Chi tiết tin tức

Điểm tương đồng và dị biệt của hai tạp chí Phật giáo Viên Âm và Đuốc Tuệ

15:09:00 - 23/12/2022
(PGNĐ) -  Cả hai tạp chí đều mang giá trị lịch sử, triết học (Phật giáo) và văn học. Hai tạp chí xuất bản trong giai đoạn phong trào yêu nước kháng Pháp sôi nổi; tài liệu về các bài giảng và bài viết của nhiều tu sĩ, cư sĩ và giới trí thức về Phật học, các sự kiện hoạt động của hội Phật học, tin tức trong và ngoài nước. Hai tạp chí này là phương tiện hoằng pháp của hội trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ.

DẪN NHẬP

Vào đầu thế kỷ XX, trước nhu cầu chấn hưng Phật giáo cho phù hợp với thời đại mới, Hội Phật học ở ba miền lần lượt được thành lập. Hội An Nam Phật học và Hội Phật giáo Bắc kỳ đã tiếp thu và phát triển công tác hoằng pháp bằng báo chí từ Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học với nhiều chuyển biến tích cực. Kể từ khi xuất bản, tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ đã nhận được rất nhiều bài viết từ các cây bút tu sĩ và cư sĩ, cựu học và tân học với nhiều thể loại khác nhau, góp phần rất lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam lúc bấy giờ.

SỰ RA ĐỜI CỦA TẠP CHÍ VIÊN ÂM VÀ ĐUỐC TUỆ VÀO NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

Dưới chế độ thực dân Pháp, trước tình hình xin phép lập hội Phật học gặp khó khăn, hai tạp chí Pháp Âm và Phật Hóa Tân Thanh Niên chỉ xuất bản duy nhất một số, Hòa thượng Khánh Hòa đã liên hệ ông Trần Nguyên Chấn lần lượt thành lập Ban bảo tồn Phật giáo Nam kỳ, Thư viện Pháp bảo phường và xuất bản tạp chí Từ Bi Âm bằng chữ quốc ngữ. Tạp chí này được Thống đốc Nam kỳ cho phép xuất bản vào ngày 30/4/1931, do ngài Khánh Hòa làm chủ nhiệm. Trụ sở tòa soạn Từ Bi Âm đặt tại chùa Linh Sơn, số 149, đường Douaumont, Sài Gòn (nay là đường Cô Giang, quận 1, TP HCM). Số đầu tiên được xuất bản vào ngày 01/03/1932 [2]. Tạp chí ra mắt độc giả mỗi tháng hai kỳ vào ngày mùng 1 và 15, khổ báo là 16 cm x 24 cm, với khoảng 50 trang. Đầu năm 1938 (số 145) đến tháng 6-7/1945 (số 234-235), tạp chí xuất bản mỗi tháng một kỳ, bài viết ngày càng ít, khổ báo thất thường. Trong suốt 14 năm xuất bản (1932-1945), các vị chủ nhiệm của Từ Bi Âm như: Hòa thượng Khánh Hòa (từ số 1 đến 44), Hòa thượng Chánh Tâm (từ số 45 đến 133), Trần Nguyên Chấn (từ số 134 đến 235).  

Kể từ khi xuất bản, tạp chí Viên Âm và Đuốc Tuệ đã nhận được rất nhiều bài viết từ các cây bút tu sĩ và cư sĩ, cựu học và tân học với nhiều thể loại khác nhau, góp phần rất lớn đối với phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam lúc bấy giờ. (Ảnh: thuvienhoasen.org)

Năm 1932, Hội An Nam Phật học tại miền Trung được Khâm sứ Pháp và triều đình Huế cấp phép thành lập, đặt hội quán tại chùa Trúc Lâm (Huế). Hội đã trình đơn xin xuất bản tạp chí Viên Âm và được cấp giấy phép vào ngày 30/6/1933. Sáu tháng sau, Viên Âm chính thức ra mắt độc giả số đầu tiên với 63 trang. Trụ sở tòa soạn đặt tại số 13, đường Rue Champeau, Huế. Nội dung đăng tải trên Viên Âm tập trung “giảng giải đủ các lý thuyết đạo Phật ra chữ quốc ngữ và có khi phụ thêm một số bài Pháp văn” [3]. Giai đoạn đầu, số lượng bài viết rất nhiều nhờ sự vận động và tham gia của cư sĩ Tâm Minh. Đến giai đoạn 1943-1945, bài viết ít dần đi do tình hình đất nước chiến tranh, kinh tế khó khăn, đặc biệt là giá cả và chất lượng giấy in nên phải chuyển in tại nhà in Đuốc Tuệ (Hà Nội) cho đến số 78 thì tạm ngưng. 

Ngày 6/11/1934, dựa trên bản quyết định số 4283 do Thống sứ Bắc kỳ duyệt ký, Hội Phật giáo Bắc kỳ chính thức thành lập. Lúc bấy giờ, tổ chức đối lập là Phật giáo cổ sơn môn Bắc kỳ được sự bảo hộ của Toàn quyền Đông Dương Pháp trong việc ký Nghị định số 649, ngày 31/01/1935 cho phép xuất bản tạp chí Tiếng chuông sớm. Tạp chí này tồn tại được một năm (15/6/1935 – 21/5/1936), xuất bản được 24 số. Ngược lại, Hội Phật giáo Bắc kỳ bước đầu phát hành Tập kỷ yếu Hội Phật giáo, số đầu tiên xuất bản vào tháng 05 năm 1935. Tập kỷ yếu này tồn tại trong vòng ba tháng (5/1935 – 8/1935) ra mắt độc giả được 4 số thì ông Nguyễn Năng Quốc đã viết đơn trình lên Thống sứ Bắc kỳ xin phép xuất bản tạp chí Phật học mang tên Đuốc Tuệ vào ngày 30/9/1935. Việc ra đời tạp chí Đuốc Tuệ cũng nằm trong dự định của Hội Phật giáo Bắc kỳ được đăng trên Tập kỷ yếu số 1: “Sau này tùy theo sự mở mang, cách xếp đặt và tình thế của hội, tập kỷ yếu này sẽ đổi làm tạp chí” [4]. 

Tạp chí Đuốc Tuệ xuất bản vào bốn ngày là mùng một, mùng tám, mười lăm, hai mươi ba âm lịch hàng tháng, do ông chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm và quản lý là ông Cung Đình Bính. Trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, số 73, phố Richaud, Hà Nội (về sau đổi thành là phố Quán Sứ vào năm 1945) [5]. Số đầu tiên được phát hành vào ngày 10/12/1935. Nhà in Đuốc Tuệ hoạt động từ tháng 12/1935, đảm nhận việc in ấn tạp chí Đuốc Tuệ, mãi đến ngày 10/08/1936 mới chính thức làm lễ khai trương. Các mục trên Đuốc Tuệ qua nhiều kỳ rất phong phú như: Phật học danh từ (từ số 2 đến 7), Phật học từ điển tập yếu (từ số 8 đến 50), Phật học vấn đáp (từ số 77 đến 93), Văn uyển (từ số 57 đến 134), Phật học ngụ ngôn (số 99, số 100, số 107, số 239-240, số 241-242), Luật thế gian (số 107),…

ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG CỦA TẠP CHÍ VIÊN ÂM VÀ ĐUỐC TUỆ

Thứ nhất là về mặt cấp phép xuất bản, hai tạp chí được cấp phép xuất bản vào thập niên 30 của thế kỷ XX. Trên trang bìa của Viên Âm số đầu tiên ghi rằng: “Hội Phật học ở Huế được Nghị định quan toàn quyền ngày 30 Juin 1933 cho phép xuất bản nguyệt san Viên Âm” [6]. Sáu tháng sau, tức là ngày 1/12/1933, số đầu tiên của tạp chí Viên Âm được xuất bản. Tại miền Bắc, ông chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc với cương vị chánh hội trưởng Hội Phật giáo Bắc kỳ đã trình đơn xin phép xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ với Thống sứ Bắc kỳ và được duyệt ký. Ngày 10/12/1935, số đầu tiên của tạp chí Đuốc Tuệ được xuất bản. 

Thứ hai là về mặt giá trị, cả hai tạp chí đều mang giá trị lịch sử, triết học (Phật giáo) và văn học. Hai tạp chí xuất bản trong giai đoạn phong trào yêu nước kháng Pháp sôi nổi; tài liệu về các bài giảng và bài viết của nhiều tu sĩ, cư sĩ và giới trí thức về Phật học, các sự kiện hoạt động của hội Phật học, tin tức trong và ngoài nước. Hai tạp chí này là phương tiện hoằng pháp của hội trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Giá trị triết học thể hiện qua nhiều bài viết hay bài giảng về Phật pháp như “Nhơn quả luân hồi” của Tâm Minh giảng (Viên Âm số 1), “Khoa học với Phật pháp” do Nguyễn Xuân Thanh viết (Viên Âm số 15), “Giải nghĩa chữ tuệ ở trong Phật học” của Phan Đình Hòe giảng (Đuốc Tuệ số 2), “Bàn về nghĩa vô ngã” của Thái Hòa viết (Đuốc Tuệ số 2),… Về mặt văn học, hai tạp chí đăng rất nhiều bài thơ và truyện như “Câu chuyện ông chài” của Tâm Minh (Viên Âm số 1), “Mừng Viên Âm” của Thanh Tâm (Viên Âm số 8), “Mừng Đuốc Tuệ” của Nguyễn Hữu Hiệt (Đuốc Tuệ số 7), “Tích ông Bàng cư sĩ tu tại gia” của Phật học hội (Đuốc Tuệ số 76),…

Tạp chí Đuốc Tuệ xuất bản vào bốn ngày là mùng một, mùng tám, mười lăm, hai mươi ba âm lịch hàng tháng, do ông chánh hội trưởng Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm và quản lý là ông Cung Đình Bính. (Ảnh: sưu tầm)

Thứ ba là đăng bài giảng tại các đạo tràng, trong giai đoạn đầu, cả hai tạp chí đều có đăng các bài giảng pháp của một số vị tu sĩ và cư sĩ tại các đạo tràng như: “Thiện ác nghiệp báo” của Tâm Minh, “Phật” của Thích Đôn Hậu, “Đạo Phật có quan thiết với sự sống của đời người” của Phan Đình Hòe, “Ba món tư lương sang Tịnh độ” của Thích Phúc Chỉnh,… 

Thứ tư là số trang tăng giảm thất thường, số trang của Viên Âm trong giai đoạn đầu (1933-1945) giảm dần từ 64 trang (từ số 1 đến 36) xuống khoảng 30-40 trang (từ số 37 đến 77, ngoại trừ số 60-61 cho nhi đồng là 77 trang và số 66-67 là 51 trang). Giai đoạn tục bản Viên Âm (1949-1953), từ khoảng 40 trang giảm còn khoảng 20 trang (ngoại trừ năm 1953 số trang dao động từ 40 đến 70 trang). Đối với tạp chí Đuốc Tuệ, số trang cũng tăng giảm thất thường như 32 trang trong giai đoạn tuần báo (1935-1936), 48 trang trong ba năm tiếp theo (1937-1939) xuất bản mỗi tháng hai kỳ, dao động từ 24 đến 32 trang trong hai năm 1940-1941; và giảm còn khoảng 24 trang trong ba năm cuối (từ năm 1942 đến tháng 8/1945). 

Thứ năm là về giai đoạn xuất bản 1943-1945, Viên Âm từ số 60-61 đến số 78 được in tại nhà in Đuốc Tuệ, còn Đuốc Tuệ vẫn được in tại nhà in Đuốc Tuệ từ khi xuất bản số đầu tiên (ngày 10/12/1945) cho đến số cuối cùng (tháng 8/1945). Giai đoạn này, cả hai tạp chí đều phải đối diện với việc chất lượng giấy in xấu, bản in khá mờ, khổ báo nhỏ hơn so với trước đây.

ĐIỂM DỊ BIỆT CỦA TẠP CHÍ VIÊN ÂM VÀ ĐUỐC TUỆ

Thứ nhất là về chủ nhiệm tòa soạn, tạp chí Viên Âm thay đổi các vị cư sĩ trí thức tân học đảm nhận chủ nhiệm trong từng giai đoạn như: Lê Đình Thám (12/1933 – 6/1937; và hai năm 1944-1945), Nguyễn Khoa Tân (7/1937 – 5/1939), Nguyễn Đình Hòe (6/1940 – 01/1941), Ưng Bàng (5/1941 – 1943), Chơn An Lê Văn Định (1949 – 1953). Ngược lại, chủ nhiệm của tạp chí Đuốc Tuệ chỉ do hội trưởng Nguyễn Năng Quốc đảm nhiệm xuyên suốt 258 số.

Thứ hai là về thời gian và số xuất bản, Viên Âm trải qua hai giai đoạn: từ năm 1933-1945 với sự quản lý của Hội An Nam Phật học xuất bản 78 số (từ số 1 đến 78); từ 1949-1953 được Hội Việt Nam Phật học (do Hội An Nam Phật học đổi tên thành) quản lý tục bản 51 số (từ số 79 đến 129). Các số và kỳ xuất bản không cố định: có khi mỗi tháng ra một số (từ số 1 đến 11, từ số 26 đến 31, từ số 37 đến 46, từ số 48 đến 54, từ số 57 đến 59, từ số 79 đến 123, từ số 128 đến 129); đôi lúc một tháng ra hai số liên tiếp (số 60-61, 124-125, 126-127), hoặc hai tháng ra một số (từ số 12 đến 25, từ số 32 đến 35, và số 47), thậm chí hai tháng ra một bản với hai số (55-56). Tạp chí Viên Âm không phát hành từ tháng 6/1939 đến 5/1940 và từ tháng 02 đến 04/1941.

Tạp chí Đuốc Tuệ giai đoạn đầu (1935-1936) xuất bản định kỳ hàng tháng vào bốn ngày là mùng 1, 8, 15 và 23. Từ năm 1937 đến tháng 8/1941, tạp chí chuyển từ tuần báo sang bán nguyệt san (mỗi tháng ra hai kỳ); ngoại trừ quý tư năm 1940 xuất bản hai kỳ số ghép là số 142-143 (vào ngày 15/10 – 01/11/1940) và số 144-145-146 (vào ngày 15/11-15/12/1940). Từ tháng 9 đến tháng 12/1941, mỗi tháng ra một số. Từ đầu năm 1942 đến tháng 8/1945, tạp chí xuất bản được 44 số, thường ra số đôi, tiêu biểu như hai số cuối cùng là 255-256 và 257-258. Qua đó có thể kết luận rằng tổng số báo Đuốc Tuệ xuất bản nhiều hơn Viên Âm; nhưng Đuốc Tuệ chỉ xuất bản đến năm 1945 thì ngưng mà không có tục bản như Viên Âm từ năm 1949 đến 1953. 

Thứ ba là về nhà in và trụ sở tòa soạn, nhà in cho tạp chí Viên Âm rất nhiều và thay đổi liên tục như Đắc Lập (Huế, từ số 01 đến 12), Phúc Long (Huế, từ số 13 đến 25 và từ số 34 đến 38, ngoại trừ số 36 in tại nhà in Viên Đế), Viên Đế (Huế, từ số 26 đến 33, từ số 39 đến 47), Đuốc Tuệ (Hà Nội, từ số 48 đến 76), Tân Hoa (Huế, từ số 79 đến 104), Đức Thịnh (Huế, từ số 105 đến 111), Khánh Quỳnh (Huế, từ số 112 đến 125), Liên Hoa (Huế, từ số 126 đến 129). Toà soạn Viên Âm lúc đầu đặt tại số 13, Rue Champeau (Huế); đến tháng 3/1935 chuyển về số 5, Rue Champeau (Huế); sang tháng 1/1937 dời về Route Nam Giao (Huế); và giai đoạn tục bản thì đặt tại số 1 (sau này là 1B), đường Nguyễn Hoàng (Huế). Ngược lại, Đuốc Tuệ đặt trụ sở cố định đặt tại chùa Quán Sứ và chỉ in ấn tại nhà in Đuốc Tuệ từ khi phát hành cho đến số cuối cùng. 

Thứ tư là về đội ngũ tham gia, trong giai đoạn đầu (1933 – 1945) có rất nhiều vị tu sĩ, cư sĩ, giới trí thức tham gia viết bài; trong đó cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là cây bút chủ lực với nhiều hình thức nhất. Về giới tu sĩ phải kể đến Thích Mật Khế, Thích Đôn Hậu, Thích Mật Thể, Thích Nữ Diệu Không,… Về cư sĩ, ngoài Lê Đình Thám, còn có nhiều vị cựu học và tân học như: Trí Độ, Võ Đình Cường, Nguyễn Khoa Toàn, Trương Thị Bích Thủy,… Về quan lại và trí thức có ông hiệp tá đại học sĩ Ưng tướng công (biệt hiệu Châu Khuê), Nguyễn Phúc Ưng Bình (hiệu Thúc Giạ Thị), Nguyễn Đình Hòe, Trần Nguyên Chấn,… Từ cuối năm 1940 đến hết năm 1944, số lượng bài viết rất ít với khoảng 30 trang; ngoại trừ số 55-56 (12/1942 – 01/1943) với 61 trang, số đặc biệt (số 60-61) nhân ngày Phật đản (1943) với 77 trang, số 66-67 (1943) với 51 trang. Nếu trước 1945, sự tham gia của các cây bút cư sĩ nhiều hơn tu sĩ thì đến giai đoạn tục bản Viên Âm ngược lại. Số lượng tu sĩ tham gia đăng bài giảng hoặc bài viết, dịch thuật, nhiều mẩu chuyện Phật giáo và triết lý đời sống, trong đó hai cây bút chủ lực là Thích Minh Châu và Thích Trí Quang. Bên cạnh đó, các vị cư sĩ và trí thức tham gia như: Lê Văn Định, Võ Đình Cường, Tống Anh Nghị, Hùng Khanh, Tâm Trí, Lê Đình Trinh,…

Số lượng bài viết tham gia trên Đuốc Tuệ từ số 1 (tháng 12/1935) đến 130 (tháng 4/1940) rất nhiều, hướng đến chấn hưng Phật giáo và góp phần xây dựng đời sống xã hội. Theo nghiên cứu của Ninh Thị Sinh cho rằng: “Các tác giả cũng sử dụng nhiều thể loại để truyền tải nội dung giáo lý, về đạo đức Phật giáo như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, du ký” [7]. Giới tu sĩ tiêu biểu như: Thích Trí Hải, Thích Thái Hòa, Thích Tố Liên,…; giới trí thức như: ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Văn Giáp,…; và các quan lại cũng tham gia như: ông Trần Văn Đại, Nguyễn Thượng Cần, Nguyễn Huy Xương, Nguyễn Thiện Chính,… Nhưng từ số 131 (tháng 05/1940) đến số cuối cùng 257-258 (tháng 8/1945) cũng giống giai đoạn tục bản Viên Âm là giới tu sĩ tham gia dịch bài, giảng kinh,… nhiều hơn cư sĩ; trong đó cây bút quan trọng nhất là cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha.

Thứ năm là về thể loại văn học, theo nhận định của Ninh Thị Sinh trong tác phẩm Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ: trường hợp Hội Phật giáo (1934-1945) cho rằng: “So với các tạp chí Phật học cùng thời như Từ Bi Âm, Viên Âm; Đuốc Tuệ có một điểm khác biệt độc đáo: sử dụng linh hoạt nhiều thể loại văn học để giới thiệu về đạo Phật và giải thích giáo lý đạo Phật một cách dễ hiểu đến độc giả bình dân”[8]. Trước hết là thể loại tiểu thuyết, hai cây bút nổi bật của Đuốc Tuệ là Nguyễn Trọng Thuật và Nguyễn Thiện Chính. Thứ hai phải kể đến thể loại du ký với hơn 10 bài viết cả tu sĩ lẫn cư sĩ, tiêu biểu như: “Mấy ngày đi Huế”, “Nhật ký đi Trung Quốc du học”,… Ngoài ra, nhiều bài viết về thơ và phú như bài thơ “Kính lễ sáu phương” với 254 câu, mỗi câu ba chữ; bài lục bát “Bài học thuộc lòng” của ông Trần Văn Đại với 20 khổ thơ dạy về tám điều trai giới, bốn trọng ân, luân hồi, nhân quả,… 

Hoạt động hoằng pháp của tạp chí Viên Âm ở miền Trung và tạp chí Đuốc Tuệ ở miền Bắc đã cất lên tiếng nói góp phần chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX.

Tạp chí Viên Âm trong giai đoạn đầu đã đăng khoảng 100 bài thơ và hơn 50 tích truyện; đặc biệt trong một năm đầu xuất bản đã đăng hơn 40 bài thơ và 24 bài truyện. Tiêu biểu như: “Biển ái sóng dồi” của Châu Hải (Viên Âm số 1), “Viếng cảnh Tra Am cảm tác” của Như Nguyện (Viên Âm số 3), “Bài thi đưa thầy Tố Liên về Bắc” của B.P (Viên Âm số 27), “Bài thơ tán thán đức Địa Tạng” của Thích Nguyên Lương (Viên Âm số 74),… Sang giai đoạn tục bản Viên Âm, thơ và truyện cũng được đăng nhiều trong hai năm đầu xuất bản (1949-1950), tiêu biểu nhất là Thích Minh Châu (18 mẫu chuyện đạo), Thích Thuyền Minh (truyện về vua Lương Võ Đế, từ số 87 đến 94) và Tống Anh Nghị (5 bài thơ và 1 bài viết về truyện “Đón gió hương đàm” của Tống Anh Nghị).

Thứ sáu về hình thức trang bìa, Đuốc Tuệ đã 2 lần thay đổi hình thức trang bìa: lần thứ nhất (1937-1941), trang bìa được in màu, tăng kích cỡ tên hội (chữ quốc ngữ và tiếng Pháp) lớn hơn, xóa dòng chữ Hán tên báo “慧

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin