Chi tiết tin tức

PHẬT GIÁO NAM ĐỊNH: Phối hợp chặt chẽ các hoạt động Phật sự

21:13:00 - 17/04/2017
(PGNĐ) -  Nam Định là địa danh ghi nhiều dấu ấn vàng son trong lịch sử nước nhà, là tỉnh có bề dày truyền thống - nơi địa linh nhân kiệt đã sản sinh ra nhiều danh nhân của đất nước. Đặc biệt đây là quê hương của  vương triều  nhà Trần, trong đó có Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một thiền phái mang đặc thù bản sắc dân tộc của Phật giáo Việt Nam. 

 

nd5.jpg
BTS GHPGVN tỉnh Nam Định họp chuẩn bị Đại hội lần thứ IX - Ảnh do VP BTS cung cấp


Trong những năm qua, Phật giáo tỉnh Nam Định đã có những bước phát triển rõ rệt về tổ chức cũng như hoạt động, từng cơ sở tự viện đã và đang có những bước vươn lên trong xu thế chung. Trên bước đường hoằng pháp lợi sinh, mạng mạch của Phật pháp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, lấy sứ mạng “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” làm đầu, coi đây là nhiệm vụ tiên phong đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, góp phần với xã hội, đem lại sự an lạc cho con người.

Phát huy truyền thống “hộ quốc an dân” trong thời kỳ mới, GHPGVN tỉnh Nam Định luôn bám sát phương châm mà Trung ương Giáo hội đề ra là: “Kế thừa - Ổn định - Phát triển”, để vận dụng vào điều kiện thực tế ở một tỉnh có đông Tăng Ni, tín đồ Phật tử và có lịch sử Phật giáo du nhập, phát triển sớm nhất khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Với tinh thần nhập thế, Tăng Ni, Phật tử luôn tinh tấn hoạt động Phật sự trong các lĩnh vực, trên tinh thần việc phát huy đạo nghiệp đồng nghĩa với việc xây dựng và phát triển đất nước; dù ở bất cứ lĩnh vực nào trong xã hội cũng luôn làm tốt nghĩa vụ của mình, sống tốt đạo đẹp đời, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. 

Nghị quyết Đại hội VII của GHPGVN tỉnh đã chuyển hóa thành mục tiêu chiến lược, hoạt động Phật sự nhiệm kỳ qua đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Với sự quan tâm hỗ trợ nhiệt tình của các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương, sự đồng tình ủng hộ của Tăng Ni, Phật tử, tất cả đã góp phần thành tựu công tác Phật sự.

Theo thống kê của Ban Trị sự, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 842 ngôi chùa; trong đó có 36 cơ sở tự viện được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 69 cơ sở tự viện được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. 575 ngôi chùa đã có Tăng Ni trụ trì và 27 ngôi chùa có Tăng Ni kiêm trụ trì. Toàn tỉnh có 798 vị Tăng Ni đang tu học và hoạt động Phật sự. Hiện nay còn 240 cơ sở tự viện chưa đăng ký sinh hoạt Giáo hội và chưa có Tăng Ni trụ trì. 

Nhiệm kỳ qua Ban Trị sự cũng đã căn cứ vào tình hình thực tế và “Đơn thỉnh Sư trụ trì” của các địa phương, tiếp nhận hồ sơ và ra quyết định bổ nhiệm cho 41 vị về trụ trì và kiêm trụ trì các chùa trong tỉnh, nhằm ổn định tổ chức sinh hoạt tín ngưỡng cho đồng bào Phật tử. Bên cạnh đó, Giáo hội tỉnh cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ, tiếp nhận các vị Tăng Ni từ tỉnh ngoài về địa phương sinh hoạt Phật sự trong tỉnh theo đúng quy định của Giáo hội và pháp luật hiện hành.

Là địa phương có bề dày về truyền thống Phật giáo nên việc an cư kiết hạ được xác định là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi vị Tăng Ni. Cả tỉnh có 5 trường hạ dưới sự chỉ đạo hướng dẫn trực tiếp của T.Ư GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cùng các cấp lãnh đạo, Ban Trị sự các huyện đã hướng dẫn Tăng Ni về trường an cư kiết hạ duy trì nền nếp, quy củ thiền gia. Số lượng hành giả đi an cư hàng năm đạt từ 65-70%. Các thời khóa tụng niệm và học tập Kinh-Luật-Luận đều theo nền nếp của chư Tổ và môn phong các tổ đình lớn. Các trường hạ đều thực hiện nghiêm túc việc tổ chức như: thỉnh cử thành lập Ban Chức sự, Ban Giảng huấn, thời khóa biểu tu học, tổ chức thực tập thuyết giảng… Chương trình sinh hoạt của trường hạ tương đối phong phú, Ban Giảng huấn đã tổ chức giảng dạy chuyên sâu về nội dung Kinh-Luật-Luận.

Công tác đào tạo Tăng Ni được đánh dấu bằng sự hoạt động giảng dạy của Trường TCPH. Trường TCPH khóa VI (2014-2018) hiện nay có 160 Tăng Ni sinh đang tu học,  kết quả học tập tương đối đồng đều, thời khóa duy trì đều đặn. Hiện có một đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy các môn học chuyên sâu, đảm bảo kiến thức Phật học cho Tăng Ni sinh theo học. Ngoài ra, công tác đào tạo các cấp cao hơn cũng được Ban Trị sự lưu tâm. Nhiều Tăng Ni theo học các cấp học tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… ở các Học viện Phật giáo, các trường thế học. 

Hiện nay Ban Trị sự đã tiến cử một số vị Tăng Ni có đủ năng lực, trình độ theo học một số trường đại học ngoài xã hội, để đáp ứng nhu cầu kiến thức thế học nhằm duy trì đạo nghiệp, hoằng pháp lợi sinh trong thời kỳ mới.

Xác định “Hoằng pháp lợi sinh” là mục đích cao cả của người con Phật, vì thế Tăng Ni trong tỉnh luôn cố gắng tu tập hành trì, giáo hóa chúng sanh trên con đường giải thoát. Trong thời gian qua, nội dung triển khai đến các Phật tử đều được cụ thể hóa và gắn liền với mỗi cơ sở tự viện của Giáo hội. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Tăng Ni, đồng bào Phật tử ngày một đi vào nền nếp và quy củ. Ban Trị sự cũng điều phối các thành viên Giảng sư đoàn của tỉnh đi thuyết giảng vào các ngày lễ lớn tại các đạo tràng, các lớp giáo lý và các tự viện có nhu cầu. Giảng sư đoàn phụ trách thuyết giảng Phật pháp tại 51 đạo tràng Bát quan trai, 20 lớp giáo lý. 

Năm 2014 và 2016, với mục đích nâng cao khả năng chuyên môn và kỹ năng hoằng pháp, Ban Trị sự đã phối hợp với Ban Hoằng pháp tổ chức cho Tăng Ni  tham gia Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hoằng pháp do T.Ư GHPGVN tổ chức tại Thái Nguyên, Vũng Tàu.

nd2.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nam Định thăm BTS nhân Đại lễ Phật đản - Ảnh do VP BTS cung cấp

Việc duy trì giảng dạy các lớp giáo lý cho thanh thiếu niên Phật tử và tu Bát quan trai tại địa phương tương đối đồng đều, cư sĩ Phật tử có điều kiện tu tập hơn. Các đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng tu thiền, đạo tràng Niệm Phật, Câu lạc bộ Thanh Thiếu nhi Phật tử… vẫn được duy trì ở các cơ sở tự viện. Trong đó, điển hình như các chốn tổ đình tự viện: chùa Ỏn, chùa Vọng, chùa Linh Ứng, chùa Diêm Điền, chùa Ninh Xá Hạ, chùa Bình Điền..., Phật tử các chùa đã tổ chức đạo tràng sinh hoạt định kỳ thường xuyên tại các tổ đình, tự viện do quý thầy trụ trì hướng dẫn với các nội dung gồm có tụng kinh, niệm Phật, tu thiền, học giáo lý... Ban Hướng dẫn Phật tử đã kết hợp với Ban Hoằng pháp, Ban Từ thiện xã hội thực hiện công tác Phật sự như: Thuyết giảng giáo lý, hướng dẫn Phật tử tu học, phát quà từ thiện, khám phát thuốc miễn phí, xe lăn cho đồng bào nghèo, xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học v.v… 

Ngoài ra, Tăng Ni Phật tử luôn tích cực tham gia công tác từ thiện như: quỹ Khuyến học, quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ Vì người nghèo, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Vì biển đảo, quỹ Trẻ em mồ côi tàn tật, ủng hộ những địa phương bị thiên tai lũ lụt, xây dựng nhà đại đoàn kết, các chương trình từ thiện… với tổng số tiền gần 50 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, TT.Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định cho biết: Nhìn chung các hoạt động Phật sự tại tỉnh nhà đều phát triển ổn định. Để có được như vậy là nhờ ở sự lãnh đạo nghiêm khắc và nhất quán của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự. Các ban ngành của Ban Trị sự đều phải phối hợp một cách chặt chẽ và đồng bộ. Bên cạnh đó, Phật giáo Nam Định có một lợi thế so với một số tỉnh khác là có số lượng Tăng Ni lớn, độ tuổi lại trẻ nên các hoạt động Phật sự tương đối năng nổ và tích cực. Nhờ vậy nghị quyết của Thường trực Ban Trị sự đưa ra đều được Tăng Ni toàn tỉnh nhất tâm thực hiện. 

Sự giúp đỡ quan tâm của các cấp chính quyền địa phương cũng là nhân tố giúp các Phật sự của Ban Trị sự các cấp được thành tựu viên mãn. Đó là sự tin tưởng của chính quyền vào Giáo hội tỉnh và Tăng Ni. Tuy nhiên, ở mặt nào đó, nhiệm kỳ qua cũng còn tồn đọng một số việc chưa làm được mà nhiệm kỳ VIII phải cố gắng thực hiện. Trong đó việc quy hoạch Tăng Ni kế thừa là nhiệm vụ quan trọng, để giữ vững sự phát triển ổn định hiện nay của toàn Ban Trị sự. Việc đó thể hiện sự thành công phần nào về cơ cấu nhân sự của Đại hội Phật giáo các huyện vừa hoàn tất trong năm 2016 vừa qua. Sự kế thừa này sẽ giúp Phật giáo Nam Định ổn định và phát triển hơn.

Pháp Đăng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin