Chi tiết tin tức

Tư duy Phật giáo trước các vấn đề thời đại

15:50:00 - 18/09/2013
(PGNĐ) -  Đạo Phật cho rằng, với nỗ lực lớn con người có thể giải quyết tất cả, bằng cách thay chuyển hướng tư duy, thay đổi tư duy, thay đổi cái nhìn thì các vấn đề khủng hoảng của thời đại cũng được giải quyết.

Nhân loại ngày nay đã bước vào thiên niên kỷ mới, một kỷ nguyên toàn cầu hóa về công nghệ thông tin, nền văn minh cơ khí nhân loại phát triển tột bậc, cuộc sống vật chất đạt đến đỉnh cao. Nhưng ai cũng thấy rõ hiện nay con người đang đối mặt với nhiều khủng hoảng lớn; chiến tranh có qui mô rộng lớn hơn, mức độ khốc liệt hơn, có khả năng tiêu diệt cả hành tinh này; môi trường sống gồm đất, nước, không khí đang bị ô nhiễm trầm trọng, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt phần lớn phục vụ cho những tham vọng của con người. Hậu quả là những thiên tai, hoả hoạn, lũ lụt, dịch bệnh gia tăng, hành hạ và giết hại rất nhiều người. Tệ hại hơn, sự suy thoái đạo đức làm phát sanh chiến tranh bạo lực, cướp giật, lừa đảo, ma tuý, mại dâm, làm lũng đoạn gia đình và xã hội... Con người chống đối nhau do tham lam ích kỷ, hẹp hòi, danh lợi, địa vị, quyền thế, biến thế giới này càng ngày càng trở nên bất ổn thống khổ triền miên.

Trước tình hình này, các nhà tư tưởng, khoa học gia đã và đang từng bước tìm kiếm các giải pháp nhằm xây dựng hòa bình thế giới và củng cố đạo đức cho nhân loại. Những kết quả đạt được chỉ giải quyết được phần ngọn của chúng chứ không giải quyết được tận gốc rễ của chúng. Trong khi Phật giáo đặt nền tảng xây dựng nhân cách đạo đức con người trên cái nhìn duyên sinh vô ngã một cách rốt ráo thì, nhưng chưa được triển khai rộng rãi trên khắp toàn cầu.

Cái nhìn duyên sinh vô ngã của Phật giáo phải được nhìn như thật chính nó trong quá trình sinh khởi và biến dịch của các pháp qua tư duy chắc lọc trong quá trình thành-trụ-hoại-không. Tư duy chính là hiện thân của tác nhân hành động. Chánh tư duy đem đến an lạc hạnh phúc; tà tư duy sinh khởi tà nghiệp gây ra các rối loạn và khủng hoảng trong tâm thức con người và xã hội. Các rối loạn khủng hoảng ấy lại dấy lên mãi... khiến việc tìm kiếm giải pháp ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Đạo Phật cho rằng, với nỗ lực lớn con người có thể giải quyết tất cả, bằng cách thay chuyển hướng tư duy, thay đổi tư duy, thay đổi cái nhìn thì các vấn đề khủng hoảng của thời đại cũng được giải quyết.

1. Vấn đề tư duy

Từ xưa, tư duy được xem là thước đo của hiện hữu, nó ban phát giá trị cho mọi sự vật. Nó được sử dụng như là phương tiện chủ yếu để tìm kiếm chân lý và hạnh phúc.

Nhưng chính nó đã tạo cho sự vật một tự ngã tưởng tượng, trong khi sự vật thật sự không có tự ngã. Từ đây, tư duy con người tạo ra một thế giới giá trị tưởng tượng đầy dẫy các mâu thuẫn và rối loạn. Càng đi sâu vào thế giới giá trị tưởng tượng ấy, con người càng chìm trong bóng tối của tư duy gọi “khủng hoảng tư duy”.

Với cái nhìn tư duy hữu ngã, con người thấy sự vật có một ngã tính thường hằng và chấp thủ nó. Nhìn thấy như vậy gọi là “điên đảo kiến” che mờ tâm thức khiến không nhìn thấy được thực tại tự thân. Cho nên con đường giải quyết khủng hoảng tư duy là đi ra khỏi “điên đảo kiến” hay đi vào “chánh kiến” thấy rõ sự thật Duyên sanh vô ngã có mặt khắp vạn hữu. Thấy vậy, con người sẽ nhận ra rằng: Tư duy hữu ngã là trống rỗng, dục vọng là do tư duy hữu ngã mà khởi, thế giới các ngã tưởng, là trống không và tham-sân-si liên quan tới thế giới đó cũng rỗng không, con người được giải thoát khỏi trói buộc của chúng. Không có gì bí mật ở trong dục vọng, trong khổ đau hay hạnh phúc của con người... ngoại trừ cái nhìn của tư duy hữu ngã, dập tắt tư duy hữu ngã là dập tắt khủng hoảng tư duy.

2. Vấn đề dục vọng

Cái nhìn tư duy hữu ngã còn gây ra một cuộc khủng hoảng khác; từ tư duy, dục vọng dấy khởi và gây rối loạn cho tâm thức con người. Con người hiện diện ở đời như một người khát nước ở ngoài khơi uống nước mặn. Càng uống thì càng khát, càng khát thì càng uống. Cũng như con người, ham muốn các cảm giác và sự vật không phải là biện pháp giải đáp cho nỗi khổ đau. Đây gọi là khủng hoảng dục vọng hay “điên đảo tâm”. Rơi vào điên đảo tâm, con người thường không còn sự lựa chọn nào khác hơn là tiếp tục ham muốn, ham muốn tăng trưởng mạnh đến độ nó nhìn thấy như là thực nghĩa của sự sống, do đó không nhìn thấy được lối ra. Cái “nhìn” như thật của Duyên sinh vô ngã, kinh qua Tứ thánh đế và Thập nhị nhân duyên của đạo Phật nói lên một sự thật: “Dục vọng là nguyên nhân của khổ đau”, và con đường thoát ly khổ đau là con đường chấm dứt dục vọng.

Nếu con người hiểu được sự vận hành của năm thủ uẩn trong nguyên nhân đưa đến khổ đau thì sẽ cùng lúc hiểu được sự thật của dục vọng dù là ham muốn bất cứ điều gì và nhận ra rằng: chủ thể của dục vọng là cái gì trống rỗng, vô thường, đối tượng của dục vọng cũng là cái gì trống rỗng, vô thường, như vậy sự ham muốn các hiện hữu chỉ có ý nghĩa là: một sự trống rỗng ham muốn một sự trống rỗng, hay vô thường ham muốn vô thường; điều này chẳng dính dáng gì đến con người. Hiểu như vậy thì con người hiểu rõ dục vọng là gì và thấy rõ được con đường thoát ly khỏi các trói buộc của dục vọng. Như vậy, nếu vô ngã vận hành thì khủng hoảng dục vọng đi đến chấm dứt.

3. Vấn đề con tim

Cái nhìn tư duy hữu ngã có chiều hướng gán cho mỗi hiện hữu một ngã tính thường hằng.

Theo Khổng học, tình yêu dành cho cha mẹ gọi là Hiếu và định nghĩa hiếu là các bổn phận mà mỗi người con trai con gái phải chu tất đối với cha mẹ. Nếu các bổn phận ấy không được người con thể hiện thì người con sẽ không được xứng đáng làm người.

Tình yêu dành cho xứ sở gọi là Trung và định nghĩa Trung là các bổn phận người công dân phải làm cho quê hương, xứ sở hay vị quốc vương của mình. Nếu người công dân không thi hành các bổn phận ấy thì không xứng đáng hiện hữu ở trên đời.

Tình yêu dành cho người yêu gọi là Tình và định nghĩa tình là mối liên hệ tình cảm thân thiết đòi hỏi chồng (vợ) có bổn phận lo cho nhau. Nếu người chồng hay vợ không chung thuỷ với người yêu bởi bất cứ lý do nào thì người chồng hay vợ là người có lỗi, không xứng đáng ở đời.

Thế nhưng, đời người phức tạp, thường hay gặp phải cảnh nghiệt ngã không thể nào làm tròn bổn phận của mình đối với cha mẹ, với quê hương xứ sở hoặc đối với vợ (chồng), trong tình huống ấy con người sẽ bất trung bất hiếu hay bạc tình. Và đau khổ gần như tuyệt vọng khi phải chọn lựa:

“Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”
(Nguyễn Du-Truyện Kiều)

Ở đây không có một chọn lựa nào tốt đẹp, bởi vì sự chọn lựa nào cũng đầy khổ đau và nước mắt.

Theo cái nhìn vô ngã, hiếu-trung-tình là do duyên mà sinh. Là vô ngã tính, chúng cần định nghĩa lại trong một ý nghĩa cởi mở thế nào để thể hiện tính nhân bản, hữu ích cho cá nhân và hạnh phúc như một con người.

4. Vấn đề tình cảm

Vấn đề con tim nói trên là do các lý do ở bên ngoài con người gây ra. Còn có một phương diện khác của vấn đề con tim do các nguyên nhân nội tại của người tạo ra đó là vấn đề tình cảm-cảm xúc, do thói quen của tình cảm gọi là khủng hoảng tình cảm. Nó vận hành qua nhiều mặt.

Văn hoá đương thời do cái nhìn tư duy hữu ngã tạo nên, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm thức con người tư duy, cảm giác, cảm thọ... văn hoá trở nên thân thiết với con người đến mức nó được xem là thực tại. Do cái nhìn này mà các phản ứng tâm lý và các tánh hạnh của con người khởi lên: hưởng thụ chúng chăng? ngay cả khi con người nhận ra nó là sai lầm, hay đau khổ và đã nhận ra rõ ràng có con đường sống tốt đẹp hơn do cái nhìn tư duy vô ngã dẫn đạo. Sự kiện này gọi là “điên đảo tình” hay khủng hoảng tình cảm.

Các giá trị do nền văn hoá ấy tạo nên gần gũi với con người dù thường đem đến cho con người nước mắt do các giá trị điên đảo của chúng, nhưng con người vẫn thích hiện hữu với chúng hơn là các giá trị mới.

Con đường giáo dục cũ là bất toàn, nhưng rất khó cho con người nghĩ đến một hướng giáo dục mới để thực hiện con đường mới. Sự việc này xảy ra cũng do điên đảo tình của con người.

Một con người ngoài tôn giáo, khi họ nhận ra sự thật của đời sống khác hẳn với những gì họ tin tưởng, họ vẫn không thể nào rời khỏi niềm tin cũ để đến với sự thật, đây cũng gọi là điên đảo tình.

Hiện tượng điên đảo tình có vẻ đơn giản nhưng thật là một sự ngăn che tâm thức đầy nguy hiểm. Muốn nhìn thấy rõ sự thật, đòi hỏi con người phải thực hành lặp đi lặp lại nhiều lần cái nhìn trí tuệ, để có một niềm cảm xúc mới thay cho tập quán tình cảm cũ.

5. Vấn đề đạo đức

Đạo đức hay luân lý là một giá trị sống do cái nhìn tư duy hữu ngã tạo ra. Được hiểu như là “những điều nên làm” và “những điều không nên làm” cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Nó vốn là sản phẩm tư duy của con người. Nên khi có mặt khủng hoảng tư duy thì liền có mặt khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng con tim cũng là cái gì của đạo đức, một cái gì liên hệ với đạo đức, khi khủng hoảng con tim xuất hiện thì khủng hoảng đạo đức xuất hiện. Mặt khác xã hội con người, đạo đức được hiểu là mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, khi kinh tế phát triển nhanh, mối quan hệ ấy phải thay đổi ngoài ý muốn của con người. Tương tự một chính sách hay một thể chế chính trị thay đổi, mối quan hệ kia không thể duy trì theo lối cũ, gây ra sự khủng hoảng đạo đức hay luân lý.

Nếu con người thật sự sống theo những lời dạy của đức Phật về tam vô lậu Giới-Định-Tuệ và xem giới như là đạo đức ở đời thì sẽ không bao giờ có khủng hoảng đạo đức dù cuộc đời có đổi thay. Giới là nếp sống không mang một lý thuyết nào, nó không có ý nghĩa nào về bất kỳ tôn giáo nào, nên nó có thể áp dụng vào đời sống mà không có bất kỳ sự kỳ thị nào.

6. Vấn đề môi sinh

Vấn đề môi sinh là vấn đề nóng bỏng mà nhân loại đang rất quan tâm. Khủng hoảng môi sinh là sự ô nhiễm môi sinh do các phóng xạ, sự phân hạch, bụi bặm thiên nhiên tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, nạn ô nhiễm không khí, nước và đất. Như đã được các sách báo... ghi lại, do các thử nghiệm bom nguyên tử, vũ khí hoá học, các khí độc thoát ra từ các nhà máy công nghiệp, nạn gia tăng dân số, nạn săn bắt phá rừng, dẫn đến thiên tai hoả hoạn, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh lan tràn... Đây là hậu quả của việc phát triển nhanh công nghệ, như đã nói nó cũng là hậu quả của sự tận diệt của loài người trong tương lai gần. Như vậy, bảo vệ môi sinh cần được thực hiện triệt để càng sớm càng tốt. Một triết lý giáo dục môi sinh cần được phát triển và phổ biến sâu rộng đến con người và thiên nhiên qua lăng kính duyên sinh và năm thủ uẩn vô ngã, để từ đó con người có thể tự nguyện bảo vệ môi sinh. Giải thích các hiểm họa do ô nhiễm môi sinh gây ra cho con người. Chỉ rõ rằng ham muốn của con người về sự lợi lộc vật chất của cải và uy quyền bắt nguồn từ tà tư duy chỉ gây ra khổ đau cho nhân loại.

7. Vấn đề giáo dục

Tất cả các vấn đề khủng hoảng trên có mặt là do sự có mặt của nguyên nhân gọi là khủng hoảng giáo dục. Nếu giáo dục không được xây dựng trên cơ sở đúng đắn do cái nhìn trí tuệ, nó sẽ đi lệch hướng về việc truyền đạt các kiến thức trống rỗng và các điều giáo dục không phù hợp cho người và mang lại khổ đau cho cuộc đời. Do vì bị chế ngự đóng khung bởi cái nhìn tư duy hữu ngã và các tưởng tượng để sống, mà không phải là thực tại chính nó. Con người có thể mong chờ những gì từ thế giới ấy nếu không phải là một bi quan thất vọng định mệnh! đi cùng với tham, sân, si, hận thù..., nếu không phải là sự xây dựng trên hành tinh này một thị trường vật chất khổng lồ, một thị trường vũ khí đầu độc giết người hàng loạt... chỉ mang lại cho nhân loại sự tàn hại và sợ hãi khổ đau.

Nếu giáo dục đặt cơ sở trên cái nhìn tư duy vô ngã, xem con người là một hiện hữu duyên sinh hay năm thủ uẩn mà không phải là một thật thể, thì giáo dục sẽ tìm ra một đường hướng đúng đắn cho việc “dạy con người những gì và dạy như thế nào?” Bây giờ vai trò của thế giới, và loại trừ hết thảy nguyên nhân của phiền não khổ đau để được hạnh phúc trong hiện tại và tại đây.

Lịch sử nhân loại chứng minh rằng, cái nhìn tư duy hữu ngã, của nhị nguyên tính đã và đang chế ngự văn hoá nhân loại trên trái đất hơn hai mươi lăm thế kỷ, khổ đau của sanh-già-bệnh-chết do tham ái chấp thủ của con người gây ra vẫn còn nguyên, ở đó các xung đột mâu thuẫn đấu tranh, thất vọng, tàn hại và sợ hãi của con người ngày càng gia tăng mà không có lối thoát. Nhân loại còn mong gì ở nền văn hoá ấy. Những lời Đức Phật dạy như khơi mở một cái nhìn duyên sinh vô ngã vốn khác hẳn quan điểm của tôn giáo và triết lý khác. Không nhìn con người hay thế giới là một thực thể có bản chất thường hằng, mà là một hiện hữu do năng duyên và sở duyên, có khả năng đem đến cho nhân loại hạnh phúc trong hiện tại và rất hữu ích nếu cái nhìn ấy được đem áp dụng trong đời sống thực. Sau cùng cái nhìn tư duy vô ngã là thước đo giá trị đặt trên nền tảng hạnh phúc của cá nhân con người và cộng đồng mà không phải đặt trên luân lý đạo đức, đặt nền tảng trên cái nhìn trí tuệ mà không phải trên hận thù và đấu tranh.

Cái nhìn theo tinh thần Phật học mang tính nhân bản tuyệt vời, vì trong cuộc sống ngày nay, cái nhìn duyên sinh vô ngã không mang ý nghĩa phi nhân bản với cách hiểu khống chế và triệt tiêu ý thức của con người cá nhân, mà ngược lại chính của nó là phương tiện giúp con người được giải phóng triệt để, giải phóng ra khỏi lao ngục của tư duy hữu ngã của chính bản thân mình và trở nên ung dung tự tại trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Con người khi chấp chặt bám víu cái “tôi” đó, “cái tôi thấy, cái tôi nghe, cái tôi cảm, cái tôi nghĩ, cái tôi nhìn...” thì làm sao nhận chân được hiện hữu như thật và đối xử với nó, mọi ý nghĩa, hành động ở đây chỉ là một sự thiên lệch chủ quan bị dắt dẫn và sai khiến bởi vô minh, sản phẩm của cái nhìn tư duy hữu ngã. Để đạt đến cái nhìn bình đẳng vô sai biệt đối với hiện hữu, con người cần phá bỏ thế giới nhị nguyên, cần phá bỏ cái chấp thủ; khó phá bỏ nhất là chấp thủ của tư duy hữu ngã. Với cái nhìn này, con người thời đại mới thật sự cảm nhận thế giới của mình, của tha nhân, của chư Phật, những thế giới này hoà quyện lẫn nhau không phân biệt, không sai khác. Từ đó con người trở nên tự do tự tại, không còn lệ thuộc vào tha nhân, vào thần linh thượng đế, vào hiện hữu chung quanh, trái lại giá trị con người được nâng cao tuyệt đối bởi đất trời, vũ trụ xưa nay vốn là một bởi vì: “Thượng đế đã chết” (Nietzsche). Nhìn là phương pháp tối yếu để khai mở khả năng vốn có của con người, nó gợi ý, đánh thức và phát triển tiềm năng giác ngộ, bản tánh sáng suốt trong mỗi chúng ta, làm khơi dậy những đức tánh Từ-Bi-Hỷ-Xả và loại trừ những ý niệm xấu ác của tư duy hữu ngã. Cái nhìn (Chánh kiến) giúp con người tiến hoá đến đích cuối cùng là Chân-Thiện-Mỹ kết tinh trong chữ Giác, hiện hình trong chữ Tâm, thức tỉnh con người ra khỏi giấc ngủ triền miên của ngã ái, chuyển vọng thức thành trí giác. Vì Trí tuệ của Phật không giám định bằng những thứ bằng cấp, học vị, quyền lực..., mà Trí tuệ kiến lập bằng chữ Như, Như là như như, là Như thị-như Tổ Phước Huệ từng nói:

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay tính lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ “Như”

Trí tuệ thấy hiện hữu như thật đang là, thấy như thật cái “đương thể tức không” cái đang là mà không bị bóp méo bởi tư duy hữu ngã. “Như” là thấy khổ, thấy vô thường, thấy vô ngã rốt ráo ở tuệ giác giải thoát giác ngộ. Từ đó cái nhìn tư duy vô ngã không còn lạc điệu trong muôn trùng vạn nẻo của những dòng nghịch lưu mà trở về tĩnh lặng uyên nguyên muôn thuở.

Thế hệ hôm nay, chúng ta phải làm gì để xứng đáng với cái nhìn ấy, để đem luồng sinh khí mới vào cuộc sống hiện tại? Điều cần thiết trước tiên chúng ta phải tìm một cái gì mới: một cuộc cách tân, một cuộc chuyển hoá tại tâm linh qua lăng kính duyên sinh vô ngã, chứ đừng biến đạo Phật thành một tổ chức có uy quyền thế lực với giáo đường vàng son, vì như thế sẽ tạo khoảng cách ly giữa con người với đạo Phật. Chúng ta đừng biến Tăng sĩ thành những người sống vô tư trên sự ưu đãi của chế độ cúng dường mà quên lãng nhiệm vụ “hoằng pháp lợi sanh”. Chúng ta đừng để Tam bảo là bảo vật cao quí xa rời cuộc đời khổ đau. Mà chúng ta phải thực hiện tất cả mọi hình thức sinh hoạt qua cái nhìn, qua hành động cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi, để chứng minh Đạo Phật hiện hữu trên cuộc đời là vì hạnh phúc, an lạc cho con người. Với cái nhìn tư duy vô ngã thì chúng ta không bao giờ trốn tránh cuộc đời để tìm nguồn phúc lạc cho riêng mình. Vì như vậy chỉ là sự ích kỷ, hẹp hòi nhỏ nhoi chất chứa đầy phiền não, tự tạo cho riêng mình một cuộc sống lẻ loi. Trong khi đức Phật dạy chúng ta chân lý ở ngay nơi cõi đời này.

“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác.”

Sống với cái nhìn vô ngã ấy, là noi theo cái nhìn từ bi của các vị Bồ Tát, lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, xem nghịch cảnh chướng duyên là tiêu hướng kiên trì, để làm nở hoa giải thoát giữa cuộc sống hằng ngày. Có như vậy, chúng ta mới làm khơi dậy cái nhìn trí tuệ thực chứng của đức Phật đã khơi mở hơn 25 thế kỷ qua:

“Không xuất thế thì không có gì khả dĩ hơn được cuộc đời, không có gì khả dĩ hướng dẫn được cho cuộc đời và làm đẹp cho cuộc đời. Còn không nhập thế thì không phải là đạo Phật nữa, bởi vì từ bi và trí tuệ, bản chất của đạo Phật trong trường hợp này, sẽ không có chỗ sử dụng” (HT Thích Nhất Hạnh- Đạo Phật hiện đại hoá).

Bây giờ mọi sự vật của cuộc đời đã rõ ràng như thật, cái nhìn đầy dục vọng và ngã tính với tất cả bí mật ma quái của nó đã bị dập tắt. Bí mật của hạnh phúc không phải là ở trong một đấng quyền năng hay một lời cầu xin cứu rỗi nào cả, cũng không phải ở cảnh giới xa lạ nào, mà ở trong chính mỗi người, trong chính cái nhìn của chúng ta. Sự thật là hạnh phúc được gặt hái ở đây quả thật chẳng có mấy hạt chắc, mà thật có tất cả. Thế hệ hôm nay tiếp nối thực hiện được mở suối nguồn sinh lực vô biên qua cái nhìn duyên sinh vô ngã này, là chúng ta thực hiện được hoài bảo của đức Thế Tôn và được gần gũi thân cận Ngài, dẫu có cách xa hằng hà sa thế kỷ. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là hàng Thích tử, chuyển vận cái nhìn vào cuộc đời “vì lợi ích chúng sanh”.

 

Theo TẠP CHÍ PHÁP LUÂN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin