Chi tiết tin tức

Chợt Tỉnh Cơn Mê - Phim Phật Giáo

10:09:00 - 02/08/2015
(PGNĐ) -  Phim “Chợt tỉnh cơn mê” kịch bản Huỳnh Văn Nĩ, chủ nhiệm sản xuất: Thich Chân Tính là tác phẩm mang đậm nét giáo lý nhà Phật, thể hiện tinh thần nhân quả nghiệp báo, lòng từ bi và sự vị tha. Phim còn đem đến cho người xem một cái nhìn chân xác về giá trị cuộc sống. Giá trị này không đo bằng thời gian hay tiền bạc mà đánh giá qua thái độ sống và những hành vi xử thế của con người. Biết tha thứ và yêu thương, nhân loại sẽ bớt đi cảnh tang thương tranh đấu, mà cái chủ đích là sống vui với những gì mình có, vui với những thành quả của kẻ khác đạt được.

Cũng như các tác phẩm nghệ thuật khác “Chợt tỉnh cơn mê” đã  vận dụng khéo léo hai mặt thiện ác của cuộc sống, gây tạo những giây phút hồi hộp, gay cấn và éo le…Mỗi nhân vật luôn lột tả trạng thái tâm lí khá hoàn hảo qua việc xử lí thông minh nhạy bén với lời thoại giản dị, sự diễn xuất thuần thục thông qua ánh mắt và những cử chỉ thân thể… Phim  được dàn dựng khá công phu, phối hợp góc quay sắc xảo liên tục. 

Xuất phát trên đường đến ngôi cổ tự, chi tiết đắt giá mà tác giả gửi đến người xem là hình ảnh chủ quán trao cho vị Sư “chiếc bánh tráng mè đen”. Đây là lời nhắn gửi hết sức khéo léo. Cảnh giác sự nguy hiểm sẽ mà vị sư sẽ gặp phải bằng câu nói đơn giản mà sâu sắc của chủ quán “cuộc đời cũng có đen trắng lẫn lộn như cái bánh này, Sư nên cẩn thận”. Điều khiến khán giả ngạc nhiên hơn là Vũ Sung và vị Thầy lại cùng đi về một hướng, từ đây  những tình tiết gay cấn của bộ phim dần xuất hiện.

Có lẽ người xem sẽ có một cảm giác chưa hảo ý với Tập 1 của bộ phim vì xuyên suốt tập này chỉ là cảnh trèo đèo lội suối của hai người bộ hành. Thế nhưng, đây mới là chỗ dụng pháp tài tình của tác giả. Tại sao vậy ?  Ta nhận thấy điều sâu kín mà tác giả muốn nói khá rất rõ ràng. Đây không chỉ đơn thuần là con đường tiến về ngôi chùa mà chính là đường đi của  một cuộc đời con người. Con đường ấy có khi lên cao, có khi xuống thấp, có khi phải băng qua những hiểm trở của khe suối khó khăn, hoặc giông tố thử thách. Thế thì tại sao con người vẫn luôn tiến  tới con đường phía trước? Là bởi vì họ đều có những mục đích và ý nguyện riêng. Có thể là cao thượng  hoặc  thấp hèn. Có thể là cao thượng hoặc thấp hèn. Hai nhân vật trên lộ trình ấy đã thể hiện rất rõ điều ấy. Vũ Sung, một con người vốn bản chất xấu ác, ngay từ lúc khởi hành đã manh nha một ý nghĩ gì đó bất thiện. Điều này khiến cho gả cố sức bước theo vị Sư dù đã quá mệt. Những tâm ý bất hảo trỗi dậy trong đầu Y, những toán kế bắt đầu được sắp đặt . Chi tiết này cho ta bài học giáo lý sâu sắc. Bài học về sức mạnh của tâm ý. Một niệm móng khởi đã kéo chân Vũ Sung  theo sự thúc dục của nó. Mà niệm tham là cái dễ dàng nhận thấy. Sự phát khởi đó phát sinh một chuỗi dằn vặt, mưu tính, đau khổ… để thực hiện cho bằng được mục đích. Thế nên, Kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:

“Ý dẫn đầu các Pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu nói hay hành động
Với tâm ý bất thiện
Khổ não liền theo sau,
như bánh xe lăn theo chân vật kéo”. (PC câu 1)

Vũ Sung, một con người tuy xấu xa nhưng tòa án lương tâm vẫn còn hiện hữu. Do đó, khi những mưu tính phát khởi làm anh ta thật sự rối reng về tâm lý. Sự dằn vặt kéo theo nỗi lo lắng cho kế hoạch bất chính sắp bày ra. Đây quả thực là hại người chưa thấy mà tự mình đã khổ vậy. Cũng qua đây tác giả giác tỉnh cho người xem cảnh đời vốn thăng trầm đau khổ, thế mà họ vẫn cứ lăng xăng theo những toan tính lo âu. Kết cục chỉ để phục vụ cho cái ngã to tướng ngự trị ở mỗi con người. Kỳ thực, vui chưa đến mà khổ đã gần kề. Thế nên hãy cẩn thận với tâm ý của mình.

Tuy ý thức được hại người là việc làm tội lỗi nhưng vì dục vọng lôi kéo quá mạnh, Vũ Sung không tài nào kiềm chế được. Do đó, càng tăng trưởng sự xấu xa của mình. Người ta thường nói “ngày suy nghĩ thì đêm mộng mơ" quả thực không sai. Bởi khi phát hiện ra rằng trong Tai-nãi của vị Sư rất nhiều vàng, Vũ Sung càng điên cuồng hơn muốn giết vị sư cho bằng được. Ý nghĩ này ăn sâu vào tâm thức của gả nên đã không dưới hai lần gả nằm mơ giết chết vị Sư. Lòng tham dâng lên cuồn cuộn, chân tay Vũ Sung như lúc nào cũng  muốn đoạt mạng vị Sư, cướp lấy của cải. Dù trong giấc mơ  Vũ Sung đã thấy mình thất bại. Và vì là mơ chưa phải thực nên Y vẫn nuôi mộng giết người cướp của. Thế rồi gả đã thực hiện được ý đồ của mình một cách thiện xảo, một cú đẩy khá bất ngờ làm vị Sư không thể nào nghĩ tới được.

Xuyên suốt chiều dài bộ phim ta luôn bắt gặp vị Sư trong tư thế oai nghiêm có đức độ và dày dặn kinh nghiệm. Tuy biết về người  cùng đồng hành với mình khá nham hiểm nhưng thầy vẫn luôn giữ tâm chánh niệm bình thường,  không có tâm xa lánh mà ngược lại tỏ ra rất thân thiện. Đây có thể nói là một bậc chân tu, đạo cao đức trọng, thể hiện phong thái và khí chất của nhà Phật. Diễn viên trong vai này đã chuyển tải khá thành công vai diễn.

Trở lại với nhân vật Vũ Sung, sau khi lấy được số vàng của vị Sư, Vũ Sung đã mặc cho mình một cái lốt mới với tên Lộ Ẩn Tung, người Tàu. Mọi sự tiếp xúc của bà con cô bác đều hạn chế, chọn người hầu cũng suy xét kĩ càng, tạo thành cái vỏ bọc khá hoàn hảo. Điều này khiến ta nghĩ đến sự trắng trợn của con người, sẵn sàng bán đi danh dự và giá trị con người bằng mọi giá nếu có thể. Vũ Sung ngày nay không giống như ngày xưa nữa. Với dáng vẻ đạo đức và thanh cao, gả đã thực sự lừa bịp mọi người. Nhưng đối với người vợ, Vũ Sung luôn bị đặt một dấu hỏi lớn khó giải đáp. Và đối với việc làm quá tàn bạo của mình gả không sao yên ngủ. Hình ảnh vị Sư bị đẩy xuống núi luôn hiển hiện trong đầu Vũ Sung. Lương tâm bị cấu xé không dứt lâu dần trở thành bệnh hoạn, bấn loạn tinh thần. Cứ ngỡ có tiền là có tất cả, nhưng sự thật không phải như vậy. Bởi giá trị cuộc sống không đo bằng tiền, hạnh phúc không phải có được từ nhà cao cửa rộng. Ấy vậy nhưng tất cả mọi người đều nghĩ như thế. Mà Vũ Sung trong phim là một ví dụ điển hình. Tất nhiên, cuộc sống sẽ gặp nhiều  khó khăn khi không có tiền bạc. Nhưng biết sử dụng đúng đồng tiền mà công sứ mình làm ra mới thật xứng đáng và hạnh phúc. Vì vậy,một người nghèo vẫn sống hạnh phúc khi biết bằng lòng với những gì mình có. Tiền có thể mua “tiên”  nhưng tiền không thể mua được nhân cách và sự trong sạch. Vì vậy mọi nỗ lực của người vợ không thế nào chữa lành tâm bệnh của Vũ Sung.

Người xem lại bất ngờ hơn khi vị Sư vẫn còn sống. Sự đối diện của hai con người năm xưa quả thật hy hữu. Và vẫn tánh nào tật nấy, Vũ Sung đã không ngại dùng kiếm chém điên cuồng vào vị Sư nhưng nhờ võ nghệ Sư đã né tránh những đòn tấn công thâm hiểm, xoay chuyển tình thế nhanh nhẹn khi đưa cổ gả vào đầu lưỡi kiếm. Lúc này Vũ Sung mới thật sự ăn năn về những việc làm sai trái của mình, quay đầu đã thấy bỉ ngạn của sự thánh thiện. Qua tình tiết này cũng thể hiện được lòng đại vô lượng của  vị Sư. Đó là tinh thần “bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân” mà Kinh Bát Đại Nhân Giác đã dạy. Đây chính là công hạnh cao đẹp của người tu đạo Bồ-đề. Đồng thời chứng minh cho chân lý :

Hận thù diệt hận thù
Đời này khôn thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
(PC câu 5)

Vâng, cuộc sống sẽ hài hòa và tươi đẹp hơn nếu ai cũng luôn mang trong mình trái tim biết tha thứ. Qua đây hình ảnh vị sự hiện lên quá cao thượng, sự cảm hóa không bằng vũ lực mà bằng năng lượng của từ bi và trí tuệ soi sáng. Đó chính là điểm nhấn quan trọng trong tinh thần giáo lý nhà Phật. Tất cả oán thù hay thương yêu đều mang những nhân duyên tiền kiếp. Vị Sư ý thức rõ đều này nên hành xử rất đúng đắn. Vì chắc hẳn không ai vô duyên vô cớ não hại người khác. Kẻ ác sẽ luôn chiến bại còn người hiền ắt được vang danh, đây là một định luật bất di, bất dịch mà Đức Thế Tôn nói đến trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương: "Kẻ ác hại người hiền giống như ngữa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt chẳng tới trời mà rơi lại vào thân. Nghịch gió bắn bụi, bụi chẳng tới người mà bụi lại bay trở ngược vào mình. Người hiền không thể hại, họa ắt đến với kẻ ác". Kết thúc bộ phim thật có hậu, để lại những ấn tượng đẹp cho người xem.

Tóm lại, sự ra đời của “ Chợt tỉnh cơn mê ” đánh động đến vai trò quan trọng của luật nhân quả trong đời sống và tinh thần cao đẹp của giáo lý nhà Phật. Đồng thời góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nền Phật giáo nước nhà. Đánh thức lương tâm con người nhằm phòng hộ và tiêu trừ những xấu xa của xã hội.  Tạo tầm nhìn mới hơn về giá trị của cuộc sống, bằng cách nhìn nhận thông qua sự từ bi và trí tuệ.  Và có lẽ với kinh phí còn hạn hẹp phim vẫn chưa thể hiện hết tâm ý của nhà biên kịch.

 

Phim Phật Giáo do chùa Hoằng Pháp thực hiện 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin