Chi tiết tin tức

Cung rước tôn tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

21:36:00 - 21/04/2015
(PGNĐ) -  Sáng 19-4 (1-3-Ất Mùi), tại thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc (tổ 10, phường Cự Khối, quận Long biên, Hà Nội), Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ cung rước tôn tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và lễ tưởng niệm 685 năm ngày Đệ nhị Tổ sư Pháp Loa viên tịch.
 

tuong009.jpg
HT.Thích Thanh Nhiễu phát biểu tại buổi lễ

Chứng minh và tham dự buổi lễ có HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; TT.Thích Thông Hạnh, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Đồng Nai, phó trụ trì thiền viện Thường Chiếu; ĐĐ.Thích Chiếu Tuệ, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP.Hà Nội; ĐĐ.Thích Kiến nguyệt, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên; NS.Thích Đàm Lan, Trưởng BTS GHPGVN quận Long Biên; NS.Thích nữ Hạnh Nhã, trụ trì thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các thiền viện, tự viện trong tông môn Thiền phái Trúc Lâm ở phía Bắc và đông đảo Phật tử đạo tràng tu học tại thiền viện.

Về phía chính quyền có ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký UBTƯMTTQVN; ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ; nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN; PGS.TS Đặng Văn Bài, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa VN cùng lãnh đạo các ban ngành TP.Hà Nội và quận Long Biên.

tuong008.jpg
Nghi thức an vị tôn tượng

tuong033.jpg
Và dâng hương lên Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tôn tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác từ chất liệu quý là đá ngọc bích nguyên khối mầu đỏ, có chiều cao 1,06m; tổng chiều cao kể cả tòa sen là 1,5m; trọng lượng tổng cộng của tượng và tòa sen nặng 1.000 kg. Tượng do Quỹ Công đức từ thiện Lê - Phạm phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam phát tâm công đức cúng dường Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc.

Phát biểu tại lễ cung rước tôn tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và lễ tưởng niệm 685 năm ngày Đệ nhị Tổ sư Pháp Loa viên tịch, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh: “Nhìn lại trang sử hào hùng của Phật giáo trong dòng chảy lịch sử oai hùng của dân tộc, hết thảy chúng ta đều rất đỗi tự hào về tấm gương sáng, anh minh và nhân hậu của đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài vừa là bậc hoàng đế anh minh lỗi lạc, vừa là người sáng lập một dòng thiền Việt và là một nhà sư đạt quả vị Phật. Trong con người và sự nghiệp của Ngài, chúng ta thấy luôn song hành tư tưởng đời và đạo không phân chia, lấy đạo hướng dẫn con người và lấy việc làm thực tiễn chân chính ở đời cũng để phục vụ con người, phục vụ đất nước. Tấm gương và hình ảnh của Ngài là một minh chứng sâu sắc và hùng hồn cho truyền thống kiên cường, bất khuất, thấm đượm tính nhân bản trải suốt mấy nghìn năm của dân tộc ta...”.

tuong108.jpg

tuong057.jpg
Đông đảo chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử dự lễ

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu: “Nhắc đến tên tuổi của Trần Nhân Tông trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo đều sáng lạn một tấm gương và tầm vóc vô cùng to lớn của một vị vua anh minh kiệt xuất đã lãnh đạo toàn dân Đại Việt hai lần đánh bại giặc Nguyên - Mông kéo sang xâm lược nước ta vào cuối thế kỷ XIII và một vị thiền sư đắc đạo đã sáng lập và lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng có và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Trên cả hai phương diện Đời cũng như Đạo, vị hoàng đế Đại Việt đứng đầu Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là biểu tượng cho một tư tưởng nhân văn của một đường lối chính trị lấy dân làm gốc và một giáo lý lấy tâm để hành đạo...”.

Đức Hiếu

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin