Chi tiết tin tức

Ngành hoằng pháp cần nhiều hoạt động đột phá

15:20:00 - 09/03/2016
(PGNĐ) -  Hoằng pháp là một trong những ngành hoạt động mũi nhọn của Giáo hội các cấp. Nhiều năm qua, hoạt động của ngành luôn nhận được sự quan tâm của chư tôn túc lãnh đạo để tạo cơ duyên cho hàng tứ chúng tiếp cận giáo lý Phật-đà, áp dụng vào việc chuyển hóa tự thân.

Phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc tiếp xúc với chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Ban Hoằng pháp Trung ương để tìm hiểu thêm về những dự kiến và định hướng của ngành trong thời gian tới.

hoangphap1.JPG
Một buổi bồi dưỡng nghiệp vụ hoằng pháp dành cho chư Tăng Ni
nhân hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015 - tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Đột phá ở khâu nhân sự

Là một trong những vị giáo phẩm tham gia nhiều Phật sự ở Trung ương và địa phương, TT.Thích Huệ Thông, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương cho rằng công tác nhân sự vẫn luôn là khâu quan trọng trong hoạt động của ngành hoằng pháp năm 2016.

Theo Thượng tọa, cần sắp xếp và định hướng chư tôn đức giảng sư trong các thời khóa thuyết giảng thể hiện tinh thần đoàn kết, nêu bật giá trị giác ngộ trong lời dạy của Đức Phật và đề cao hiệu quả của việc ứng dụng, chuyển hóa. Trong nhiệm vụ này, cũng cần có các chính sách cụ thể hướng đến đồng bào các dân tộc ở vùng cao. Ban Hoằng pháp có thể phối hợp với các ban ngành khác, bằng mọi cách phải xây dựng được các cơ sở tu học dành riêng cho đồng bào. Từ đó, chúng ta mới có thể thuyết giảng, từ thiện và sinh hoạt văn hóa khác.

Ngoài ra, để các thành viên của Ban Hoằng pháp có sự nhất quán và tập trung vào các bài giảng, TT.Thích Huệ Thông cũng đề nghị hoạt động ngành hoằng pháp thời hiện đại cần thể hiện sự chuyên nghiệp, hiệu quả, chất lượng và đúng trọng tâm. Một trong những biểu hiện cụ thể là cần có kế hoạch và định hướng rõ ràng cho đội ngũ giảng sư thuyết giảng mỗi năm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác Phật sự.

“Ví dụ, năm 2016 là mốc thời gian kỷ niệm 35 hình thành và phát triển Giáo hội, vì vậy ngay từ bây giờ, Ban Hoằng pháp cần có một hướng dẫn cụ thể để chư tôn đức giảng sư tập trung vào việc truyền tải và giảng về quá trình của công cuộc thống nhất Phật giáo, các giá trị và ý nghĩa khi hình thành nên một tổ chức Giáo hội thống nhất đối với sự tu học, hướng đạo của hàng Phật tử tại gia. Qua đó cũng vạch ra cho thính chúng biết công khó của chư tôn đức tiền bối hữu công để đi đến việc thống nhất Phật giáo cả nước và trách nhiệm của mỗi người để giữ gìn thành quả này”.

Cũng ưu tư về công tác nhân sự nhưng HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS và là vị giáo phẩm đứng đầu ngành hoằng pháp cả nước lại có một hướng nhìn khác. Hòa thượng cho rằng trong năm 2016 chắc chắn ngành sẽ dành nhiều công sức và sự quan tâm đến các chương trình đào tạo hoằng pháp viên, nâng cao chất lượng tham gia các khóa học giáo lý của quý Phật tử tại gia.

“Theo cách hiểu đầy đủ và chung nhất, công cuộc phát triển các sinh hoạt ngành hoằng pháp là nhiệm vụ của mỗi vị Tăng Ni, Phật tử và trong đó, quần chúng Phật tử luôn giữ một vị trí quan trọng. Chúng ta cần xây dựng một chiến lược giúp người Phật tử trở thành những hình mẫu làm nhiệm vụ đưa đạo vào đời, đi đầu trong công tác giáo hóa người thân, gia đình và cộng đồng tu tập, quy hướng Tam bảo”, HT.Thích Bảo Nghiêm khẳng định.

Ngoài ra, theo Hòa thượng, ngành cũng sẽ tập trung vào công tác đào tạo chư Tăng Ni tại các lớp học chuyên ngành được hiệu quả, chất lượng hơn và cho rằng, đây thực sự là một công việc nặng nề, cần sự đầu tư nghiêm túc, toàn lực và lâu dài. Dù ngày nay không còn cảnh thiếu lực lượng giảng sư nhưng vấn đề quan trọng là phải hình thành đội ngũ giảng sư có trình độ, chịu dấn thân, biết hy sinh và có khả năng giáo hóa cao.

Trong khi đó, HT.Thích Tấn Đạt, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Hoằng pháp T.Ư quan tâm đến việc hình thành nên đoàn giảng sư Trung ương sau nhiều năm chuẩn bị và xem xét.

“Năm 2016 được xem là năm bản lề để chuẩn bị tiến tới đại hội Phật giáo toàn quốc nên hoạt động ngành hoằng pháp phải chú trọng đến công tác nhân sự mà trong đó cần quyết tâm cho việc hình thành và ra mắt khung nhân sự đoàn giảng sư Trung ương để đảm nhiệm việc điều phối các hoạt động thuyết giảng cũng như định hướng sinh hoạt của chư tôn đức giảng sư chính thức”, HT.Thích Tấn Đạt chia sẻ.

Tìm hướng đi mới

Hiện nay, các phương tiện truyền thông phát triển khá nhanh và có nhiều tác động lớn đến sinh hoạt của người dân trong xã hội, do vậy, theo nhiều chư tôn đức công tác hoằng pháp cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Theo đó, Ban Hoằng pháp nên có chủ trương khuyến khích chư tôn đức giảng sư dần dần chọn các phương thức truyền bá mới, gắn với thời đại mà trong đó ứng dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ là cần thiết.

Đề cập đến nội dung này, TT.Thích Bửu Chánh, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư khẳng định với một chiếc điện thoại thông minh (smart-phone), vị giảng sư cũng có thể thực hiện sứ mệnh hoằng pháp của mình bằng động tác đăng lên các mạng xã hội những câu pháp cú, những lời trích dẫn hay mà Đức Phật, các vị học giả Phật giáo đã từng diễn nói để mọi người cùng tiếp cận. Chỉ việc làm đơn giản như thế nhưng hiệu quả vẫn khá lớn khi tác động đến người đọc không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngược lại, nếu hoằng pháp chỉ làm theo các cách thức truyền thống là phải có pháp tòa, phải thông báo thính chúng thì hoạt động ngành sẽ trở nên chậm trễ và nhiều người không có dịp tiếp cận được giữa cuộc sống khá bận bịu như hiện nay.

hoangphap2.JPG
Hoằng pháp viên - cư sĩ Phật tử

Sau một thời gian có sự liên hệ và tìm hiểu sinh hoạt đồng bào Phật tử hải ngoại, HT.Thích Thiện Bảo, Ủy viên HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư nhìn nhận nhu cầu thính pháp và tu học của cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nhiều nước khá cao trong khi các đợt viếng thăm, trao đổi và thuyết giảng của Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức trước đây chỉ như một cơn mưa rào thoáng qua mà chưa thực sự đáp ứng được mong ước của đông đảo bà con xa xứ.

“Trong năm 2016 này, Ban Hoằng pháp Trung ương cần lên kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền bá Chánh pháp ra nước ngoài một cách đồng bộ, hiệu quả. Có nhiều cách, nhiều kênh để thực hiện sứ mạng này chứ không nhất thiết chỉ là tổ chức các đoàn giảng sư đi thuyết pháp như đã làm. Có thể ứng dụng hiệu quả của công nghệ thông tin hoặc kết hợp các các lễ hội thường niên được kiều bào ở nước ngoài tổ chức nhằm tránh đi sự tốn kém mà lại nâng cao được hiệu quả”, HT.Thích Thiện Bảo khuyến nghị.

Cũng đồng quan điểm với HT.Thích Thiện Bảo, TT.Thích Minh Thành, Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư chỉ rõ điểm đến của công tác hoằng pháp ở nước ngoài là đồng bào Phật tử ở các nước Đông Âu và Tây Âu, vì đây là khu vực mà đồng bào hải ngoại có nhiều cảm tình cũng như thể hiện sự gắn bó với các sinh hoạt của Giáo hội trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, dù là truyền bá Chánh pháp trong hay ngoài nước, TT.Thích Minh Thành đều nhấn mạnh đến yếu tố phối kết hợp một cách nhuần nhuyễn và bền chắc giữa hoằng pháp với từ thiện và lễ hội tôn giáo. Hoạt động từ thiện sẽ là chất xúc tác đối với những người có hoàn cảnh khó khăn và lễ hội tôn giáo được tổ chức trang nghiêm, tạo sự rung động sẽ khơi dậy tín tâm của người tham dự. Đến lúc này, việc thuyết giảng hay định hướng tu học sẽ hiệu quả và có chất lượng vì người đến với chúng ta có những thiện cảm nhất định.

Trong khi đó, TT.Thích Chiếu Tạng, Ủy viên HĐTS, Phó ban Hoằng pháp T.Ư, tha thiết cho việc xây dựng các mô hình sinh hoạt, tu học mang tính thiết thực và phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên. Từ đó, có thể triển khai áp dụng tại các cơ sở tự viện để tạo nên một phong trào đồng bộ và có tính đột phá hướng đến đối tượng này.

“Đã từng có nhiều cơ sở tự viện trong cả nước tổ chức nên các chương trình sinh hoạt cho giới trẻ nhưng hiệu quả không cao vì sau một thời gian, chương trình sinh hoạt dành cho các em dần đi vào lối mòn, xưa cũ, không có sự đổi mới nên thiếu tính hấp dẫn và thu hút. Vì thế, nhiều nhóm thanh thiếu niên tự tách ra khỏi tự viện, hình thành nên các câu lạc bộ hoạt động độc lập, riêng lẻ và thiên về công tác tình nguyện, từ thiện”, TT.Thích Chiếu Tạng tâm sự. 
 

Bảo Thiên (GNO)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin