Chi tiết tin tức Hà Nội: 5.000 người thính pháp tại chùa Tường Mai do TT. Chân Quang chủ giảng 20:49:00 - 18/11/2014
(PGNĐ) - Vừa qua, tối ngày 30/10/2014, nhận lời mời của Sư thầy Trụ trì, TT Thích Chân Quang – Phó Ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã về thăm và thuyết Pháp cho các phật tử về chủ đề “BẬC THÁNH NGHĨ GÌ”, tại chùa Tương Mai (Trương Định - Hà Nội).
Buổi thuyết Pháp đã thu hút sự tham gia của gần 5000 phật tử đến từ các tỉnh thành miền Bắc. Bài Pháp thoại đã giảng giải cho các phật tử biết rõ hơn về đặc tính của một bậc Thánh, từ đó xây dựng nên một hình tượng đẹp, sống động cho mọi người học tập và phấn đấu chuyển lên làm Thánh dần dần trong suy nghĩ. Đúng 18h00”, nhà chùa tổ chức Lễ Quy Y cho gần 500 thiện nan tín nữ phát tâm trở thành đệ tử Phật. Tại Chánh điện, buổi Lễ truyền giới chính thức diễn ra trong không khí trang nghiêm thanh tịnh. ĐĐ Thích Nghiêm Giám thay mặt thầy Bổn sư là TT Thích Chân Quang giảng giải về ý nghĩa Tam quy - ngũ giới của người phật tử tại gia. Và để Phật pháp năng động, mạnh mẽ hơn, đem lại lợi ích phước báo vô lượng cho người tu tập, Đại đức còn khuyến tấn phật tử hành trì thêm bảy điều nguyện trong đời sống hàng ngày, đó là: tập ăn chay, học Pháp, thực hành tu tập, làm việc từ thiện, phật hóa gia đình, phổ biến giáo Pháp và kiên cường hộ đạo. Sau đó, các phật tử theo sự hướng dẫn của quý thầy, phát nguyện sống trọn đời theo lời Phật dạy. Tiếp theo, mở đầu bài Pháp thoại, Thượng Giảng sư đã gợi mở cho các phật tử thấy trong trái đất này, mọi loài đều có suy nghĩ. Suy nghĩ của một số loài được quy định sẵn trong bản năng, không có sự tiến hóa. Tuy nhiên, có nhiều loài biết suy nghĩ và lựa chọn hành động cho mình. Con người cũng là một loài động vật. Con người có nhiều lựa chọn để sống và làm. Nhưng lựa chọn hành động và thực hiện hành động của con người luôn có nhân quả. Nếu lựa chọn hành động sai thì sẽ bị quả báo xấu và ngược lại. Vì vậy, suy nghĩ đúng đắn, tích cực sẽ đem lại quả báo tốt. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng có suy nghĩ tốt ngay mà nó được hình thành trong quá trình học tập lâu dài, nên cần có một hình mẫu cho mọi người học theo. Trong đạo Phật, hình mẫu lí tưởng cho phật tử học tập là các bậc Thánh. Thượng tọa khẳng định: “Chúng ta nên biết bậc Thánh nghĩ gì để bắt chước, từ đó từ bỏ dần chất phàm, cái xấu, cái tội lỗi trong con người mình”. Một loài là động vật ở kiếp này vì kiếp trước nó đã lựa chọn những hành động xấu nên kiếp này bị đọa là động vật, bị lập trình theo bản năng xấu mà nó đã làm, không được lựa chọn. Nó cứ như vậy mà sống, mà tạo tội. Nếu có cái phúc nào đó thì nó sẽ trở lại làm người nhưng sẽ mất rất nhiều kiếp để trở lại làm một con người đau khổ. Nếu không còn cái phúc nào thì mãi mãi về sau nó chỉ là thú vật. Thượng tọa nói: “Trong kinh Phật, được làm thân người rất khó vì ta mất thân người là ta bị lập trình đi xuống mãi mãi, không có ngày trở lại. Để được làm một người biết đạo lí, biết tu tập, biết Phật pháp, biết cân nhắc và lựa chọn hành động đúng đắn thì phải tu rất nhiều kiếp mới được”. Theo Thượng tọa định nghĩa, tu là không thỏa mãn với thân phận, tâm hồn của một con người bình thường, mà ta đi tìm một thân phận, một tâm hồn cao hơn ở một bậc Thánh, vượt khỏi thế giới tầm thường này, bước lên cõi Thánh cao siêu. Cả thế giới cũng vậy, khi trí tuệ của con người đã tương đối đầy đủ, khi hoàn cảnh của con người tương đối ổn định thì họ đều mong muốn vượt lên trên trong quá trình tiến hóa của vũ trụ này. Đó là lý do để nhiều tôn giáo khác nhau xuất hiện. Nói về tôn giáo thì nhiều và có những tôn giáo giống nhau và khác nhau, riêng đạo Phật thì khác hẳn. Theo Thượng tọa: “Đạo Phật khác vì đấng tối cao trong đạo Phật phải là một bậc Thánh xuất hiện giữa loài người, được sinh ra giữa loài người với hình hài, thân phận, xác thịt con người, rồi trở thành phi thường và tuyệt đối. Khi ta tôn thờ một đấng cao nhất trong Đạo Phật thì ta biết đó là một thực tế có thật, những gì diễn tả về vị đó được mọi người nhìn thấy, chiêm ngưỡng, quan sát và kể lại, không có chuyện nói đùa. Những lời dạy của vị đó được ghi chép một cách mạch lạc, rõ ràng và được kế thừa. Còn các tôn giáo khác, bậc tối cao không bao giờ xuất hiện giữa đời thường. Những người trong các tôn giáo đó tự tưởng tượng ra các bậc tối cao của mình rồi tô vẽ nó. Sau đó, truyền hình tượng đó từ đời này qua đời khác”. Vì Đấng tối cao trong đạo Phật là một con người, nên đem đến cho ta một hy vọng rằng, ta cũng là một con người như các vị đó. Nếu ta đi theo, bắt chước con đường các vị đó dạy thì ta cũng có thể vượt khỏi thân phận này, để trở nên cao thượng hơn. Đó là niềm hy vọng lớn lao khi ta đến với đạo Phật. Nếu ta bắt chước được cuộc sống, suy nghĩ, hành động của một bậc Thánh tức là ta tiến bộ. Nói về khái niệm bậc Thánh, Thượng tọa định nghĩa: “Thánh là một người có đạo đức tuyệt vời, luôn làm việc có ích cho chúng sinh, không có sự vị kỷ và được mọi người nể phục, ngưỡng mộ”. Trong đạo Phật phân biệt rất rõ ràng đâu là Thánh. Một trong những cơ sở để được công nhận Thánh là cấu trúc tâm. Vì vậy, đạo Phật phân biệt chứng thiền khác chứng Thánh. Và người chứng thiền chưa chắc đã chứng Thánh vì cấu trúc tâm hồn chưa theo công thức mà Phật đã nêu ra. Theo thượng tọa, khi ta hiểu về cấu trúc tâm hồn của một bậc Thánh theo thang của đạo Phật thì nhìn con người ta bớt có tin bậy. Mọi người chưa phải là Thánh thì có thể làm sai, làm điều ác, tuy ta bao dung với tất cả mọi người theo lời Phật dạy nhưng bắt ta tin thì ta không tin. Chỉ khi nào người đó chứng Thánh rồi thì ta mới tin, vì người chứng Thánh rồi có thể phạm sai lầm nhưng không thể phản bội, không thể làm điều ác. Theo định nghĩa của Phật thì Thánh có 4 bậc. Để hiểu một bậc Thánh cao siêu như A La Hán, A Na Hàm thì ta không thể hiểu nổi, tâm ta không đo lường được tâm của các bậc Thánh đó. Nếu nói rằng Thánh nghĩ gì mà ta dám nói bậc A La Hán nghĩ như thế… thì ta mang tội nặng, vì mình suy bụng ta mà ra A La Hán là chết liền, đó là lạm nhận và kiêu mạn. Cho nên, nếu nói bậc Thánh nghĩ gì, dù ta đem hết trí tuệ ra lường thì cũng chỉ cỡ là Tu Đà Hoàn hay Tư Đà Hàm là hết thôi, chứ cao hơn thì không dám nghĩ tới, các Ngài cao siêu lắm, ta không hiểu nổi và nhiều khi hiểu lầm nữa. Muốn hiểu Thánh thì ta phải dựa vào thang của 4 mức độ mà Phật định nghĩa để kính ngưỡng các Ngài và lấy đó làm tấm gương cho mình. Đạo Phật định nghĩa rõ ràng bốn thang của bậc Thánh:Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và mỗi bậc Thánh có cấu trúc tâm hồn cũng được định nghĩa chuẩn xác. Cho nên đạo Phật rất khoa học là vậy. Theo Thượng tọa, hôm nay ta không định nghĩa cấu trúc tâm hồn của một bậc Thánh, vì như vậy ta phải mất mỗi vị vài năm mới hết, trọng tâm ta chỉ tìm hiểu bậc Thánh nghĩ gì để đối chiếu với tâm hồn mình có giống như vậy hay không, nếu tâm mình có chút giống như thế thì phải hiểu rằng mình có chút Thánh ở trong tâm, nghĩa là mình có tu nhiều kiếp rồi đấy. Những kiếp xưa mình có tu tập được một phần nào, cho nên bây giờ mình mới có những suy nghĩ này. Và tùy mỗi hoàn cảnh, Thượng tọa chỉ ra những suy nghĩ khác nhau của bậc Thánh. Hoàn cảnh đầu tiên là khi gặp nghịch cảnh, khác với người phàm, suy nghĩ đầu tiên của bậc Thánh là rất thích nghịch cảnh vì Ngài nghĩ đó là cơ hội để mình tu hành, nhẫn nhục, phụng sự và cống hiến. Nhờ có nghịch cảnh mà Ngài tập kiềm chế, giữ tâm mình trong an vui, trong tha thứ, trong thương yêu. Thứ nữa, khi gặp nghịch cảnh bậcThánh nghĩ rằng, hôm nay mình mới biết cái nghịch cảnh này, nghịch cảnh mà rất nhiều chúng sinh đã phải chịu đựng. Bậc Thánh nhận ra rằng chúng sinh khi bị như vậy thì đau khổ, nhất là khi có nghịch cảnh thì càng đau khổ nhiều hơn. Lúc này, Thánh suy nghĩ là mong đừng có ai khổ như mình. Mỗi khi trong hoạn nạn, khổ đau, bậc Thánh lại nghĩ tới chúng sinh. Ngược lại, khi gặp may mắn, thành công. Trong hoàn cảnh này, bậc Thánh cũng nghĩ đến chúng sinh, và Thượng tọa dùng nhiều ví dụ chứng minh cho thấy, nếu có nhiều tiền, bậc Thánh nghĩ tiêu số tiền này làm sao để có lợi cho nhiều người. Nếu bậc Thánh lên chức cao thì bậc Thánh nghĩ rằng trách nhiệm của mình với đời rất nhiều, mong sao đừng phạm sai lầm trong bất cứ công việc nào, mà tận dụng cơ hội để lo cho nước, cho dân, tức không thấy vinh quang mà lại thấy trách nặng nề từ cái chức ấy. Nói chung, bậc Thánh khi may mắn thì lại nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình. Còn ta khi được may mắn thì tự hào, sung sướng, hưởng thụ cái may mắn đó. Hai tâm đó khác nhau nên ta là phàm là vậy. Do đó khi hiểu được điều này, ta phải bắt chước các bậc Thánh, mỗi khi được may mắn thì ta nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình. Đó là ta đã có suy nghĩ của bậc Thánh. Hoàn cảnh khác là bậc Thánh cấp thấp đôi khi cũng mắc lỗi. Bậc Thánh không làm điều ác, không phản bội nhưng vẫn có thể mắc lỗi. Khi mắc lỗi, đầu tiên bậc Thánh tìm nguyên nhân và đổ thừa lỗi đó do mình nhưng không đau khổ, không hối hận. Sau đó, bậc Thánh quyết tâm không phạm lỗi nữa. Kẻ ác và bậc Thánh trên hình thức khi phạm lỗi đều không hối hận nhưng hai cái không hối hận đó không giống nhau. Cái không hối hận của kẻ ác vì họ không biết tội phước, lì lợm, ngang tàng. Còn cái không hối hận của một bậc Thánh bởi vì quyết không bao giờ phạm lại lỗi. Rồi hàng loạt những hoàn cảnh khác nữa như: Khi bậc Thánh thấy người mắc lỗi, thấy người có tài, thấy người kém dở thì đầu tiên Thánh nghĩ gì; hoặc tại sao nói một bậc Thánh thì luôn luôn khiêm hạ; hoặc khi bậc Thánh chịu ơn của ai thì Ngài cũng rất biết ơn và quyết tâm trả ơn nhưng cách trả ơn của Ngài không giống như người phàm phu mà rất trí tuệ; hoặc trong lúc rảnh rang hay khi bận rộn bậc Thánh xử lý thời gian thế nào; đồng thời tận dụng rốt ráo việc tu ra sao… Tất cả những điều trên đều được Thượng tọa phân tích tỉ mỉ, để từ đó xây dựng một lối “Sống đẹp” cho mọi người và cho xã hội, thông qua việc cải hóa con người phàm phu trở nên bậc thanh cao hướng thượng. Ngoài việc chỉ ra những suy nghĩ của bậc Thánh trong các hoàn cảnh, Thượng tọa còn điểm qua những điều mà bậc Thánh thấy trong những hoàn cảnh đó. Theo Thượng tọa, “Cái nhìn của một bậc Thánh thấu suốt từ quá khứ đến tương lai. Ngài nhìn trên nhân quả, qua nhiều kiếp. Cái nhìn của Ngài rất rộng, rất thoáng. Ngài nhìn không phải để ghét bỏ mà để yêu thương nên cái nhìn rất bao dung. Ngài có thể nhìn thấy mọi nguyên nhân của sự khổ đau hay vui sướng”. Đặc biệt, Thượng tọa còn nêu ra năm đặc điểm của các vị Thánh, cụ thể là: Thứ nhất, bậc Thánh rất kỹ tính, không thích có sự sơ xuất nhưng Ngài cũng rất khoan dung. Ngài nhìn ra cái lỗi của người khác nhưng cũng biết cách nhắc nhở khéo léo, làm sao người đó nhận ra lỗi của mình để sửa cho tốt lên. Thứ hai, bậc Thánh biết tôn trọng nghệ thuật, tôn trọng cái hay cái đẹp của cuộc đời nhưng không nghiện, không chấp, không cầu kì hay đỏi hỏi dù biết biết đó là âm thanh hay, nét vẽ đẹp. Thứ ba, bậc Thánh là người tôn trọng các kiến thức khoa học và không có sự phản bác, nhưng không dừng lại ở đó mà Ngài đi tìm một điều cao siêu hơn là sự giác ngộ phi thường. Nơi sự giác ngộ phi thường đó, mọi kiến thức vũ trụ đều nằm trong bàn tay. Thứ tư, bậc Thánh yêu và mê thiền định nhất, vì đây là yếu tố chủ não, là phương pháp để Ngài đi tìm sự giác ngộ. Thứ năm, bậc Thánh luôn nghĩ mình không quan trọng bằng người khác. Trách nhiệm quan trọng nhất của Ngài là giữ gìn đạo tâm, lí tưởng tu hành cho mọi người. Bậc Thánh lo nhất là chúng sinh mất đạo tâm để rồi mất luôn con đường đi về nơi cao thượng. Vì vậy, ai phá đạo tâm của người khác, là cực ác. Ta kính phục bậc Thánh, vì cả đời Ngài chỉ lo giữ gìn đạo tâm cho người khác, để mọi người không bị lung lay, lúc nào cũng giữ được niềm tin, giữ được lý tường tu hành. Cuối cùng, Thượng tọa kết luận rằng thực sự trong mọi hoàn cảnh, “Bậc Thánh chẳng nghĩ gì cả”. kết luận này dường như phủ định mọi lời Thượng tọa đã nói ở trên nhưng thực sự nó lại là sự bổ sung cho phần lí thuyết trước đó. Bậc Thánh trong mọi hoàn cảnh đều luôn nghĩ đến người khác đầu tiên, luôn muốn dành những điều tốt đẹp cho người khác mà không nghĩ gì cho bản thân mình. Ngài luôn khiêm tốn, nhận cái thiệt thòi về mình và bao dung với tất cả mọi người. Những phẩm chất đáng quý của Ngài chính là mục tiêu phấn đấu trong quá trình tu tập của chúng ta. Tuy khó khăn và lâu dài nhưng không phải là không làm được. Với tầm nhìn sâu rộng, bài Pháp thoại của Thượng tọa đã giúp các phật tử xác định được một mục tiêu phấn đấu cho quá trình tu tập của mình, đó là đi trên đại lộ công hạnh của các bậc Thánh. Đồng thời Người cũng tiếp thêm động lực cho các phật tử phấn đấu, kiên trì với con đường mình chọn. Thánh là một bậc cao siêu nhưng cũng rất gần gũi với con người, bởi những cung bậc lan toả của nó. Vì vậy, học tập theo những gì bậc Thánh nghĩ không phải là không thể thực hiện. Đạo lực phát triển từ công phu tu hành của chính chúng ta. Theo Thượng tọa, chỉ cần mọi người cố gắng thì ai cũng có thể là một bậc Thánh giữa cuộc đời này./.
Tâm Trụ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |