Chi tiết tin tức

Nam Định: Chùa Vọng Cung tổ chức đàn giới Tam quy, Ngũ giới và Bồ tát giới

10:15:00 - 27/05/2019
(PGNĐ) -  Từ ngày 25-26/5, chùa Vọng Cung, thành phố Nam Định, đã tổ chức đàn giới trao truyền giới Bồ tát, Ngũ giới và Tam quy cho gần 1.000 Phật tử, thiện nam và tín nữ.

Chứng minh và trao truyền giới do TT. Thích Thanh Lợi, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Nam Định, Trụ trì chùa Vọng Cung và sự tham dự của gần 1.000 giới tử.

TT. Thích Thanh Lợi truyền giới

Tại buổi lễ TT. Thích Thanh Lợi đã chi sẻ về ý nghĩa của các phẩm giới Tam quy, Ngũ giới và Bồ tát giới.

Quy là trở về, Y là nương tựa. Tam Bảo là ba ngôi quý giá: Phật, Pháp và Tăng. Quy y tam bảo là trở về nương tựa Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

Quy y là một quyết định tích cực, mở ra hướng đi hiền thiện, an lạc trong cuộc đời. Quy y không có nghĩa là chúng ta ném mình ra khỏi xã hội, trái lại nó giúp ta học cách sống cuộc sống hữu ích hơn và tạo ra một xã hội tích cực hơn. Chúng ta quy y là để phát triển con đường tâm linh của mình để có khả năng giúp đỡ tốt hơn cho tha nhân. Chúng ta bước vào con đường Phật giáo để vừa phát triển tự thân, vừa học cách giúp ích cho mọi người. Quy y đúng hơn là một quyết định học hỏi, tìm hiểu mọi thứ tồn tại như thế nào thông qua những nguyên lý của Phật giáo.

Các giới tử lắng nghe ý nghĩa của Tam quy, Ngũ giới và Bồ tát giới

Quy y thực chất là phát những lời thệ nguyện, trong đó có thệ nguyện giữ năm giới là những giới căn bản tối thiểu nhất cho người Phật tử tại gia gồm không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng những chất làm say và gây nghiện. Mục đích Đức Phật chế giới luật để giúp cho hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia ngăn ngừa các hành động xấu ác, làm mọi điều thiện để có được cuộc sống an vui lợi lạc. Nếu không hiểu ý nghĩa của giới luật, xem giới luật là sự ràng buộc hay vì lòng hiếu kỳ mà thụ giới thì đó là điều sai lầm. Bản chất của giới luật là đạo đức, kính trọng người giữ giới là kính trọng đạo đức. Giới là nếp sống thanh tịnh, là nền tảng của sự giác ngộ giải thoát. Do vậy, người học Phật đầu tiên phải học giới luật để cho mọi hành động trong cuộc sống của chúng ta đúng theo lời Phật dạy. Nếu đã thụ giới rồi, hành vi ngang ngược trái với đạo lý, vô tình làm mọi người xem thường bản thân mình, chẳng những không giúp ta thoát khổ đau trong hiện tại và tương lai mà còn mang nhiều lỗi lầm thật đáng tiếc.

Năm giới trong Phật giáo được thiết lập dựa trên nguyên lý lấy mình làm tiêu chuẩn để quyết định hành động như thế nào trong mối quan hệ với tha nhân. Nguyên lý này được diễn tả bằng cụm từ: “xem mình như người khác và người khác như mình”. 

Xuất phát từ nhận thức bằng kinh nghiệm tự thân ấy, chúng ta tự động nguyện không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dói, không dùng các chất làm say gây nghiện. Từ đây năm giới không còn được ngộ nhận như những điều ràng buộc, cấm đoán mất tự do nữa mà chính là giềng mối của đạo đức, của nếp sống an lạc giải thoát.

Giới Bồ Tát vốn là giới “Đạo Tục Thông hành” (người xuất gia và tại gia cùng thọ như nhau).

Thụ Bồ Tát giới là đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, thương chúng sinh chìm nổi trong sinh tử tạo vô lượng ác nghiệp, thụ vô lượng tội báo mà xả thân cứu độ. Đây là chính nhân tu học để thành Phật đạo. Phát bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo là công đức và phúc báu to lớn nhất. Lấy đại bi tâm làm chủ, lấy bồ đề tâm dẫn đạo, thực hiện lý tưởng Đại thừa là điểm then chốt của người học Phật cần khắc cốt ghi tâm.

Tuy cuộc sống thế tục còn bị ràng buộc gia đình, công việc làm ăn và giao tế xã hội, v.v.. , cũng nên nhận thức cuộc đời là huyễn mộng, phát Bồ Đề tâm thụ giới pháp của Phật để cầu giải thoát khổ đau cho mình và mọi người. Từ đó gặt hái được giá trị thiết thực của Pháp vị, để thăng hoa đời sống con người.

 

Tin: Điều Ngự Tử - Ảnh: Ngọc Ánh và Đức Vinh

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin