Chi tiết tin tức Bức tử môi trường là tội ác 19:30:00 - 03/08/2016
(PGNĐ) - Trong khi vấn đề môi trường được đưa lên bàn nghị sự tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV (khai mạc sáng 20-7 qua), nổi cộm là vụ Formosa ở Hà Tĩnh, cùng nhiều vấn đề liên quan tới việc phá hoại môi trường được người dân lo lắng, gửi gắm do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trình bày - thì ở Quảng Nam, đã xảy ra vụ phá rừng pơ-mu trăm tuổi, với 66 cây pơ-mu bị đốn hạ - được đánh giá là nghiêm trọng.
Nhìn những cây gỗ ngả nghiêng giữa rừng già, thấy hình ảnh của những vụ xả thải bất chấp sự sống của mọi loài được báo chí đăng tải với tần suất dày đặc thời gian gần đây hay việc chôn lén chất thải - lẽ ra phải được đầu tư xử lý đúng quy trình, đảm bảo an toàn... khiến người dân ai cũng bức xúc, chạnh lòng, lo lắng về chất lượng sống của chính mình, tương lai con cháu, đất nước. Nỗi lo ấy cùng với nỗi lo thực phẩm bẩn, nỗi lo xâm lấn của văn hóa phẩm độc hại trên mạng, của truyền thông thiếu trách nhiệm và những khoảng thủng của tầng ô-zôn ngày một lớn, hiện tượng El Nino với những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu, khiến người dân thêm gánh nặng. Từ món nợ (quy ra bằng tiền) mà bản thân mỗi đứa trẻ mới sinh ra và mỗi người dân Việt phải gánh dù sai phạm không phải ở người dân, tới miếng ăn nhiễm bẩn, rồi môi trường bị tàn phá, để rồi không ai khác, chính người dân phải chịu hậu quả trực tiếp, dài lâu từ sự phá hoại của nhóm nhỏ người mang danh đầu tư, làm giàu bất chấp... Niềm tin vào cuộc sống bị sụt giảm vì những điều kiện sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có nguyên nhân sâu xa là sự xói mòn đạo đức, sự tăng trưởng của lòng tham đến mức vô độ của một số người nắm quyền và có thế lực về kinh tế. Kiên quyết bảo vệ môi trường là đòi hỏi chính đáng, thiết thân mà mỗi người phải thấy trong sự vận hành cuộc sống, bởi mỗi người ai cũng có một phần trách nhiệm xây dựng, gìn giữ cuộc sống của mình, của cộng đồng. Không ai vô can trong việc để xảy ra những vấn đề hư hoại của môi trường, trong trách nhiệm giám sát, thực thi quyền công dân của mình. Và đương nhiên, không ai có thể thoát được những ảnh hưởng trực tiếp từ hậu quả của việc tàn phá môi trường tự nhiên như đã, đang làm. Cụ thể của ảnh hưởng đó chính là con số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam nằm trong top đầu của thế giới. Mong rằng, trên bàn nghị sự của Quốc hội, mỗi đại biểu dân cử lưu tâm sâu sắc tới vấn đề môi trường - một vấn đề nóng bỏng không chỉ của Việt Nam mà cả nhân loại tiến bộ quan tâm. Thiết nghĩ, không thể bất chấp để phát triển, không thể dung dưỡng cho bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có hành động giết chết môi trường sống. Vì đó là tội ác. Bởi, một khi hủy hoại môi trường là đang gián tiếp giết người một cách âm thầm theo ngày dài tháng rộng chứ không phải chỉ là thiệt hại trước mắt, đếm bằng thống kê hiện tại, không thể thấy bằng mắt thường... Hơn nữa, sự phát triển không thể gọi là phát triển khi trước mắt thu lợi kinh tế nhưng dài lâu phải đổ tiền sửa chữa, khôi phục môi trường nhiều hơn, đồng thời phải tốn chi phí cao cho việc chữa bệnh, lại còn làm cho người dân bất an trong mỗi ngày phải sống với ô nhiễm môi trường, không an giấc mỗi khi nghĩ về nguồn thức ăn, nước uống, không khí mà mình đang nạp vào cơ thể từng ngày, từng giờ. Đức Dalai Lama bày tỏ ngạc nhiên về con người, vì tuổi trẻ thì đổ sức khỏe ra kiếm tiền, đến lúc sức khỏe cạn rồi lại đổ tiền ra kiếm lại chút sức khỏe. Sự ngạc nhiên ấy của ngài khiến ai nghe qua, ngẫm nghĩ cũng giật mình thấy bản thân trong đó, nhưng rồi vẫn cứ... lao đi, tiếp tục hành trình bon chen ấy. Các nước đang phát triển và muốn phát triển nhanh chóng dường như cũng rơi vào vòng lẩn quẩn tương tự, khi cứ bất chấp nhiều thứ, trong đó có hư hoại môi trường để phát triển cho được kinh tế, tới lúc phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường, mà để giải quyết được vấn nạn còn tốn kém hơn, vì phải mất rất nhiều tiền, cần rất nhiều thời gian. Phải thật lâu môi trường mới có thể hồi sinh khi có quá nhiều nước thải, khí thải, rác thải độc hại được tuồn ra một cách không thương tiếc bởi những kẻ hám lợi, bởi những tập đoàn “nổi đình nổi đám” về hủy hoại môi trường trên bình diện quốc tế như Formosa! Đạo Phật với đường hướng từ bi, trí tuệ, lấy tình thương làm đầu, thể hiện ngay trong nguyên tắc cơ bản đầu tiên của người Phật tử là tôn trọng sự sống (không sát sanh). Với nguyên tắc ấy, hành giả nhận diện, không sát hại ở đây không chỉ là người mà còn là vật, là thiên nhiên, môi trường sống. Vì như đã nói, bức tử môi trường là gián tiếp giết người, làm hại loài khác một cách kinh khủng nhất, gây ra những cái chết hàng loạt (như thiên tai) hoặc những cái chết âm thầm, lâu dài (như bệnh tật). Với đôi mắt trí tuệ, người con Phật cũng biết rằng, làm việc thiện chính là việc lợi mình, lợi người, không chỉ ở hiện tại mà còn cả tương lai. Do vậy, người con Phật không chỉ không làm việc tổn hại mình và người ở hiện tại, tương lai mà còn nỗ lực để chống lại cái ác mang tên bức tử môi trường. Lên tiếng phản đối việc bạo hành với thiên nhiên, môi trường, gây ra những cái chết hàng loạt như vụ xả thải ở vùng biển miền Trung cũng là việc làm thường xuyên, không chỉ với mỗi Formosa mà bất kỳ tổ chức, cá nhân nào không xem quyền sống của tự nhiên, môi trường là một điều thiêng liêng. Ngày nay, có nhiều người (kể cả không phải là Phật tử) cũng đang ra sức bảo vệ môi trường sống của mình bằng nhiều hành động thiết thực, trong đó có ăn chay, kêu gọi mọi người cùng sống xanh. Từ ý tưởng bảo vệ môi trường thành hành động tôn trọng sự sống xuyên suốt trong đời sống, không chỉ là hô hào mà là với những việc làm thiết thực, cụ thể - để mỗi người đều là sứ giả của môi trường trong lành, của địa cầu xanh. Tất nhiên, để cả xã hội ai cũng ý thức điều đó cần có thời gian và thời gian bắt đầu là bây giờ, khi mà trong bất kỳ hội nghị cấp cao nào, các nguyên thủ quốc gia cũng đề cập tới việc bảo vệ môi trường. Tương lai chúng ta và con cháu mình nằm trong tay của mỗi người hôm nay. Ai cũng có những người thuộc gia đình huyết thống và gia đình tâm linh riêng. Vì thế, ai cũng sẽ có tình thương với con cháu, anh, chị, em của mình, và cần biểu hiện tình thương đó một cách có giá trị, đó là hãy trồng cây xanh, gieo lối sống xanh cho đời sống của chính mình và thế hệ mai sau bên cạnh việc kiên quyết, đấu tranh tới cùng trong việc bảo vệ môi trường, chống lại bất cứ ai gieo rắc ô nhiễm cho nguồn nước, khí, đất đai, thực phẩm... của con người.
Lưu Đình Long
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |