừa, TT Thích Chân Quang đã thuyết giảng đề tài BỒ TÁT HẠNH NGUYỆN VÀ BỒ TÁT THỊ HIỆN, với sự tham dự trên 2000 phật tử từ các tỉnh thành tựu hội về.

Nhân khoá tu Thiền tại chùa Từ Tân (số 90/153 - Trường Chinh - P12 - Quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh) đã diễn ra từ chiều ngày 29/04/2016 đến ngày 01/05/2016 do HT.Thích Viên Giác (Trụ trì chùa Từ Tân – TP HCM) kếp hợp với TT.Thích Chân Quang (BRVT) tổ chức hàng tháng

Nhiều năm nay, khóa tu Thiền chùa Từ Tân đã trở nên quen thuộc với các phật tử yêu thích “Thiền” tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Phật tử các giới đến với khóa tu ngày càng đông, nhất là giới trẻ, giới trí thức. Tất cả đều tận dụng thời gian cho phép của mình một cách thích hợp để cùng mọi người thực tập thiền định, thúc liễm thân tâm, dưới sự hỗ trợ của HT Thích Viên Giác cùng quí thầy, quý sư cô Thiền Tôn Phật Quang (BRVT).

Khóa tu được bắt đầu từ 18h00” ngày 29/04/2016 và kết thúc vào lúc 13h00” ngày 01/05/2016, với một nội dung chương trình tu học đảm bảo tính thiết thực. Vì vậy, chính sự ứng dụng đã mang đến sự chuyển hóa nội tâm và hạnh phúc cho người phật tử biết thực hành Phật pháp trong khi vẫn sống cuộc đời bình thường. Cho nên, chùa Từ Tân giống như tổ ấm thứ hai của họ vậy. 

Đến với khóa tu Thiền chùa Từ Tân, trong chương trình của khóa tu còn có buổi thuyết Pháp do TT.Thích Chân Quang đảm trách là thu hút đông đảo phật tử nhất, có khi có đến trên 2000 phật tử ngoài khóa tu đến tham dự. Từ sáng sớm vào ngày thứ ba của khóa tu, các Đoàn phật tử ở các tỉnh xa đã có mặt tại chùa Từ Tân để chờ nghe thuyết Pháp.

Buồi thuyết Pháp của Thượng tọa thu hút rất nhiều giới trẻ, giới văn hào trí thức và điều hoan hỷ nhất là có sự hiện diện rất đông về hình ảnh nam giới. Nhìn một Hội chúng thính Pháp, người ngồi chật kín cả khuôn viên chùa, bao gồm tầng Giảng đường và hai tầng Chánh điện, cũng như ngoài sân, rất nhiều...rất nhiều gương mặt trẻ chăm chú vào màn hình xem gián tiếp vị Giảng sư thuyết Pháp, điều này cho chúng ta có cái nhìn lạc quan về tương lai đạo Phật, chỉ vì có nhiều người biết đến chùa học đạo lý để tìm kiếm một đời sống đạo đức thánh thiện, thay vì vui chơi hưởng thụ ngoài đời trong những khoảnh khắc rảnh rỗi.

Nói về BỒ TÁT HẠNH NGUYỆN VÀ BỒ TÁT THỊ HIỆN, Thượng toạ tạm thời chia làm hai hạng Bồ tát, đó là một hạng Bồ tát đến trần gian vì hạnh nguyện, và một hạng Bồ tát đến trần gian là thị hiện. Để mọi người phân biệt rõ thế nào là Bồ tát hạnh nguyện, thế nào là Bồ tát thị hiện, Thượng toạ vừa giải thích, vừa dùng nhiều ví dụ minh hoạ cụ thể để giúp người nghe hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề.

Theo Thượng toạ, Bồ Tát hạnh nguyện có thể đang ở trong một cõi giới an lành, nhưng vì lòng luôn thương xót chúng sinh, luôn ưu tư về trách nhiệm đối với Phật Pháp, với con người. Sự trăn trở đó trở thành sức mạnh của duyên của nghiệp, đẩy Bồ tát phải tái sinh vào cõi giới đó. 

Ví dụ, cả trăm năm trước có vị Bồ tát nhìn thấy Phật pháp Việt Nam đang suy tàn vì ít có người tu chứng, không có người tu hành tâm huyết và sẽ bị cạnh tranh bởi các đạo lạ, rồi cái nền văn minh vật chất nó cuốn vào cũng làm cho con người quên đi cái giá trị tâm linh. Sự ray rức đó cứ thúc đẩy làm vị này đầu thai vào Việt Nam, lớn lên chút xíu là xuất gia đi tu, rồi thành một con người tu hành chân chính, chấn hưng đạo Phật trở lại. Đó là tâm nguyện, nổi lo lắng ray rứt trăn trở thúc đẩy vị Bồ tát sinh vào cõi đó. 

Hoặc vị đó cứ lo vì thấy ở vùng châu Phi người ta không biết đạo, họ cứ sống man rợ theo từng bộ tộc chém giết, ít người biết ăn chay. Nếu vậy, họ chết rồi sẽ đầu thai lại thành những con thú đã giết rồi bị giết lại. Cứ lẩn quẩn trong dòng luân hồi, khi đầu thai làm người được vài chục năm rồi bị giết, bị đoạ làm thú, bị người ta săn bắn ăn thịt, tức cứ sát sinh qua lại…nên nghĩ thấy thương những chúng sinh tội nghiệp như thế. Trong tâm cứ suy nghĩ như vậy, thế là vị đó tái sinh đầu thai lọt vô Châu Phi liền, nhưng lại là một người bỗng nhiên có duyên tiếp cận với Phật pháp, tu theo Phật pháp và truyền bá Phật pháp ở vùng đó. 

Hoặc là khi thấy một tôn giáo, hệ thống thì hùng mạnh, nhiều người tin tưởng, vị Giáo chủ ban đầu khai đạo rất là hay, nhưng càng về sau lại đi xa dần ít nói về nhân quả tội phước. Nên lòng thấy lo, vị ấy cứ ray rức suy nghĩ: Nếu một đạo hùng mạnh như vậy mà người ta biết thêm Phật pháp, có thể tham khảo nghiên cứu thêm về Đức Phật thì hay quá. Thế là vị đó kiếp sau đầu thai vô vùng đó, lớn lên đi tu theo đạo đó, trở thành một người của đạo đó, nhưng lại tìm hiểu đạo Phật và đưa đạo Phật vào để cho hai tôn giáo gần gũi lại với nhau.  

Qua những ví dụ trên, Thượng toạ kết luận: Người nào mà họ hay ray rứt về cộng đồng, về thân phận con người thì cái nghiệp duyên sẽ đẩy con người đó sinh vào cộng đồng đó. Nhưng có nhiều loại, người mà ưu tư - thích - thì người đó bị sinh vào một cách vô cớ theo nghiệp, trả nghiệp, tạo nghiệp. Còn Bồ tát ưu tư trăn trở về một cộng đồng nào cũng sẽ bị tái sinh đầu thai vào cộng đồng đó, nhưng mang theo hạnh nguyện là đem Phật Pháp mà giáo hóa phổ đổ cho cộng đồng đó. 

Trong kinh Bổn sinh của đạo Phật cũng từng nói nhiều lần Đức Phật sinh vào trong các loài thú để gieo duyên, hóa độ chúng sinh. Nhiều người rất ưu tư về tính hợp lý của những câu chuyện này, vì cấu trúc não bộ của con người và loài thú khác xa nhau. Khi ta mang cách cấu tạo bộ não của con thú thì ta mất hết những tính năng cần thiết của một con người. Hơn nữa, sự nhận thức của loài thú rất thấp không thể hiểu được những đạo lý trừu tượng, không thể nhập Thiền. Đây là sự khác biệt rất lớn giữa loài thú và loài người. 

Tuy nhiên trên thế giới đã ghi nhận vài trường hợp, những con thú tuy mang hình hài thú vật, nhưng cấu tạo bộ não rất là đặc biệt, không thua kém con người. Chúng có tình cảm sắt son, trí thông minh, kể cả trực giác bén nhạy, chỉ không nói được, không có ngôn ngữ phức tạp thôi. Nên vào những kiếp xưa Đức Phật đã từng sinh vào loài thú, nhưng là những con thú đầu đàn, đầy phước, đầy trí tuệ để gieo duyên cho thú, bảo vệ những đàn thú, hóa độ chúng là chuyện hoàn toàn có thật. 

Và Thượng toạ đã chứng minh cho quan điểm đó bằng hàng loạt hình ảnh, sự việc, môi trường, chúng sinh, cõi giới, khiến người nghe có cảm giác như được xem cuốn phim quay chậm…về cái thời mà môi trường sống của trái đất lúc đó chưa thuận lợi cho con người xuất hiện thì bắt buộc tất cả chúng ta đều phải làm thú đã hiện dần lên trong tâm tưởng người nghe trong sự liên kết chặt chẽ với nhau về mặt lôgic. Cho nên, trong Kinh Bổn Sinh có những câu chuyện nói Đức Phật từng sinh vào loài thú là có thật chứ không phải chuyện hoang đường. Đó là Bồ tát thị hiện, khi mình lo cho cộng đồng nào mình tái sinh vào cộng đồng đó, làm những chuyện tốt đẹp cho cộng đồng đó. Còn nếu ta không lo cho ai hết thì ta không phải là Bồ tát mà là chúng sinh bình thường theo nghiệp đầu thai luân hồi. 

Lại nữa, Bồ tát hạnh nguyện vì lo lắng cho chúng sinh mà tái sanh, khi tái sanh thì cách ấm vô minh. Nghĩa là khi mang một hình hài mới, một thân ngũ ấm mới thì họ hoàn toàn không nhớ gì nữa. Nhưng do nhân quả, do tâm nguyện, khi lớn lên thì cái tâm nguyện đời trước nó xuất hiện trong tâm hồn, thế là chúng ta đi theo con đường mà mình đã chọn từ kiếp trước. Hầu hết khi cách ấm đều bị quên, kể cả Bồ tát hạnh nguyện dù mang theo sở nguyện đời trước đến bây giờ vẫn là người không nhớ gì về chuyện xưa cả. Và vì ta không nhớ gì hết, do vậy ta phải bắt đầu lại cuộc sống mới, bắt đầu lại tu hành mới, bắt đầu lại cuộc chiến đấu mới với hoàn cảnh (gồm cả nghịch cảnh và thuận cảnh), chiến đấu mới với chính bản thân mình để tu dưỡng trở lại. Thường Bồ tát hạnh nguyện rất là lận đận, vất vả rồi mới tu tập chứng lại.

Còn Bồ tát thị hiện có thần thông, nên nếu phải tái sinh, các Ngài có thể lựa chọn gia đình để đầu thai vào. Khi được sinh ra, các Ngài nhớ hết chuyện ở kiếp trước vì không bị cách ấm vô minh. Không những vậy, các Ngài còn vạch ra sẵn kế hoạch cho cuộc đời của mình. Và Thượng toạ chứng minh từ thời xưa cũng như trong thời hiện đại đều có Bồ tát thị hiện trong thế giới này, mang rất nhiều hình thức, nhưng rất hiếm khi bộc lộ thân phận. Các Ngài thị hiện thế gian để làm gương giáo hóa chúng sinh, các Ngài làm là vì chúng sinh, cho chúng sinh chứ không phải cho các Ngài.  

Có ba đức tính để nhận biết một vị Bồ tát hạnh nguyện đó là: Thông minh, khôn khéo trong cuộc sống và đạo đức. Các Ngài dùng ưu điểm của mình để xây dựng Phật pháp, làm lợi ích cho chúng sinh. Còn có người cũng truyền bá đạo Phật nhưng đa mưu túc trí gian xảo, cố ý lừa gạt, lợi dụng người khác thì người này không có đạo đức. Đây không phải Bồ tát, chúng ta cần kiểm chứng niềm tin của mình. 

Cả hai hạng Bồ tát đều có khả năng biết được duyên nghiệp, phước phần, những điều sẽ xảy ra với chúng sinh. Tuy nhiên, Bồ tát hạnh nguyện biết bằng sự thông minh và một ít trực giác, một ít hiểu biết về tướng số, về ngôn ngữ của gương mặt, ngôn ngữ hiện ra của cơ thể. Còn Bồ tát thị hiện thường biết bằng thần thông nhưng giấu kín sự hiểu biết của mình. Khi biết chúng sinh sắp phải chịu quả báo về một nghiệp nào đó, Bồ tát đều ép, gài, khuyên chúng sinh đó sám hối, phóng sinh, đắp đường, v.v… để tăng phước lên. Nghiệp phải được hóa giải bằng việc làm phước, chứ không bằng sự khôn ngoan tiên đoán trước mà tránh né. Nên vị Bồ tát thị hiện thì họ biết được nhiều việc trên cuộc đời và họ biết họ phải làm gì rất chính xác khác với là Bồ tát hạnh nguyện. Bồ tát hạnh nguyện thông minh, khôn ngoan, đạo đức, nhưng đi từng bước vẫn phải dò dẫm mà bước đi, rất cực.

Mặc khác, Bồ tát hạnh nguyện còn bị nghiệp chi phối và khi nghiệp đến, các Ngài còn bị động, chống đỡ, nên đôi khi lúng túng. Họ không tránh khỏi những tai nạn trong kiếp hiện đời. Tuy nhiên trong cảnh hoạn nạn các vị vẫn dấn thân, hi sinh, cưu mang, giúp đỡ người khác. Còn Bồ tát thị hiện thì chủ động, tiên liệu trước nghiệp sẽ đến và đối phó với nghiệp. Nếu cần, các vị sẽ bình an trả nghiệp. Chẳng hạn, Thiền sư Toàn Khoát ở Nham Đầu, lúc sống đã từng nói rằng: Khi nào ra đi Ngài sẽ rống lên một tiếng. Quả thật thời gian sau, khi giặc tràn đến chùa thấy không còn lương thực để cướp bóc, chỉ còn một ông sư già ngồi đó, chúng đã đâm một nhát vào tim Ngài làm máu phun ra như làn sữa trắng. Ngài rống một tiếng vang xa mười dặm. Ngài biết nghiệp xưa đến lúc phải trả, nên lặng lẽ chờ giặc đến mà không trốn đi. Đó cũng là Bồ tát thị hiện, các Ngài biết trước nghiệp đến, nên chủ động đón nhận, sắp xếp. 

Về đẳng cấp của các Bồ tát, đa phần Bồ tát hạnh nguyện thường ở quả vị Tu Đà Hoàn cho tới một phần Tư Đà Hàm. Còn Bồ tát thị hiện thì từ quả vị Tư Đà Hàm lên đến A Na Hàm. 

Bồ tát thị hiện thường bắt buộc là từ cõi trời đi xuống, nên cõi trời là nhà. Còn Bồ tát hạnh nguyện có khi vẫn từ cõi người trở lại cõi người. Có khi từ cõi người các vị lên cõi trời chút xíu rồi trở lại cõi người, nên đối với Bồ tát hạnh nguyện cõi trời chưa phải là quen thuộc. 

Bồ tát hạnh nguyện mặc dù từ cõi trời xuống nhưng mà vẫn quên, không nhớ mình từ cõi trời xuống, chỉ có một số dấu hiệu hiện ra: Các Ngài có thể tái sinh vào gia đình không giàu có, nhưng từ dung mạo đến lối sống đều khác biệt so với những người chung quanh. Hình dáng đẹp đẽ, gương mặt nghiêm trang, đặc biệt sang trọng. Họ sống rất sạch sẽ, ngăn nắp, không chấp nhận sự dơ bẩn, hôi hám. Đặc biệt, tâm hồn họ rất thanh cao đạo đức và có lý tưởng.

Còn Bồ tát thị hiện thường đến với thế gian rất vinh quang. Các vị chủ động chọn gia đình để đầu thai vào. Do chủ động nên các Ngài đã có kế hoạch, có kịch bản. Kịch bản là do mình sắp xếp, ví dụ phải sinh trong gia đình nào, sẽ theo học ngành nghề nào, học với ai, sẽ làm những điều gì đặc biệt…Các vị có thể chọn những gia đình cực kỳ quý tộc. Sở dĩ các vị chọn xuất thân vì trên cuộc đời, người có địa vị luôn làm người khác kính phục, nể sợ, vâng lời, nên rất dễ giáo hoá chúng sinh. Với các Ngài, địa vị hay quyền lực là một phương tiện để độ sinh. 

Tuy nhiên, Bồ tát thị hiện thường ít đầu thai xuống cõi người. Ví dụ có vị Bồ tát hạnh nguyện luôn ray rức về việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Chính tâm niệm đó thúc đẩy làm họ tái sinh tại Việt Nam để làm người xuất gia, làm việc đạo rộng lớn, chấn hưng đạo Phật. Đó là con đường chắc chắn vị đó phải đi. Một vị Bồ tát thị hiện cũng thấy đó là việc phải làm, nhưng vị này không hiện thân, không tái sinh lại thân người mà ở trên cõi trời bí mật yểm trợ, bảo vệ cho Bồ tát hạnh nguyện. Như vậy mới hiệu quả, chủ động hơn. Cho nên chúng sinh không biết trong việc đạo Phật được xương minh, được giáo hoá, được chấn hưng, được phát triển, còn có biết bao nhiêu vị Bồ tát trong bóng tối yểm trợ ngầm. 

Khi các Bồ tát hạnh nguyện xuất hiện, chắc chắn họ sẽ nổi tiếng như những triết gia, hay đạo sư bởi thường phải diễn thuyết, viết lách để truyền bá đạo lý. Còn Bồ tát thị hiện khi đến với thế gian thường nổi tiếng như một Giáo chủ đầy quyền năng, thần lực. Bởi khi đứng ở vai trò lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng, vị đó thường dùng thần thông để hóa độ chúng sinh. Tuy nhiên thần thông của họ chỉ được người đời sau xem như huyền thoại, không được kiểm chứng, nên Bồ tát thị hiện đến với trần gian rất lừng lẫy rồi lại đi qua nhanh chóng. Còn Bồ tát hạnh nguyện dù sống đời vất vả, nhưng danh tiếng để lại rất lâu, vì các vị sử dụng ngôn ngữ tạo ra những tác phẩm. Các tác phẩm này được lưu truyền rộng rãi rồi tồn tại mãi.

Bồ tát hạnh nguyện thì đạo đức, mẫu mực, còn Bồ tát thị hiện thì tự tin, hư vô, và đôi lúc cổ quái, khó đánh giá. Trong việc làm của những vị Bồ tát hạnh nguyện ta luôn nhìn thấy sự hợp lý. Còn những việc làm của Bồ tát thị hiện thì rất khó hiểu. Khó hiểu nhưng không phải vô lý.

Bồ Tát hạnh nguyện sống đời chân thật, minh bạch. Còn Bồ tát thì hiện thì giấu giếm hành tung. Không ai biết các vị từ đâu đến, đi về đâu, người ta chỉ đoán mò được chút ít nào đó. Những Bồ tát thị hiện thường ít xuất hiện trên trần gian này. Các vị ẩn mình để gia hộ cho các vị Bồ tát hạnh nguyện làm việc, giáo hóa. Bởi khi các vị xuất hiện, nếu chúng sinh vì vô minh không biết mà chỉ cần khởi lên một chút đố kị, họ sẽ mang tội rất nặng. Nghiệp này có thể khiến họ phải chịu vài trăm kiếp đọa lạc. Sự xuất hiện của các ngài mang lợi ích cho vô số người nhưng đồng thời cũng khiến không ít chúng sinh khác hết sạch phước khi buông lời chê bai, phỉ báng hoặc thậm chí mưu hại.

Bằng con mắt nhìn của đạo, Thượng toạ đã lý giải, phân tích cho mọi người phân biệt rõ thế nào là Bồ tát hạnh nguyện, thế nào là Bồ tát thị hiện. Qua đó, chúng ta được biết Bồ tát thị hiện đến thế gian này tùy duyên giáo hóa chúng sinh, các Ngài không có hình tướng nhất định. Trước khi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, những đời sống kiếp trước, Ngài đã từng là một vị Tỳ kheo, làm Vua, làm Vương tử, cư sĩ, cho đến làm các loài động vật như: nai, trâu, voi, ngỗng … đều được gọi là nhân hạnh thành Phật, cũng chính là giai đoạn tu hành đạo Bồ tát.  Còn Bồ tát hạnh nguyện là vì lòng thương đối với chúng sinh, vì trách nhiệm đối với Phật Pháp, đối với con người, tức vì tâm nguyện mà tái sinh vào cõi người để hộ trì Phật pháp, cứu độ chúng sinh và làm cho chúng sinh được an lạc. 

Qua bài Pháp thoại này, chúng ta quán chiếu được đường tu hành thật gian nan, Phật đạo khó thành, nếu không có hạnh nguyện thì khó mà vượt qua. Là người con Phật, ta phải dũng mãnh học theo hạnh nguyện của Bồ tát, tức ta có suy nghĩ và việc làm giống Bồ tát để tự trang nghiêm thân tâm, trang nghiêm hạnh nguyện của mình mà mang trái tim yêu thương đi vào cuộc đời. Được vậy, ta mới mong thành tựu được đạo nghiệp giác ngộ giải thoát sau này./.

 

 

 

 

 

Tâm Trụ

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin