Chi tiết tin tức Giáo dục Phật tử trước thảm họa môi trường 21:12:00 - 24/05/2016
(PGNĐ) - Gần đây, người dân một số tỉnh miền Trung sống trong hoang mang trước tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng mà đến nay vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục. Phật giáo có thể giúp gì trong việc ngăn ngừa tình trạng tương tự?
Trước tiên, chúng ta cần nhận thức rằng, con người và môi sinh có mối quan hệ mật thiết với nhau theo lý Duyên sinh mà Đức Phật đã dạy: “Cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”. Môi trường xanh sạch đẹp thì con người sẽ có được một nguồn sống tốt lành; thực phẩm an toàn, biển sạch, rừng xanh sẽ giúp đời sống và sức khỏe chúng ta được cải thiện đáng kể. Biển chết, rừng trơ trụi thì chất lượng đời sống con người, cả kinh tế và chính trị xã hội cũng bị ảnh hưởng theo. Cho nên thay vì phải điều phục thiên nhiên thì hãy sống hài hòa với thiên nhiên. Chúng ta cần hướng dẫn Phật tử hiểu được lý Duyên sinh và Nhân quả qua ví dụ thực tế như không bán, sản xuất thực phẩm bẩn vì sẽ hại mình, hại người. Nếu trong cộng đồng mà có nhiều người sản xuất và bán thực phẩm bẩn như vậy thì đó là một địa ngục trần gian. Dù chúng ta để dành cái ngon lành cho gia đình mình và bán những sản phẩm độc hại cho người thì ta cũng phải mua lại các sản phẩm độc hại của người khác - thành ra cả xã hội âm thầm giết hại lẫn nhau. Mọi thứ trên đời đều ảnh hưởng, tương tác và có quan hệ nhân quả với nhau. Hãy lên án những kẻ sản xuất thực phẩm bẩn, phá hoại môi trường để bảo vệ cộng đồng chứ không phải chọn cách im lặng; việc này không khác gì đồng lõa với tội ác, làm được như vậy cũng được gọi là Bi - Trí - Dũng. Hướng dẫn Phật tử hiểu sâu về lòng từ bi không chỉ giới hạn trong loài người và loài vật. Phật tử đến chùa cần phải được nhắc nhở ý thức cẩn thận với từng bao ni-lông, từng cọng rác, đó là từ bi với môi trường. Giúp các Phật tử nhận ra tác hại và sự lãng phí của ngành chăn nuôi (các nhà nghiên cứu môi trường đã chỉ rõ) để tập dần thói quen ăn chay, bảo vệ môi sinh và thể hiện lòng từ bi với loài vật. Tinh thần thiểu dục-tri túc (ít tham đắm và biết đủ) sẽ mang đến rất nhiều lợi lạc cho Phật tử và xã hội. Hướng dẫn Phật tử không được phí phạm và biết cách tái sử dụng sản phẩm, tài nguyên. So sánh cho họ thấy việc chúng ta nhọc công lao động, lãng phí với việc sử dụng tiết kiệm, có nhiều thời gian thư thả - điều nào tốt đẹp hơn?
Vấn đề môi trường được quan tâm - Ảnh minh họa
Dạy cho Phật tử tinh thần vô ngã và vô thường. Hiểu được vô ngã, Phật tử sẽ biết sống vì cộng đồng nhiều hơn, tính ích kỷ sẽ giảm xuống. Giúp Phật tử ý thức được rừng và biển không chỉ của con người mà của cả mọi loài, con người không có quyền tàn phá và tự cho mình cái đặc ân ấy. Tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường của Phật tử phải quảng đại không còn gói trọn trong thôn xóm hay đất nước mình mà cả một hành tinh xanh - trái đất chính là quê hương. Nhờ vậy dù có đi đâu hay ở đâu, Phật tử cũng ý thức được hành động nhỏ của mình đang trực tiếp cứu lấy hành tinh này. Hiểu được vô thường, Phật tử biết rõ chết sẽ không mang theo được gì ngoài phước đức mình đã tạo, họ sẽ bớt tham lam vun vén cho riêng mình mà biết lo cho mọi người nhiều hơn. Hãy để các Phật tử chiêm nghiệm vấn đề này qua thực tế đời sống và thiền tập. Tỷ phú Hồng-kông Yu Pang Lin - người dành toàn bộ tài sản cho hoạt động từ thiện, đã nói: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Vì vậy nếu các Phật tử sau này có công thành danh toại rồi tham tích trữ tài sản, tiền bạc cho con cháu mà không lo cho mọi người thì cũng là hiểm họa. Bát chánh đạo là con đường giúp Phật tử trở thành một công dân có tâm và có tầm cho xã hội. Nếu Phật tử làm quan mà có Bát chánh đạo trong người thì đúng là phước cho dân, phòng tránh được những thảm họa tương tự ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, hại mình và hại người. Hướng dẫn cụ thể cho Phật tử khi nhìn nhận vấn đề phải luôn Chánh kiến và Chánh tư duy. Khi tiếp xúc với người khác sử dụng Chánh ngữ và Chánh nghiệp. Định hướng phát triển quốc gia, các Phật tử sử dụng Chánh mạng. Để xây dựng nội lực cho mình các Phật tử sử dụng Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Đứng trước một vấn đề, phải chỉ cho các Phật tử biết được thế nào là đúng sai theo lời dạy của Đức Phật, có thể tóm gọn qua việc phân tích động cơ (thiện hay ác), tham khảo ý kiến người trí tuệ và đánh giá hậu quả. Ở đây tôi xin nhấn mạnh ở khâu đánh giá hậu quả. Nếu hậu quả đưa đến lợi mình, lợi cho cộng đồng, quá khứ không sai lầm, đúng với hiện tại, đúng với tương lai thì nên làm, ngược lại thì không. Lấy ví dụ một tập đoàn đã từng gây ô nhiễm trên khắp thế giới thì đáng lý không nên có mặt ở Việt Nam (quá khứ sai lầm), có những quyết định có vẻ lợi ở hiện tại nhưng tương lai thì gây họa cho nên chúng ta cần cẩn thận. Khơi gợi tinh thần tàm và quý (biết hổ thẹn với những việc làm sai trái) trong Phật tử để có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng trước lỗi lầm đã tạo và không tái phạm. Thảm họa môi trường biển các tỉnh miền Trung đang xảy ra, phản ứng khá chậm của các cơ quan chức năng, hiện vẫn chưa thấy xác nhận ai thực sự chịu trách nhiệm, khắc phục và tương lai không biết có còn tiếp diễn hay không? Nếu một Việt Nam văn minh phải kèm theo môi trường lành mạnh. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật không tránh khỏi việc tài nguyên và thiên nhiên bị tàn phá. Tuy nhiên thảm họa đã xảy ra ở vùng biển một số tỉnh miền Trung đã để lại hậu quả ảnh hưởng xấu lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôi còn nhớ khi ở Chiang Mai, Thái Lan, người nào đốn một cây xanh bị lên án tương đương với tội giết một mạng người. Vì vậy, cây cổ thụ và rừng nguyên sinh còn nhiều và ngành du lịch rất phát triển. Chức năng của giáo dục quốc dân hiện nay dù đã nỗ lực nhưng chưa hoàn thiện để tạo ra những con người văn minh lý tưởng. Những tôn giáo tích cực nói chung và Phật giáo nói riêng đã và đang chung tay với nhà trường giúp xây dựng nhân cách và đạo đức cho các Phật tử bên cạnh một đời sống tâm linh ý nghĩa. Nếu Phật tử đã lãnh hội và thực hành được Bát chánh đạo, tinh thần vô ngã, hiểu được vạn vật vô thường, tinh thần Bi - Trí - Dũng của Gia đình Phật tử thì sẽ trở thành tấm gương cho xã hội. Tuy nhiên, để Phật tử luôn hướng về thiện nghiệp tức là thực hiện các việc tốt đẹp cho đời thì Tăng Ni phải luôn đồng hành khuyến khích Phật tử hình thành nhân cách chứ không thể chỉ một vài bài giảng hay một vài hoạt động có tính phong trào. Tóm lại, việc hướng dẫn Phật tử ý thức bảo vệ môi trường theo tinh thần Phật giáo ngay bây giờ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thích Châu Đạt
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |