Chi tiết tin tức Bắc Giang: Pháp thoại ''Tu hành là gian khổ '' TT. Chân Quang giảng tại chùa Thành 17:17:00 - 28/10/2014
(PGNĐ) - Sáng ngày 25/10/2014 (nhằm ngày 02/09/Giáp Ngọ), nhận lời mời của ĐĐ Thích Thanh Sơn – Chánh thư ký tỉnh hội Phật giáo Bắc Giang – Trụ trì chùa Thành ( Xương Giang – tỉnh Bắc Giang), TT Thích Chân Quang – Phó Ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã về thăm chùa và thuyết Pháp cho hàng phật tử về đề tài “TU LÀ GIAN KHỔ”, với sự tham dự trên 500 phật tử từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Bài thuyết Pháp của Thượng tọa đã gợi mở cho các phật tử thấy việc tu hành là cả một quá trình thật dài, đầy khó khăn, gian khổ, nhằm giúp các phật tử hiểu sâu, áp dụng tu cho mình và làm lợi ích cho những người chung quanh. Trước Pháp hội, ĐĐ Thích Thanh Sơn thay mặt cho các phật tử, bày tỏ sự vui mừng về việc Thượng tọa đến thăm chùa. Đại đức khẳng định: “Việc Thượng tọa về thăm chùa là một nhân duyên mà mọi người đã gieo rất nhiều duyên lành từ trước. Ngoài ra, còn một nhân duyên lớn hơn nữa, đó là mọi người được nghe Phật pháp, biết tin hiểu nhân quả, có lòng tôn kính Phật, rồi tự vấn hành động của mình sao cho tốt đẹp hơn, và lấy đó làm thước đo đạo đức, đạo tâm để thấy thực lực tu hành của bản thân đến đâu mà tinh tấn hơn nữa trên con đường đạo. Trước sự tiếp đón nồng hậu của Đại đức Trụ trì cùng các phật tử, Thượng tọa cũng bày tỏ niềm hoan hỉ của mình khi được về thăm và thuyết Pháp tại ngôi chùa cổ có giá trị nổi bật về ý nghĩa văn hóa cũng như lịch sử, tồn tại hơn 700 năm này. Mở đầu bài thuyết giảng, Thượng tọa nhấn mạnh: Mọi người sống trên đời, trong thẳm sâu tâm hồn mình ai cũng muốn đi tìm sự sung sướng. Do đó, khi ta đến với bất cứ một tôn giáo, hay một triết thuyết nào trên thế giới cũng đều được hứa hẹn là ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp, sung sướng, an lạc. Tuy nhiên, nếu tin vào nhân quả thì ta phải hiểu một điều“Không có gì là không công bằng.” Nếu là một sự sung sướng, hạnh phúc tột cùng thì phải có cái nhân xứng đáng với quả phúc đó. Thật ra, sung sướng hay khổ đau đều là cảm giác của con người, nhưng có giới hạn của nó. Nếu chúng ta vượt qua khỏi cái ngưỡng giới hạn đó thì sẽ phải chịu đựng những hậu quả đáng tiếc do hành động sai lầm của mình. Chỉ bởi bộ não hay sức khỏe con người không chịu được quá sức của sự đau đớn cũng như mọi khoái cảm, sung sướng. Tu là để sung sướng nhưng cái sung sướng trong tu không phải khoái cảm hay cảm giác của con người. Nhân đây, Thượng tọa phân tích sự khác biệt giữa cái sung sướng của dục lạc với cái sung sướng của sự tu là gì và ta nên chọn cái loại nào mà đi đến cho đúng. Theo quan điểm của Thượng tọa “Sung sướng trong tu là một cảm giác vô ngã, sáng suốt, an lành, thanh tịnh và nằm trong thiền định. Tâm ta vắng lặng, thanh tịnh, vô ngã thì đó là hạnh phúc của đạo. Hạnh phúc đó nhiều cũng không sao. Tâm càng hư vô chừng nào, bản ngã ta càng biến mất chừng nào thì hạnh phúc đó càng lớn”. Cho nên, ý nghĩa hạnh phúc sung sướng mà ta hiểu trong đạo Phật, khác hẳn hoàn toàn với kiểu vui sướng của thế gian. Khi nào tâm ta nhiếp trong thanh tịnh mà hạnh phúc đó ta nhận ra được thì đây mới là cái hạnh phúc vô hại. Cứ càng thanh tịnh, càng an lạc chừng nào thì càng lợi ích chừng đấy. Tuy nhiên khi tu, chúng ta chẳng bao giờ tìm hạnh phúc, dù là hạnh phúc loại nào (vô hại hay an lành). Mục đích tu hành cuối cùng của chúng ta là tìm sự giải thoát khỏi vô minh, khỏi chấp ngã, khỏi trầm luân. Nhưng khi ta đạt được sự giải thoát thì vô tình ta đạt luôn sự an lạc vô hạn. Cho nên, đạo Phật dùng từ an lạc là vậy. Hạnh phúc trong đạo Phật có chữ “An”, nghĩa là càng hạnh phúc chừng nào thì tâm càng bình an chừng ấy, trong khi cái khoái cảm của thế gian thì đầy xao động bất an. Nhưng để đạt được chữ “An” đó thì ta phải tu hành rất vất vả. Nên nhớ, để đi tìm được mục tiêu vô ngã, giải thoát, giác ngộ thì con đường đi rất là dài, công lao bỏ ra rất nhiều, chí nguyện ta phải kiên cường, chứ chẳng phải không khổ công, tu nhàn nhàn mà có được. Tu là gian khổ nhưng không có nghĩa “Tu” là đi tìm cái khổ. Người khẳng định “Mục tiêu của đạo Phật không phải là đi tìm cái khổ, không phải là đày đọa thân xác mà là làm sao cho hết vô minh, chấp ngã (đó mới là giải thoát). Đồng thời, “Tu” cũng không có nghĩa là đi tìm cái sung sướng”. Để các Phật tử không bị lạc đường tu, Thượng tọa đã dạy phải luôn tâm niệm rằng: “Con không nguyện về nơi sung sướng Mà chỉ mong đúng hướng chân tu Dẫu qua nghìn vạn xuân thu Một lòng mong thoát ngục tù vô minh”. Thượng tọa đã nâng chí nguyện của các phật tử lên, rằng khi vào chùa tu thì phải phát nguyện thành Phật, cứu độ chúng sinh, dù con đường đó có đi qua vô lượng kiếp cũng không nản, bằng không, nếu chỉ tu cho vui thì mình cứ làm bụi bặm, cỏ bay gì đó sơ sài, rất là phí. Lại nữa, tu là gian khổ. Gian khổ gồm hai ý nghĩa, đó là cực và lâu. Đồng thời trong tâm ta luôn có sẵn một khuynh hướng là chán nản. Cho nên, điều ta phải chiến đấu là sự chán nản trong lòng mình khi làm cái gì lâu quá mà chưa có kết quả. Cái gì mà tốn nhiều thời gian, công sức thì sẽ làm cho ta nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng tu thì cả nghìn kiếp, dù cực khổ vẫn cứ đi mãi… đi mãi, không được nản chí, không quay lại, không bỏ gánh nặng tu tập xuống. Gánh nặng đó là sự tinh tấn, công đức mà ta phải tạo, công phu mà ta tu hành hàng ngày. Người nhắc nhở, các phật tử phải chuẩn bị tâm hồn của mình quyết liệt như vậy. Thật ra, cái quả làm Phật, làm Thánh, cái quả giác ngộ giải thoát là cái quả phi thường thì cái nhân tích lũy cũng phải rất lớn (tức cái nghiệp, cái phúc phải rất cao tột). Còn cái gì mau, ít cực khổ thì làm sao có được kết quả phi thường. Do đó, ta phải tu ít nhất 30 kiếp thì mới thấy cái quả đã gieo. Người nào nghe nói tu 30 kiếp mới bắt đầu thấy kết quả mà vẫn vui vẻ chấp nhận thì đó là người có trí tuệ trong đạo. Còn người nông cạn, trí tuệ ít, chỉ đòi thấy cái trước mắt thì không vượt qua được cõi luân hồi sống chết. Với quan điểm này, Thượng tọa đã mở tâm cho người phật tử thấy điều phi thường sẽ tới ở vài chục kiếp sau để họ kiên trì tu hành. Và một lần nữa, Thượng tọa nghiêm túc nhắc nhở: Chân lý không phải cái gì vội vàng, ngắn ngủi, tạm bợ mà là cái rất lâu dài, là vĩnh cửu. Và để đạt được cái đạo quả vĩnh cửu đó thì cái nhân ta gây tạo phải là vô hạn. Vấn đề, tại sao chúng ta phải tu tập vất vả lâu dài? Để chứng đạo, để đắc được quả Thánh thì ta phải tạo phúc cho thật dày, thật lớn và cái công phu thiền định phải sâu, cho tới mất cái bản ngã. Cái bản ngã (cái tôi) của ta chính là sự xoáy động của tâm thức. Khi nào tâm của ta lắng đọng dần cho đến lúc tuyệt đối thì ta mất bản ngã. Cho nên hai cái công phu: một là tạo phúc cho dày; hai là thiền định cho sâu thì đó là những công trình rất lớn. Và Thượng tọa đã lý giải về vấn đề này thật kỹ càng, khiến các phật tử nhanh chóng nhận ra được cái đạo lý tuyệt vời mà họ cần tiến tu, nhằm cầu đạo vô thượng bồ đề. Họ hiểu một điều, trên con đường đi đó, nếu chọn con đường tu tập thì họ phát tâm chọn con đường cống hiến, phụng sự vất vả; chọn con đường tu giản dị không chọn sung sướng và chọn con đường nào lâu dài, không thích nhanh. Cái quan trọng là tu cho đúng, làm sao đi bước nào vững bước đó, chứ không kỳ hạn thời gian bao lâu. Ngoài ra, Thượng tọa còn cho biết một số tính cách của người tu. Đối với người tu, họ thích chịu đựng nghịch cảnh hơn là thoát khỏi nghịch cảnh và không có nghịch cảnh. Người tu họ thích chịu đựng, thích cực khổ chứ không mong đi tìm cái gì đó dễ dàng, sung sướng, thoải mái để hưởng thụ. Khi họ thấy một điều gì hay, điều gì tốt thì không bao giờ hưởng một mình mà nghĩ ngay đến người khác để chia sẻ. Một trong những điều tốt mà người tu có là Phật pháp – là đạo lý. Khi có đạo lý thì người tu luôn ray rứt, lúc nào cũng muốn chia sẻ cho mọi người. Tu là gian khổ. Vậy để các Phật tử có thể kiên định với con đường tu tập đã chọn, Thượng tọa chỉ ra rằng: “Tu mất rất nhiều thời gian nhưng không phải chạy cho nhanh mà ta phải đi chậm. Chạy nhanh thì chóng ngã, còn đi chậm thì ta mới đi được lâu. Ta đi chậm nhưng không lười nhác. Ta không hấp tấp, không vội vàng, nóng nảy, mà đi bước nào vững bước đó. Vừa tu vừa dưỡng sức thì ta có thể đi đến 100 kiếp. Phật thương người đi lâu, đi dài nên Phật sẽ gia hộ, dìu dắt, hướng dẫn. Còn người Thêm nữa, hạnh độ sinh, giáo hóa, chia sẻ đạo lý với mọi người lại vô cùng vất vả. Như vậy tu là gian khổ nhưng nếu không tu ta mãi mãi chìm đắm trầm luân, vô minh, tối tăm và đó mới là đau khổ; còn khi chúng ta chấp nhận vượt qua hết mọi gian khổ đó để tu hành thì sẽ có ngày ta được giải thoát giác ngộ. Tóm lại, “Tu” là một hành trình gian nan mà con người phải chiến đấu với chính bản thân mình đầu tiên. Dù không thấy được kết quả của việc tu hành trong hiện tại, không vì thế mà chúng ta nản chỉ, bỏ cuộc. Chính những khó khăn xảy đến cho thấy thử thách thực sự về khả năng chịu đựng của mình. Người nào có ý chí kiên cường khi khởi tâm tu hành thì mới có thể đi hết con đường dài và gian khổ đó. Bài Pháp thoại của Thượng tọa với cấu trúc chặt chẽ, mang ý nghĩa sâu sắc đã thức tỉnh cho các phật tử thấy rằng: Tu là gian khổ, vất vả và lâu dài. Chỉ việc tạo phúc cho dày đến vô lượng kiếp là hết sức gian khó, đồng thời để tu thiền cho đến vô ngã cũng vô cùng vất vả và lâu dài. Qua đó, định hướng con đường tu tập đúng đắn ngay từ đầu cho những ai mới bắt đầu vào đạo và củng cố thêm niềm tin, sự kiên định cho các phật tử đang tu. Nếu chúng ta có trí tuệ chân chính thì không bị người khác sai sử, dẫn dắt đến chỗ sai lầm, mà có một niềm tin vững mạnh, phấn khởi trên đường tu đạo khó khăn để có một cuộc đời an lạc, hạnh phúc và cao hơn là đi đến bến bờ giác ngộ, giải thoát. Nhân đây, chúng ta hãy rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân. Tại chùa Thành, cuối buổi thuyết Pháp, nhà chùa còn tổ chức Lễ Quy Y Tam Bảo cho hơn 50 phật tử và ĐĐ Thích Nghiêm Giám đã thay mặt Thầy Bổn sư là TT Thích Chân Quang - Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang, giải thích về ý nghĩa và truyền Tam quy – Ngũ giới – Bảy điều nguyện cho các thiện nam tín nữ phát tâm trở thành đệ tử Phật. Trong thời đại ngày nay, rất nhiều Tu sĩ Phật giáo có tinh thần hoằng pháp lợi sinh không vướng mắc, mà tất cả vì sự nghiệp phụng sự đạo pháp, phụng sự chúng sinh. Đẹp thay! tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha của đạo Phật như dòng suối mát lạnh, ngọt ngào, làm cho con người cảm thấy hạnh phúc khi đến với nhau./.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |